NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA ĐỒI TĂNG NHƠN PHÚ (Hùng Bi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

* Riêng gởi đến các chàng trai trẻ đã từng mang trên vai áo lính phù hiệu đơn vị quân đội đầu tiên có dòng chữ Cư An Tư Nguy.
   Xin một phút cúi đầu mặc niệm anh linh những chiến hữu đồng môn đã mãi mãi nằm xuống trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
 
   Xin thưa rằng, đây chỉ là lời kể lại của người trong cuộc mô tả những biến động trong thời khắc lịch sử xảy ra ở Đồi Tăng Nhơn Phú dưới góc nhìn cá nhân nên có thể sẽ phiến diện vì mỗi người có một cái nhìn khác nhau tuỳ theo góc độ quan sát sự kiện của họ.
   Nó không phải là một tài liệu quân sử cần độ chính xác cao hay ký sự chiến trường với tầm nhìn bao quát nhiều khía cạnh, và cũng không phải là một bài viết theo thuyết đề cao anh hùng cá nhân. Những điều tôi viết ra xem chừng vừa đủ vì tôi biết chỉ có vậy thôi, không nhiều hơn nữa. 
 
***

   Tháng 2/1975, tôi được đơn vị cử đi học một khóa huấn luyện 6 tháng ở Thủ Đức để hội đủ điều kiện thăng cấp bậc. Lúc trình Sự Vụ Lệnh ở Liên Đội Khoá Sinh, tôi được chỉ định làm Sĩ Quan Kỷ Luật của trường tức là “Ông Kẹ” của các khóa sinh đang theo học.
 
   Những bước chân trở lại nơi ngày xưa đã đào tạo tôi thành một sĩ quan trung đội trưởng bộ binh sao nghe trong lòng dấy lên những xúc cảm nao nao khó tả! Cũng cánh cổng năm nào, cũng chỗ thăm nuôi những tuần không được đi phép nằm phía tay phải cùng với Đồn quân cảnh 301 dành cho những chú SVSQ “cứng đầu”. Cũng cái nhà to đùng lợp mái và vây kín bằng tôle chính là nơi ngày đầu tiên tôi gia nhập Trường Bộ Binh Thủ Đức đã bị mấy tay huynh trưởng “quần” cho tơi tả, và cũng chính là nơi chúng tôi tự lựa chọn con đường sinh tử của mình khi mãn khoá ra trường. Cũng vẫn là con đường tráng nhựa dẫn thẳng xuyên suốt ngọn đồi Tăng Nhơn Phú đi ngang qua Vũ đình trường nơi chúng tôi được vinh dự gắn alpha công nhận là một Sinh viên Sĩ quan, và trong tâm tưởng vẫn như thấy lại những ngọn đuốc cháy bập bùng trong đêm cuối cùng chúng tôi làm lễ mãn khóa.       
   Một không khí bao trùm nhuốm đầy vẻ thiêng liêng. Lúc ấy, tôi mường tượng như anh linh của những huynh trưởng đã khuất quay về lượn bay lả lướt vỗ tay reo mừng cho lớp đàn em đã trưởng thành sẵn sàng lao vào cuộc đời binh lửa, cũng có thể trong tiếng vỗ tay mơ hồ ấy như biểu lộ một nỗi mừng vui là sắp có những thằng em đang chuẩn bị nhập hội với họ. Biết đâu đấy! 
   Tất cả đứng nghiêm trang trong tiếng quân nhạc trầm hùng và những khẩu lệnh dõng dạc từ loa phóng thanh, chúng tôi được gắn lên cầu vai những chiếc “quai chảo” vàng chói để chứng thực đã đủ năng lực mà chu toàn bổn phận đối với đất nước, đối với quân đội, cũng như đã đủ năng lực và tinh khôn lo cho sự an nguy của mấy mươi sinh mệnh dưới quyền khi nhận Trung đội ở đơn vị mới. 
   Con đường tráng nhựa ấy cũng đi tới dãy nhà bàn nơi mà bữa cơm đầu tiên của tôi tại trường đào tạo Sĩ quan nầy diễn ra thật…quá êm ái !!!
   Bây giờ ngồi nhớ lại, quả là trong suốt hơn 70 năm sống ở cõi tạm nầy, tôi chưa bao giờ được “ban phát” một bữa cơm cực kỳ ngắn ngủi như vậy, chỉ trong vòng có 1 phút đồng hồ! Người ta gọi đó là thời kỳ “huấn nhục” của Tân Khóa sinh để quen dần với những trạng huống bất ngờ trong chiến tranh mà chúng tôi chuẩn bị giáp mặt. Nhưng chi vậy hở Trời? Chính vì những ý tưởng ngu ngốc một cách có hệ thống đã dẫn tới kết cục tang thương của một chế độ đấy!
 
