Năm 1979 từ trại tỵ nạn Singapore tôi được đưa về định cư tại thành phố hoa hồng Portland, Oregon. Lúc đầu sống ở Beaverton mà lại ghi danh Portland Community College, nên mờ sáng phải bắt bus xuống downtown rồi từ đó lại chuyễn bus khác mới tới trường đuợc. Thiệt tình lúc đầu bỡ ngỡ, mỗi lần kiếm lớp phải chạy bỡ hơi tai vì PCC-Sylvania không nhỏ, vả lại khi ghi danh mà không để ý đến mấy cái hall cách nhau xa lắc xa lơ, nên nhiều khi chuyển lớp vào trễ, thầy liếc xéo xấu hổ vô cùng.
Nhưng cái gì cũng qua đi rồi ngưu tầm ngưu mã tầm mã, thế là mấy anh em cùng chung mảnh đời tỵ nạn lại đi kiếm làm quen với nhau, đứa tới trước chỉ cho đứa tới sau cách lấy lớp, môn nào cần thầy nào dễ, sáng đi học chiều tối cả bọn tản ra đi làm. Ôi thôi thì đủ mọi nghề: Rửa xe có, rửa chén có, cắt cỏ có, tắm chó có, chùi cầu hả….. chơi luôn. Tên nào sổ Ing-lít kha khá thì bảnh hơn chút được đôn lên làm bồi nhà hàng để có thêm tiền típ, hoặc đủ mọi nghề khác, hễ thấy chỗ nào có treo Help Wanted là cả lũ xúi nhau lủi vào điền đơn được hay không hậu xét. Thiệt nghĩ mấy ông bà cụ người Mỹ, khi nhận tụi này vào mấy cái dóp 3-7-21 ngày này, chắc họ tội nghiệp hơn là thấy ba cái khả năng dõm ghi tứ tung không đầu không đuôi trong tờ đơn xin việc. Lâu lâu cuối tuần anh em lại rũ nhau đi hái dâu cả ngày chủ nhật, lạnh cóng gẫy cả lưng hai bàn tay tối về thâm tím, nhưng mỗi đứa cũng kiếm thêm được chút chút phụ cho tiền nhà, cà phê thuốc lá bia bọt lai rai.
Có lẽ cộng đồng ta thời gian đó còn phôi thai chưa có sự chênh lệch với nhau cho lắm, nên tha hương mọi người đều hăng say chăm lo xây dựng tương lai, tuy cực mà vui, ai nấy đều “hồ hởi phấn khởi”……và dòng đời cứ thế mà trôi cho đến tết ta năm 1981.
Trong đám chơi thân với nhau có 5 đứa, 4 Việt tỵ nạn và thằng Ali người Iran, số là Ali được qua Mỹ du học trước khi vua Shah bị ông đạo khùng Khomeni lật đổ. Trong trường Ali bảnh tỏn râu ria đẹp trai, nó có chiếc Mazda RX-7 mới cáu chỉ màu vàng chói lói, cứ vài ngày nó lại chở một em Mỹ blondi nõn nà mới đem về khoe. Việc của nó là chỉ có chơi, còn bài vở home work thì có phe ta lo liệu, hễ hôm nào có Exam thì tụi này bố trí ngồi chung quanh để nó còn quệt đề thi trắc nghiệm cho đúng. Bù lại năm ba chục gặp anh em nó dúi mãi lộ đều chi. Lâu lâu hứng lên nó lại nhét cả bọn vào chiếc Rx-7 hai chỗ, dồn như cá mòi mà chở đi chơi khắp thành phố hoa hồng. Trời sập tối lại còn “Saturday Night Live” disco club nữa chứ, đâm ra nhờ Ali mà cả bọn dân chơi không sợ mưa rơi được hưởng sái. Thời gian sau lại rũ nhau ở chung, cả đám mướn được một căn nhà gần downtown có cả Ali.
