SÀI GÒN, MƠ TRONG NỖI NHỚ (Nguyễn Ngọc Phúc)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 5 people, street, road and text

May be an image of 1 person and heart

Saigon không phải là nơi sinh đẻ của tôi nhưng được lớn lên theo dòng đời với gia đình, cha mẹ, anh chị em, hàng xóm, bạn bè, truờng học và vợ con, tôi thương yêu Saigon vô cùng. Với mọi người, quê hương rộng lớn là kể từ Bến Hải cho tới mũi Cà Mâunhưng với tôi, Saigon được xem như là một quê huơng nhỏ bé thu lại của tôi.
Năm 1979, sau nhiều lần cố gắng vượt biên thất bại cộng thêm với tù
tội và mất việc sau đó, ngày 18 tháng 10 năm 1982, tôi cùng vợ con và gia đình đã rời Saigon sang Mỹ theo diện ODP.
Mang theo cả một quãng thời gian dài hơn 30 năm với Saigon trên vai, tôi
đã bỏ biết bao nhiêu thứ vào trong hành trang ly hương.
Nơi đất lạ quê nguời, hành trang đã đuợc mở ra. Mình tuởng có thật là nhiều thứ mang theo nhưng cuối cùng chỉ còn vài bộ quần áo made in Vietnam, đồ dùng cá nhân không kể một vài cái áo lạnh của tỵ nạn IRC Mỹ cho ở phi truờng Seattle cùng giấy tờ cá nhân và gia đình.
Chắc chắn, không quên các cuốn album hình ảnh của kỷ niệm ngày xưa.
Chẳng có gì hơn một valy xách tay nhỏ đem theo nhưng bên cạnh đó, tôi
không nhớ mình còn có một bao hành lý to lớn của cuộc đời, kỷ niệm, đau
thuơng và nhớ nhung đầy ở trong tim và ký ức.
Túi xách nhỏ được mở và quần áo được lấy ra dùng. Chẳng mấy chốc,
chúng mau chóng bị thay thế bằng nhãn hiệu Made in USA.
Từ đó, túi xách nhỏ và những gì made in Vietnam đã được xếp vào chỗ
quên lãng không tên và rồi biến mất trên cõi đời này lúc nào không hay,
không một chút thắc mắc luyến tiếc. Điều lạ là bao hành lý to lớn của cuộc đời, kỷ niệm, đau thuơng và nhớ nhung đó vẫn còn nguyên trong người.
Những mảnh vụn của cuộc đời không biết đã đuợc bỏ vào từ đâu và bao
giờ nhưng không có tên, không thứ tự hay có ghi chú gì cả. Cho nên, thời
gian đã đứng lại trong bao hành lý kỷ vật đó.
Nó không cồng kềnh và chẳng được gói ghém cẩn thận, vừa to vừa nhỏ
khác nhau. Nó có thể có mầu sắc rực rỡ đẹp đẽ hay xấu xí lạ lùng và nằm
trên khung đen trắng nhạt nhòa hay mang nhiều sắc mầu tươi sáng khác
nhau nhưng kỳ diệu thay cả một kho tàng nhặt nhạnh khổng lồ lung tung
của hàng chục năm dài như thế nằm trong bao nhưng sao vẫn thấy nhẹ
tênh bồng bềnh trên vai.
Có một lớp bụi mỏng của thời gian phủ mờ trên đó nhưng vẫn không che
dấu nổi những gì bên dưới với gia đình, vợ chồng, con cái, bạn bè, xóm
cũ, làng xưa, thủa học trò, ngày ra đời đi làm và nhứt là của Saigon.
Lục lọi những gì của Saigon nằm trong ngăn kéo đời mình, tôi đã lôi ra
được biết bao mầu kỷ niệm.
Có những cái nhạt nhòa đến độ chỉ nhìn thấy bóng mờ của thời gian.
Chúng ở quá xa để kéo về và đến gần thì mọi vật tự nhiên nhạt nhòa đi
như mù khơi bay theo mây trời chiều.
Những người nghệ sĩ trong thi văn, hội họa và âm nhạc nhắc đến quê xưa
làng cũ hay nói về cây đa cao ngất từng xanh hay kể lể về buổi trưa hè với
mái liếp dừa và bụi tre, có em bé chăn trâu với tiếng sáo diều vi vu trên đê
hay đôi cò trắng tung bay giữa trời.