***
 
   Thật tình cờ, phòng học của tôi lại rơi đúng vào căn phòng mà tôi đã “trú ngụ” gần 6 tháng…toàn ngoài hành lang trước kia của những năm đã xa xôi như cổ tích. Tôi thẫn thờ sờ từng khung cửa, mũi giày di di lên những viên gạch lót nền, tưởng như những thằng tuổi trẻ cùng thời với tôi vẫn còn vang vang giọng cười tiếng nói đâu đây, tưởng như anh linh của những người bạn cùng phòng đã khuất trong chiến tranh quay về cùng tôi mà ve vuốt những kỷ niệm đã qua, mắt nhìn thoáng ra hàng cây bã đậu năm xưa gần mương thoát nước bao quanh, nơi đó tôi đã lại bị một thằng huynh trưởng mắc dịch bắt ra đứng cười tám thế cho nó nghe sau câu hỏi: 
 – Các bạn trong phòng có ai nghe tiếng cười của người ngoài kia không?
   Tôi mạnh dạn trả lời để mong giải thoát người bạn ra khỏi trò hề đang diễn ra ngoài sân.
 – Thưa huynh trưởng, có!
   Thế là tôi trở thành một “người thế thân” ngay lập tức! 
   Tôi chẳng biết người ta bày ra những cái “trò khỉ” đó làm chi? Nhưng theo như người ta gọi đó là “truyền thống?!?!”, và đến lượt tôi được cử đi làm huynh trưởng của khóa đàn em thì cái trò hề đó cũng chính tôi phải lập lại. Giờ thì đã bạc đầu râu ngồi nhớ lại thì thấy rằng ba cái chuyện vớ vẩn trong quân trường đúng là…những chuyện vớ vẩn!
 
   Cuộc chiến tranh lúc đó như một tờ giấy mỏng bị đốt cháy, ngọn lửa cứ lan dần theo những cuộc di tản chiến thuật bỏ đất theo một sách lược binh pháp…hay ho nhất thế kỷ của một chính trị gia nhà binh đầy mưu mẹo: Trung Tướng Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, mà bước đột phá dẫn tới việc làm cho suy sụp cả một chế độ là cuộc di tản chiến thuật của Vùng 2 Chiến Thuật.
   Khi lực lượng phe kia chiếm được Phan Rang, Trường Võ Bị Đà Lạt được lịnh di tản về tạm trú tại Huấn Khu Thủ Đức (tức đồi Tăng Nhơn Phú). Chúng tôi gom quân lui về tuyến phòng thủ khu vực của mình, bàn giao lại tuyến A và tuyến D cho lực lượng các Sinh viên sĩ quan mới di tản về.
    Lúc đó, mỗi lần đi xuống mấy quán cơm của Khu Gia Binh Thủ Đức thiệt là mệt mỏi đối với tôi do phải chào trả những SVSQ Đà Lạt đang tràn ngập đầy đường. Rõ ràng trong con mắt họ, một chàng Trung Úy Nhảy Dù với 2 bông mai đen và cái bê-rê đỏ đã bạc màu mưa nắng đội lệch trên đầu là thần tượng của họ chớ còn gì nữa? Tất cả những Sinh Viên Võ Bị các khoá sau nầy khi về đơn vị bộ binh đều phải học Nhảy Dù hết mà! Nói thiệt tình khi nhìn những sĩ quan cấp tướng đều mang bằng Nhảy Dù danh giá trên ngực áo, tôi thấy mình rất tự hào và hãnh diện cho sự lựa chọn của mình, bởi đó là một binh chủng bộ binh ưu tú của QLVNCH. (Tự làm le vậy thôi chớ còn biết bao nhiêu đơn vị khác cũng ưu tú đâu kém).
 
