THÓI QUEN TRỄ GIỜ (Huỳnh Quốc Bình)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhiều người Việt Nam rất đúng giờ cho những trường hợp quan trọng liên quan đến quyền lợi riêng tư của mình.

Nhiều người Việt Nam than phiền về tình trạng trễ giờ của “phe ta”, nhưng ngay những người than phiền về điều này cũng không tránh khỏi thói quen mà chính họ không ưa. Người viết cho rằng, trễ giờ là một thói quen không ích lợi, cần phải bỏ đi. Nhiều bằng chứng cho thấy, những ai thường trễ giờ, hay trễ hẹn là vì do tánh lè phè hoặc họ muốn như thế, chứ không do hoàn cảnh khiến họ phải trễ giờ. Khi cần, người Việt Nam rất đúng giờ. Ít ai thấy người Việt Nam đến muộn trong những vụ hẹn hò có tính cách ảnh hưởng đến “nồi cơm” của họ, hay những gì họ đang mong chờ.

Tôi nghĩ, người bản xứ cũng biết cái “bệnh trễ giờ”, hay thói quen trễ giờ của người Á đông hoặc người Việt Nam chúng ta. Có một thành ngữ bằng tiếng Anh, “Better late than never, but never late is better”. Tạm dịch: Trễ giờ vẫn còn tốt hơn không bao giờ, nhưng không bao giờ trễ giờ vẫn tốt hơn trễ giờ.

Trong những cuộc hẹn hò giữa đôi tình nhân, người trễ giờ không cảm thấy lâu, nhưng người chờ đợi thấy thời gian nó dài lắm. Thi Sĩ Hồ Dzếnh có mấy câu thơ cho vụ hẹn hò:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân.
Trên tay anh điếu thuốc cháy lụi dần.
Anh khẻ bảo: gớm, sao mà nhớ thế.

Đó là sự trễ giờ giữa đôi trai gái yêu nhau, và sự trễ hẹn đó không sao; có khi còn là chuyện hay hay, nhưng trong sinh hoạt của con người, tình trạng trễ giờ cần phải được xem lại. Sự trễ giờ thật sự đã tạo thêm nhiều rắc rối cho nhau; có khi là những hệ lụy khôn lường. Trong những cuộc vượt biên tìm tự do, người đến điểm hẹn không đúng lúc, đã bị bỏ lại. Có người phải mất hằng chục năm mới gặp lại người thân, hoặc họ chẳng bao giờ gặp nhau sau lần trễ hẹn đó.

Trong truyện cổ tích Việt Nam có một vụ trễ giờ đến “mất dịp cưới vợ đẹp”, đó là truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh”. Thủy Tinh để cho Công Chúa Mỵ Nương lọt về tay của Sơn Tinh chỉ vì mang lễ vật đến nhà gái trễ giờ.

Tại hải ngoại, sự trễ giờ một cách triền miên của người Việt Nam đã làm mất thì giờ của nhau một cách vô lý trong những tiệc cưới hay những buổi hội họp. Vì thế, có người đặt câu vè để trêu chọc về sự trễ giờ của “phe ta” rằng: “Không ăn đậu, không phải Mễ. Không đi trễ không phải Việt Nam.”

Có lần tôi tổ chức tiệc vui trong ngày “Tết Nguyên Đán” tại Salem, Oregon, nơi tôi khởi đầu mục vụ rao giảng về sự cứu rỗi của Chúa vào cuối thập niên 90. Trong bữa tiệc đó, có khoảng 30% quan khách là người bản xứ. Vì biết rõ “cái tật của phe ta” nên trong thư mời, tôi ghi giờ mời người Mỹ trễ hơn người Việt Nam một tiếng đồng hồ. Dù đã ghi trong thiệp như thế, tôi vẫn chưa an tâm. Gần đến ngày tổ chức, tôi đích thân gọi từng gia đình Việt Nam. Tôi xin họ cố gắng đến đúng giờ để ban tổ chức khỏi phải áy náy với người bản xứ. Vì thấy tôi “năn nỉ” tha thiết quá nên có khoảng 40% khách Việt Nam đến trước giờ khai mạc khoảng 15-30 phút, và 60% còn lại đến rất đúng giờ. Rốt cuộc, tất cả người bản xứ đều đến buổi tổ chức sau người Việt Nam. Lần chờ đợi đó, phe ta vui lắm, vì đó là lần đầu tiên “bất chiến tự nhiên thành”.

