SUY NGHĨ CỦA MỘT BẠN TRẺ VIỆT NAM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Chúng ta đều là nạn nhân! Nạn nhân của một chế độ phi nhân bản. Thật sự, tôi không thể ngờ, tại miền Bắc trước năm 1975, người mẹ đi mua sữa cho con, phải chứng minh bằng cách vạch vú ra bóp trước mặt cán bộ, chứng minh không có sữa, để mua hai hộp sữa đặc cho con.
 
Hãy đọc tiếp ba bài viết dưới đây để thấy sự thật, do chính người trong cuộc viết.
 
tuấn
 
    Người Việt nhưng không phải Người Việt .

 
Câu nói này có khó hiểu hay không? Vì sao người Việt nhưng không phải là người Việt?
 
Đây là nhan đề một bài báo của Bác Sĩ Trần Văn Tích, một nhân sĩ ở Đức Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính quyền và quần chúng địa phương xác định rõ ràng rằng cộng đồng tị nạn ra đi từ miền Nam Việt Nam không dính dáng gì đến những tội hình và tội hộ do người Việt gốc gác ở miền Bắc gây ra trên đất Đức.
Câu chuyện khởi đi từ một việc xảy ra cách đây vài năm tại một thành phố nhỏ, Andernach, nước Đức. Đó là câu chuyện về con mèo Mungo. Một người Việt tên Trần Quý, gốc gác từ miền Bắc Việt Nam, đã bắt một con mèo của một người cao niên hàng xóm, đốt nó bằng một ngọn đèn xì hiệu benson, để nhậu nó với nước mắm, nước cốt chanh, rau thơm và tỏi, vì “nhớ hương vị quê hương!”
Tin tức tai tiếng này được loan tải trên nhiều tờ báo cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức ở Âu Châu. Đặc biệt trong trường hợp Trần Quý được ghi đầy đủ tên họ, không phải như những trường hợp khác tên của can phạm được viết tắt. Cả cộng đồng dân cư Andernach náo động. Hai bà hàng xóm của Trần Quý, Christina Sarwatka và Stephanie Jung kêu cứu với cảnh sát. Tất cả những con mèo ở Andernach đều bị “cấm trại” 100%. Ba mươi con mèo đã bị mất tích, người ta đồ chừng, chúng đã đi qua lò nướng của Trần Quý.
Một vết dơ vấy lên mặt thủ phạm hay lây lan qua chúng ta, và người Đức sẽ nhìn tất cả người Việt ở đây như thế nào?
Nhân danh Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại CHLB Đức, Bác Sĩ Trần Văn Tích đã viết thư cho Sở Cảnh Sát Andernach, trấn an giới chức công quyền địa phương là người tị nạn Việt Nam không có thói quen ăn thịt mèo và xin hai bà hàng xóm của gia đình thủ phạm giết con mèo Mungo nhận cho lời chia buồn và niềm tiếc nuối.
Trước năm 1975, nhiều sinh viên kỹ thuật miền Nam đi du học ở Tây Đức, là những thành phần chống Cộng nổi tiếng. Sau 1975, một số thuyền nhân vượt biên được vào tỵ nạn tại Đức Quốc, đương nhiên là những người không chấp nhận chế độ Cộng Sản Bắc Việt, thường chọn Đông Âu và Nga Xô để xuất ngoại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, rất đông những người Việt của miền Bắc từ Nga đã di cư sang Đông Âu. Khi nước Đức thống nhất, người Việt gốc gác từ Miền Bắc đều xin định cư ở lại nước Đức.
Hiện nay, các quốc gia có nhiều người Việt định cư trên thế giới, như nước Đức, nửa quốc gia nửa Cộng Sản. Phần nửa Cộng Sản làm xấu mặt phần nửa quốc gia vì các nạn trộm cắp, băng đảng, trồng cần sa, buôn lậu…
