QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA 1968-1975 (RVNAF 1968-1975)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài của nhà nghiên cứu về Việt Nam,Bill Laurie – Nguyễn Tiến Việt dịch

September 26, 2017

Lời người dịch: Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và nhân chứng được mời trình bày quan điểm trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa: Suy ngẫm và tái thẩm định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Trung Tâm Việt Nam thuộc Ðại Học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và 18 Tháng Ba năm 2006.

Trong số nhiều diễn giả Việt Mỹ, ông Laurie là người nêu ra quan điểm trung thực và thẳng thắn nhất của riêng ông về một quân đội mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong nhiều năm, song song với những ý kiến không quanh co che đậy về giới truyền thông và chính trị Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bài này dịch thuật nguyên văn bài viết của Bill Laurie, mà ông dùng để trình bày lại, vắn tắt hơn, trong buổi hội thảo. Bill Laurie gửi tặng bài viết cho dịch giả, cho phép được dịch và phổ biến trong giới truyền thông Việt ngữ.

Trong bản dịch dưới đây, những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn là chú thích thêm của người dịch để làm rõ nghĩa câu văn Mỹ của tác giả, những chữ in đậm là nguyên văn tiếng Việt mà tác giả viết trong tài liệu. Hình ảnh lấy từ website của Trung Tâm Việt Nam, Lubbock, Texas.

“…cần phải nhìn nhận rằng QLVNCH đã bị đè bẹp bởi một gánh nặng trầm kha không thể nào vượt thắng: đó là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái chính phủ Hoa Kỳ. – Bill Laurie, Historian

***

QLVNCH thay đổi một cách đáng kể cả về số lượng lẫn phẩm chất trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975. Sự thay đổi không hề được giới truyền thông tin tức (Hoa Kỳ) lưu ý, và nhìn chung thì đến nay vẫn không được công chúng Mỹ biết đến, vẫn không được nhận chân và mô tả đầy đủ trong nhiều cuốn sách tự coi là “sách sử.” Một phần nguyên nhân của sự kiện này là do bản chất và tầm mức của sự thay đổi không dễ được tiên đoán hay tiên kiến, dựa trên hiệu quả hoạt động và khả năng của QLVNCH trước năm 1968.

Bài này không hề muốn chối bỏ những vấn đề nghiêm trọng đã hiện hữu, hay chối bỏ rằng vấn đề tham nhũng, lãnh đạo kém cỏi không tiếp tục gây họa cho khả năng của QLVNCH bảo vệ đất nước họ. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó những vấn đề này có được giải quyết, và những khía cạnh tích cực của QLVNCH không thể bị xóa khỏi trang lịch sử vinh quang.

Tôi đã tự chứng nghiệm điều này, khi đến Việt Nam cuối năm 1971, phục vụ 1 năm tại MACV, rồi sau đó trở lại thêm hai năm, từ 1973-1975, làm việc ở phòng Tùy Viên Quân Sự.

Khởi thủy, được huấn luyện và dự trù phục vụ như một cố vấn, tôi tham dự khóa huấn luyện căn bản sĩ quan lục quân tại Fort Benning, Georgia, tình báo chiến thuật và chuyên biệt về Ðông Nam Á ở Ft. Holabird, Maryland, và học trường Việt ngữ tại Ft. Bliss, Texas. Tới Việt Nam thì được biết những nhiệm vụ cố vấn đang được giảm dần để đi đến chỗ bỏ hẳn; nên thay vào đó tôi được chỉ định vào MACV J-2 với cương vị một chuyên viên phân tích tình báo, trước hết phụ trách Cambodia, rồi tập trung vào Quân Khu IV, bao quát toàn vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Công việc này mở rộng một cách không chính thức để bao gồm công tác liên lạc giữa Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, các toán cố vấn Mỹ, các chính quyền tỉnh của Việt Nam, và cả các đơn vị QLVNCH ở vùng IV.