Như đã nói, nhiều người Việt Nam than phiền về tình trạng trễ giờ của những người Việt Nam khác, nhưng tại sao nhiều người Việt Nam vẫn cứ trễ giờ? Thực tế, người Việt Nam rất đúng giờ, có khi còn đến sớm cả giờ để ngồi chờ trong những trường hợp sau đây: Hẹn thi quốc tịch hay tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ. Ra phi trường đón người yêu hay đón vợ từ Việt Nam mới sang. Hẹn phỏng vấn cho công việc làm. Hẹn phỏng vấn xin tiền trợ cấp xã hội v.v…

Nếu vì thiếu giờ nên chúng ta trễ giờ, không nói chi, nhưng còn dư thừa thì giờ mà cũng trễ một cách triền miên, dứt khoát chúng ta phải tìm cách thay đổi. Nhiều trường hợp cho thấy, không ít người bị tai nạn xe cộ chỉ vì hối hả trong lúc lái xe. Có những trường hợp người ta gây ra hoả hoạn chỉ vì vội ra khỏi nhà, nên quên kiểm soát điện đài hoặc không nhớ tắt đèn, lò sưởi, hoặc tắt bếp.

Trở lại câu hỏi tại sao người Việt Nam hay trễ giờ? Xin thưa, tại vì người Việt Nam muốn trễ giờ trong các tiệc cưới hay sinh hoạt trong cộng đồng. Người viết từng thăm dò về tình trạng này. Hầu hết ai cũng nghĩ: Mình có đến trước cũng phải chờ người khác, tại sao mình phải đúng giờ? Mặt khác, thì giờ dự trù ra khỏi nhà để đến điểm hẹn quá khít khao nên luôn luôn trễ.

Xin phép quý độc giả cho tôi được bày tỏ đôi điều với những người có đức tin vào Thiên Chúa giống như tôi: Nếu là con dân Chúa, chúng ta đi chơi, tham dự những buổi tổ chức trong cộng đồng, và các tiệc cưới hỏi trễ giờ đã đành, mà đến đến Nhà Thờ hay Thánh Đường để thờ phượng Chúa cũng trễ giờ là sao?

Khoảng năm 1996, gia đình tôi từng thờ phượng Chúa và sinh hoạt với một Nhà Thờ Tin Lành tại Portland, Oregon. Tôi chứng kiến, có một số người luôn đến nhà thờ trễ giờ. Họ thường xuyên đến trễ cả nửa tiếng. Có khi họ bước vào nhà thờ là lúc ông mục sư đang giảng luận. Đáng lẽ họ phải giữ im lặng và tìm cho mình một chỗ ngồi, họ lại đi chậm chậm, tà tà như không chuyện gì xảy ra. Chưa hết, có người còn ung dung tấp bên này bắt tay người này, tấp qua bên nọ bắt tay hay chào hỏi người kia thật lớn tiếng, khiến người giảng luận và người nghe giảng luận cũng phải giật mình.

Thử hỏi, là con dân Chúa, chúng ta có một cuộc hẹn với thị trưởng thành phố hay thống đốc tiểu bang, chúng ta có dám trễ giờ không? Vậy mà hằng tuần đến nhà thờ ra mắt Chúa, chúng ta luôn luôn hay thường trễ giờ là sao? Nếu chúng ta thật sự mong đợi và vui mừng cho việc chờ đến ngày Chúa Nhật để được cùng mọi người nhóm họp thờ phượng Chúa, khó cho chúng ta trễ giờ lắm.

Tôi thấy trong các mùa lễ lớn tại Hoa Kỳ, có người vì muốn mua cho bằng được hàng hoá “on sales” nên phải đến trước các cửa tiệm xếp hàng cả giờ. Có người đến trước các trung tâm mua bán, dựng lều để chờ sáng sớm vào trước, hầu có thể mua được món hàng giá rẻ. Vậy mà, khi cần đúng giờ cho những việc quan trọng hay ý nghĩa khác, họ lại không quan tâm. Nói chung, tất cả sự trễ nải là do chúng ta tạo ra mà thôi. Trước khi kết luận bài viết “dễ mích lòng” này, tôi xin kể câu chuyện về sự “trễ giờ” của tôi.

Khoảng năm 1998, tôi tham dự một buổi nói chuyện và giải đáp thắc mắc về chương trình “cải cách an sinh xã hội” (welfare reform) của chính phủ Mỹ tại Portland, Oregon, do Hội Người Việt Cao Niên tổ chức. Thuyết trình viên là một cựu Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị Việt Nam Cộng Hòa. Ông là tín hữu Tin Lành, làm việc trong sở an sinh xã hội. Buổi thuyết trình của ông nhằm mục đích giúp “phe ta” biết rõ những quyền lợi của mình. Đó là những điều mà lúc bấy giờ ai đang hưởng trợ cấp xã hội đều rất muốn nghe ông giải thích. Tôi nhớ là mình đã đến địa điểm tổ chức trước giờ khai mạc ít nhất 30-45 phút vì đây cũng là thói quen của tôi.

