Đường Hoàng Diệu xuống dôc Hội Phú. Cây xăng Shell gần Diệp Kính.
Phố núi cao phố núi đầy sương…
Phố núi, Cái tên gọi gợi lên hình ảnh Pleiku với bao hoài niệm và cảm xúc. Hoài niệm về một nơi chốn từng in dấu thanh xuân của đời mình trên bùn lầy đất đỏ với những doanh trại mờ sương, ở những quán cà phê của gió, những con đường có bóng thông và hoa vông nở đỏ. Cảm xúc trong nỗi niềm tiếc nhớ một không gian không còn nữa và những người bạn hoặc đã nằm xuống đâu đó nơi ven rừng hoặc lưu lạc bên trời ít khi gặp lại. Trong nỗi niềm nhớ tiếc Pleiku có âm hưởng của bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định qua âm nhạc của Phạm Duy.
Về bài thơ và bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ, Nguyễn Đình Toàn viết trong Bông Hồng Tạ Ơn: “Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.” Thật ra với Nguyễn này, bài thơ của Vũ Hữu Định cũng như ca khúc của Phạm Duy chỉ đến về sau. Nó chỉ làm tăng thêm niềm nhớ và gợi lại cảm xúc ở hồn mình. Còn Nguyễn đến với Pleiku và rồi sinh lòng yêu nó từ thuở mới vào lính. Hồi đó, năm 1964, mới rời trường Bộ Binh Thủ Đức về Cục Tâm Lý Chiến, được bổ nhiệm lên Tiểu Đoàn 2 Tâm Lý Chiến Pleiku (sau này là Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị). Còn nhớ cả bọn gồm 4 người –Nguyễn Xuân Hùng, Phan Thế Hùng (Châu Trị), Trần Văn Thịnh và Nguyễn này đáp máy bay quân sự lên Pleiku. Khi tới phi trường Cù Hanh, ngồi trên máy bay nhìn xuống toàn đất đỏ và núi non, lòng chợt ngao ngán, chỉ muốn đào ngũ trở lại Sài Gòn với Dung và con thơ và phố xá.
Thế nhưng, qua những ngày đầu, lâu dần rồi đời cũng quen và bắt đầu yêu thành phố lính này. Thành phố lính vì đi đâu cũng thấy màu áo trận và xe nhà binh. Những con đường ngắn Trịnh Minh Thế, Phan Bội Châu, Hoàng Diệu… A, những con đường ngắn, đi dăm phút đã về chốn cũ (Vũ Hữu Định), với những bóng thông già, những dãy phố và những ngọn đèn soi bóng ai trong quán cà phê. Nguyễn chỉ ở Pleiku sáu tháng rồi được Diên Nghị bạn học và bạn thơ hồi xưa, lúc ấy làm trưởng phòng Tâm Lý Chiến, bốc lên Đà Lạt làm chương trình phát thanh Quân Đoàn II Quân Khu II. Nói chỉ ở Pleiku sáu tháng nhưng Nguyễn đi về thường xuyên, do đó mà có thêm nhiều bạn. Ôi, bạn ta giờ tản lạc muôn phương, có kẻ không còn nữa trên đời này: Tô Mặc Giang, Kim Tuấn, Hải Phương, Triều Hoa Đại, Trần Trọng Thuyên. Cả Miên Đức Thắng nữa cũng chỉ gặp ở Pleiku. Còn cô học trò diễm lệ Lê Thị Nguyệt Hạnh đã chết trên một chiếc C130 bốc cháy trong rừng già biên giới. Ôi, Pleiku. Bao nhiêu bóng hình, bao nỗi niềm gởi lại. Một lần, Nguyễn và Dạ Lan qua điều hành đài địch vận và đã có những ngày rong chơi với Kim Tuấn và Tô Mặc Giang ở bún bò Nhà Thương, cà phê Dinh Điền, Hội Quán Phượng Hoàng… Gần đây, Nguyễn viết cho Tô Mặc Giang hiện ở Hawaii:
tôi cũng nhìn thấy bạn
ở pleiku
cùng với người nữ làm thơ tên chi
trong cà phê dinh điền
có cả kim tuấn. ngồi cười
mới đó mà mấy chục năm trôi qua
người xa người. người bỏ người đi
những quán khuya. nơi chúng mình họp mặt. không còn ánh lửa
mới đây. hải phương nói với tôi
sẽ làm một bài thơ. nhớ pleiku
hồi tôi. và dạ lan. qua làm đài địch vận