Trong 3 năm đó, tôi có mặt lúc chỗ này, lúc chỗ khác, trên khắp 18 trong số 44 tỉnh của VNCH, liên lạc không những với các đơn vị Mỹ và VNCH mà cả với người Úc, cơ quan viện trợ Mỹ USAID, và CIA. Khi thì đứng vào vị trí rất cao cấp trong những buổi thuyết trình ở tổng hành dinh của MACV cũng như ở Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, tuần lễ sau đó tôi có thể đã lội trên những ruộng lúa tỉnh Kiến Phong cùng với các binh sĩ Ðịa Phương Quân, hay bay ngang tỉnh Ðịnh Tường trên một chiếc trực thăng Huey của QLVNCH, hoặc là nằm trong căn cứ Biệt Ðộng Quân Trà Cú bên sông Vàm Cỏ Ðông.

Nói tiếng Việt là điều vô cùng quan trọng, và trong vòng một tháng sau khi tới Việt Nam, thật rõ ràng hiển nhiên là những điều tôi từng nghe ở Mỹ, dù là tin tức báo chí hay là những cuộc thảo luận ngốc nghếch trong các trường đại học, mà có thể diễn tả được những gì tôi đang trải qua và gặp phải. Nói vắn tắt, tôi tự hỏi: “Nếu tất cả những người ở Mỹ quả là đang nói về Việt Nam, thì mình đang ở nơi nào đây?”

Những thời khắc ngoài giờ làm việc của tôi được dàn trải trọn vẹn trong một kích thước thực tế hoàn toàn Việt Nam. Dù là ở Sài Gòn, Cao Lãnh, hay Rạch Giá, tôi cũng lui tới những cái quán nhỏ, với những bàn cà-phê, mì, cháo… háo hức lắng nghe người dân người lính Việt Nam nói chuyện, tôi hỏi han, và học được thật nhiều, nhiều hơn những gì tôi từng học ở Hoa Kỳ.

***

Sự học tập của tôi không dừng lại ở năm 1975. Từ đó đến nay tôi đã đọc hằng feet khối những tài liệu giải mật và hằng trăm cuốn sách, kể cả những tác phẩm tiếng Việt, phỏng vấn đến mức từ kỷ lục này qua kỷ lục nọ những người cựu chiến binh gốc Ðông Nam Á và gốc Hoa Kỳ, săn tìm trong hằng trăm trang web Việt Nam và Ðông Nam Á trên Internet. Vẫn còn rất nhiều điều về Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan hơn là những gì công chúng Hoa Kỳ tưởng, và những kết luận do những người ở những xứ ấy tự trình bày lên thì lại không phù hợp với những gì mà hầu hết mọi con người (ở Mỹ) tưởng là họ biết.

Quả là có những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng. Ðúng là có những tấm gương về lãnh đạo bất xứng. Tuy nhiên, chẳng phải ai nói hay gợi ý gì với tôi, mà chính là ngay lần đầu tiên đến vói Sư Ðoàn 9 Bộ Binh VNCH, tôi đã phát giác khả năng dày dạn và đầy chuyên nghiệp trong những hoạt động mà tôi chứng kiến ở một trung tâm hỏa lực cấp sư đoàn. Cũng chẳng ai nói với tôi là Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH, cái đơn vị mãi bị kết tội vì khả năng chiến đấu kém cỏi ở Ấp Bắc nhiều năm trước, đã biến thái thành một đơn vị có hiệu năng chiến đấu cao dưới tài lãnh đạo chỉ huy của Tướng Nguyễn Khoa Nam, một con người thanh liêm không một tì vết, song song với tài năng về chiến thuật, mà đến nay vẫn không hề được công chúng Hoa Kỳ biết tới, tuy đã được người Việt Nam tôn sùng đúng mức.