Nhân tiện tôi cũng xin nói rõ: Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi thường cố gắng đến trước giờ tổ chức để quan sát tình hình, tạo dịp tâm tình, và xã giao với đồng hương mình. Lần đó, tôi đến địa điểm vừa đậu xe xong, bước ra khỏi xe tôi gặp ngay một vài đồng hương Việt Nam gồm những vị rất cảm tình và luôn ủng hộ các việc làm của tôi. Các vị ấy đã giữ tôi lại và hỏi han nhiều vấn đề, từ chuyện cộng đồng cho đến chuyện cá nhân. Khoảng mười, mười lăm phút chuyện trò với nhau, tôi mới nói với các vị ấy rằng: Chúng ta cũng nên vào trong cho ấm hơn và để tiếp tay với ban tổ chức nếu họ có điều gì cần giúp. Khi chúng tôi bước vào hội trường, tôi mới “té ngửa” bởi vì mình lại trở thành kẻ “trễ giờ” so với hằng trăm người ngồi chật ních trong hội trường.

Lần đó, tôi nhìn thấy những khuôn mặt thật xa lạ, những người tôi từng quen biết trong sinh hoạt cộng đồng, và tôn giáo. Trong số đó, có những người từng hùng hồn tuyên bố “không thích chuyện chính trị”, những ông bà rất kỵ đám đông, và ngay cả những thành phần không bao giờ tham dự những buổi tổ chức về văn hóa, giáo dục, hoặc ái hữu vì ngại “dính dấp đến chuyện chính trị”. Họ quá đúng giờ, nếu không muốn nói là họ đã đến quá sớm và đến thật đông bởi vì buổi nói chuyện đó thật sự có liên quan đến “nồi cơm” của họ. Họ không muốn nồi cơm của họ bị bể nên phải tới sớm cho chắc ăn. Tôi không nói điều này tốt hay xấu, nhưng tôi chỉ muốn nói, trễ giờ hay đúng giờ đều cho chúng ta quyết định cả. Tôi cũng từng trễ giờ, và nếu tôi phải đến trễ, tôi cố tìm cách thông báo cho ban tổ chức biết để họ hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Tôi càng ý thức rằng, không thể chỉ vì sự trễ nải của tôi mà tôi lại làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều người khác.

Khi khởi sự viết về đề tài này hay nói chuyện về đề tài này, tôi cũng có cân nhắc cẩn thận. Tôi ý thức rằng, làm chuyện này giống như thể người đầu bếp đãi “một món ăn” tuy dễ nhai nhưng khó nuốt, hoặc y như mình tình nguyện bước chân vào ổ kiến lửa bởi vì nó không dễ dàng được người khác chấp nhận hay có cảm tình với mình. Thôi, xin phép cho tôi được kết thúc bài viết.

Kết luận
Luật pháp trong xã hội chắc không đó điều khoảng nào buộc tội người “trễ giờ”, nhưng sự trễ giờ thường tạo ra nhiều điều bất lợi cho chính người đó và những người chung quanh. Ai không tin, cứ thử đến trễ trong vụ hẹn thi quốc tịch Mỹ, tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ, cần phải có mặt trong một phiên tòa, hoặc cuộc phỏng vấn tìm việc làm thì biết.

Thiết nghĩ, chúng ta đừng nên trễ giờ trong các sinh hoạt chung và cũng đừng nên trễ nải trong đức tin nếu người đó đang tìm kiếm một nơi vĩnh cửu cho linh hồn sau khi lìa trần. Ý tôi muốn nói là đừng trễ nải trong việc quyết định tiếp nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, giống như tôi từng đề cập nhiều lần trong các bài giảng luận của tôi: https://huynhquocbinh.net/category/doi-song-an-binh/

Đừng chờ ngày mai vì ngày mai có khi không đến với chúng ta. Chỉ cần một trận động đất, một đợt sóng thần, một tai nạn, hoặc một cơn bệnh, chúng ta sẽ không còn cơ hội để đạt được những gì đáng lẽ chúng ta phải có khi còn hơi thở. Chúng ta có thể chậm trễ điều gì chứ việc chung, công việc Chúa, và vấn đề đức tin cho linh hồn mình, chớ nên trễ nải.

Huỳnh Quốc Bình
Viết Tháng 12, năm 2014. Hiệu đính ngày 14 Tháng 7, năm 2022
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com