Đúng là đời lên voi xuống chó vì sau khi xảy ra cách mạng Hồi Giáo bên Iran, Khomeni lên nắm quyền, Ali không còn nhận được trợ cấp của gia đình nên Ali phải dọn theo ở ké với tụi này, tình bạn trước sau vẫn như một, nhưng tiền nhà phải rõ ràng sòng phẳng chứ, khổ mà……cho mày thiếu. Chính vì thế Ali đôi lúc nó cũng rơm rớm nước mắt mà cám ơn cho những chân tình của cả bọn Mít đã dành cho nó.
Đứa tới trong đám ít nói nhất là Thọ, lúc nào Thọ cũng trầm ngâm suy tư hình như trong tâm trạng có mang một nổi buồn man mác. Hỏi thì Thọ chỉ cười cười rồi lảng sang chuyện khác, riết rồi anh em bảo nhau để yên cho cái thế giới riêng tư của Thọ. Nhưng tụi này biết Thọ nhớ nhà vì đôi khi thấy Thọ hay mang tấm hình gia đình có lộng kiếng ra chùi, rồi ngồi thẫn thờ cả ngày.
Nhà tụi này mướn rẻ mạt trên đường Columbia, đó là một tòa nhà kiểu lâu đài nhỏ 3 tầng cũ rích đã trên trăm tuổi, với lối xây từ thế kỷ 18 có nhiều phòng ốc, cộng lối đi quanh co nên ban đêm mò về nhà cũng thấy sờ sợ. Trong nhà đèn hành lang thì mờ mờ ảo ảo, ổ khoá thì nặng nề khó mở, đêm về tới phòng mà phải đánh vật với cái cửa gỗ đã tét toe tưa với bản lề vốn đã hoen gỉ, khi kéo ra nó kêu kèn kẹt buốt cả óc.Và hình như lúc nào cũng cảm giác có ai vô hình đang đứng đàng sau soi mói mà nổi da gà. Đã thế điện thỉnh thoảng lại bị cúp liên tục vì cái hộp cầu chì cũ sì đã quá tải, đôi khi bọn này phải xài đèn cầy le lói nằm chờ tới sáng mới mua đồ về sửa được. Nói chung nó vừa lạnh vừa tối, cộng thêm tường nhà được sơn màu cứt gà đã lên rêu, đâm ra chỗ ở này nó giống như cái nhà mồ vĩnh biệt.
Thọ dành ở lầu 3 muốn yên tĩnh vì lầu này chỉ có 1 phòng lớn riêng cho cả lầu, còn tụi này 4 đứa chia nhau ra mỗi 2 đứa ở 2 lầu dưới. Và không biết sao xéo xéo nhà này bên góc kia đuờng là văn phòng FBI Portland Office, cứ lâu lâu lại thấy mấy ông Agent chỉ qua đây, xí xa xí xồ với nhau làm cả bọn chẳng đứa nào hiểu khỉ gì. Hay là họ có ý định hốt hết cái đám có tác phong như mấy thằng ăn trộm bên này cũng không chừng?
Chiều 30 tết ta năm 1981, Portland lạnh cóng trời u ám gió bấc mưa phùn, tụi này hẹn nhau tối đó mọi người phải về nhà trước giao thừa, hứa mỗi đứa phải mừng tuổi cho nhau rồi nhậu xả láng chúc mừng năm mới. Ali thì lăng xăng phụ một tay lau chùi nhà cửa, Thọ từ sáng sớm đã đi Fred Mayers lo mua đồ cúng, mỗi đứa một việc không khí hào hứng hẳn ra. Phòng ăn được trưng bầy chén đĩa tươm tất, và một bàn thờ dã chiến có đèn cầy trái cây và nhang thơm ngát đã được thắp lên từ chập tối.
Rồi đến quá Giao Thừa khi mọi người đã tụ tập đầy đủ trò chuyện nổ rang mà vẫn không thấy Thọ xuống, anh em có gọi trỏ lên lầu kêu mãi cũng không thấy trả lời. Lúc ấy ngoài sân sấm chớp bỗng nhiên lại nổ vang rền, chúng rít liên hồi qua khe cửa tạo thành tiếng hú véo von làm cả căn nhà run lên bần bật. Mà càng lúc tiếng gió hú lại càng lớn mới teo chứ, nó ai oán như có kẻ đang gào lên nức nở trong đêm trừ tịch làm giật bắn cả người. Nguyên đám dòm nhau tự nhiên như có linh tính gì chẳng lành.Thế là cả bọn tự động kéo nhau chạy ùa lên lầu, dáo dác đi kiếm thì thấy cửa phòng của Thọ đang hé mở dưới ánh đèn vàng hành lang héo hắt ….gan hơn bước tới, Ali run run đẩy cửa vào…. thì hỡi ơi..