Cũng không hề có ai ngụ ý hay nói với tôi rằng có thể là lực lượng Ðịa Phương Quân tỉnh Hậu Nghĩa, là những dân quân của tỉnh, đã làm mất mặt chẳng những một mà tới ba trung đoàn chính quy của quân đội miền Bắc trong chiến dịch tấn công năm 1972 của Hà Nội. Họ đã nhai nát và nhổ phun ra nguyên cả lực lượng tấn kích của đối phương, một lực lượng có thể đã làm đổi chiều lịch sử vào thời kỳ đó. Ðịa Phương Quân không được Pháo Binh và Không Quân sẵn sàng yểm trợ như lực lượng chính quy VNCH, trong đó kể cả Nhảy Dù, Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến. Quân địa phương chỉ dựa vào kỹ thuật chiến đấu căn bản bộ binh. Nếu quân Bắc Việt đánh thủng được chiến tuyến này thì họ đã lập tức trực tiếp đe dọa Sài Gòn, chỉ cách đó 25 dặm, buộc Sư Ðoàn 21 Bộ Binh VNCH phải rút khỏi quốc lộ 13, từ đó để cho lực lượng Bắc Việt hướng thẳng vào An Lộc. Và như Tiến Sĩ James H. Willbanks viết trong tác phẩm xuất sắc của ông (về trận An Lộc), Sư Ðoàn 21 tuy không thành công trong việc phá vòng vây An Lộc nhưng cũng đã buộc Bắc Việt phải đưa một sư đoàn đổi hướng khỏi chiến trường An Lộc, nếu không, nơi này có thể đã sụp đổ với những hậu quả khốc liệt.

Nói vắn tắt, QLVNCH, một cách toàn diện, đã có khả năng cao hơn nhiều so với những gì tôi biết trước khi tôi qua Việt Nam, và càng cao hơn nhiều so với những gì được chuyển tới cho người dân Mỹ.

Ngày trước… và ngày nay cũng vậy.

***

Trở lại thời kỳ đang thảo luận trong bản thuyết trình này, ai cũng biết QLVNCH vướng mắc nhiều vấn đề trầm trọng. Ðiều này là hiển nhiên. Nếu không như vậy thì đã chẳng cần phải yêu cầu những đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái Lan và New Zealand tới đó.

Tuy nhiên, còn có những chỉ dấu cho thấy lực lượng VNCH khi được trang bị đúng mức và chỉ huy tốt đẹp thì sẽ có khả năng tới đâu. Năm 1966, một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân VNCH đã gây thiệt hại nặng và đã “giúp” giảm quân số chỉ còn 1 phần 10 cho một trung đoàn Bắc Việt đông gấp ba lần họ ở Thạch Trụ. Tiểu đoàn này được Tổng Thống Johnson tặng thưởng “Huy chương của tổng thống Hoa Kỳ.” Ðại Úy Bobby Jackson, cố vấn tiểu đoàn này, đã mô tả người đối tác của ông, Ðại Úy Nguyễn Văn Chinh (hay Chính?), như là con người tuyệt nhiên không hề sợ hãi. Tiểu Ðoàn 2 TQLC, mang huy hiệu Trâu Ðiên, đã từng bắt nạt nhiều đơn vị Cộng Sản miền Nam và chính quy Bắc Việt, chứng tỏ sự xứng hợp của huy hiệu “Trâu Ðiên” (càng có ý nghĩa đối với những ai đã từng gặp phải một con trâu đang nổi giận và bị nó ăn hiếp!) Công trạng của họ không hề được tường trình trong giới truyền thông tin tức của Hoa Kỳ, và về sau cũng bị bỏ quên trong cái gọi là “lịch sử”…

Năm 1968, trong bối cảnh cuộc Tổng Công Kích 68 thất bại của Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thấy rõ là kế hoạch Việt Nam hóa phải được tăng tiến, nhưng nhiều người (Mỹ) lại lầm tưởng đó là ranh giới giữa hai thời kỳ: thời kỳ QLVNCH không chiến đấu, và bây giờ là lúc họ bắt đầu chiến đấu. Thái độ này đã bỏ quên dữ kiện là mức tử vong vì chiến sự hằng tháng của QLVNCH đã vượt xa mức tổn thất trong toàn cuộc chiến của tất cả các lực lượng đồng minh cộng lại.

