THÁNG TƯ THẮP NÉN NHANG TƯỞNG NIỆM TƯỚNG NGUYỄN NGỌC LOAN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tháng Tư! Vận Mệnh Đen Của Cả Một Dân Tộc Đã Cột Vào Một Tấm Hình!

Nhiếp ảnh gia Adams: “Tướng Loan bắn viên đạn vào đầu tên Việt cộng Bảy Lốp, tôi hối hận, vì đã dùng máy ảnh, bắn vào đầu Tướng Loan!”

Nỗi Buồn Adams!

Viên đạn xoáy đi phun máu óc

Tôi nhanh tay bấm tạch máy hình

Bức ảnh hành quyết hai người chết

Thiếu tướng Loan và gã đặc công!

Thơ Bắc Phong

 Sự nghiệp kéo dài 45 năm của Eddie Adams, như là một phóng viên chiến trường lừng lẫy nhất thế giới. Ông đã tham dự 13 trận chiến khác nhau trong cuộc đời làm báo, diễn tả qua bài viết cũng như những bức ảnh của ông. Từ trận chiến Triều Tiên (Korean War) khi ông phục vụ như phóng viên chiến trường của Thủy quân Lục chiến (Marine Corps) Hoa Kỳ. Rồi chiến tranh Việt Nam, cho đến cuộc chiến Vùng Vịnh ở Kuwait năm 1991…Khi ông về hưu, đã đoạt hơn 500 giải thưởng cao quý đủ loại, dành cho một, trong những ký giả tên tuổi nổi tiếng nhất.

Những người hân hạnh, may mắn được lọt ống kính của ông, là những nhân vật nổi tiếng nhất  trên thế giới. Từ Mẹ Teresa, tài tử kiêm thống đốc tiểu bang California Arnold Schwarzeneger. Tổng thống Regan. Nhà lãnh đạo cộng sản Cuba Fidel Castro, tài tử Clint Eastwood, cho đến Đức Giáo Hoàng John Paul II…Nên một tấm hình của ông, khác gì hàng chục tấn bom! Như quyền năng một “thượng đế” nhỏ, người không ai biết, nhưng hễ lọt vào ống kiếng của ông, sẽ thành nổi tiếng hơn một minh tinh màn bạc! (Hồi đó chưa có máy vi tính, chưa có I phone, chưa có mạng, nên người làm báo mới có quyền năng tuyệt đối như thế!)

Sau năm 1975, khi làn sóng Thuyền nhân Việt Nam tị nạn cộng sản lên đỉnh cao, ông Adams đã hãnh hiện với tấm hình ông chụp năm 1979, mang tên “Con Tàu Héo Hắt Nụ Cười!” Tấm hình chụp cảnh 50 người tị nạn Việt Nam vượt biển, chen chúc trong một chiếc tàu dài chưa đầy 15 feet, mênh mông giữa đại dương bao la, như con kiến, trong chậu nước! Trên đường trốn chạy CS, đi tìm tự do. Sau khi đất nước “thống nhất,” hay gọi là sau ngày “giải phóng” và đảng Cộng sản, bắt đầu thiết lập chế độ độc tài, tù đày, bắt bớ, toàn trị trên đất nước Việt Nam.

Tấm hình thuyền nhân giá trị này, đã giúp thuyết phục chính phủ, Quốc Hội Hoa Kỳ, chấp nhận ngay khoảng 200.000 (hai trăm ngàn) người tị nạn Việt Nam được nhập cư vào Mỹ! Ông đã có một lần khiêm nhường nói: “Tôi không có khả năng đi cứu rỗi cả thế giới. Hình và tin, giúp tôi làm việc này!”

Ký giả Adams qua đời năm 2001 vì bệnh Lou Gehrig, (cơ bắp tê liệt, teo cứng) Thọ 71 tuổi.

Trở thành tấm hình oan nghiệt nhất trong cuộc chiến!

Nhưng tấm hình nổi bật nhất, gây tác hại nhất, CS đã dùng như một phương tiện hữu hiệu nhất, để tuyên truyền tối đa, bằng chứng quan trọng thổi thành phong trào phản chiến, được nhiều người biết đến nhất. Vẫn là tấm hình ông Adams chụp tại chỗ, hình Thiếu tướng Cảnh sát VNCH, Nguyễn Ngọc Loan, xử tử, bắn vào đầu một tên đặc công Việt Cộng, tên Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp ở Chợ Lớn, Việt Nam, vào dịp Tết Mậu Thân, năm 1968.