Nhiều băng đảng Bắc Việt đã trồng cần sa tại trại Atzendorf, tiểu bang Sachsen-Anhalt, thuộc lĩnh vực Đông Đức cũ, rửa tiền bất hợp pháp. Ngay cả đại sứ Việt Cộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, mang vào Đức gần hai chục ngàn Euro mà không khai báo.
Nhân viên Tòa Đại Sứ Việt Cộng nhập bệnh viện điều trị, phí tổn lên đến từ 10 đến 15,000 Euro, nhưng không chịu thanh toán.
Chỉ trong vòng ba năm trước ngày Phạm Thị Hoài lên tiếng về “nghề ăn cắp của người Việt tại Đức” (tháng Bảy, 2015) mỗi năm cộng đồng 84,000 người Việt tại Đức, đã có 5,000 mang tội hình sự, trong đó đã có 1,000 vụ ăn cắp, còn tệ hơn người Tàu (11,000 người với 200 vụ ăn cắp mỗi năm.) Tại Đức băng đảng người Việt lộng hành, trong cuộc chiến giành thị trường thuốc lá lậu, đồng chí giết đồng chí, băng Ngọc Thiện “xử tử” sáu đối thủ trong một căn chung cư thì băng Quảng Bình đáp lễ bằng ba xác người vứt ngoài đường tàu. Thành phần chính của băng đảng là những “bộ đội anh hùng” súng ngắn giắt cạp quần.
Về chuyện người Việt ở Đức, bài báo “Người Việt ăn cắp ở Đức” của Phạm Thị Hoài đã gây chấn động. Ai cũng biết rằng người Việt được nói trong bài là người Việt mới, người Việt tiến bộ, người Việt XHCNVN. Phạm Thị Hoài kể rõ lai lịch của họ: họ gốc gác Nghệ an, Quảng bình; họ tụ tập sinh hoạt tại chợ Đồng Xuân Berlin.”
Ông Trần Văn Tích cho rằng: “Một số người Đức cũng hiểu như thế. Dẫu vậy, vấn đề thanh minh cho công luận Đức am tường sự thực vẫn thường cứ phải đặt ra.”
Trong thư gửi cho cộng đồng người Đức, Bác Sĩ Trần Văn Tích cũng xác định là Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Đức, không dính dáng gì đến Hội Liên Hiệp của người Bắc Việt tại Đức, trái lại vì biết rất rõ rằng đây là một tổ chức thống thuộc Tòa Đại sứ  Việt cộng ở Berlin “nên chúng tôi, vì lý do an ninh bản thân, luôn luôn tìm cách xa lánh nó.”
Phải chăng vì luật pháp nước Đức quá nhẹ tay theo cách nói của Phạm Thị Hoài: “Xã hội càng yên, luật pháp càng hiền!” Luật pháp càng hiền thì người Việt “xã hội mới” ở Đức càng lộng! Trong khi người Việt ở Đức giàu có nhờ nghề thuốc lá lậu, thì bây giờ ở Anh, người Việt đua nhau trồng cần sa để mau làm giàu. Người Việt muốn làm giàu nhưng không thích cần cù làm việc, chỉ muốn đi đường tắt, hầu hết là con đường phi pháp.
Thanh niên mới đến Đức hai tuần, chưa làm đơn xin tị nạn đã hành nghề ăn cắp. Bọn này ăn mặc rất sang , thay vì gọi tên theo căn cước của chúng, Phạm Thị Hoài đã gọi chúng là bằng tên những thương hiệu nổi tiếng là Nike, Dolce Gabbana…
Nói chung, di dân từ Bắc Việt vẫn xem nước Đức là chỗ béo bở để kiếm ăn, mặc dầu ăn nhờ ở đậu nơi này, lãnh trợ cấp, chúng vẫn gọi Đức là “Phát-Xít,” “bọn Đức lợn…”
Và gần đây vụ Bắc Việt dùng lối hành xử côn đồ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong một khách sạn ở Berlin, hồi tháng tháng Bảy, 2017 đã là một giọt nước tràn ly. Ở xứ này, còn ai muốn làm người Việt Nam nữa!
Xin hãy nghe lời kết đau đớn của một người Việt Nam tử tế ở Đức tên Trần Văn Tích: “Một người Việt Nam chỉ không muốn làm người Việt Nam nữa mà cũng thật vất vả quá chừng!”
HUY PHƯƠNG.
 