Quê xưa làng cũ của tôi không có cảnh nên thơ và thanh thản đó. Quê
hương nhỏ bé của tôi chỉ là cái xóm, cái khu có tên bình dân gọi là Bàn
Cờ, nơi xóm hẻm quanh co, nhà ngõ chật hẹp, cột điện và giây nhợ giăng
rối bòng bong, không cây cối bóng mát bên đường.
Ở một nơi, sáng không có tiếng gà gáy sớm gọi, trưa không có một bóng dâm để núp buổi nắng hè và rồi cũng không có gió chiều để thương nhớ
bao nhớ nhung.
Tôi đã lớn lên với tiếng hàng rong rao bán đều đặn từ sáng sớm bình minh
cho tới quá nửa đêm thanh vắng. Chỉ nghe tiếng rao hàng, tôi biết là đã đến giờ thức dậy hay nửa đêm đã về hay chưa.
Tôi vẫn nhìn thấy đuợc tại góc đuờng Phan Đình Phùng và Bàn Cờ, bên
hông tiệm bán thuốc tây, mỗi đêm, có một xe chiên bánh tiêu và dầu cháo
quẩy của một chàng trai lùn nguời Hoa dễ thương đứng chiên, nói tiếng
Việt giọng Nam rặt không thua nguời Bàn Cờ. Ánh sáng của bếp chảo làm lung linh bóng hình nguời mua và lập lòe nỗi cô đơn im lặng của nguời bán.
Nguời mua và nguời bán chẳng ai nhiều lời với nhau đến độ dù biết nhau
và gặp nhau cả chục năm thế nhưng cho đến lúc này, tôi cũng không biết
tên chàng ta là gì?
Khi mọi nguời đã lên giường tìm giấc ngủ thì văng vẳng vào lúc nửa đêm
đầu xóm, có tiếng rao hàng mệt mỏi mời ăn “nem nướng” của một bà già
Huế mảnh mai ốm yếu, chít khăn rằng, quẩy gánh trên vai gầy guộc, lắc lư
buớc vào xóm, tưởng như đi không nổi qua bóng đêm dài vì gánh hàng
quá nặng với nào là bếp nướng, thịt thà, rau cỏ, chén dĩa vv. Thỉnh thoảng, đặt gánh trước cửa nhà tôi, bà già than thở:
-“hôm nay, ế quá, cô cậu ăn dùm dì miếng nem đi”
Trong bóng đêm, tôi không trông thấy khuôn mặt sầu bi ế ẩm của bà
nhưng nghe giọng nói bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho chúng tôi thấy không
thể nào từ chối lời mời này của bà mặc dù không đói.
Có khi thèm một đĩa bánh cuốn Lạng Sơn hay một tô phở chua hoặc một
chén cháo xườn, tôi phải mất cả nửa tiếng đồng hồ chờ đợi vài cái bánh
cuốn nhân thịt cuốn méo mó xấu xí đưa ra từ một cửa hàng bánh cuốn
Lạng Sơn trong xóm Bàn Cờ, cách nhà tôi khoảng 50 mét.
Hình quán ăn chụp năm 2003
Chờ đợi nhưng đuợc giết thì giờ vì phải nghe những lời bà bán bánh cuốn
chửi chó mắng mèo đến chồng con. Một tay thì đổ bánh cuốn trên khung, một tay thì quậy nhân thịt chiên bằm trên chảo vàng cháy nhưng đầu và miệng thì luôn luôn phát thanh hướng vào trong nhà cho chồng con nghe.
Khách hàng ngồi nghe hay không nghe không phải là chuyện của bà bán hàng. Cho nên, cái bánh cuốn được kéo ra khỏi nồi hấp, trải lên mâm nhôm, đổ một ít nhân thịt cháy vào giữa và cuốn lại nhanh đến độ bất kể nghệ thuật méo tròn xinh xắn gọn gàng như thế nào.
Cuối cùng, cái dị hình lập thể xấu xí nhăn nhúm bèo nhèo như tấm giẻ rách trắng nhỏ gọi là bánh cuốn Lạng Sơn được đặt trên đĩa đưa ra cho khách.
Đến khi có chén nước mắm pha với thịt bánh cuốn chiên vàng cháy trộn
lẫn đem ra, tôi chẳng còn nhớ những lời gì từ bà bán bánh cuốn phát
thanh như tát nuớc xối xả vào mặt chồng con.
