SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG (Bông Lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Vừa mới trở lại sở làm thấy khung cảnh im vắng khác thường, lẵng lặng vào phòng đóng cửa bật computer lên, ngồi chưa nóng ghế quá 5 phút thì cộc cộc cộc… thằng sếp giựt gân xuất hiện cười cười hỏi thăm một câu là biết có chuyện gì rồi “chuyến đi của bạn tốt chứ?”. Nhún vai trả lời bằng sự im lặng là cách phòng thủ không hớ hênh. “Xin mời mày đến phòng tao có chút chuyện”. Biết ngay mà.

Về phòng nó cẩn thận đóng cửa như tối mật vậy rồi bắt đầu ca bài con cá, chưa hết lời đã biết muốn gì. “Mọi người đang rất sợ hãi và càng sợ hãi hơn khi mày từ bên Á Châu trở về. Cấp trên chỉ thị mày phải về nhà cách ly một tuần ăn lương. Tuần sau nếu khỏe mạnh thì họ sẽ cứu xét cho quay lại, nếu không thì ở nhà thêm một tuần nữa”.

Về lại phòng thấy hai thằng nhân viên cấp dưới ngồi làm việc bên ngoài bình thường rất vui vẻ nồng nhiệt hỏi han về những chuyến đi. Bi giờ mặt chúng nó nặng như chì, tránh nhìn thẳng. Tính giả bộ ho khan rồi ôm ngực đi lảo đảo để hù nó. Nhưng thấy họ nghiêm trọng căng thẳng quá nên thôi.

Hai đứa im lặng tắt computer rồi bỏ đồ vào ba lô rời phòng làm việc. “Bộ tụi mày bỏ chạy vì tao mới từ Á Châu về à?”. Đúng vậy, tụi tui rất sợ bị lây bịnh ông ạ”. Hèn gì khi vào hổng thấy thằng nào cả. Thì ra tụi nó đi phi báo cấp trên, vì vậy thằng sếp mới đến gõ cửa phòng không đầy 5 phút. Biết đâu tụi nó cũng lợi dụng ra về mà ăn lương.

Thằng sếp yêu cầu mình đến phòng y tế của cơ quan trình diện ngay để được khám rồi về nhà cách ly. Đến phòng y tế thì cô thơ ký ú ớ cho biết ở đó hổng có thử nghiệm test tiết gì ráo. Phải đi bịnh viện hay bác sỹ tư mới hy vọng họ có dụng cụ (test kits).

Thế mới biết nước Hoa Kỳ này vẫn còn lạng quạng trong vấn đề phòng thủ chống trả mấy em coronavirus ác ôn.

Hôm qua đáp ở phi trường quốc tế Dulles – Washington thì hổng thấy một cái máy quay phim đo thân nhiệt nào cả. Mấy đại ca Quan Thuế và Di Trú (Customs and Immigration) mặc đồng phục đen mang súng ngắn tự động thiệt rùng rợn nhưng chỉ vài người đeo khẩu trang y tế, hổng ai đeo găng tay và hỏi những câu vớ vẩn lấy lệ như “Bạn có nhập nội Trung Hoa lục địa hông, có thăm nước Iran hông, có tiếp xúc ai có triệu chứng nhiễm coronavirus chưa?”.

Mình trả lời “No, No, No”. Hổng thấy thằng chả lật từng trang passport để kiểm tra lời khai thiệt hay khai láo. Hỏi qua loa rồi cho nhập nội vào một xã hội khỏe mạnh chưa nếm mùi đau thương của coronavirus là gì. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!!!

Trong hành lang rời khu vực kiểm soát thuế quan thì thấy một đại ca sắc phục chận một bà Việt Nam tuổi trạc 50 hay 60 đẩy một xe chất đầy các thùng giấy cát tông. “Ở trong thùng này là “cà phê” phải không thưa bà?”. Mấy cha nội cứ lịch sự quài, đồ buôn lậu ở trong thùng đó. Cứ mời vào phòng kín mở tung mấy thùng đó mà khám. Trốn thuế thì phạt hay bắt bỏ tù thì lần sau sẽ chừa. Việc khám xét này nên bắt đầu làm cách đây 20 năm.

Về tới nhà tắm rửa cho thơm tho tỉnh táo rồi tới một cái nhà thương xịn nhứt vùng là Fairfax hospital với hy vọng được các em bác sỹ và y tá cẳng dài quyến rũ khám nghiệm coi có mắc dịch coronavirus hông.

Vào ER emergency room phòng cấp cứu thấy toàn người bịnh đủ loại nên hơi ớn. Đến trước quầy đăng ký cấp cứu thấy hơi ngượng vì mình khỏe mạnh tươm tất quá. Ấp úng xin được thử nghiệm coronavirus. Chưa nói hết lời thì cô y tá cắt lời “chúng tôi hổng có test thử nghiệm coronavirus ở đây. Bạn hãy tìm những phòng thí nghiệm hay các bác sỹ tư xem sao”.

