Nhà văn TRẦN VIỆT HẢI ở Los Angeles đã nhận được thư hỏi của bạn Quách Vi ở thành phố Los Angeles và đã chuyển thư đó đến cho chúng tôi. Những câu hỏi của bạn trẻ Quách Vi thật thú vị, hay và lạ, phản ảnh sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam ngày nay đối với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thú vị bởi các bạn trẻ đa số theo cha mẹ di tản sang Mỹ từ thuở còn rất nhỏ, hoặc sinh ra và lớn lên trên xứ người, nhưng các bạn vẫn tìm kiếm những sự thật về cội nguồn của mình, trong đó có những Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từng một thời anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước và dân tộc, mà chắc rằng gia đình, ông bà, cha mẹ của các bạn trẻ đã thụ nhận công lao và ân nghĩa máu xương ấy của các anh.
Sự hiện hữu của gần ba triệu người Việt, trong đó có thành phần thế hệ trẻ Việt Nam trên những đất nước tự do toàn thế giới : Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Nhật,… sau ba mươi mốt năm không phải là một sự đương nhiên, mà chính là do sự tận lực chiến đấu đến tận ngày cuối cùng là ngày 30.4.1975 của Những Ngưới Lính QLVNCH, ngăn chận bước tiến của giặc cộng, để cho hàng trăm ngàn người di tản có được những khoảng thời gian tối thiểu an toàn ra đi.
Hay là vì bạn trẻ đã có lẽ tự tìm hiểu được nhiều danh xưng của những đơn vị chiến đấu của QLVNCH. Lạ là do bạn trẻ đã hỏi chúng tôi làm sao phân biệt được sự khác nhau giữa các binh chủng. Đó là những câu hỏi lần đầu tiên chúng tôi rất sung sướng được nghe và được hỏi, vì bạn Quách Vi đã cho chúng tôi một cơ hội để đem hình ảnh Người Lính QLVNCH đến gần các bạn trẻ hơn. Xin cám ơn bạn rất nhiều.
Bạn trẻ Quách Vi đặt cho chúng tôi ba câu hỏi như sau, mà chúng tôi mạo muội xin các bậc đàn anh trong quân đội cho phép được giải đáp một cách tổng quát :
1./ Tại sao QLVNCH lập ra ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân ? Vai trò của họ có trùng hợp hay không ? Nếu trùng hợp tại sao lại phân chia ra như vậy ?
2./ Biệt Cách Dù và Lực Lượng Đặc Biệt có giống nhau không ? Biệt Kích Mỹ và Lực Lượng Đặc Biệt (Special Forces) là một hay khác nhau ?
3./ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù đều dùng Dù thì hai đơn vị này có liên hệ mật thiết về kỹ thuật hành quân, chiến thuật tác chiến, có đúng không ?
Xin được lần lượt trả lời từng câu hỏi của bạn trẻ Quách Vi như sau.
1./ Vai trò của ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân không có sự trùng hợp, bởi sự phân nhiệm chiến đấu từ lúc khởi đầu các binh chủng này được hình thành. Mỗi binh chủng thực hiện phần trách nhiệm của mình trong cuộc chiến tranh tự vệ chống cộng sản Miền Bắc, đáp ứng với sự biến chuyển của từng thời kỳ.
Huy Hiệu Binh chủng Nhảy Dù
Binh chủng Nhảy Dù : Là một trong những lực lượng chính qui của QLVNCH được thành lập sớm nhất, gắn liền với lịch sử hình thành cùa QLVNCH , là binh chủng anh cả của toàn quân đội. Đơn vị Nhảy Dù Việt Nam được thành lập đầu tiên chính là Đại Đội 1 Nhảy Dù Đông Dương, vào ngày 1.1.1948, chiến đấu dưới sự điều động của quân đội Pháp tại Việt Nam. Những Đại Đội Dù khác tiếp theo được thành lập. Ba năm sau, các Đại Đội Nhảy Dù Việt Nam được nâng lên cấp tiểu đoàn. Các Tiểu đoàn Dù VN hoạt động như là những đơn vị tổng trừ bị, sẵn sàng ứng chiến và phản ứng nhanh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có mặt trong thời gian sớm nhất ở bất cứ mặt trận nào, với nhiệm vụ giải tỏa áp lực địch lên quân bạn, giải quyết cán cân chiến trường. Ở thời điểm đó, quân đội Pháp hãy còn dùng chiến thuật nhảy dù từ trên không xuống để tràn ngập trận địa và thanh toán nhanh chiến trường.