Bỏ một tí bánh cuốn vào cho ngập chén nuớc mắm, xong sắn ra từng
miếng nhỏ, đưa lên miệng, không quên xen lẫn với vài miếng nhân thịt
vàng cháy béo ngậy trộn trong nuớc mắm. Nó vừa mặn, vừa ngọt, vừa đậm đà mà vừa cay, ngon làm sao thế.
Nhai mà không dám nuốt vội vì sợ mất cái ngon vì nước bọt đang từ từ đổ
ra ào ạt trong miệng từ chân răng và miệng luỡi. Thành ra, cái nhăn nhúm giẻ rách mầu trắng trên đĩa đó cuối cùng cùng được sung sướng êm ả nuốt trôi vào bụng nhờ cái vị ngọt, cay, mặn và đậm đà này.
Trăm lần như một, nửa tiếng đồng hồ sau, tôi luôn luôn bị Tào Tháo ruợt
bắt đầu từ lâm râm bụng dạ, sau đó, không thể chần chờ lâu hơn nữa,
phải nhập viện W.C tức khắc nhưng chuyện nhỏ này không bao giờ có thể cấm tôi tránh xa cửa hàng bánh cuốn Lạng Sơn đuợc.
Tôi vẫn đến ăn và tôi vẫn nhập viện W.C nửa giờ sau đó đều đều. Nó gần
như là một phần tự nhiên nằm trong menu của món bánh cuốn Lạng Sơn
Bàn Cờ dù không được ghi.
Đôi khi nghe phát thanh một bài mãi cũng chán, tôi mang ra một cái đĩa
không của mình để lại đó chờ order to go và nửa tiếng đồng hồ sau, chạy
ra pick up.
Bây giờ, nhờ văn minh của mạng lưới Internet toàn cầu và ông H.C.Đ của Quán Ven Đường, tôi mới chẩn được bệnh và tìm ra sự quan hệ giữa bánh cuốn, nước mắm của cửa hàng bánh cuốn Lạng Sơn và viện W.C.
Đó là hội chứng bột ngọt. Tên khoa học gọi là Monosodium Glutamate hay Sodium Glutamate, gọi tắt là MSG. Người Saigon gọi là bột ngọt, người Hanoi gọi là mì chính.
Thay vì vào viện W.C, tôi đã rất may chẳng bao giờ phải nhập viện C.R
(Chợ Rẫy).
Năm 2003, tôi trở về Saigon lần đầu tiên sau 21 năm xa cách.
Nhìn thành phố quê huơng qua cửa sổ phi cơ khi nghiêng mình đáp xuống
phi trường Tân Sơn Nhất, lòng nôn nao bồn chồn dữ dội vì không biết ở
duới đất kia có còn một chút gì để nhớ để thuơng không hay ở xóm Bàn
Cờ ngày xưa đó, không biết xe bánh tiêu, gánh nem nướng, hàng bánh
cuốn Lạng Sơn bây giờ ra sao.
Thế nhưng chỉ một tuần sau và chỉ một tuần thôi, ngày lên phi cơ trở về Mỹ và khi ngồi ở nhà viết lại những cảm nghĩ này, tôi biết tôi có một nỗi buồn mới, nỗi buồn không thể nào cởi bỏ đuợc, nỗi buồn không bao giờ buông rơi đuợc, nỗi buồn không thể nào tha thứ đuợc vì tôi đã tự mình lấy ra trong ngăn kéo cuộc đời những khung hình kỷ niệm xưa của Saigon để rồi đã đánh rơi làm nó bể tan nát trên các vỉa hè và ngõ ngách của Bàn Cờ và vỡ vụn trên đường phố của Saigon khi quay về thăm chốn xưa.
Dở lại trang sách cũ, tôi tuởng sẽ đuợc tô lại một lớp mầu tươi mới trên
phố xưa cảnh cũ nhưng….
Buồn Ơi! Chào Mi
Tôi đã không tìm được đường xưa trở về.
Tôi mơ sẽ đuợc ngồi lại êm ả ở dưới mái hiên của một quán cà phê nhỏ vỉa hè ngã tư Phan Đình Phùng và Bàn Cờ với một chút nhạc tình ca văng vẳng bên tai năm nào:
“Em tan trường về đường mưa nho nhỏ.”
Em tan trường về đường mưa nho nhỏ”
Và cùng bạn bè thân lặng lẽ nhìn đời vui mắt qua lại và tận huởng nỗi bình
yên êm ấm ngày xưa nhưng quanh tôi ở đó bây giờ, có cả một dòng đời
360 độ đang quá quay cuồng, ồn ào, cuồn cuộn, bụi mù, nguợc xuôi và hối
hả.