Tôi đã khóc, vì thấy từng có một Miền Nam đẹp đẽ không ngờ…  

Tôi không chỉ muốn kể một câu chuyện với vỏn vẹn 3.000 từ đâu. Chuyện gia đình chồng tôi, là một nỗi buồn, niềm đau được bắt đầu từ ngày 30-4-1975, kéo dài suốt 46 năm và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Tôi muốn ghi chép lại không chỉ với tư cách là một thành viên, là dâu con trong gia đình. Hơn thế, là trách nhiệm của một người cầm bút, một người mang khát vọng đóng góp chút công sức nhỏ bé cho cuộc đổi thay của đất nước. Với một cái nhìn hời hợt, tầm thường, chúng tôi có thể thở than khi nghĩ đến nỗi bất hạnh gia đình mình gánh chịu. Nhưng tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội được nghe, được thấy để viết về một thân phận trong vô vàn thân phận mang tên Việt Nam khác.

Nếu bây giờ chúng ta không ghi chép lại, một cách nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất, trung thực và quả cảm nhất thì thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ không được biết sự thật về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Một dân tộc khó mà trưởng thành, thăng tiến nổi nếu không nhận diện được gương mặt của chính mình qua một giai đoạn lịch sử trong quá khứ. Chế độ độc tài tự thân nó là một xã hội bệnh hoạn, khiếm khuyết, mọi sự thật đều gây bất lợi cho thế lực cầm quyền. Thế nên rất hiếm, hoặc chẳng thể có “sự thật lịch sử” nào được công nhận hay ghi chép lại dưới thời này. Tôi e rằng ở Việt Nam vài chục năm nay, chỉ có các “nhà viết sử”, các “nhà sáng tác lịch sử” chứ không có “nhà chép sử”. Mà lịch sử thì phải được ghi chép lại một cách đầy đủ và trung thực, nhà chép sử không thể bị ràng buộc, ảnh hưởng bởi một thế lực hay sức ép nào.

Với nhận định như thế thì tại sao, chúng ta không tự ghi chép lại những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình, và những điều tai nghe mắt thấy qua các mảnh đời trong xã hội này. Những ký ức và thực tại được ghi chép lại hôm nay, sẽ là lịch sử của ngày mai. Và như trong Lời mời gọi cùng viết về “Ký ức 30-4, Sài Gòn Nhỏ có ghi “đừng ngần ngại sẻ chia, đừng giữ lại những gì có thể chỉ là im lặng vô nghĩa trong đời mình”.

Miền Nam trong câu chuyện của chồng chị kể lại cho chị cảm nhận khác biệt như thế nào về miền Bắc, nơi chị lớn lên. Những cảm nhận đó là gì?

Lại phải lôi chuyện “lịch sử” ra một tí, thứ “lịch sử” cần nằm trong dấu ngoặc kép. Tôi không có cơ may được mở mắt sớm như nhiều người khác, nhất là các bạn trẻ hôm nay. Thế hệ 7X của tôi vẫn tự hào với chiếc khăn quàng đỏ trên vai. Lớn lên một chút, tôi vẫn ngồi dán mắt vào màn hình tivi mỗi dịp 30-4, mồng 3-2, ngày 19-5 hay cái dịp người ta gọi là “cướp chính quyền” 19-8 hàng năm với một niềm xúc động vô cùng ngớ ngẩn. Bố tôi thậm chí còn lập bàn thờ ông Hồ trong nhiều năm, cho đến khi ông gần qua đời thì ông đập bỏ. Tôi từng yêu ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam, đấy là hệ quả một nền (tạm gọi là) giáo dục, nhồi nhét mà sau này tôi mới nhận ra và cảm thấy thật đáng ghê tởm. Mãi đến năm 29 tuổi, tôi mới nhìn ra sự thật. Tôi trải qua một cú sốc tinh thần ghê gớm và có lần tôi đã mô tả nó là “vừa trải qua một cơn ốm nặng”.

Rồi tôi sốc lại tinh thần, dứt khoát với mình, dứt khoát với thời cuộc. Tôi thoát ly hẳn với những gì mình đã tin tưởng, để rồi bị-được chính đối tượng mình từng tôn thờ gọi là “phản động”, là “thành phần thù địch”. Tôi đã khóc rất nhiều, cả day dứt nữa, khi tìm hiểu về miền Nam giai đoạn 1975 trở về trước. Có một miền Nam đẹp đẽ và tốt lành đến không ngờ trong sự hình dung của tôi. Một sự tiếc nuối đến thắt lòng, cảm giác như mình bị mất đi một thứ vô giá không bao giờ tìm lại được, dù tôi sinh tại miền Bắc, sau năm 1975, và chưa được sống ngày nào trên xứ sở đẹp đẽ ấy. Biến cố tháng 4-1975 không chỉ là vết thương trầm trọng cho người miền Nam. Nó là nỗi đau đớn, day dứt cho cả một dân tộc, cho tôi và cho anh, cho tất cả những ai còn nhớ mình là người Việt.