Sau khi đất nước bị phân đôi từ ngày 20.7.1954, thì gần như toàn bộ các lực lượng quân đội Việt Nam đều di chuyển vào Miền Nam. Ngày 1.5.1955, Liên Đoàn Nhảy Dù được thành lập. Mười năm sau, ngày 1.12.1965, chương sử mới của binh chủng Nhảy Dù được mở ra với buổi lễ xuất quân hùng hậu của Sư Đoàn Nhảy Dù với thành phần gồm 3 lữ đoàn bao gồm 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và các tiểu đoàn yễm trợ tiếp vận. Với chiều dầy kinh nghiệm chiến đấu trên mọi chiến trường lớn và khốc liệt từ Bắc vào Nam, với những thành tích lừng lẫy, binh chủng Nhảy Dù vẫn luôn được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tin tưởng trong vai trò làm lực lượng Tổng Trừ Bị. Tổng Trừ Bị khác với các sư đoàn bộ binh ở chỗ Nhảy Dù luôn luôn di động khắp mọi miền đất nước để đáp ứng với đòi hỏi khẩn cấp của những mặt trận mà những đơn vị bộ binh hay Địa Phương Quân không giải quyết được. Sư đoàn bộ binh chỉ hoạt động trong khu vực quân khu và khu chiến thuật của mình, rất ít ra khỏi vùng trách nhiệm, ngoại trừ một vài biệt lệ.
Huy Hiệu Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến
Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến : Sau Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến là một lực lượng kỳ cựu của quân đội VNCH, xuất thân từ các Đại Đội Commandos, Đại Đội Yễm Trợ Giang Đoàn của hai quân chủng Hải Quân và Lục Quân (Quân chủng là những lực lượng lớn mà trong đó có thành phần là những lực lượng nhỏ, binh chủng hay sư đoàn). Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến được chính thức thành lập từ Sắc Lệnh ngày 15.10.1954 do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ký ban hành. Hai điều khoản 1 và 3 của Sắc Lệnh quy định rõ nhiệm vụ của Thủy Quân Lục Chiến như sau:
Điều khoản 1 : Hiệu lực kể từ ngày 1.10.1954, nay thành lập trong tổ chức Hải Quân Việt Nam một binh chủng bộ binh đặc trách kiểm soát các thủy trình và thực hiện những cuộc hành quân thủy bộ dọc theo bờ biển Nam Hải và trong sông ngòi, mang tên “Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến “ hay “Bộ Binh Hải Quân”
Điều khoản 3 : Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến sẽ gồm nhiều đơn vị khác nhau tùy theo nhiệm vụ, đã có sẵn trong quân chủng Hải Quân và Lục Quân, hay sẽ được thành lập tùy theo kế hoạch phát triển của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 1.1.1955, các Đại Đội Commandos (cũng thuộc quyền điều động của Pháp và vào Nam sau ngày 20.7.1954) cùng các Đại Đội Yễm Trợ Giang Đoàn được kết hợp nâng lên thành Tiểu Đoàn 1 TQLC. Sau đó là việc hình thành Tiểu Đoàn 2 TQLC. Quân số tăng trưởng đến cấp liên tiểu đoàn, nên có đề nghị từ cấp chỉ huy TQLC cho nâng binh chủng lên ngang tầm với Nhảy Dù, trở thành một binh chủng biệt lập với Hải Quân và được làm lực lượng Tổng Trừ Bị cho Bộ Tổng Tham Mưu. Kế hoạch này mãi đến năm 1965 mới được chấp thuận, Bộ Tư Lệnh TQLC được thành lập để chỉ huy hai Chiến Đoàn TQLC với 5 tiểu đoàn TQLC và 1 tiểu đoàn pháo binh, tách ra khỏi Hải Quân và chính thức mang danh xưng dầy kiêu hãnh : Tổng Trừ Bị của QLVNCH. Sau Tết Mậu Thân 1968, với thành tích chiến thắng ở hai mặt trận lớn là Sài Gòn và Huế của Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Tổng Tham Mưu thấy đã đến lúc cho thành lập Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Đến năm 1970 thì Sư Đoàn có 3 Lữ Đoàn với 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và các tiểu đoàn yễm trợ tiếp vận. Tình hình chiến trường sau năm 1968 đã trở nên nặng độ, một Sư Đoàn Dù không đủ cáng đáng được nhiều mặt trận lớn cùng một lúc, Sư Đoàn TQLC nhận vinh dự làm lực lượng Tổng Trừ Bị QLVNCH, hãnh diện sánh vai và chia sẻ gánh nặng chiến trường với Sư Đoàn Nhảy Dù, nhưng vẫn giữ nhiệm vụ khởi đầu từ năm 1954 là hành quân thủy bộ, kiểm soát vùng biển và sông ngòi Miền Nam.
