CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ (Trịnh Anh Khôi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Loạt bài Lai Rai Chuyện Đời # 36

May be an image of 1 person and smiling

Người trong ảnh được cho là “em Pleiku má đỏ môi hồng”, Nàng Thơ trong bài Còn Một Chút Gì Để Nhớ của thi sĩ Vũ Hữu Định. Người yêu thơ và yêu nhạc có thể đã không biết tác phẩm này rộng rãi đến vậy, nếu nhạc sĩ Phạm Duy không phổ nhạc nó vào năm 1970.
Vũ Hữu Định tên thật Lê Quang Trung, sinh năm 1942, tuổi Nhâm Ngọ tại Thừa Thiên – Huế trong một gia đình nghèo. Anh từng sống tại Tây Nguyên và Sài Gòn, trước khi lập gia đình rồi định cư ở Đà Nẵng. Anh làm thơ đăng báo từ khoảng những năm 1960 với bút danh Hàn Phong Lệ hay Hàn Giang Tử, về sau đổi thành Vũ Hữu Định.
Nhà thơ vào đời sớm, lập gia đình cũng sớm và sống nghèo trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Anh là người mê rượu, nghèo khó nhưng thích phiêu bạt giang hồ, tính tình phóng khoáng và chơi rất hòa hợp với bạn bè.
Bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ đi kèm với tên tuổi Vũ Hữu Định. Tác phẩm gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu từ 7-8 chữ mang theo những hình ảnh nhẹ nhàng, mê đắm của phố núi Pleiku:
Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên
Bài này được viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm một người bạn gái ở Pleiku. Cùng năm ấy, nó được đăng báo Khởi Hành của thi sĩ Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên, với khổ thơ cuối được nâng thành cao trào.
Theo hồi ức của nhà văn, nhà báo Trương Điện Thắng, đồng nghiệp với TAK tại Thanh Niên, anh quen biết Vũ Hữu Định đúng năm 1970 qua 2 người bạn. Vũ Hữu Định lớn hơn 10 tuổi, nhưng khi đã quen thân, các anh gọi nhau “mày, tao” hồi nào chẳng biết. Khi đó Thắng đang học Đệ nhị, còn Định đã đi làm và ký tên Hàn Giang Tử khi làm thơ. Rồi khi Thắng vào học ở Sài Gòn, một ngày Định về chỗ trọ, cầm theo tờ tuần báo Khởi Hành có đăng bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ. Lần khác anh về, lại khoe tiền của Phạm Duy trả tác quyền và anh đã nhờ Phạm Chu Sa, cũng vừa là bạn vừa là đồng nghiệp của TAK làm cho giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Có giấy tờ, anh xin được việc ở nhật báo Quật Cường, viết tin cho trang văn nghệ.
Một thời gian ngắn, chỉ trước hôm ký Hiệp định Paris (27/1/1973) mấy ngày, Vũ Hữu Định và Phạm Chu Sa phải bỏ trốn vì bị an ninh phát hiện dùng giấy giả. Tết năm 1973, do bị lùng bắt, anh trốn về Đà Nẵng bằng đường bộ và bị quân giải phóng giữ lại mấy ngày tại khu vực đèo Bình Đê, thuộc huyện Tam Quan, Bình Định.
Nhìn lại, chính từ giai đoạn gần 2 năm ở Sài Gòn, Vũ Hữu Định viết rất lên tay. Tuần nào anh cũng có bài, có khi là cả một chùm thơ, đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa, Chính Văn, Thời Tập... Nhiều câu thơ hay của anh bây giờ nhiều người vẫn luôn nhớ. Anh rất vui tính và không bao giờ nói xấu hay nghĩ xấu về ai, kể cả trong bàn rượu.