và chúng mình mê cô ca sỹ trong hội quán phượng hoàng
những cây thông còn đó
những góc đường đầy lá rụng còn đó
bài thơ chắc vẫn còn trong trí óc hải phương
còn bạn đã cho in. gió cũng nói lời từ biệt
thôi hãy gởi cho nhau xem
để nhớ lại pleiku
và kim tuấn
và dạ lan
lời này xin thả bay trong nắng
ơi. tô mặc giang
Có thời Nguyễn sang Pleiku công tác, nhân tiện thăm mẹ và em gái có chồng làm việc ở Quân Y Viện. Ấy là những ngày tháng ba của nắng và gió, hoa vông nở rực đồi xa. Những ngày chờ đợi chuyến đi lên Eo Gió… Nguyễn làm thơ. Nhà em gái Nguyễn ở trong khu gia binh trên đường Sư Vạn Hạnh. Một buổi sáng thức dậy, Nguyễn nằm dài trên giường bố nhà binh nhìn qua cửa sổ thấy một cây vông chỉ còn ba chiếc lá mỏng manh. Qua sáng hôm sau, chỉ còn hai chiếc. Qua hôm sau nữa chỉ còn một. Rồi một sáng, Nguyễn thấy trên cành, một nụ hoa vông đỏ rực đâm lên trời. Tung chăn ngồi dậy, sau ly cà phê, Nguyễn đi xuống đường thấy gió xao xác thổi trên phố, làm rung những tấm tôn của một quán cà phê nghèo. Trở về, Nguyễn bắt đầu viết Tôi Cùng Gió Mùa, tới chiều thì xong bài thơ. Bài Hỏi Thầm Giọt Mưa Và Nói Giùm Tôi cũng được viết trong những ngày chờ đợi lên đường, trong đó có hình bóng mẹ cong lưng tưới cây chanh bên bờ giậu, em bé hái sen chiều đem ra chợ bán, cô em gái chờ đợi trước gương xưa…
Ôi, Pleiku… Lần cuối Nguyễn trở lại Phố Núi là khoảng đầu năm 1974. Thời gian này chiến trận sôi sục nhiều nơi. Vẫn những chuyến đi, và ghi chép và viết… Đi tới mỗi nơi đều có đọc thơ. Ở Kontum, Sông Ba Phú Bổn, Bảo Lộc Lâm Đồng… Trong lần ở lại Pleiku này, Nguyễn được Kim Tuấn và Trần Trọng Thuyên dẫn đến chơi nhà chị em Sinh Nhật. Hai cô khá đẹp. Cô chị đã qua một cuộc hôn nhân và trở thành thiếu phụ ngày đêm mơ tưởng một cuộc tình có màu hoa dã quỳ và bụi đường phố núi. Hình ảnh cô được Nguyễn ghi lại trong Pleiku, tháng Ba 1974.
tháng ba. rực trời nắng gió
bụi bay. hợp âm qua hàng thông
em đốt đời em trên sắc lá
lãng quên. ngọn lửa dưới chân tường
“… vò nát chiếc khăn. và đừng khóc
chiều nay. chớp bể mưa nguồn
chia tay nhau. sương phụ
người đi. râu bám bụi đường
tháng ba. em. những căn nhà gỗ
ánh đèn khuya. vệt máu hè xưa
đừng tiếc chiếc khăn tay ngày ấy
sẽ bay trong lửa hoàng hôn
tháng ba. cơn giông rền mặt đất.”
Từ cơn giông ấy tôi đi để rồi không bao giờ trở lại. Ôi, Pleiku… Chỉ một năm sau xảy ra Cuộc Di Tản Lớn, từ Pleiku đoàn người và xe đổ về Nha Trang trong đạn pháo của Cộng quân. Mẹ và em gái và các cháu của Nguyễn có trong đoàn người ấy. Cuối Tháng Ba năm 1975, Nguyễn ra Nha Trang tìm mẹ và em. Chỉ một hai ngày sau là Nha Trang lọt vào tay quân Miền Bắc:
tháng ba. tháng ba. trong đời tôi
và lịch sử. hoàng hôn nghiêng mái quán
hải âu. bay xa. về đâu
thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn
(Nha Trang Tháng Ba 1975)
Kể từ Tháng Ba đó, chúng ta đã mất Pleiku. Nhưng Phố Núi của tôi, của Tô Mặc Giang, Dạ Lan, Hải Phương, Diên Nghị và bạn bè vẫn còn đâu đó. Những quán xá, những góc đường, những vỉa hè và hàng thông trên đường lên Hội Quán Phượng Hoàng, những lá thông khô và hoa vông đỏ mãi mãi là tài sản của một thời. Bạn thơ ơi, ca nhân ơi xin hát lên bài Phố Núi để chúng ta cùng mơ.
Tim Nguyễn