Huy Hiệu Biệt Động Quân
Binh chủng Biệt Động Quân : Là một lực lượng đàn em của hai binh chủng Dù và TQLC, ra đời ngày 1.7.1960 để đáp ứng với hình thái chiến tranh du kích của Việt cộng ở Miền Nam bắt đầu dậy lên từ năm 1959 với những hành động tàn bạo của chúng như ám sát, bắt cóc, khủng bố, đấp mô, gài mìn trên đường, phá cầu cống, ngăn trở giao thong … Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã giúp huấn luyện binh chủng Biệt Động Quân. Tổng Thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã chỉ thị Nhảy Dù, các sư đoàn bộ binh tuyển những chiến sĩ tình nguyện sang chiến đấu dưới màu cờ của binh chủng Biệt Động Quân. Nên sau này các bạn trẻ thấy nhiều vị chỉ huy BĐQ và sĩ quan có người mang trên ngực áo những cánh dù trắng. Dần dần, có 65 đại đội BĐQ được thành lập. Năm 1961, một dự án được Tổng Thống Diệm phê chuẩn để nâng tổng số lên thành 81 đại đội BĐQ. Biệt Động Quân có nghĩa là một lực lượng quân đội có những công tác hoạt động đặc biệt và hành quân biệt lập. Những đại đội BĐQ được huấn luyện chiến thuật phản du kích, chống sự xâm nhập của thổ phỉ Việt cộng vào những vùng kiểm soát của Quân Đội VNCH, tìm và tiêu diệt địch ngay trong những an toàn khu của chúng.
Tổng Thống Diệm đã đích thân chọn lựa những đại đội ưu tú nhất của các sư đoàn bộ binh để cải chuyển sang thành các đại đội BĐQ. Như vậy, Biệt Động Quân giải quyết những chiến trường nhỏ, đương đầu với những toán Việt cộng, thường thường là cấp đại đội, chủ động tìm và đánh vào chỗ trú ẩn của chúng trước, chứ không chờ đợi mặt trận nổ lớn rồi mới đến, hay mở những cuộc hành quân lùng địch cấp tiểu đoàn, lữ đoàn hoặc chiến đoàn như Dù và TQLC.