Vũ Hữu Định đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng gian nan và đầy khao khát. Ở anh, dù có cuộc sống rất giang hồ nhưng lại một mực yêu thương vợ con. Những bữa cơm đạm bạc do tự tay anh sửa soạn cho các con anh, luôn ân cần và chu đáo cho dù trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Thường, sau những cuộc uống say nhừ tử, Định lại có thói quen phải về nhà với gia đình. Lần cuối cùng, Định đã ra đi trong tâm thức trở về đó, khi anh bước hẫng từ một sàn bê-tông không lan-can, cao bốn mét và rơi xuống đất.
Tác giả Thu Tứ có viết một bài dài nhận xét về thơ Vũ Hữu Định, xin tóm ý: “Thơ ông Vũ có những câu như “Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn“, “… theo mẹ đêm đêm qua xóm, xách đèn rao khoai sắn cầm hơi“, “không nhớ hết nghề đã trải“, “còn cả chục nghề thôi không kể“, v.v. Thơ cho ta biết tác giả “đi như một anh hành khất“, nhọc nhằn đến nỗi “vừa vượt tuổi ba mươi” đã thấy “đuối sức“, “đau lưng“. Thơ kể lể nông nỗi dọc đường, nhưng đến cuối đường thì thơ không cung cấp được chi tiết nào cả, vì Vũ Hữu Định bất đắc kỳ tử khi mới 39 tuổi.
Hoàn cảnh kém may mắn là thủ phạm chính, nhưng cứ theo lời bạn bè, chính Vũ Hữu Định cũng có góp phần làm khó đời mình. Ngay thơ ông cũng “mách”: “… thả trôi cái sống cho đời dạt, mẹ buồn ta tóc trắng lưng cong“. “Mẹ buồn”, mà tất nhiên chính “ta” cũng buồn. Được cái Vũ Hữu Định nhiều bạn bè, nên lắm lúc khuây khỏa, nhưng hẳn mỗi khi bạn về rồi, rượu tỉnh thì “may mà có thơ (em) đời còn dễ thương“.
Không biết thi sĩ sống ở quê đến năm mình bao nhiêu tuổi, mà quê lại luôn to thế trong thơ. “Quê Vũ” đặc biệt ở chỗ chẳng những “thôn xóm quạnh“, “nhà xưa điêu tàn“, mà cả mồ mả “mẹ, chị, đàn em” cũng không có. Cho nên nhớ thôi là nhớ, chứ “thăm ai? thăm ai? ta về quê“.
Thơ Vũ Hữu Định buồn mà không chút hằn học, mỉa mai, không hề đụng chạm tới bất cứ ai, bất cứ cái gì. Nó trong sáng bất chấp thực tại. Về vật chất, Vũ Hữu Định suốt đời tay trắng. Nhưng về tinh thần, ông đâu phải người vô sản. Từ cái “không” của cuộc đời mình, ông đã nấu thành cái “có” là những bài thơ làm phong phú thêm cõi thơ vốn lắm những điêu linh từ thưở chiến tranh của dân tộc.
Để khép lại bài này, xin đọc một đoạn thơ khác của nhà thơ họ Vũ:
Con gái ngày Xuân như mới tắm
buổi mai sương ướt cỏ hoa ngời
lòng đá chợt mềm chao rất nhẹ
nhớ mình vừa vượt tuổi ba mươi
Năm nay ăn Tết cùng ông quán
mồng Một đời cay miếng mứt gừng
chén rượu ngày Xuân sao đắng miệng
giang hồ nghe cũng đã đau lưng
Vẫn đi như một anh hành khất
đuối sức nhưng quê đâu mà về
ta sống một đời mây nhuốm bệnh
bồng bềnh sầu đụn màu sơn khê
Sáng nay nghe pháo ran ngoài phố
ngòi pháo đời ta cũng cháy ngầm
thấy gái Xuân tươi lòng cũng thẹn
chuồn chuồn xếp cánh đậu bâng khuâng
https://www.facebook.com/groups/375827203600067/?multi_permalinks=956306445552137&ref=share