Nhưng miền Bắc cũng có những người dân có cuộc sống rất khốn khổ mà? Được biết thêm cuộc sống của người miền Nam sau 1975 đã giúp cho chị sự phân biệt những nỗi khốn khổ khác nhau ra sao?

Có một điều không biết có nên gọi là “thú vị” hay không, khi tôi và chồng mình thường hay kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình với cái đặc trưng rất trái ngược nhau của hai miền đất nước. Tôi kể cho anh ấy nghe về gia đình tôi, về cuộc sống đói khổ của những người hàng xóm, họ hàng để anh ấy hình dung ra bức tranh miền Bắc. Ngược lại, tôi cũng được nghe về gia đình anh, về sự phồn thịnh của miền Nam một thời và sự khốn khổ sau ngày bị “giải phóng”.

Khi vào Sài Gòn sinh sống, tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người khác và nhận ra một điều đáng buồn, người Việt ở hai miền Nam-Bắc có sự hiểu biết rất hạn chế về nhau, đặc biệt là giai đoạn 1975 trở về trước. Tôi từng nói chuyện với nhiều người lớn tuổi sống ở Sài Gòn và thật ngạc nhiên là họ không hề biết có cuộc Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc. Nhiều người dân miền Nam nghĩ rằng thảm họa họ phải gánh chịu là do người dân miền Bắc gây nên mà không hề biết rằng cần phải gọi tên một cách chính xác, đích danh giới chóp bu cầm quyền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Việt Nam nói chung khó mà có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu cho nhau khi nhắc về ký ức chiến tranh.

Làm sao mà một người miền Nam có thể hình dung những người phụ nữ miền Bắc phải vạch áo, tự cho tay bóp thật mạnh vào bầu vú trước mặt cán bộ để chứng minh mình không có sữa, hòng kiếm được cho đứa trẻ sơ sinh con mình một xuất sữa bò theo tiêu chuẩn nhà nước. Nếu nặn hết sức và đầu vú còn chảy ra vài giọt sữa, đứa trẻ sẽ không có tên trong danh sách được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước. Làm sao một người miền Nam hình dung nổi một ông thầy giáo phải cúi mình, chào một thằng nhãi ranh bằng “ông” chỉ vì bố nó là cán bộ cộng sản.

Khi người dân miền Nam có tivi, tủ lạnh dùng, người miền Bắc vẫn bị cái đói bủa vây. Khi phụ nữ miền Nam biết trang điểm, mặc áo dài, váy đầm, đi giày cao gót thì phụ nữ miền Bắc vẫn chưa biết đến cái băng vệ sinh. Họ phải dùng vải vụn, thậm chí nhà nào đông chị em gái thì dùng chung mấy tấm khăn vải màn. Dùng xong giặt sạch sẽ để các tháng sau mỗi kỳ kinh nguyệt lại sử dụng tiếp. Tôi không muốn kể ra chuyện này, nhưng đó là nỗi khổ sở, thiếu thốn điển hình của người dân miền Bắc từ những năm 1960, kéo dài đến tận thời bao cấp. Hai miền Nam- Bắc tuy có những khác biệt ở mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng cùng chung một nỗi đau: niềm bất hạnh mang tên Việt Nam.

Chỉ có sự thấu hiểu, đồng cảm mới mang lại tình thương yêu, đùm bọc cho nhau mà thôi. Ước gì ngày càng nhiều người dân Việt Nam hiểu đúng về sự thật đã và đang xảy ra trên đất nước này để thôi oán hận, trách cứ nhau, để cùng nhau xây dựng lại giang sơn. Muốn như thế, phải chỉ mặt đặt tên được đâu là nguyên nhân, đâu là thủ phạm gây đau thương cho dân tộc này.