Năm 1963, binh đội cộng sản Bắc Việt bắt đầu vào Miền Nam mở những trận đánh lớn cấp tiểu đoàn. Để thích ứng với với tình hình khẩn trương đó, cấp đại đội không còn đủ hỏa lực đối đầu với cấp tiểu đoàn địch, các đại đội BĐQ được kết hợp thành tiểu đoàn. Khi địch mở những trận địa chiến cấp trung đoàn, các tiểu đoàn BĐQ lại được kết hợp thành những liên đoàn, mỗi liên đoàn có 3 tiểu đoàn bộ binh. Đó là thời điểm sau năm 1966, song song với sự phát triển lớn mạnh của toàn QLVNCH, BĐQ cũng được nâng lên cấp Liên Đoàn, với năm Liên Đoàn 1, 2, 3, 4 và 5 BĐQ. Mỗi liên đoàn được làm thành phần trừ bị của mỗi Vùng Chiến Thuật mang con số tương ứng, riêng Liên Đoàn 5 trực thuộc Vùng III Chiến Thuật. Như vậy từ thời điểm 1966, lực lượng Mũ Nâu BĐQ đã chia gánh nặng chiến tranh với hai binh chủng đàn anh trong vai trò trừ bị Vùng, sau này là trừ bị quân khu (từ cuối tháng 10.1970, Vùng được đổi tên là Quân Khu). Đến cuối năm 1970, Lực Lượng Đặc Biệt được giải thể, nhiều binh sĩ và sĩ quan chuyển sang BĐQ. Đồng thời lực lượng Dân Sự Chiến Đấu Thượng (CDIG) và Biệt Kích Thượng Mike Force cũng được sáp nhập vào BĐQ, nâng tổng số tiểu đoàn lên đến 54. Đầu năm 1973, Bộ Tổng Tham Mưu soạn thảo một kế hoạch tái tổ chức binh chủng BĐQ, kếp hợp 54 tiểu đoàn thành 15 Liên Đoàn BĐQ, làm thành phần trừ bị chiến thuật cho ba Quân Khu I, II và III, bởi Sư Đoàn Dù và TQLC đã được Quân Khu I cầm giữ vô thời hạn, QLVNCH cần đến BĐQ như là một lực lượng thay thế, ít nhất là cơ động phản ứng, tăng viện và tiếp cứu nhanh trong mỗi quân khu.
Tình hình càng đòi hỏi, quân số Tổng Trừ Bị thiếu hụt, nên Bộ Tổng Tham Mưu đã nâng các Liên Đoàn 4, 6 và 7 BĐQ lên thành Tổng Trừ Bị. Năm 1975, có kế hoạch tổ chức đến 4 sư đoàn BĐQ phân phối cho bốn quân khu, nhưng chỉ có Sư Đoàn 101 BĐQ được hình thành trong tháng 4.1975 tại Sài Gòn.
Kết luận :
Mỗi binh chủng từ lúc thành lập nhận một nhiệm vụ chiến thuật, chiến lược riêng và dần dần tiến hóa biến đổi theo cùng với tình hình. Từ sau năm 1971 trở đi, cộng sản Hà Nội đã mở những mặt trận kiểu quy ước chiến (có nghĩa là dàn quân đánh lớn bằng đủ loại hỏa lực chúng có, thách thức ý chí và sức mạnh của QLVNCH), nên ba binh chủng xuất sắc nhất của QLVNCH là Dù, TQLC và BĐQ cũng phải dàn đại quân nghênh chiến. Đánh lớn khắp nơi, những đặc điểm riêng của từng binh chủng không còn được phân biệt rõ, để chỉ còn một binh pháp chung, là cùng làm Tổng Trừ Bị. Mỗi binh chủng đều có những kinh nghiệm, quan niệm hành quân và chiến thuật cá biệt, cơ cấu tổ chức và huấn luyện khác nhau. Nói là trùng hợp thì không hẳn đúng, vì quân đội cần rất nhiều lực lượng tổng trừ bị để tung ra các chiến trường đỏ lửa. Mỗi binh chủng có màu cờ, màu mũ đội trên đầu, sắc áo riêng và niềm hãnh diện truyền thống của binh chủng ấy.
Huy hiệu Biệt Cách Dù
2./ Biệt Cách Dù và Lực Lượng Đặc Biệt có giống nhau không ? Câu trả lời là Có và Không. Có là vì các chiến sĩ ấy cùng chiến đấu dưới huy hiệu chung của Lực Lượng Đặc Biệt (Hình con Hổ Nhảy Dù). Không là vì nhiệm vụ mỗi bên khác nhau. Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập năm 1957, với những nhiệm vụ bí mật và đặc biệt như nhảy ra Bắc lấy tin tức, sách động dân chúng, các sắc tộc nổi dậy, viễn thám sang đất Lào, quấy phá vùng biển miền Bắc. Năm 1961, LLĐB thành lập thêm một số Đại Đội Biệt Cách Nhảy Dù Biệt Lập để làm thành phần hỗ trợ, ứng cứu cho những toán nhảy qua Lào hay ở những vùng biên giới nguy hiểm. Năm 1964, các Đại Đội BCD được kết hợp thành Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù, vẫn chịu sự chỉ huy của LLĐB. Năm 1968, Tiểu đoàn được cải danh thành Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Song song với hoạt động của Tiểu Đoàn 91 BCD, LLĐB còn thành lập Trung Tâm Hành Quân Delta. Tháng 8.1970, LLĐB được giải thể (bởi sau năm 1968, LLĐB không còn phụ trách xâm nhập đất liền và vùng biển miền Bắc nữa), binh chủng chỉ còn tồn tại Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 81 BCD, hai đơn vị này sáp nhập lại thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, quân số dần dần lên đến 3,000 chiến sĩ và được chia ra làm ba Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật. Mỗi Bộ Chỉ Huy Chiến thuật có 4 Biệt Đội, mỗi Biệt Đội có 200 chiến sĩ.