Sáu chữ nghĩa này không biết đã đủ để vẽ được khuôn mặt mới mệt mỏi
xô bồ của Saigon chưa?
Riêng tôi, quá nhiều.
Hạnh phúc không còn một chỗ đứng chen chân trong khói mù hối hả ngộp
thở đó. Tôi không biết nếu có tìm được góc phố xưa trở về và đứng ở đấy,
tôi phải định nghĩa hạnh phúc như thế nào.
Đây là một lần và là một lần duy nhứt, tôi mở ngăn kéo ra để xem gói hành trang xa xứ mà tôi cất dấu trong 21 năm dài. Tôi tự hứa sẽ không bao giờ lấy ra xem thêm những mầu kỷ niệm khác nghĩa là trở về lần thứ 2.
Tôi đã thật sự trả lại Saigon những gì của Saigon.
Hình Saigon trước năm 1975
Hôm nay, không còn cuồn cuộn ồn ào và bụi mù hối hả nguợc xuôi ở đây,
tôi biết hình như mình đã tìm được một bến đỗ để đứng lại đón chờ hạnh
phúc đang tới. Dù cũng chỉ là hình như nhưng chắc chắn tôi biết những gì của Saigon còn lại nằm trong túi hành trang mầu kỷ niệm của tôi mới thật sự là của riêng tôi.
Ngoài ra, những gì tôi mở ra thì hoàn toàn đã được trả hết cho Saigon,
những kỷ vật mà tôi còn mang trong người từ ngày ra đi cho tới hôm nay đã hơn 30 năm trước đây.
Cuối cùng, rồi trôi theo dòng đời ở đây, những mảnh vụn của hành trang
mầu kỷ niệm còn lại có lẽ sẽ được xếp lại cũng giống như những ngày đầu
tiên tôi đặt chân đến bến bờ tự do sau 30 tháng 4 năm 1975 này :
“Từ đó, túi xách nhỏ và mọi thứ đã được xếp vào chỗ quên lãng không tên
và rồi biến mất trên cõi đời này lúc nào không hay, không một chút thắc
mắc luyến tiếc”.
Trước khi xếp lại lần cuối cùng, tôi đã không quên gói vào đó một dòng
nhạc riêng của mình như một bi khúc của bản trường ca ước mơ, một tấu
khúc khi phần mở đầu chưa dứt mà đã trở thành là đoạn kết thúc cho
SAIGON và cho một tình yêu đã mất, chỉ còn MƠ TRONG NỖI NHỚ.
Đấy chính là tấm hình mầu cuối cùng không mệt mỏi của Saigon, chắc
chắn tôi sẽ để riêng trong bao kỷ vật. Nó sẽ không bao giờ được xếp vào chỗ quên lãng hay biến mất trên cõi đời này.
Chỉ có tôi biến mất mà thôi nhưng rồi còn ai có thể thấy được mầu sắc của kỷ vật để lại vì nó sẽ được tôi mang theo, ngoại trừ hai mầu trắng và đen để lại cho người.
Saigon ơi! Dù Xa, Dù Xưa, Vẫn Thương Nhớ.
Xin mời nghe ca khúc “Sài Gòn, Mơ Trong Nỗi Nhớ”:
SAIGON, MƠ TRONG NỖI NHỚ
Saigon ơi!
Tên ngày xưa gợi giấc mơ hồng
Saigon xưa
Tim còn vương nỗi nhớ thương
Saigon thân yêu ngày qua
Saigon vẫn như ngàn năm
Tên hát hát vang
Vượt biển khơi
Về với núi sông
Từ ngày xa đó.
Theo từng bước về
Tình hồng mơ
Đường thênh thang
Nghe chiều rơi
Chút mưa buồn
Nụ hôn xưa
Chưa kịp trao
Tim vỡ tan rồi
Thương cuồn cuộn trôi
Nỗi nhớ nhung
Saigon ơi!
Tôi vẫn tin
Ngày nắng mai hồng
Ngày trên môi
Tôi chợt nghe tiếng yêu thương
Gửi về nơi hương nồng xưa
Một trời thương nhớ
Tôi còn mơ
Việt Nam tiếng hát vang
Bài tình ca
Yêu đất nước phố xưa
Quê hương xa
Quê hương xưa
Thương nhớ
Để kỷ niệm mỗi tháng 4 đen trở về.
California. 12/04/2015.
Nguyễn Ngọc Phúc