Thọ đang treo cổ lơ lửng giữa phòng bằng sợi dây thừng mới mua ở Fred Mayers từ sáng sớm mà tờ receipt còn nằm chình ình giữa bàn. Vì quá kinh hoàng nên có đứa rống lên tức tưởi, có đứa đứng chết trân, có đứa ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc nức nở, đau đớn chia sẻ với bạn hiền cùng trang lứa mới đây mà đã ra người thiên cổ. Nó tạo lên một cảnh tượng quá hoảng loạn thương tâm và kinh dị khó quên.
Cũng chính vì đỡ xuống, tháo giây thòng lọng và cố cấp cứu cho Thọ mà cả bọn bị mời về Portland PD hỏi cung cho đến trưa hôm sau mùng một tết mới được thả về. Cảnh sát họ cũng lắc đầu và cho biết căn nhà này cũng đã từng có người tự tử by hanging trong quá khứ. Có hỏi phòng nào nhưng họ không nói. Thọ đã âm thầm tính toán mà tỉnh bơ không cho ai biết. Sợ bị can…hay có hoang hồn nào xúi giục. Sao Thọ lại dại dột coi rẻ mạng sống đến như vậy? Sau này xác Thọ được đem đi hỏa thiêu vì quận Multnomah họ không liên lạc được với gia đình của Thọ.Thọ nhưng không đúng với cái tên tiền định, đời ơi sao oan nghiệt!
Trước khi tự vẫn, Thọ có viết một bức thơ tuyệt mệnh xin lỗi với bố mẹ Thọ vì không chịu nổi cái cực, cái buồn, cái nhớ nhà nhớ tết trong tình thương gia đình nên Thọ mới đi đến quyết định kết liễu cuộc đời ngắn ngủi như vậy. Âu cũng vì cái họa Cộng Sản mới sinh ra những cảnh gia đình ly tán đau thương như thế này. Riêng tôi lại còn có kỷ niệm riêng với Thọ qua 2 bản nhạc mà hai đứa đắc ý, cứ nghe tới nghe lui làm nhảo cả cuốn Cassette C-60 đem được từ bên đảo: Đó là bản “Hai khía cạnh cuộc đời” Julie ca và “Biển Máu” của Phạm Duy, bản “Biển Máu” ra biển chiều nay thấy màu máu đổ… này, bây giờ kiếm không ra, nếu có ai biết xin vui lòng chỉ giùm!
Vì ám ảnh cảnh Thọ mặt mày tái mét quay từ đàng trước ra đàng sau, tụi này không đứa nào dám ở lại nên ngay hôm đó mùng một tết, hồn ai nấy giữ đèn nhà ai ấy sáng, cả đám bèn dọn đi gấp rồi từ đó mất luôn liên lạc. Nghe đâu căn nhà này sau bị bỏ hoang mưa nắng mục nát trôi theo ngày tháng. Hèn gì lúc phe ta dọn vô chủ nhà dễ dải rent đã bèo, thế mà tốt bụng còn miễn thêm cho cái khoản deposit nữa chứ? Nam mô a di đà.
Không biết Hùng, Quang, Hiển và cả Ali bây giờ mọi người đã lưu lạc đến phương nào. Bức thơ tuyệt mệnh đó bố mẹ Thọ có được đọc hay không. Và chính Thọ có được siêu thoát trên miền cực lạc từ dạo ấy?
Hàng năm đến tối trừ tịch, tôi lại thắp một nén hương cho Thọ người bạn xấu số năm xưa, và đó cũng là kỷ niệm những ngày tha hương, đêm Giao Thừa kỷ niệm khó quên.
Michael Bùi
(02/2005)