Biệt Cách Nhảy Dù (Mỹ gọi là Airborne Ranger) có nghĩa là hành quân biệt lập và cách biệt với mọi binh chủng bạn, bởi nhiệm vụ quá đặc biệt và bí mật của binh chủng này. Nhiệm vụ chính yếu là nhảy toán (mỗi toán thông thường là 6 người), thâm nhập vào các mật khu, hậu cứ địch để lấy tin tức, quấy rối, phá hoại căn cứ địch, bắt cóc tù binh, cung cấp tọa độ đánh bom cho Không Quân, khám phá những kho vũ khí, thực phẫm của địch. Khi tình thế cho phép thì các chiến sĩ BCD cũng tổ chức đánh địch ngay trong lòng địch. Nói chung, Liên Đoàn 81 BCD được hình thành không phải để nhận nhiệm vụ đánh trận địa chiến. Các chiến sĩ BCD được ví von như là những chiếc “chén kiểu” quí giá vô cùng, vì các anh được huấn luyện cho những công tác thật đặc biệt. Sở trường của BCD là đánh đêm. Tuy nhiên, khi tình hình nguy ngập như trong Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lừa 1972, Phước Long 1974, Bộ Tổng Tham Mưu đã sử dụng Liên Đoàn 81 BCD như là một lực lượng Tổng Trừ Bị tăng viện, tiếp cứu và thanh toán chiến trường. Sau chiến thắng Mùa Hè 1972 ở An Lộc và Quảng Trị, Liên Đoàn 81 BCD được vinh dự làm lực lượng Tổng Trừ Bị sánh vai với các binh chủng tinh hoa bậc nhất của QLVNCH. Cán binh Hà Nội học thuộc lòng câu kinh nhật tụng sau đây : “Có ba thứ trong Nam là tử thần, đừng gặp là hơn : Nhảy Dù – Biệt Cách Dù và Bom B 52”.
Xin trả lời câu hỏi : Biệt Kích Mỹ và Lực Lượng Đặc Biệt (Special Forces) là một hay khác nhau. Câu trả lời là hoàn toàn khác nhau.
Xin nói về LLĐB trước : Thành lập năm 1957 và nằm dưới quyền điều động của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH để thực hiện những công tác đặc biệt và tối mật : nhẩy ra Bắc lấy tin tức, trà trộn vào dân chúng Việt Nam hay người sắc tộc, thám sát những hệ thống tiếp vận trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhẩy sang Lào thám sát hệ thống đường mòn HCM, đổ bộ và quấy phá vùng biển miền Bắc. LLĐB là một binh chủng nằm trong QLVNCH. Mối tương quan duy nhất của LLĐB với Biệt Kích Mỹ là cùng đóng chung trong những trại biên phòng dọc theo biên giới Việt – Miên – Lào. LLĐB được giải thể tháng 8.1970 vì đã hết nhiệm vụ nhẩy Bắc, nhẩy Lào và đổ bộ biển.