   Tình hình chiến sự lúc đó rất lộn xộn. Tôi đã phải rời đơn vị gốc nên chẳng biết ở hậu cứ thế nào? Do những lý tưởng mắc dịch nào đó nằm trong đầu, tôi nghĩ nếu mình tháo chạy như những người khác thì không còn ai canh chừng cửa ngõ vào thủ đô thì Sàigòn còn lại cái gì? Trong khi tôi dư sức ra đi một cách thong thả vì sĩ quan Nhảy Dù được phép vào cổng sân bay quân sự Tân Sơn Nhứt không cần trình Sự vụ lệnh.
   Vậy là chạy về đơn vị lấy nón sắt áo giáp, ống ngắm hồng ngoại tuyến của súng M16 lên Thủ Đức để sẵn sàng chiến đấu một mất một còn. Bây giờ nghĩ lại thì quả là một hành động bồng bột và xốc nổi của tuổi trẻ vì làm sao mà bẻ nạng chống trời, làm sao mà thay đổi được vận nước? Trong khi những cấp chỉ huy cao cấp đã tháo chạy bỏ rơi chúng tôi lại.
 
   Khi trận chiến Xuân Lộc bắt đầu, xe tăng địch tràn ngập chiến trường. Thấy tình hình có vẻ căng quá, Đại tá Chỉ Huy Trưởng tập họp tất cả các khóa sinh lại và tôi được chỉ định làm Huấn Luyện Viên huấn luyện sử dụng súng phóng hỏa tiễn vác vai chống tăng M72.
   Tuy không phải là một Huấn luyện viên vũ khí chuyên nghiệp, nhưng so ra chắc tôi cũng có kinh nghiệm thực tiễn hơn. Tôi không lòng vòng với một mớ lý thuyết mà chỉ làm những động tác thực hành sao cho dễ hiểu dễ nhớ. Ngắn gọn và thực tế.
   Trong lúc tôi đang hướng dẫn những thao tác trên súng, một vài khóa sinh tỏ ra lơ là thì bị chính tay Đại Tá ấy mạt sát và đòi bỏ tù. Nhưng đến sáng hôm sau thì hắn đã “chuồn” mất tăm!
   Chúng tôi đã phải ăn cơm 3 ngày nay chỉ với món chao duy nhất. May mà bộ phận ẩm thực chỉ là những hạ sĩ quan và binh sĩ, nhưng họ là những người lính có trách nhiệm, giữ đúng bổn phận đã được phân công nên vẫn nấu cơm hàng ngày cho anh em, còn những sĩ quan chỉ huy và bọn phòng tài chánh đã chuồn mất với những bao tiền dành mua thực phẩm cho mọi người rồi.
 
   Lúc ấy một đơn vị Pháo Binh đã cử 2 khẩu pháo 175li loại được đặt trên xe bánh xích như xe tăng đến đồn trú trong trường hướng nòng về Tiểu Khu Long Khánh. 
   Chắc các bạn cũng rõ là Trường Thủ Đức được xây từ thời Pháp nên rất cổ lổ. Trần nhà đâu có được đổ bê tông cốt thép mà chỉ là những miếng nẹp gỗ dài 2×3 đóng khít lại rồi tô hồ ra bên ngoài. Mỗi phát đại pháo được bắn đi thì tiếng dội của nó làm rớt từng mảng hồ trên trần nhà xuống lộp độp mới biết sức công phá của nó mạnh tới dường nào.
 
   Lúc Thị trấn Xuân Lộc bị thất thủ, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã được lịnh “di tản” về hướng Sàigòn cùng lúc với Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Chiến Thuật ở Biên Hòa cùng với tất cả các đơn vị đồn trú ở đó. Thử hỏi Sàigòn cách Biên Hòa bao xa, chạy về đó rồi có được yên thân không? Hay chỉ là một sự trá hình để tìm đường tẩu thoát?
 