Rốt cuộc thì QLVNCH cũng được cung cấp vũ khí tối tân, thay thế những trang bị thời thế chiến thứ hai mà hầu hết quân lực này phải sử dụng (khoảng đầu năm 1968 chỉ có 5% quân đội VNCH được trang bị súng M16), nhìn chung thì thua kém vũ khí của Việt Cộng và bộ đội Bắc Việt. Ðồng thời, quân số cũng tăng tiến, theo như bảng dưới đây trình bày: (bảng ghi những con số gia tăng quân số của các lực lượng chính quy và Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, từ năm 1968 đến năm 1972, cho thấy quân số tổng cộng tăng 28%, từ 820 ngàn lên 1 triệu 48 ngàn quân. Trong đó, Không Quân gia tăng quân số tới 163%, Hải Quân tăng 110%, Lục Quân tăng gần 8% quân số).

Trong bảng này, nhóm từ Anh ngữ ARVN, tức the Army of Republic of Vietnam, có nghĩa là Lục Quân Việt Nam, chỉ bao gồm 38% QLVNCH (tác giả không đồng ý dùng nhóm chữ ARVN để chỉ QLVNCH, và ông dùng nhóm chữ RVNAF, Republic of Vietnam’s Armed Forces). Ngoài ra còn những thành phần khác, gồm Cảnh Sát Dã Chiến, Nhân Dân Tự Vệ, và các Toán Xây Dựng Nông Thôn. Lực lượng Xây Dựng Nông Thôn không được coi là lực lượng chiến đấu, còn lực lượng Nhân Dân Tự Vệ thường bị chế diễu nhưng (những lực lượng này) cũng là chướng ngại cho quân Việt Cộng và quân đội Bắc Việt (North Vietnam’s Army trong nguyên bản). Có lần một toán Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã đẩy lui cả một tiểu đoàn Việt Cộng ở tỉnh Vĩnh Long. Các toán viên biết gọi pháo binh của tỉnh yểm trợ. Chuyện này cũng không được biết đến để ghi nhận vào tài liệu.

Thành phần của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ thì quá trẻ, hay quá già, hay vì thương tật nên không gia nhập quân đội chính quy, chỉ phục vụ như lực lượng phòng vệ làng ấp chống lại những toán thu thuế, tuyển mộ, hay tuyên truyền của Cộng Sản địa phương. Nhưng Nhân Dân Tự Vệ cũng là một yếu tố mà Cộng Sản địa phương phải đối phó sau năm 1968. Trước đó không có lực lượng này, Việt Cộng ở địa phương tự do đi vào ấp xã lúc ban đêm. Nhiều lúc Nhân Dân Tự Vệ không có hiệu quả, nhiều khi họ bị tuyên truyền để đi theo Việt Cộng, nhưng có nhiều lúc khác lại có những báo cáo như sau: (trích từ các sách vở của các tác giả người Mỹ).

“Hai Việt Cộng đang bắt cóc một Nhân Dân Tự Vệ thì một Nhân Dân Tự Vệ khác xuất hiện, bắn chết hai Việt Cộng này bằng súng M.1 (không ghi rõ garant hay carbine), tịch thu được một súng AK47 và một súng lục 9 ly.”

Và “cả hai ấp Prey Vang và Tahou đêm nay bị bắn súng nhỏ và B-40. Nhân Dân Tự Vệ địa phương đẩy lui hai toán trinh sát nhẹ.”

Còn nữa: “Một Nhân Dân Tự Vệ 18 tuổi đã là người bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên trong rất nhiều xe tăng T 54 của Bắc Việt bị tiêu hủy tại An Lộc trong cuộc bao vây năm 1972.”

Hà Nội không mấy hài lòng về lực lượng này, theo như tài liệu sau đây:

“Chúng (QLVNCH) tăng cường các lực lượng bù nhìn, củng cố chính quyền bù nhìn và thiết lập mạng lưới tiền đồn cùng các tổ chức Nhân Dân Tự Vệ bù nhìn ở nhiều làng xã. Chúng cung cấp thêm trang bị kỹ thuật và tính lưu động cho lực lượng bù nhìn, thiết lập những tuyến phòng vệ, và dựng ra cả một hệ thống phòng thủ và đàn áp mới ở những khu vực đông dân cư. Kết quả là chúng đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho lực lượng bạn (Việt Cộng).”