Theo tài liệu An Unlikely Weapon: The Eddie Adams Story, sự việc này xảy ra vào ngày thứ nhì, trong cuộc tổng tấn công toàn diện miền Nam của cộng sản Bắc Việt. Ông Adams thấy một người lính VNCH miền Nam, lôi một người đàn ông ra khỏi tòa nhà. “Họ nắm tay và lôi ông ta ra đường phố. Bất cứ một phóng viên nào, trong trường hợp này, theo bản tính nghề nghiệp, cũng đều phải đi theo, và đó gọi là săn hình! Dĩ nhiên tôi đã đi theo, cho đến khi người bị bắt đó, được thảy lên xe và được đưa đi.”

Nhưng lọt vào ống kiếng, khung hình của ông Adams, là tướng Nguyễn Ngọc Loan, đang rút súng ra, nâng lên. Thông thường, đó là một thủ thuật dùng để trấn áp đối phương khi thẩm vấn. Kề súng vào đầu và hỏi cung. Theo ông Hal Buell, người săn sóc phần hình ảnh cho thông tấn xã AP suốt 23 năm: “Ông (Tướng Loan) đưa súng dí vào đầu và Eddie chụp tấm hình phỏng vấn, chỉ có một điều không ngờ, là ông tướng… bấm cò!”

Một trong những tấm hình chụp được, là tấm hình viên đạn xuyên qua đầu của người bị bắn! máu phun thành vòi!

Sau khi bấm cò xong, ông tướng Loan bước đến nói với ông Adams:

“Họ đã tàn sát, giết rất nhiều người dân của chúng tôi và còn có nhiều người của các anh nữa.”

Ngay tối hôm đó, mồng 2 Tết Mậu Thân, Eddie Adams đã chuyển bức hình Thiếu tướng Loan xử bắn tên đặc công Bảy Lốp từ Sài Gòn đi khắp thế giới.

Tấm hình này đã đem đến cho ông Eddie Adams giải vinh dự báo chí Pulitzer. Cũng tấm hình này, đã giúp làn sóng phản chiến ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới bùng lên dữ dội! Lu mờ chính nghĩa chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!

Ngày nhận giải, ông Adams nói:

“Tôi mặc đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng, về bức hình đó tại Đại hội nhiếp ảnh Hòa Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Ai cũng nghĩ là tôi cảm động vì giải thưởng nghề nghiệp, cả đời mới đạt được! Nhưng không phải tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho cuộc đời Tướng Loan! Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn chưa ý thức đủ tai hại việc tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời một ông Tướng! Vì ông bị dân chúng ở việt Nam lẫn Hoa Kỳ và dư luận thế giới lên án, về tội tàn nhẫn thẳng tay giết tù binh chiến tranh! Ngay ban ngày, giữa đường phố, trong một đất nước xưng có luật pháp, có dân chủ tự do. Thật ra, trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn còn hành sự như vậy, là chuyện bình thường. Nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào, chụp được giây phút hành động này mà thôi.”

Và chính tấm hình tai hại này, đã làm cho ông Eddie Adams nhức nhối và dằn vặt lương tâm trong suốt cuộc đời ông! Đối với ông Nguyễn Ngọc Loan.

Hệ lụy Tướng Nguyễn Ngọc Loan với tấm hình

Về phần Tướng Loan, ngày 5 tháng 5 năm 1968, khi Việt Cộng mở đợt II, Tổng công kích vào thủ đô Sài Gòn của miền nam Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Loan đã bị bắn trọng thương cả hai chân, ngay trên cầu Phan Thanh Giản, khi ông cùng binh sĩ của ông, cố bảo vệ và đánh bật đối phương ra khỏi Sài Gòn.

Ông được đưa sang Úc điều trị, nhưng bị dư luận Úc phản đối, không cho nhập cảnh. Người ta phải đưa ông sang điều trị ở quân y viện Walter Reed Army Medical Center, ở tiểu bang Washington DC, Hoa Kỳ. Ông cũng gặp nhiều sự phản đối gay gắt ở đây, vì tấm hình oan nghiệt của Eddie Adams, và nhằm lúc phong trào phản chiến Mỹ đang lên đến đỉnh cao, và ngay từ những nhà lập pháp phản chiến của Quốc hội Hoa Kỳ. Ông không được chữa trị, đành trở về nước với đôi chân tật nguyền!

Năm 1975, trước khi Sài Gòn mất vào tay cộng sản Bắc Việt, cựu tướng Loan đã yêu cầu người Mỹ giúp di tản ra khỏi Việt Nam, nhưng bị làm lơ! Nhưng may mắn, cuối cùng ông cùng gia đình cũng đi được trên một chuyến phi cơ của hãng hàng không Nam Việt Nam. Đã có tin đồn rằng ông cũng rất vất vả để được vào Mỹ, vì người ta không muốn nhận một người “tàn bạo, dã man, máu lạnh” như ông. Trong lúc tin này khó kiểm chứng, thì nguồn tin có thể kiểm chứng được là năm sau đó, 1976, hai dân biểu của Đảng Dân chủ là bà Elizabeth Holtzman và ông Harold Sawer nộp đơn giùm tên Việt Cộng “Bảy Lốp Nguyễn Văn Lém” kiện Nguyễn Ngọc Loan và yêu cầu Hoa Kỳ trục xuất ông Loan! như một tội phạm chiến tranh, ra khỏi Hoa Kỳ. Nhưng việc đã không thành.