Lưu vong ngay tại quê nhà là câu chuyện chị kể về bố chồng, nhưng rồi đến chị, khi có người chồng cũng cùng số phận không khác gì hơn. Chị có thể nói thêm về trường hợp chồng chị?

Thưa đây lại là một câu chuyện dài nữa và có lẽ phải dành hẳn một bài tường trình riêng biệt. Từ khi chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú ra tù cuối năm 2013 đến nay đã tám năm vẫn chưa được cấp giấy tờ tùy thân, dù anh rất nỗ lực đến các cơ quan công an để xin cấp lại. Lần nào cũng bị từ chối với rất nhiều lý do. Hiện chúng tôi vẫn đang tiến hành các thủ tục đề nghị cấp giấy tờ tùy thân cho anh ấy. Hành trình này kéo dài đến nay đã hai năm với rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Chúng tôi phải đáp ứng những “điều kiện pháp lý” mà sự khó khăn của nó gần như một sự đánh đố. Chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần lên các cơ quan công an từ cấp phường đến cấp quận, thành phố. Không ít lần chúng tôi cự cãi với phía công an về những điều kiện (họ gọi là “điều luật”) vô lý nhưng họ trả lời họ không biết, “cứ theo luật mà làm”. Một tháng trước (ngày 6-4-2021), chúng tôi đã đáp ứng các “điều kiện pháp lý” trong đó bao gồm những giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ, nộp cho công an quận Gò Vấp để xin nhập hộ khẩu cho anh Tú.

Tưởng thế là xong nhưng họ lại đòi hỏi thêm vài điều kiện (vô lý) khác, và cũng vẫn lấy lý do “luật quy định thế”. Tôi chưa kịp hỏi luật sư xem yêu cầu đó của phía công an có thực sự đúng luật hay không thì nhận được cuộc phỏng vấn này thành ra tôi cứ chia sẻ với quý độc giả trước. Một điều đáng nói là trong quá trình làm các thủ tục giấy tờ, phía công an quận Gò Vấp, cụ thể là cô đại úy thụ lý hồ sơ (tôi tạm giấu tên) không hướng dẫn một cách đầy đủ, cụ thể những việc cần thiết, khiến chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần. Họ hẹn một tháng kể từ khi nộp hồ sơ sẽ trả lời, tức là ngày 6-5 là đủ một tháng. Đến hẹn chúng tôi lên, họ lại trả lời cần đáp ứng điều kiện này, điều kiện khác.

Cho đến giờ chúng tôi cũng không dám chắc là anh Tú có được cấp giấy tờ tùy thân không nữa. Nếu không, họ nên có công văn trả lời thẳng là không cấp và vì sao không cấp. Còn nếu được thì đến bao giờ? Chúng tôi không thể bỏ thêm nhiều tháng, nhiều năm nữa để chờ đợi hoặc đi làm cái việc khó hơn mò kim đáy bể này. Tù cũng tù rồi, đánh đập, đàn áp, vu khống, bôi nhọ cũng nếm rồi, tài sản, nhà cửa bị cướp, bị tàn phá hết rồi. Họ còn muốn gì ở chúng tôi nữa? Nhiều người nghĩ đơn giản là “cần gì giấy tờ của cộng sản”. Nếu người ta ở đảo hoang thì đúng là không cần giấy tờ, nhưng trong một xã hội, một đất nước cụ thể dù dưới chế độ dân chủ hay độc tài thì đây là việc đương nhiên. Không có giấy tờ tùy thân, anh Tú không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, nói gì đến các việc quan trọng khác. Nhiều khi chúng tôi nghĩ, nếu không vì đứa con, thì cứ sống nay đây mai đó, giấy tờ có cũng tốt, không có cũng không sao.

Đảng cộng sản Việt Nam luôn tự hào họ là “lương tâm và văn minh nhân loại”, nhưng hệ thống pháp lý của họ không chứng minh nổi “lý lịch” của một công dân mà để anh ta sống lưu vong trên chính đất nước này. Điều nghịch lý là, công an không chứng minh được lý lịch của anh ta trên giấy tờ nhưng lại kiểm soát được mọi thứ liên quan đến anh ta, kể cả việc đi lại, các mối quan hệ thậm chí quản lý cả tư tưởng của “đối tượng”.

Chị là người đã ghi chép những câu chuyện hiện thực nhức nhối, và viết hay đến bất ngờ, dường như chị muốn đi con đường như một nhà văn tranh đấu hiện thực…?