Sự kiện này không thể xảy ra trước năm 1968, khi lực lượng Nhân Dân Tự Vệ được thành lập và trang bị bằng những vũ khí thời thế chiến thứ hai do các lực lượng QLVNCH chuyển giao lại.

Tương tự như vậy, lực lượng Nghĩa Quân, Ðịa Phương Quân với sự trợ giúp của các toán cố vấn Mỹ lưu động, được tuyển mộ thêm từ năm 1968 và trang bị vũ khí tốt hơn, khởi sự tiến bộ, như Cố Vấn David Donovan thuộc một toán lưu động chứng kiến trong một trận tấn công bộ binh năm 1970:

“Chúng tôi vừa vượt khỏi khu mìn bẫy chính thì bị hỏa lực từ một rặng cây trước mặt bắn tới. Nước văng tung tóe xung quanh, đạn bay véo véo trên đầu, trong tiếng súng nhỏ nổ giòn. Binh sĩ bây giờ phản ứng tốt lắm, không giống như trước kia cứ mỗi khi bị bắn là họ gần như tê liệt. Trung Sĩ Abney chỉ huy cánh đuôi của đội hình hàng dọc, bung qua bên phải, sử dụng như thành phần điều động tấn kích, trong khi chúng tôi ở phía trước phản ứng lại hỏa lực địch. Khi toán của Abney tới được chỗ địa thế có che chở thì họ dừng lại và bắt đầu tác xạ. Dưới hỏa lực bắn che đó chúng tôi tràn tới một vị trí khác. Hai thành phần chúng tôi yểm trợ nhau như vậy và tiến được tới hàng cây, sẵn sàng xung phong. Ba người trong toán của tôi bị trúng đạn, không biết nặng nhẹ ra sao nhưng mọi người đều xông tới. Chúng tôi đã hành động khá hay.”

Kinh nghiệm của Donovan không phải là độc nhất. Cố vấn John Cook nhắc lại niềm lạc quan của ông vào năm 1970:

“Chúng tôi (tức Cook và sĩ quan đối tác phía Việt Nam) đang rất lên tinh thần, cảm thấy như mình là ‘kim cương bất hoại.’ Tinh thần chiến đấu và hăng hái chủ động tấn công trong quận hết sức cao, khiến chúng tôi truy kích quân địch một cách gần như khinh suất, liều lĩnh.”

Những thành tích như vậy không phải mọi nơi đều có. Có những đơn vị không đáp ứng được trong thời kỳ thay đổi và vẫn bị lãnh đạo chỉ huy kém cỏi, chẳng thực hiện một cuộc hành quân lục soát với chiến thuật chủ động tấn công nào. Có khi cố vấn Hoa Kỳ suýt bị giết hay bị dọa giết bởi những sĩ quan địa phương của Việt Nam mà họ không hòa thuận được. Nhiều cố vấn Mỹ khác không gặp cảnh ngộ khó chịu đó, nhưng cũng chẳng có ấn tượng tốt nào về hoạt động của những đơn vị mà họ cố vấn. Dù sao thì những chuyện tích cực và thích thú do cố vấn Mỹ chứng kiến cũng đầy rẫy, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong những cuộc thảo luận trên nước Mỹ hay trong ý tưởng của những người Mỹ bình thường, cũng như trong những gì được dạy dỗ tại các trường học Hoa Kỳ.

Sự tiến bộ hay những tấm gương xuất sắc ngay trước mắt không phải chỉ hiển hiện trong những lực lượng lãnh thổ và những Sư Ðoàn Bộ Binh VNCH, (là những đơn vị) thường bị cho là không mấy nổi trội về chiến thuật chủ động tấn công. Cố vấn về kế hoạch bình định của tỉnh Quảng Trị, Richard Stevens, trước đó từng phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên trước thành tích của một đơn vị thuộc Sư Ðoàn 1 Bô Binh Việt Nam trong trận tấn công một vị trí phóng hỏa tiễn của quân Bắc Việt:

“Tôi có ấn tượng hoàn toàn tốt, và thực sự là kinh ngạc, về cách thức hành quân và sự táo bạo của họ trong mọi việc… Ðây là cuộc hành quân thứ 13 như vậy do vị Tiểu Ðoàn Trưởng này chỉ huy. Ta đang nói chuyện về những chuyên gia hết sức tinh thục trong những gì họ làm, những người đã từng thực hiện những công tác xởn tóc gáy và vẫn tiếp tục thực hiện… Các cố vấn của trung đoàn này luôn luôn nói với tôi lúc tôi ra đó, rằng: ‘Anh đang làm việc với những người giỏi nhất. Chúng ta không có điều gì để mà có thể nói cho những người này làm. Chúng ta (các cố vấn) chỉ có việc yểm trợ hỏa lực mà thôi. Còn về sự hiểu biết trong hành quân, thì họ là người dạy chúng ta.’ Chúng tôi có các cố vấn người Úc và người Mỹ, họ đều nói y như nhau.” (tác giả trích luận án Master năm 1987 của Howard C.H Feng, Ðại Học Hawaii).

Ở miền Nam, trong lãnh thổ tỉnh Ðịnh Tường thuộc Quân Khu IV, Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH cũng thi hành nhiệm vụ không hề có khuyết điểm, theo lời xác nhận của các cố vấn và các phi công Mỹ lái trực thăng chuyển quân cho các binh sĩ Sư Ðoàn 7 trong những trận tấn công. Sư đoàn này từng bị mang tiếng là sư đoàn “lùng và né” (thay vì “lùng và diệt,” search and destroy), có thể vì trận Ấp Bắc hồi 1963, nhưng những ai trực tiếp công tác với họ không thể nói gì hơn là những lời ca tụng, ngưỡng mộ về sự tinh thông chiến thuật và tinh thần hăng hái xông xáo. Một cựu cán binh Bắc Việt xác nhận về sự dũng cảm của Sư Ðoàn 7 Bộ Binh:

“Vùng giải phóng bị thu hẹp… Tôi mất thêm thời gian di chuyển quanh, cố tránh xa các cuộc hành quân của quân đội VNCH.

Ở Bến Tre (tức tỉnh Kiến Hòa), Sư Ðoàn 7 VNCH là lực lượng chính gây nên nhiều khó khăn. Hầu hết Sư Ðoàn được tuyển mộ ở vùng châu thổ sông Cửu Long nên họ biết rành hết cả vùng. Họ thông thuộc vùng này cũng như chúng tôi” (tác giả trích dẫn David Chenoff và Ðoàn Văn Toại, sách Chân Dung Kẻ Ðịch, Random House ở New York xuất bản năm 1986).

Tình hình còn tồi tệ hơn khi các đơn vị quân đội Bắc Việt điền khuyết cho các đơn vị “Việt Cộng,” không hiểu biết chút nào về vùng này và được trang bị kém cho cuộc chiến kiểu các rặng cây ở phía bắc vùng châu thổ. Một tù binh cho biết bị bắt sống không bao lâu sau khi tới, lúc anh ta và những người khác được lệnh phục kích một cuộc hành quân càn quét của Sư Ðoàn 7 vào ngày hôm sau. Bố trí xong trước bình minh, đội quân đáng lẽ phục kích người ta thì lại bị tấn công từ phía sau do thành phần bên sườn của Sư Ðoàn 7, trước khi tới lượt lực lượng chính. (tài liệu trích dẫn).

Kết quả của điều này thêm hiển nhiên trong thời gian giữa 1968 và 1971, thời kỳ mà quân số lực lượng Hoa Kỳ giảm thiểu hơn một nửa, trong khi những cuộc hành quân tấn công của Việt Cộng và quân Bắc Việt lại bị suy giảm rõ rệt: (Bảng thống kê trong bài ở đoạn này cho thấy lực lượng Mỹ ở Việt Nam từ năm 1968 đến 1971 đã giảm 322 ngàn quân, tức 58%, các cuộc tấn công của Việt Cộng và quân Bắc Việt cấp tiểu đoàn trở lên giảm 98%, chỉ còn 2 trận, những cuộc tấn công lẻ tẻ của phía Cộng Sản cũng giảm, kể cả những vụ bắt cóc, khủng bố, trong khi số xã ấp có an ninh tăng 56%, diện tích trồng tỉa lúa tăng 9,8%, thương vong vì chiến tranh của dân và quân phía VNCH giảm 55%, quân số của Việt Cộng, Bắc Việt trên toàn miền Nam giảm 21%).