Biệt Kích Mỹ : Danh từ này rất mơ hồ, dùng để chỉ chung hai lực lượng được CIA Mỹ mướn và trả lương, hoàn toàn không thuộc về QLVNCH :
a./ Phòng Vệ Dân Sự : CDIG (Civil Defence Irregular Group). Gồm toàn những thanh niên người Thượng của nhiều bộ tộc ở cao nguyên miền Trung, ở vùng biên giới Việt – Miên – Lào, một số khác là người Việt gốc Miên. CDIG có nhiệm vụ đồn trú trong những trại dọc biên giới Việt – Miên – Lào ở những nới CIA nghi ngờ là những điểm từ đó binh đội Bắc Việt xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. CIA nghĩ rằng người Thượng, người Miên là dân tộc miền núi chiến đấu giỏi, thông thuộc rừng núi, là nơi sinh ra và lớn lên của họ. Thông thường mỗi trại quân số lên đến vài trăm người, có sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ chỉ huy, sau này lại có thêm sĩ quan LLĐB Việt Nam đến, nhưng coi bộ quân CDIG không thích mấy và rất miễn cưỡng chịu thi hành lệnh của sĩ quan LLĐB Việt Nam. Các trại biên phòng luôn là mục tiêu tấn công của quân cộng, vì các trại ấy là trở ngại rất khó chịu trên đường xâm nhập hay hoạt động của chúng trong lãnh thổ VNCH.
b./ Biệt Kích Mỹ : hay còn gọi là Mike Force do danh xưng Mobile Strike Force (Lực Lượng Tấn Công Cơ Động). Lính Biệt Kích Mỹ giống như Phòng Vệ Dân Sự, do CIA mướn và trả lương, với thành phần là người Thượng và Miên. Họ mặc áo rằn ngụy trang(camouflag) rất khác biệt và rất dễ nhận ra so với áo rằn Dù, rằn TQLC, BCD, hay hoa rừng của BĐQ. Lính Mike Force, như danh xưng, là một lực lượng hành quân tích cực hơn CDIG, thông thường là tiếp cứu những trại Phòng Vệ Dân Sự bị cộng quân tấn công. Biệt Kích Mỹ không có nhiệm vụ tiếp cứu các đồn trại của QLVNCH. Nhưng ngược lại, nếu cần thì chính các đơn vị QLVNCh sẽ tiếp cứu các trại CDIG và Biệt Kích Mỹ.
Năm 1970, LLĐB Mỹ rút về nước, bàn giao CDIG và Mike Force cho QLVNCH, từ đó quân số hai lực lượng này nằm trong quân số của QLVNCH, do chính quyền VNCH quản trị và trả lương. Bộ Tổng Tham Mưu đổi tên hai lực lượng này thành Biệt Động Quân Biên Phòng cấp tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn trấn đóng một trại biên phòng dọc theo biên giới Việt – Miên – Lào khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Cuối năm 1973, Bộ Tổng Tham Mưu quyết định bãi bỏ các trại biên phòng, cho sáp nhập BĐQ Biên Phòng vào hợp chung với Biệt Động Quân bình thường, và đều nằm chung dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân. Có tất cả 54 tiểu đoàn BĐQ vừa biên phòng vừa bình thường được gom lại thành 45 tiểu đoàn, từ đó thành lập 15 liên đoàn BĐQ phân phối trên ba Quân Khu I, II và III (Quân Khu IV với các sư đoàn bộ binh và lực lượng Địa Phương Quân – Nghĩa Quân lớn mạnh, đủ sức đánh dẹp quân cộng, nên không cần các binh chủng Tổng Trừ Bị và BĐQ nữa).
3./ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù đều dùng dù thì có liên hệ mật thiết về kỹ thuật hành quân và tác chiến không ? Câu trả lời là Không, bởi lẽ nhiệm vụ chiến thuật, chiến lược của hai binh chủng hoàn toàn khác nhau.
Nhảy Dù : Binh chủng Tổng Trừ Bị, có nhiệm vụ đánh trận địa chiến, kết hợp liên binh chủng rất hùng hậu như pháo binh, thiết giáp, không quân. Tuy mang tiếng nhảy dù, nhưng những trận đánh có nhảy dù thực sự từ trên máy bay xuống rất ít, chỉ một đôi lần, thí dụ rõ nhất là trận Ấp Bắc năm 1963. Về sau, vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh, chiến trường đa số thuộc vùng rừng núi rất trở ngại cho việc nhảy dù, nên kỹ thuật được ưa thích nhất là nhảy từ trực thăng xuống (gọi là chiến thuật trực thăng vận), vừa an toàn, vừa tập họp binh sĩ một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Tuy vậy mỗi năm, mỗi chiến sĩ Dù từ binh sĩ lên đến hàng sĩ quan, ai cũng phải nhảy dù gọi là “Nhảy bồi dưỡng” một số saut ở những địa điểm an toàn.