Một vài năm gần đây tôi thường nhận được những lời khen ngợi từ các nhà văn chuyên nghiệp ở cả trong cũng như ngoài nước, đặc biệt các độc giả. Đối với một người cầm bút, đó thực sự là niềm khích lệ, phần thưởng vô giá. Song cũng là một thách thức không nhỏ cho các bài viết tiếp theo của tôi (tôi không dám dùng từ “tác phẩm” hay “sáng tác” nên dùng từ “bài viết”). Như từng có dịp chia sẻ với quý độc giả, tôi tin mình không phải một nhà văn và có lẽ mãi mãi sẽ không trở thành một nhà văn. Tôi chỉ là một người cầm bút “bất đắc dĩ”, ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy từ chính cuộc đời mình, từ những cuộc đời khác trong xã hội. Cũng có lần tôi thử đặt bút viết về một đề tài khác, không liên quan gì đến hiện thực xã hội. Tính viết chơi chơi vậy thôi, không định chia sẻ với ai. Nhưng tôi không viết nổi. Chỉ vài dòng đã thấy nhạt nhẽo, cảm giác như không phải là chính mình. Tôi không phải nhà văn. Tôi là một blogger và tôi muốn viết về những hiện thực đang diễn ra trên đất nước này.

Nếu bây giờ chúng ta không ghi chép lại, một cách nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất, trung thực và quả cảm nhất thì thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ không được biết sự thật về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Một dân tộc khó mà trưởng thành, thăng tiến nổi nếu không nhận diện được gương mặt của chính mình qua một giai đoạn lịch sử trong quá khứ. Tôi e rằng ở Việt Nam vài chục năm nay, chỉ có các “nhà viết sử”, các “nhà sáng tác lịch sử” chứ không có “nhà chép sử”. Mà lịch sử thì phải được ghi chép lại một cách đầy đủ và trung thực, nhà chép sử không thể bị ràng buộc, ảnh hưởng bởi một thế lực hay sức ép nào.

Với nhận định như thế thì tại sao, chúng ta không tự ghi chép lại những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình, và những điều tai nghe mắt thấy qua các mảnh đời trong xã hội này. Những ký ức và và thực tại được ghi chép lại hôm nay sẽ là lịch sử của ngày mai.

Phan Thanh Nghiêm


 
Tâm Tư Một Người Miền Bắc “9X” Về Ngày 30 Tháng Tư
 

Mỗi lúc buồn hoặc cần viết bài về những câu chuyện không hay đang xảy ra trên đất nước Việt Nam thân thương, tôi thường lắng nghe bài hát “Việt Nam tôi đâu.” Chỉ có giai điệu của bài hát mới giúp tôi diễn tả hết tâm trạng day dứt, đượm buồn, thất vọng nhưng không bao giờ bỏ cuộc…

jfcYIhZn_WF_Ck0-nacMfmYTAXQgPB5i6O9g-g1FQLUlcJCj2KiIucANPTFne5MlvRQgD1iyfgFSm5ZwpstzD_RLnBx_2fB7KKNtHL5XkVki1y-nGVbzy65vt-1hYR5eWSlmA3s=w400-h225
Trương Thị Hà – Tâm tư Một Người Miền Bắc “9X” Về Ngày 30 Tháng Tư

Cách đây vài năm, những ai gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chưa tin họ. Những ai gọi ngày 30/4 là ngày quốc tang, quốc hận, tôi cũng chưa tin họ. Tôi không tin ai hoàn toàn khi tôi chưa tự đặt ra các câu hỏi và tự tìm hiểu về ý nghĩa thực sự của ngày 30/4.