   Đêm 29/4/1975, tôi đứng trên đồi Tăng Nhơn Phú nhìn ra xa lộ Biên Hoà, ánh đèn xe quân sự và dân sự trùng trùng nối đuôi nhau chạy về hướng Sài Gòn. Tôi đã nghĩ trong đầu: Thôi rồi Lượm ơi!
   Bấy giờ, chỗ tôi đang thụ huấn chẳng còn ai ở lại chỉ huy nữa, hầu như tất cả các sĩ quan cơ hữu đã tìm đường đào thoát, tôi phải tự phân thế cho mình. Bèn ba lô súng đạn với thằng tài lọt mang theo khẩu M72 để sẵn sàng đối phó với tình huống nguy ngập. Một số binh sĩ các đơn vị khác cũng xin tháp tùng:
– Trung Uý cho tụi em theo với.
– Ừ! Cứ bám sát theo tao.
   Trong binh đao, ở những phút hỗn loạn và cận kề cái chết, mặc dù có vũ khí trong tay, những người lính luôn luôn cần có một cấp chỉ huy để ra lệnh họ cần phải làm gì? Quân đội đã gắn cho tôi hai bông mai trên cổ áo nó cũng có một ý nghĩa nào đó đối với những binh sĩ chớ!
   Vậy mà có biết bao nhiêu tướng tá trong lúc nguy nàn đã bỏ thành bỏ lính mà lo chạy thoát thân. Thốt nhiên, trong lòng tôi bỗng dấy lên một sự phẫn nộ chen lẫn chút tởm lợm khi nhớ tới hình ảnh những viên tướng lãnh đeo trên cổ những chiếc Bảo Quốc Huân Chương đủ các hạng ngồi trên khán đài danh dự mặt vác hất lên trời trong những cuộc duyệt binh ngày Lễ Quốc Khánh 1/11 hay ngày Quân Lực 19/6 hàng năm.
   Tiễn vong!
   Tôi có một sự ví von thế nầy: Những sĩ quan cấp trung đội như những con chốt trên bàn cờ, mỗi nước đi chỉ có một bước và tầm nhìn chỉ ở phía trước mặt khi bắt đầu mặc áo lính trong quân trường. Bảo đi là đi, bảo đứng là đứng không có ý kiến. Sau khi ra trường, giống như con chốt đã qua sông có thể đi ngang đi dọc, nhưng cũng chỉ là một bước. Các cấp chỉ huy cao hơn dùng những thuật ngữ của quân đội như chiếc vòng kim cô đeo trên đầu Tề Thiên: Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, thi hành trước khiếu nại sau, hệ thống quân giai…Đôi khi trở thành con chốt thí cho những con cờ khác có giá trị lớn hơn thực hiện mưu đồ của họ hay cản địa để họ thoát thân.
    Một đêm yên ắng nhưng không yên bình trong lòng nhọc nhằn trôi qua với đôi mắt cay xè vì thiếu ngủ. 
    
