PHỎNG VẤN GIÁO SƯ VŨ QUỐC THÚC, MỘT CHÍNH KHÁCH PHỤC VỤ 2 CHẾ ĐỘ CỘNG HÒA (Mặc lâm/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong 40 năm qua, người Việt lưu lạc khắp nơi trên thế giới với đủ thành phần xã hội trong đó không hiếm những tinh hoa của Miền Nam Việt Nam. Trong chuyên đề Ký ức 40 năm chúng tôi xin giới thiệu Giáo sư Kinh tế Vũ Quốc Thúc, từ năm 1954 cho đến 1975 ông từng là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Cố vấn phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đến Đệ nhị Cộng hòa khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chấp chính ông giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách kinh tế hậu chiến và là Khoa trưởng của Đại học Luật khoa Sài Gòn trong thập niên 60.

Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, trong vài ngày tới là đúng 40 năm ngày cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Thời điểm này hàng triệu người từng vượt biên tìm cái sống trong cái chết thì hình ảnh cuối cùng của chiếc xe tank húc đổ dinh Độc lập không thể phai nhạt trong tâm trí của họ được. Giáo sư có ký ức gì cho riêng mình trong ngày này thưa ông?
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Không bao giờ mình quên được mốc thời gian 30 tháng Tư đó, đối với tôi có thể nói đó là ngả rẽ lịch sử. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi đã toan tự vẫn nhưng có một người anh bà con lúc ấy đang lánh nạn ở Sài Gòn anh ta có khuyên tôi thôi thì nếu mà chú đã chấp nhận chết thì tội gì không đợi họ đến, đợi họ đã nếu có cách chống lại họ thì chống, nếu họ có giết mình thì đàng nào cũng chết mà! Tôi thấy lời khuyên đó hợp lý thành ra tôi tìm cách đi chui, đi vượt biên.
Mặc LâmQua cuộc chiến tranh Việt Nam, được tham gia vào chính trường cũng như giữ các vai trò quan trọng trong hai chính phủ Giáo sư nghĩ gì về sự chấm dứt có thể hiểu được vào ngày 30 tháng 4 thưa ông?
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào xảy ra giữa mình và ngoại bang thì ta đánh cho đến cùng nhưng trong cuộc chiến tranh người Việt chống nhau với người Việt thì đương nhiên có một lúc nào đó người ta không thích đánh nhau nữa vì người ta thấy đều là đồng bào mình cả tại sao lại chém giết lẫn nhau? Bấy giờ nó là vấn đề tâm lý đương nhiên người Việt chống nhau với người Việt thì không thể nào kéo dài được. Con người vẫn là con người cái suy tư của tôi là như thế. Vì vậy cho nên hãy làm mọi cách tránh đừng cho thảm họa chiến tranh tái diễn. Nếu chiến tranh mà ngoại quốc nó đánh mình thì tất nhiên không thể nào mình chịu rồi. Nếu mà mình với mình đánh nhau chỉ vì ý thức hệ hay quyền lợi thì hoàn toàn vô lý.
Mặc LâmThưa Giáo sư ông đã từng có thời gian làm cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, theo ông thì Tổng thống Diệm có khuynh hướng dân tộc tự chủ như nhiều người nhận xét và từ lập trường này mà ông bị giết bởi quân đội vào năm 1963 hay vì chế độ gia đình trị bởi sự lộng hành của các người trong gia tộc Ngô Đình?

 

Trong cuộc chiến nào thì người dân vẫn là những người chịu đau thương nhiều nhất

 


Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Đã nhiều lần ông Diệm tâm sự với tôi và phải nói rằng ông Diệm là một người yêu nước. Còn về anh em ông ấy thì tôi không biết nhiều nhưng riêng ông Diệm thì ông ấy là một người yêu nước và không muốn ngoại bang chi phối mình. Ông cũng sợ nội chiến đúng như tôi sợ vậy.
Tôi còn nhớ cứ vào buổi tối, ăn cơm tối xong thì ông gọi phone thẳng cho tôi mời tôi vào chơi nói chuyện, tâm sự với tôi. Tôi thấy con người ông lúc đó không phải vì chính trị hay gì khác mà lúc ấy quả thực ông ấy nói lên cái nỗi lòng của ông ấy. Tôi biết ông không phải là người sẵn sàng theo ngoại bang.
Mặc LâmGiáo sư từng giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách tái thiết hậu chiến trong chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vào thời điểm 30 tháng 4 giáo sư có còn tham chính nữa hay không?
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Lúc đó quả thực tôi không còn trong chính quyền nữa tôi là một giáo sự và chỉ dạy học ở trường Luật, tôi không còn giữ chức vụ gì nữa tôi đã rời khỏi chính quyền. Từ năm 1972 thì tôi đã không còn làm Quốc vụ khanh nữa. Từ năm 72 tới 1975 tôi chỉ dạy học thôi.
Mặc LâmVâng, có thể vì lý do đó mà Giáo sư không bị tập trung cải tạo hay còn nguyên nhân nào khác?
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Thú thật là về sau này tôi mới thấy họ nói qua lời kể lại của cán bộ cao cấp cho biết là ngoài Bắc người ta nghiên cứu cái chương trình, kế hoạch hậu chiến của tôi và tôi chỉ dự đoán thế thôi chứ không biết nỗi? Tôi đoán rằng người ta dự tính đến một lúc nào đó người ta dùng kế hoạch hậu chiến đó để xin viện trợ, ngay cả xin mỹ viện trợ Mỹ, và có lẽ vì thế mà họ không bắt tôi đi cải tạo. Họ đã tới tận nhà bắt tôi đi và giữ tôi hơn hai tuần lễ lấy cái cớ là tôi đi chui nhưng sau đó họ lại thả vể nhà quản thúc tại gia họ cho bộ đội đóng chốt quanh nhà. Tôi ở tại một cao ốc và họ ở đàng trước, đàng sau quản thúc tại gia, nhưng dẫu sao họ không bắt tôi đi học tập như ông anh tôi.
Mặc LâmGiáo sư đã sang Pháp định cư từ năm 1978, suốt 37 năm qua trong cuộc sống lưu vong ấy ông có nhận xét gì về cộng đồng người Việt hải ngoại và điểm chung nào mà theo ông là cần phải giữ gìn và phát huy hơn nữa?
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Trước nhất là tôi thấy hiện thời người dân ở hải ngoại tính ra có lẽ cũng đến 4 triệu người Việt, tất nhiên cũng là thiểu số so với hơn 80 triệu người trong nước nhưng chính cái thiều số người Việt hải ngoại đó lại là một thành tố vô cùng quan trọng đối với tương lai của dân tộc mình.
Tôi đã biết trong nước từ xưa qua các chế độ người mình có một tầm nhìn có lẽ nó hơi hạn hẹp quá không nhìn xa xôi và rồi cũng không ý thức được như cầu của dân tộc là phải phát triển để ít nhất cũng thành một nước thực sự độc lập, giàu mạnh. Người trong nước có lẽ cũng vì hoàn cảnh lịch sử đưa đến chỗ trước hết là chiến tranh dành độc lập, sau rồi lại đến chiến tranh lôi cuốn vào cuộc chiến giữa hai khối tư bản tự do và khối cộng sản độc tài toàn trị. Bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh đó và như tôi đã nói là rốt cục người mình lại chia rẽ chống nhau với người mình. Ngoại quốc người ta dùng người mình làm lợi cho người ta trong bãi đấu thành ra tôi thấy đó là một đại họa cho dân tộc.
Bây giờ có một số người vượt ra ngoại quốc được. Vượt ra ngoại quốc vì hoàn cảnh không thể khác phải bỏ nước ra đi. Khi người ta đã liều mạng đi trên những chiếc thuyền mong manh trên biển cả mười phần chết đến 5, 6 thế mà người ta cũng bỏ nước ra đi. Khi ra đi như thế chúng ta có một cái nhìn toàn cầu, không còn chật hẹp như trước nữa, không nghĩ tới quê hương mà chém giết nhau chỉ vì quyền lợi ngắn hạn. Bây giờ những người ở bất cứ nơi nào bên Mỹ hay Âu châu hay Á châu chăng nữa thì họ đã có một cái nhìn toàn cầu.
Với 90 triệu người mà trong đó có biết bao nhiêu người tài năng nhưng tại làm sao mà mình cứ để cho người ta lợi dụng mình như một con cờ để cuối cùng chém giết lẫn nhau? Cái điều đó nó làm cho tôi vô cùng phẫn nộ. Đó là những gì nó ám ảnh tôi trong bốn chục năm qua.

Mặc LâmXin cám ơn Giáo sư.

*
*     *

Người tị nạn miền Bắc sau chiến tranh Việt Hà, phóng viên RFA 

http://phailentieng.blogspot.com/2015/05/phong-van-giao-su-vu-quoc-thuc-mot.html?fbclid=IwAR2zHMbL03DBWOAZxTRZk3tehfs7W8M231McUV-Sgjjj4A5_oC1dfvLEJDs