Cảm thấy bị lừa dối

Sách giáo khoa lịch sử ư? Tôi chưa bao giờ tin, vì lúc nhỏ, tôi đã có cảm giác những từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” là những từ để miệt thị ai đó, chưa biết thực hư thế nào nhưng đó là những từ “không đẹp”. Lớn lên tôi mới biết, sách giáo khoa lịch sử đích thị là một tài liệu nhồi sọ có tính toán và có hệ thống của “bên thắng cuộc” là Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc đó, tôi cảm thấy bị lừa dối và bị tổn thương rất nhiều. Tôi cảm thấy mình thật ngờ nghệch vì mình bị kẻ khác lừa hai mươi mấy năm. Nhưng có lẽ, mức độ bị lừa của tôi đỡ hơn các bạn trẻ miền Bắc khác? Tôi học lịch sử để được điểm cao, chứ tôi chưa bao giờ tin những gì sách lịch sử viết. Trong khi nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn tung hô, vỗ ngực về cái ngày mà chính các bạn chẳng biết là ngày gì. Tất cả những gì các bạn biết về ngày 30/04 là “ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” vì đó là những gì các bạn được học trong sách giáo khoa lịch sử.

30/04 – Ngày Quốc Tang

Đối với tôi, ngày 30/4 hôm nay và về sau là ngày đáng thương cho đất nước Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước và sau năm 1975. Giải phóng gì mà 444.000 thanh niên miền Bắc và 282.000 thanh niên miền Nam phải bỏ mạng. Giải phóng gì mà 2 triệu người dân Việt Nam vô tội phải chết trong lửa khói. Giải phóng gì mà 1 triệu lính miền Nam phải bỏ tù cải tạo, trong đó có 165.000 lính miền Nam chết trong trại cải tạo. Giải phóng gì mà 1,5 triệu con dân miền Nam phải tha phương nơi đất khách quê người để trốn chế độ cộng sản, trong đó có 300.000 người sẽ mãi mãi không bao giờ nhìn thấy bến bờ tự do. Giải phóng gì khi ngày nay 97 triệu người dân Việt Nam bị tước những quyền cơ bản như quyền biểu tình, quyền lập hội. Thống nhất gì khi lòng dân không yên, vẫn còn phân biệt, đối xử vùng miền giữa thành thị và nông thôn, kẻ có tiền và quan hệ luôn đè đầu, cưỡi cổ kẻ nghèo hèn.

Dù sao cũng không đáng ăn mừng

Dù tôi không biết gì về sự thật ngày 30/04, tôi cũng chẳng thấy vui gì trong cái ngày này khi tôi bị chính quyền tước hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, bị phân biệt đối xử trên chính quê hương mình.

Dù tôi không biết gì về sự thật ngày 30/04, tôi cũng chẳng thấy vui gì trong cái ngày này khi thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh vừa bị tuyên y án 11 năm tù và 5 năm quản chế với chứng cứ buộc tội vì thầy dạy bài hát “Trả lại cho dân”.

Dù tôi không biết gì về sự thật ngày 30/04, tôi cũng chẳng thấy vui gì trong cái ngày này khi công an vẫn tùy tiện mời, triệu tập người dân lên làm việc vì những lý do rất viển vông như: “làm việc liên quan đến vấn đề đăng tải, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội.”

Dù tôi không biết gì về sự thật ngày 30/04, tôi cũng chẳng thấy vui gì trong cái ngày này khi hàng triệu người dân Việt Nam vẫn phải tha hương cầu thực nơi xứ người.

Đáng buồn hơn, khi những người dân bị tù đày nhiều hơn trên chính đất nước Việt Nam. Họ yêu nước, họ đấu tranh cho công bằng xã hội nhưng lại bị chính quyền bắt bớ vì những tội danh mơ hồ được quy định trong Bộ luật hình sự. Chứng kiến những cảnh này, tôi cứ nghĩ mình đang sống ở đất nước Triều Tiên, Trung Quốc… Tù nhân lương tâm đang sống ở nhà tù nhỏ, còn tôi và người dân Việt Nam đang sống ở nhà tù lớn.

30/04 – Ngày cho kẻ chiến thắng điên cuồng

Vào ngày này, đội ngũ dư luận viên hoạt động tích cực để công kích những người dám nói sự thật về ngày 30/04 và có tiếng nói phản biện mạnh mẽ trước những bất công của xã hội. Thật nực cười, khi chúng chỉ biết chửi đổng như Chí Phèo, đăng đi đăng lại vài hình ảnh về việc lính Mỹ giết trẻ em, hiếp dâm phụ nữ chưa được kiểm chứng.

Tôi cũng bất lực với mấy câu đại loại như: “Chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”. Tôi chẳng biết các ông đang nói đến xương máu của ai? Chính quyền lọt vào tay ai? Các ông phải nhớ, chính quyền là của người dân Việt Nam, chứ không của riêng ai cả!