    Sáng ngày 30/4/1975, qua máy truyền tin của chốt tiền tiêu nằm ngoài xa lộ báo về xe tăng địch đã xuất hiện trên xa lộ Biên Hòa và có chiếc đang quẹo vô đồi Tăng Nhơn Phú. Lịnh cho chốt rút và chuẩn bị chiến đấu. 
   Những tiếng súng cá nhân và tiếng những tràng đạn súng máy chen lẫn tiếng trọng pháo từ hướng cổng chính vọng tới. Tôi biết là xe tăng đã vào tới trường và đang đụng độ với lực lượng SVSQ Võ Bị trấn giữ ở Khu Tiếp Tân. 
   Bể tuyến! Sao mà không bể khi những đầu đạn bé xíu M16 đâu có thể làm xước da chiếc xe tăng với những viên đạn trọng pháo 100 li và những tràng đạn súng máy hạng nặng 12,7 li trên pháo tháp và hai khẩu 7,62 li bắn ra-phan trong khi lại mới chân ướt chân ráo di tản về? Lúc đó tôi chỉ biết chửi thề những kẻ tính chuyện rút lui bỏ đất rồi gắn cho chiến thuật tồi tệ ấy một cái tên mĩ miều làm cho biết bao nhiêu người phải thiệt mạng vì cái chết không đáng bị.
   Mấy anh chàng SVSQ Võ Bị tràn vào khu vực phòng thủ tuyến B của tôi chạy loạn xạ như một đám gà con lạc mẹ. Dù gì họ cũng chỉ là một anh lính mới tò te chưa từng nhắm thẳng quân thù mà bắn. Thậm chí lúc ấy có những quân nhân cơ hữu của trường Võ Bị lại nói: 
 – Tình hình như vầy không bỏ súng leo hàng rào mà chạy cho rồi, ở đây chờ chết sao?
   Nộ khí xung thiên, tôi bắn chỉ thiên vài phát M16 để cảnh cáo.
 – ĐM…thằng nào láng cháng tao bắn chết mẹ bây giờ!
   Nhờ mấy phát súng chỉ thiên và lúc đó trông tôi chắc giống Thiên Lôi đang giơ cao lưỡi búa tầm sét sẵn sàng giáng xuống cơn thịnh nộ nên tất cả đều im re lui ra phía sau tuyến phòng thủ của tôi nằm lại.
   Tiếng động cơ gầm rú của chiếc tăng T.54 đã vọng tới tai. Ngoắc theo thằng Binh nhất Khương “tài lọt” mang theo khẩu M72 cùng vũ khí cá nhân, tôi lao ra gần con đường tráng nhựa xuyên tâm đồi Tăng Nhơn Phú để quan sát tình hình bởi cứ nằm chờ tại chỗ là chấp nhận việc bị tấn công từ phía sau lưng vì tất cả những tay súng đã tập trung ngoài tuyến hàng rào phòng thủ. Đó là e có bộ binh tùng thiết chớ không có ý định tao ngộ chiến với xe tăng bằng cây súng cá nhân.
   Vừa tới khu kiểm thực thì tôi đã thấy chiếc xe tăng T54 đang phun khói mù mịt và triển khai hỏa lực tối đa chỉ cách chỗ tôi khoảng vài chục mét. Khẩu trọng pháo 100 li trên xe tăng lần lượt làm sụp đổ những góc tường nghi ngờ có mai phục, những đầu đạn súng máy hạng nặng 12,7 li trên pháo tháp và hai khẩu súng máy 7,62 li tiền diện đang cày nát những bờ đất hiểm nguy ngay trước mặt đẩy bật chúng tôi trở lại. Hình vẽ lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng chính giữa hiện thấp thoáng trên pháo tháp trong khói thuốc súng mịt mù. Tiếng bánh xích nghiến ken két nghe đe doạ như hai hàm răng của Tử Thần đang nghiến chặt.
   Tôi hiểu là mình không nên chọn một cuộc đối đầu không cân sức với một hoả lực như cơn bão lửa trước mặt, và tôi cũng biết một điều cơ bản là viên đạn hoả tiễn M72 sẽ chỉ gãi ngứa mà không gây được tổn hại nào đầu một chiếc xe tăng với lớp kim loại được đúc dầy cộm ngoài việc phải nằm ở vị trí bên hông mà nhắm vào bánh xích, và hiển nhiên là sẽ ôm một trái đạn trọng pháo 100mm không còn lại một mảnh xương tan. Chắc chắn 100% là tôi sẽ trở thành miếng mồi ngon ngu ngốc cho súng đạn trong cuộc chiến đấu khốc liệt nầy. Chiến đấu là để mình sống còn chớ không phải đi nạp mạng một cách dại dột. Không có lính trong tay thì đành phải tác chiến như một khinh binh, mà thú thật về mặt này tôi không thể sánh bằng những chàng trai thuộc quyền, tôi bò quay lui để vòng ra hướng Vũ đình trường tìm cách khác.
   Chiếc xe tăng quần đảo bên trong một lúc chỉ thấy những khối nhà đồ sộ không có bóng người vì hầu hết khoá sinh đều nằm ngoài tuyến phòng thủ của đồi Tăng Nhơn Phú chờ chống đỡ lực lượng địch tấn công, nó quay lui ra cổng. Ngang qua Vũ đình trường nó dừng lại nghe ngóng, thế là nó được chào đón bằng một màn pháo bông tưng bừng từ hai ba hướng của những chốt gác để “chăm sóc” người khách không mời mà đến. Đó là những cú bấm cò luống cuống vì đám-học-trò-lính-của-tôi mới được mục sở thị diễn tập thao tác sử dụng M72 cách đó chỉ có hai ngày chớ mấy? Một cụm lửa nhỏ loé lên trên sàn xe đàng sau pháo tháp làm nó bất ngờ vì không dè “đụng” phải M72 trong trường huấn luyện. Hốt hoảng, nó nhấn ga xịt khói đen tháo chạy về hướng cổng. 
   Tai nghe những tiếng nổ lớn liên tục vọng lại từ xa trong khi những tiếng súng nhỏ đã im bặt thì chắc là nó đã “lãnh đạn” rồi.
   Tôi biết là số phận của cục sắt ấy đã được định đoạt!
   