Biệt Cách Dù : (Airborne Ranger) Cũng là một binh chủng Tổng Trừ Bị nhưng hoàn toàn không nằm dưới quyền điều động của sư đoàn Nhảy Dù, quan niệm và kỹ thuật hành quân, tác chiến cũng rất khác biệt. Bởi nhiệm vụ đặc biệt và bí mật, nhảy toán nhỏ, nên chiến sĩ BCD hoạt động sâu trong vùng địch, hoàn toàn cách biệt với các binh chủng bạn. Binh chủng liên hệ mật thiết và luôn luôn là “ good and super friends” của BCD là các chiến sĩ trực thăng của Không Quân, vì các anh Không Quân có nhiệm vụ đưa các anh BCD đến địa điểm để nhảy xuống, rồi bay đến bốc các BCD về. Cũng được học nhảy dù như các chiến sĩ Dù Mũ Đỏ, nhưng các chiến sĩ Dù Mũ Xanh BCD chưa từng nhảy dù trên trận địa bao giờ, vì rất dễ bị địch phát hiện từ trên không. Biệt Cách Dù không được huấn luyện đánh trận địa chiến, trang bị hỏa lực nhẹ, đi rừng rất giỏi, đánh trong thành phố thần sầu, sở trường đánh đêm. Tuy vậy, khi cần thì các BCD cũng được Bộ Tổng Tham Mưu ném vào những chiến trường lớn như An Lộc, Quảng Trị Mùa Hè 1972, Phước Long 1974 để đánh trận địa chiến, các anh đã anh dũng hoàn thành sứ mạng.
Nhân ngày Quân Lực 19.6 năm nay, kỷ niệm 41 năm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đứng ra gánh vác trách nhiệm lèo lái, bảovệ Tổ Quốc và Dân Tộc, chúng ta, những người còn sống dù là lính hay là dân, là thế hệ thuộc chiến tranh hay thế hệ trẻ Việt Nam trong thời bình, xin chân thành cúi đầu tưởng nhớ đến anh linh của 250 ngàn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh trên khắp nẽo chiến trường trong ròng rã hai mươi năm, ngậm ngùi tiếc thương các anh và chia sẻ niềm đau cùng với hàng triệu quả phụ cô nhi, chân thành tri ân 500 ngàn chiến sĩ QLVNCH chiến thương vẫn còn sống khoắc khoải, đói khổ cùng cực ở quê nhà. Những người lính đã chết, các anh thương binh bên kia bờ Thái Bình Dương và những người lính chúng ta còn sống, tất cả đều tự hào đã từng mặc chiếc áo lính màu xanh ô liu, hoa Dù, áo rằn Cọp Biển, Biệt Cách Dù, áo hoa rừng Biệt Động Quân, áo trắng Hải Quân, áo xanh Không Quân, kiêu hãnh được chiến đấu dưới Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ Đại Nghĩa Việt Nam và dưới bóng Lá Quân Kỳ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Dù có một lần QLVNCH bị các thế lực thù và “bạn” bức tử, nhưng tất cả NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA vẫn luôn ngẫng cao đầu đi vào lịch sử chống xâm lăng từ phương Bắc vì đã bền bỉ đổ máu xương bảo vệ TỔ QUỐC, làm tròn TRÁCH NHIỆM của người trai thời chiến.
Những người lính ấy luôn nêu cao DANH DỰ của một quân đội mà luôn là cơn ác mộng triền miên của cộng sản và binh đội Bắc Việt. Chúng chỉ thắng được chúng ta, những Người Lính QLVNCH khi chúng ta đã bị buộc phải buông súng. Nếu cây súng còn trên tay, viên đạn cuối cùng vẫn còn nằm trong nòng súng, thì bọn tiểu nhân Hà Nội chưa chắc đã dám ngỗ ngáo đắc chí đến tận ngày nay.
Sau ba mươi mốt năm, chúng ta, Những Người Lính QLVNCH đã không còn súng, ấy vậy mà cộng sản Hà Nội vẫn cứ ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi lẽ, Người Lính QLVNCH là khắc tinh, là cơn ác mộng hãi hùng của chúng đến vô tận vô cùng.
Phạm Phong Dinh