Trong ngày này, miền Bắc đặc biệt là trung tâm thành phố Hà Nội đang giăng biểu ngữ tung hô Đảng và Nhà nước. Những cô gái trẻ ăn mặc sexy, áo hai dây, quần bò ngắn bó sát người đang trình diễn những tiết mục sôi động trong niềm tự hào viễn vông. Trong ngày này, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh mặc áo cờ đỏ sao vàng, để tay lên ngực và hát vang bài hát “ tự hào lắm hai tiếng Việt Nam.”

30/04/1975- Ngày đen tối cho thế hệ trẻ

Tuổi trẻ bây giờ đọc mấy tin scandal, với mấy video trần truồng thì share với like ầm ầm như vụ nghi lộ clip sex của hot girl này, hot girl nọ. Gần đây còn có một game show cực kỳ vớ vẩn, hình như tên là “game love” gì đó. Đại loại là một bạn nam, một bạn nữ sẽ uống bia để vượt qua các thử thách sờ mó, hôn hít nhau trên ống kính trong đó có cả những bạn trẻ sinh năm 97, 98 tham gia chương trình.

Nhắc đến chính trị thì mặt bạn nào cũng ngáo ngơ. Phỏng vấn hỏi Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội cũng nhe răng ra cười, lắc đầu không biết. Đó là những người lãnh đạo và quyết định đến vận mệnh của đất nước, đó là những người quyết định đến việc các bạn đi học phải đóng bao nhiêu tiền, quyết định giá lít xăng các bạn đổ mỗi ngày, quyết định nợ công của bạn ngày hôm nay và con cái bạn ngày sau. Chính trị là một khái niệm dễ gây dị ứng. Nó được hiểu như là một lĩnh vực khô khan, gây nhức đầu, chóng mặt và bất an. Nhưng các bạn phải quan tâm đến nó. Nếu các bạn cứ để chính quyền độc tài chính trị, các bạn sẽ sớm là nạn nhân của việc thờ ơ với chính trị.

30/04- Tuổi trẻ, trách nhiệm, danh dự

Các bạn không cần phải có lý tưởng, chẳng cần phải làm điều gì đao to búa lớn, chỉ đơn giản là biết yêu thương, biết quan tâm và biết quan sát một chút. Trước đây, nếu chúng ta sống ở thời chưa có tivi và internet, chẳng ai trách các bạn bị nhồi sọ cả. Nhưng hiện nay, các bạn có tất cả mọi thứ trong tay, internet, smart phone, Facebook… Nếu các bạn còn chưa nhận thức hoặc cố tình không chịu tìm hiểu, tôi xin thẳng thắn nói với các bạn: “Con người khác con vật ở chỗ là biết tư duy độc lập, biết yêu thương và cảm thông cho đồng loại.”

Nếu các bạn chưa tin những gì tôi nói, hãy tự mình kiểm chứng. Tôi có thể gợi ý cho bạn làm một việc đơn giản nhất vào ngày hôm nay. Hãy lên mạng research các cụm từ “Sự thật về ngày 30/04”, “Việt Nam Cộng Hòa”, “Cờ Vàng”.

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…”

Thay lời kết

Tôi muốn gửi gắm thế hệ đi trước một sự trách móc vì đã để tuột mất nền tự do của miền Nam Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Tôi cũng gửi gắm lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã cố gắng gầy dựng và gìn giữ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tự do non trẻ.

Đặc biệt, tôi muốn gửi gắm lời cảm ơn chân thành đối với những người còn sống và đã từng phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những người con và người cháu của họ vẫn đang tiếp tục thắp lên ngọn lửa đi tìm tự do cho đất nước Việt Nam.

Là một người trẻ, sống ở miền Bắc, không được cảm nhận trực tiếp về những nỗi đau và mất mát của người miền Nam Việt Nam. Thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà chúng tôi không hề tham dự, chúng tôi sẽ hành động, suy nghĩ độc lập, dũng cảm, biết đột phá, và cố gắng làm mọi thứ để giải phóng người dân khỏi chế độ độc tài, mang lại tự do thực sự cho người dân Việt Nam.

Tôi luôn vững tin và mong chờ ngày Việt Nam có tự do thực sự.
 
 
Trương Thị Hà