Một cái bịnh viện tối tân hiện đại nhứt ở khu vực thủ đô mà hổng có khả năng thử nghiệm dịch coronavirus mà phải bán cái lung tung mới thấy đất nước này đang sơ hở thiếu chuẩn bị. Hôm nay TT Donald Trump có hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng thử nghiệm lên nhiều triệu ca. Có vậy mới khám phá thêm nhiều ca vẫn còn nằm trong bóng tối. Lẹ lẹ lên giùm trước khi quá trễ.

Trên đường về ghé siêu thị mua trái cây ăn cho đỡ thèm sau nhiều ngày đớp thức ăn quân đội MRE. Thấy hai cậu trẻ gốc Latino đẩy một cái xe chất đầy các chai nước lọc. Nhìn lên mấy kệ thì thấy trống trơn. Muốn chửi thề WTF.

Hành động hốt hoảng đầu cơ tích trữ này thì cũng giống cảnh vơ vét mì gói ở Á Châu mà thôi. Mà mì gói còn ăn được tuy sẽ làm người ăn bón táo do đó sẽ tiết giảm nhiều giấy vệ sinh cũng lợi. Còn nước lọc thì cần gì phải tích trữ. Nước phông-tên ở Mỹ có khử trùng nên có thể an toàn uống bất cứ ở vòi nước nào. Nhiều khi mình đi tập thể thao về khát nước vừa tắm vừa há mõm ra uống ừng ực từ vòi sen thì có chết con ma nào đâu. Gan thận vẫn tốt nhờ nước phông-tên.

Nước cồn hand sinitizer, găng tay và mặt nạ khẩu trang y tế đều bị bọn đầu cơ tích trữ hốt sạch banh. Bọn này sau đó rao bán trên Ebay, Amazon với giá cắt cổ mấy cục lần hơn. Một hộp khẩu trang 50 cái giá khoảng dưới 4 đô la nay bán khoảng một trăm đô la. Bọn này khi có biến thì phải lôi cổ ra cho một viên kẹo đồng vào sọ dừa vì tội đầu cơ tích trữ.

Cũng vì Hoa Kỳ đã không chú ý tới những điều nhỏ nhặt như khẩu trang y tế. Từ thời Obama đã có nhiều nhà sản xuất khẩu trang y tế ở Mỹ đã cảnh báo về nhu cầu tăng mức sản xuất dụng cụ y tế để chuẩn bị cho các trận đại dịch có thể xảy ra nhưng Obama không chú ý. Đến đời ông Trump cũng hổng khá hơn. Tưởng rằng các công ty sản xuất dụng cụ y tế sẽ phát triển ở Hoa Kỳ (Made in USA) tuy nhiên thị trường tiêu thụ dụng cu y khoa đơn giản như khẩu trang vẫn lệ thuộc vào China gần 100%. Giờ China không xuất cảng các món hàng nóng này nữa vì họ cần cho chính họ nên nước Mỹ chới với. Đó là bài học cần phải tự lực cánh sinh Made in USA.

Về phương cách phòng thủ coronavirus, người viết thấy Hồng Kông là nghiêm túc kỷ luật nhứt. Lữ khách phải qua hàng hàng lớp lớp hàng rào kiểm soát ở phi trường quốc tế Hồng Kông. Các máy đo thân nhiệt ở khắp nơi. Trước khi vào cổng để vào khu chờ đợi lên máy bay thì bị một nhân viên dí một cái súng đo thân nhiệt khổng lồ vào trán để đo nhiệt độ. Hễ bị sốt hay vào Đại Lục là đi cách ly trong bịnh viện ngay.

Ở khách sạn đi chơi một tiếng đồng hồ về cũng bị nhân viên khách sạn dí súng vào sọ dừa đo nhiệt độ. Ở quầy đăng ký lên máy bay nhân viên hàng không họ lật từng trang sổ thông hành passport để kiểm soát cho chắc là mình hổng bén mảng vào Trung Hoa lục địa. Vì vậy tuy ở sát China và đất hẹp người đông sống chen chúc đi lại với hệ thống chuyên chở công cộng, Hồng Kông chỉ có 121 ca và 3 người chết.

Việt Nam thì lỏng lẻo hơn nhiều. Các khách sạn chỉ hỏi qua loa “bạn có vào nước Tàu hông” và đưa cho một cái đơn có bốn câu hỏi ngớ ngẩn như “bạn có bị sốt hông”. Nếu nói láo mình mạnh khỏe và chưa khi nào vào nước Tàu thì chỉ có trời mới biết. Việt Nam không có nhiều người chết vì dịch coronavirus là một phép lạ.