Tỉ lệ về các cuộc tấn công lớn nhỏ của phía Cộng Sản giảm hơn là tỉ lệ giảm quân số, cho thấy một sự sa sút toàn diện về khả năng quân sự, dưới tỉ lệ dự đoán là 21% quân số sụt giảm. Ðiều này xảy ra trong khi quân số tham chiến của Hoa Kỳ giảm tới 58%. Quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng không những chỉ có mặt ít hơn trên toàn lãnh thổ, mà còn kém khả năng tung ra những cuộc hành quân tấn kích.

Nhiều con số thống kê của VNCH không chính xác, nhất là con số xã ấp có an ninh thì lại còn kém xác thực hơn, nhưng biểu đồ khuynh hướng khá rõ ràng, và không có bằng chứng dù về thống kê hay tin đồn vặt, mà nêu ra điều gì khác hơn là sự xuống dốc thẳng đứng trong thời vận của quân Việt Cộng và quân đội Bắc Việt trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1971. Trong khi Việt Cộng, gọi như vậy để phân biệt với quân Bắc Việt, không bị tiêu diệt hoàn toàn, và những ổ kháng cự có ảnh hưởng mạnh do họ kiểm soát vẫn tồn tại ở những tỉnh như Chương Thiện, Ðịnh Tường, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì Việt Cộng ở địa phương cũng không còn là một lực lượng chiến lược. Nếu không có sự xâm nhập đại quy mô của quân Bắc Việt và sự cung cấp vũ khí hiện đại, thì chiến tranh đã dần dần tự tàn lụi. Những đơn vị và khu vực của Việt Cộng tồn tại được cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào quân đội Bắc Việt để sống còn.

Tác giả “phản chiến” Frances Fitzgerald của cuốn “Lửa Trong Hồ” (thật khôi hài, là cuốn sách bị đả kích bởi cả người chỉ đạo về tư tưởng của Hà Nội, Nguyễn Khắc Viện, lẫn người ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng và Hà Nội, Ngô Vĩnh Long), nhìn nhận rằng khả năng sinh tồn của cả Việt Cộng lẫn QLVNCH hồi năm 1966 là mỗi bên 50%, nhưng đến 1969 thì cơ hội sống còn của Việt Cộng chỉ còn 10%, trong khi tỉ lệ này phía QLVNCH lên hẳn 90%. Nguyễn Văn Thành, sau 23 năm theo Việt Cộng, hồi chánh năm 1970, cho rằng cứu cánh của Mặt Trận Giải Phóng là vô vọng. Ông ta nêu ra những cuộc hành quân gia tăng của QLVNCH, sự phát triển những đơn vị Nghĩa Quân xã quận và các chương trình Nhân Dân Tự Vệ, cùng với kế hoạch cải tổ về ruộng đất của chính phủ VNCH, coi đó là những việc không thể đối phó được nữa. Stanley Karnow khẳng định thẳng thừng trong cuốn sách được đánh giá cao quá đáng của ông, không cần giải thích nguyên do, rằng đến năm 1971, thì “riêng phía Việt Cộng không phải là đối thủ của quân đội chính quyền Sài Gòn.”