Ông cựu tướng Loan, sau đó đã định cư ở thành phố Springfield, tiểu bang Virginia và mở một tiệm ăn nhỏ ở đó làm kế sinh nhai, mang tên Les Trois Continents. Ông Loan qua đời vì bệnh ung thư ở thành phố Burke, cũng ở tiểu bang Virginia, vào ngày 14 tháng Bảy năm 1988. Trước ngày qua đời của ông Adams 13 năm.

13 ngày sau khi cựu Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan qua đời, ngày 27 tháng Bảy năm 1988. Ông Adams đã cho đăng bài Ai Điếu, có tính cách thú tội, ăn năn trên báo Time, nơi ông đã từng cộng tác trước đó:

“Tôi được giải thưởng Pulitzer năm 1969, qua một tấm hình trong chiến tranh VN, của một người bắn một người. Đã có hai người đã chết trong tấm hình đó: Người nhận viên đạn và TƯỚNG NGUYỄN NGỌC LOAN! (tên tất cả được viết hoa) Ông tướng Loan giết tên Việt Cộng, tôi giết cuộc đời ông Loan! với máy chụp hình của tôi. Ảnh là thứ vũ khí có tính thuyết phục mạnh kinh hồn trên thế giới này. Người ta đã tin hoàn toàn vào những tấm hình này, nhưng hình ảnh không nói lên toàn vẹn sự thật, ngay cả những lúc không cần mánh khóe sửa đổi, tái tạo hình. Ảnh chỉ trình bày một nửa sự thật. Cái điều mà tấm ảnh không nói lên là, “Anh sẽ làm gì nếu anh là ông tướng chỉ huy mặt trận, ở chỗ đó và ở thời điểm đó, trong ngày oi bức đó, và anh bắt được cái gọi là kẻ bất lương, tàn bạo, sát nhân, máu lạnh, sau khi hắn ta đã lấy đi sinh mạng của cả một gia đình và một, hai hay ba sinh mạng người lính Mỹ? Tướng Loan là người, mà chúng ta có thể gọi là một người quân nhân chân chính thực sự, được kính trọng bởi những người thuộc cấp của ông ta. Tôi không nói cái điều ông làm là đúng, nhưng chúng ta nên phải đặt mình trong hoàn cảnh của ông, sẽ thông cảm hơn!…”

Lời kết

Ngày ông Adams chụp tấm hình “để đời” kia, ông Loan đang là Tư lệnh Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam, ông Adams là phóng viên của hãng thông tấn Associated Press. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng của mình, “chuyện ai nấy làm”. Nhưng sau tai họa tấm hình đó, hai người đã thấu hiểu và vẫn liên lạc với nhau.

Ông Loan đã từng nói với ông Adams: “Nếu anh không là người chụp tấm hình đó, người khác cũng sẽ làm! Định mệnh đen của đời tôi thôi!” Ông Loan chưa bao giờ đổ lỗi cho ông Adams đã làm tan nát đời mình và gia đình mình. Đây là lời xác nhận của ông Adams.

Và ngày ông Loan qua đời, ông Adams gởi vòng hoa phúng điếu đến, cho gia đình tướng Loan, với lời xin lỗi chân tình từ đáy lòng ông: “Tôi xin lỗi ông! Nước mắt đang dâng tràn trong mắt tôi! Con tim tôi co thắt! Tôi nợ ông hơn một lời xin lỗi!” ông Adams viết.

Lời nhắn, ông Adams ơi, ông nợ tướng Loan hơn một lời xin lỗi chưa đủ, ông còn nợ lời xin lỗi với trên 58 ngàn người Chiến Sĩ Hoa kỳ, đã nằm xuống trong cuộc chiến. Xa hơn nữa, với cả gần nửa triệu thuyền nhân VN, đã lấy đại dương là mồ chôn. Chưa hết đâu, ông còn nợ lời xin lỗi với hàng trăm ngàn người Lính VNCH đã bỏ mình trong cuộc chiến, và cả vài chục triệu người dân miền Nam!

Ông vô tình đã trao con dao sắc bén, cho một kẻ ác! CS là kẻ sát nhân giết người không gớm tay!

Tấm hình, 47 năm sau, những người Việt tị nạn CS vẫn còn giận ông, nhất là vào dịp Tháng Tư Đen mỗi năm!