Sự sợ hãi và phòng thủ quá độ ở Việt Nam nhiều khi không cần thiết. Trong một hàng dài chữ S ở phi cảng Tân Sơn Nhứt để qua cửa an ninh. Một bà trung niên mặc áo choàng nylon có nón trùm đầu kéo lên từ cổ áo và thắt dây túm lại chỉ chừa mặt. Một cặp kiếng to dày cộm gần giống kiếng của thợ lặn. Bà đeo hai lớp khẩu trang. Hai tay bà mang găng y khoa. Thưa bà, không cảm thấy nóng sao? Bà giống như một người nhái của biệt kích Navy SEAL nhưng thiếu cặp chân vịt. Sau cặp kiếng khổng lồ thấy rõ cặp mắt trợn trừng hằn học nhìn vì mình quên hổng đeo khẩu trang.

Một vị sư mặc áo cà sa cũng ở trong hàng. Thầy hổng có khẩu trang nên dùng vạt áo cà sa rộng thùng thình che mặt. Đôi khi thầy mỏi tay nên đổi qua tay kia. Thầy nghĩ rằng vạt áo cà sa có thể chặn được những con siêu vi khuẩn mang tên corona. Cho đến khi một chị Việt Nam tốt bụng tặng thầy một cái khẩu trang, môt biểu tượng để trấn an tinh thần hơn là công hiệu thực sự của nó.

Nhưng biến cố này cũng là một cơ hội cho Việt Nam tạm thời hay vĩnh viễn để thoát Trung. Trước trận đại dịch này xảy ra, muốn tránh bọn Tàu khựa ồn ào bất lịch sự vừa ngồi ăn vừa rung đùi thì phải ở khách sạn 5 sao. Bi giờ ở khách sạn 2 sao thấy toàn bọn da trắng vì dân Hoa Lục bi cấm vào Việt Nam. Buổi sáng ăn sáng bọn da trắng ngồi ăn sát bên cạnh nói năng thì thào vừa đủ nghe vì tôn trọng những người chung quanh. Còn nhóm người Việt ngồi trong góc nơi xa có phong cách Tàu khựa nói năng ồn ào bắt mọi người phải nghe những câu chuyện gây cấn của họ. Xã hội Việt Nam sẽ văn minh hơn khi không còn người Tàu. Và không có người Tàu tràn ngập như trong quá khứ thì người Việt đâu có chết.

Ghét Trung Cộng nhưng không có nghĩa là bóp méo tin tức, viết lách theo thị hiếu để câu LIKE. Trung Cộng đã áp dụng một phương pháp phong tỏa cực đoan, có người cho rằng vô nhân đạo, nhưng vậy mới có được kết quả tốt trong công việc chế ngự coronavirus mà chính họ đã phản ứng chậm chạp lúc đầu.

Dân Tàu không kỷ luật như dân Nhật và cũng hốt hoảng như dân Việt. Trong thời gian mới phát hiện dịch coronavirus hàng trăm ngàn hay triệu người ở khu vực Wuhan bỏ chạy tán loạn khắp nơi như đàn ong vỡ tổ khiến trận dịch này lan truyền mau chóng. Tuy nhiên sau đó Trung Cộng rất mạnh tay phong tỏa cô lập khu vực bị nhiễm dịch. Mỗi gia đình chỉ có một người đại diện có vé do chính quyền cấp để được phép ra khỏi nhà mua thực phẩm hai ngày một lần. Trên đường đi phải qua nhiều trạm kiểm soát để đo thân nhiệt. Vì vậy số người chết và bị nhiễm không gia tăng nữa. Và Trung Cộng bắt đầu đóng cửa các bịnh viện dã chiến đã xây dựng tạm thời trước đây.

Hiện nay dịch coronavirus đang bùng nổ ở Ý. Có thể vì dân Ý có gia đình đông đảo sống quây quần gần gũi với nhau nên dễ bị truyền nhiễm chăng. Chính quyền Ý đang áp dụng phương pháp phong tỏa cứng rắn tuy không cực đoan mạnh tay như chế độ Cộng Sản ở Trung Hoa, nhưng rất cần thiết.

Dịch coronavirus không phải là tận thế và sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Theo Worldometers Hoa Lục có trên 80 ngàn ca nhiễm bịnh, trên 3 ngàn người chết và hơn 60 ngàn ca bình phục (con số hồi phục này cần kiểm chứng). Ý có trên 10 ngàn ca nhiễm, 631 người chết và 1004 ca hồi phục. Hoa Kỳ có 978 ca nhiễm, 30 chết và 15 bình phục. Phần đông quý vị bị nhiễm và chết là cao niên. Xác suất thanh niên thiếu nữ và trẻ em bị nhiễm coronavirus rất thấp.

Ghi chú: Khi bắt đầu viết bài này cách đây vài tiếng đồng hồ thì số người bị nhiểm ở Hoa Kỳ là 978 và 30 người chết. Giờ đã tăng lên trên 1000 người bị nhiễm và có thêm một người chết thành 31.

https://www.worldometers.info/coronavirus/?fbclid=IwAR38Jjl1GA7GUWzVbV_I1S2nGw0ebYYp1VLn4FQbBK8GFsqTxc81xdwfcpo