Don Colin trải qua nhiều năm ở Việt Nam, được nhiều người biết đến qua lối bày tỏ thô lỗ, phản bác thô bạo và quá đáng, cộng với lối rủa sả om sòm những gì mà ông ta coi là tào lao nhảm nhí. Ông này đã phải chịu đựng những khó khăn trở ngại, những khởi đầu sai lạc cùng những vấn đề tương tự, bị coi như toàn những điềm gở. Nhưng năm 1971 Don Colin cũng thấy những kết quả tích tụ hiển hiện ở vùng châu thổ:

“Ba mươi tháng trước, con số những cấp chỉ huy giỏi ở Quân Khu IV chỉ đếm được trên một bàn tay. Ngay cả tư lệnh Quân Ðoàn, một cấp chỉ huy tốt, trong sạch và tương đối có khả năng, cũng nhút nhát, thiếu óc sáng tạo và không đủ sức kích động thuộc cấp vào những hoạt động xông xáo và tích cực. Cấp tư lệnh sư đoàn thì phần lớn thiếu khả năng, hầu hết các tỉnh trưởng cũng kém cỏi và tham nhũng. Các cấp chỉ huy thuộc quyền của họ thì chẳng những noi gương xấu mà nhiều khi còn phạm khuyết điểm quá hơn cấp trên nữa. Nhưng nay thì chuẩn mực chung về tài năng, sự trong sạch và tận tâm đã tăng lên tới mức mà trước kia tôi cho là không thể tưởng tượng được. Sự thay đổi đặc biệt này khiến tôi thêm lạc quan tin tưởng ở khả năng tối hậu của chính phủ trong việc kiểm soát được Việt Nam và thành lập một chính quyền ổn định.”

***

Rồi tới cuộc tấn công 1972 của Hà Nội, một cuộc tấn công tốc chiến phối hợp phương tiện cơ khí kiểu cổ điển (a classical blitzkrieg), với đặc điểm là những vũ khí hạng nặng và những vũ khí chết người được đưa ra sử dụng như hỏa tiễn tầm nhiệt phòng không SA-7, hỏa tiễn công phá điều khiển bằng dây AT-3, những đoàn chiến xa T-54 được yểm trợ bằng mấy trăm khẩu đội hỏa tiễn 122 ly, đại bác 130 ly, hơn hẳn tất cả mọi thứ từng được Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng pháo binh QLVNCH.

QLVNCH bị đánh tơi bời, có lúc đã gần tới kết cuộc, và sự đổ vỡ hiển hiện rõ ràng. Nhưng cái Quân Lực đang nằm đo ván đã đứng dậy ở tiếng đếm thứ 8, hồi phục sức lực và bẻ gãy cuộc tấn công nặng nề nhất ở Việt Nam, tính tới lúc đó. Không ai khác hơn là học giả hàng đầu của Hoa Kỳ về Việt Nam, Douglas Pike, đã tuyên bố cuộc xâm lược của Hà Nội thất bại là vì “…Nam Việt Nam chiến đấu hơn hẳn quân đội xâm lăng đến từ phương Bắc.”

Nhiều nhà bình luận, kể cả Tướng Ngô Quang Trưởng, nói tới không lực Hoa Kỳ như một yếu tố quyết định, thì đó đúng là yếu tố chính. Nhưng những điều ngụ ý nói là QLVNCH không thể chiến đấu nếu như không có không lực Mỹ, thì đã thiếu sót hai điều căn bản:

– Thứ nhất, quân đội Mỹ cũng chỉ được yểm trợ bằng không lực giống như QLVNCH đã được.

– Thứ hai, là điểm người ta ít nhìn ra: không lực Hoa Kỳ là một yếu tố bổ sung để cân bằng với hai lực lượng vượt trội của Bắc Việt là thiết giáp và, lợi hại hơn cả, là lực lượng pháo binh hơn hẳn, hỏa tiễn 122 ly chính xác và đại pháo 130 ly gây tàn phá quy mô ở tầm tối đa 19 dặm (32 km). Hoa Kỳ không cung cấp cho đồng minh của họ, VNCH, những vũ khí lợi hại ngang bằng, nhất là về pháo binh, như Liên Xô và Trung Cộng cung cấp cho Hà Nội. Hà Nội có hằng trăm hỏa tiễn 122 và đại pháo 130. QLVNCH không đủ đại bác để phản pháo, chỉ có 24 khẩu 175 ly, không chính xác bằng, bắn chậm hơn các loại 122 ly và 130 ly. Cả pháo đài kiên cố cũng không chịu nổi đạn 130 ly khoan hầm, nổ chậm.