SỐNG PHÚT HIỆN TẠI (Phanxicô Nguyễn Văn Thuận)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people

May be an image of 7 people

May be an image of 1 person and performing martial arts

May be an image of 1 person

Tên tôi là Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, người Việt Nam. Ðối với người ngoại quốc tên tôi khó đọc, nên ở Tanjania, Nigeria, Ðại Hàn, Ðài Loan, các bạn trẻ gọi tôi là “Bác Francis” (Uncle Francis) hay đơn giản hơn nữa là “Francis!”
Ðến 23-4-1975, tôi làm giám mục đã được 8 năm, tại Nha Trang, Trung phần Việt Nam, giáo phận đầu tiên Tòa Thánh trao phó cho tôi. Tôi đã sống những ngày tháng hạnh phúc ở đó và Nha Trang vẫn chiếm một chỗ đặc biệt trong quả tim tôi.
Ngày 23-4-1975, Ðức Phaolô VI đã đặt tôi làm Tổng Giám mục phó Sàigòn. Khi cộng sản đến Sàigòn, họ đã bảo rằng: “Việc bổ nhiệm một giám mục một tuần trước khi chúng tôi đến Sàigòn là một âm mưu giữa Vatican và đế quốc, nhằm tổ chức chống cộng sau này”.
Ba tháng sau, ngày 15-8-1975, tôi được mời vào Dinh Ðộc lập lúc 2 giờ chiều và bị bắt ở đó.
Ðêm đó, trên đường dài 450 km, xe công an chở tôi về nơi quản thúc. Bao nhiêu tâm tình lẫn lộn trong đầu óc tôi: lo lắng có, cô đơn có, mệt mỏi có, sau mấy tháng căng thẳng… nhưng trong trí tôi, một quyết định sáng tỏ đã đánh tan mây mù.
Tôi nhớ lời Ðức cha John Walsh, một giám mục truyền giáo gốc Mỹ, đã nói lúc ngài được tự do sau 12 năm tù ở Trung cộng: “Tôi đã mất nữa đời người để chờ đợi”. Rất đúng! tất cả mọi tù nhân, trong đó có tôi, phút giây nào cũng mong đợi tự do.
Suy nghĩ kỹ, trên chiếc xe Toyota trắng, tôi đã đặt cho mình một quyết định: “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.
Ðây không phải là một cảm hứng đột xuất, nhưng là một xác tín đã ấp ủ suốt quãng đời mãi từ tiểu chủng viện: “Nếu tôi mất giờ đợi chờ, không làm gì hết, biết đâu những điều tôi đợi sẽ không bao giờ đến. Chỉ có một điều, dù không đợi cũng vẫn đến, đó là sự chết!”
Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất!
Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.
Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?
Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Ðơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”
Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, giữa tháng 10 năm 1975, tôi làm hiệu cho một cậu bé 7 tuổi, tên Quang, vừa đi lễ 5 giờ ra, trời còn mù và lạnh: “Quang! con về nói má con mua cho ông mấy bloc lịch cũ, ông cần dùng”. Chiều tối, chú bé mang lại mấy bloc lịch cũ.
Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11, 1975, tôi đã đóng hết cửa, lấy giấy xi-măng dán bên trong và viết “Sứ điệp từ ngục tù” cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt.
Mỗi sáng thực sớm tôi trao cho bé Quang, mấy tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho anh, chị của Quang chép lại kẻo mất. Nếu để trên bàn tôi, ông An (một giáo dân) thấy sẽ sinh tai họa.
Ðấy là đầu đuôi sách Ðường Hy Vọng, sứ điệp lao tù thành hình là như thế. Hiện nay sách đã được xuất bản bằng tám thứ tiếng.
Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”.
Ngày 8-12-1975, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Tội, tôi đã tạ ơn Ðức Mẹ cho tôi viết xong “Ðường Hy Vọng” và trao trong tay Ðức Mẹ gìn giữ, đó là của Ðức Mẹ, nhờ ơn của Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ tiếp tục lo liệu. Ðoán vậy mà không sai, đến ngày 18-3-1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất.
Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Ðường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng”.
Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.
Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”… Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9, 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng” (Lc 23, 42-43). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.
Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: “Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện”. Tôi đã nghe Ðức Cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là học yêu thương”. Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: “Ðiều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc”.
Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là “đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa…
Tôi đã viết trong sách Ðường Hy Vọng: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ÐHV 997).
Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại này, Chúa Giêsu cần đến các bạn. Ðức Gioan Phaolô II tha thiết kêu gọi các bạn hãy đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay:
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy biến chuyển kinh khủng. Những lý thuyết được xem là đủ sức thi gan cùng tuế nguyệt nay đã đến lúc xế chiều. Trên hoàn cầu, cần phải phác họa lại ranh giới của nhiều quốc gia. Nhân loại tự cảm thấy mình rất lúng túng, hốt hoảng, lo lắng (Mt 9, 36). Nhưng lời Chúa không bao giờ qua đi; đọc lại lịch sử, chúng ta thấy bao nhiêu biến cố thăng trầm, đang lúc ấy lời Chúa đứng vững và chiếu sáng (Mt 24, 35). Ðức tin của Hội thánh được xây dựng trên Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu thế độc nhất: hôm qua hôm nay và mãi mãi (Eb 13, 18). (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 2)
Cây Vông, Nha Trang, nơi tôi bị quản thúc, 16-8-1975, hôm sau lễ Ðức Mẹ Lên Trời

Phanxico Nguyễn Văn Thuận.