   Trở về lô-cốt chờ đợi một cuộc tấn công của bộ binh vì bóng những chiếc nón cối và nón tai bèo đã thấp thoáng bên ngoài hàng rào phòng thủ thì một tay Trung úy khoá sinh mang chiếc radio transistor 3 băng ra cho nghe lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương văn Minh, và với vai trò là chỉ huy tối cao của quân đội đã ra lịnh cho tất cả các đơn vị phải buông bỏ vũ khí chờ bàn giao.
   Sau cuộc chiến đấu cuối cùng diễn ra và kết thúc một cách nhanh chóng, kết quả phe ta mất một Trung tá và 5 SVSQ. Những cái chết ở phút đá bù giờ mà chế độ đã tự sát không có hòm gỗ cài hoa, không phủ màu cờ và không có cả những tờ giấy báo tử vì chẳng ai còn hồn vía nào thực hiện những việc ấy. Đổi lại, đối phương cũng mất “5 anh em trên một chiếc xe tăng” và một khí tài to lớn đã trải qua biết bao dặm đường trường chinh từ chính quốc đã trở thành một cục sắt cháy nham nhở ngoài cổng trường. 
   Một cú “ăn miếng trả miếng” có lời phải không?
 
   Khi nghe được lệnh buông súng, tôi tưởng như một lời nói đùa. Bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu gian khổ cả một quãng đời trai trẻ của chúng tôi bỗng chốc hoá thành hư không ư? Và trên cương vị một người lính, tôi phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên tuyệt đối. 
   Trên đầu tôi lúc ấy bầu trời đã chuyển thành một màu u ám thê lương như đồng cảm với số phận những thằng lính chúng tôi. Sao nó cũng tương tự như bầu trời của Sàigòn bây giờ khi tôi ngồi gõ những dòng chữ đầy hoài niệm nầy thế?
   Tôi bẻ đôi khẩu M16 quẳng lại, soạn ba lô đựng đồ cá nhân rồi lục tục kéo nhau làm một chuyến “hồi hương” ngoài mong muốn. 
11:30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc đi ra tới Vũ đình trường thì đã thấy tràn ngập những chiếc nón tai bèo cùng những chiếc nón cối với những khẩu AK47 – B40 lăm lăm trên tay chĩa vào đoàn quân thất trận.
    Tôi vẫn mặc quân phục và chiếc bê-rê đỏ vẫn ngự trên đầu vì tôi đang theo học trong quân trường nên đâu có quần áo dân sự để thay ra.
   Một giọng Bắc Kỳ vang lên kèm theo nòng súng AK hướng về phía tôi:
 – Địt mẹ! Giờ nầy mà còn mũ xanh mũ đỏ! Vứt ngay xuống đất!
   Sao có thể chia lìa “tình nhân” của mình ngay và luôn dễ dàng đến thế? Nhưng không lấy xuống, nó bóp cò một phát là…bỏ mẹ!
   Một cái chết không đáng chút nào. 
   Đành thôi giã biệt chiếc mũ bê-rê đỏ thấm mồ hôi qua biết bao nhiêu tháng ngày lao lung. Tôi lấy xuống nhưng vẫn ương ngạnh nhét vội vào trong bụng áo để giữ làm kỷ niệm mai sau, bước đi bằng những bước chân rã rời…
 
   Chúng tôi theo lời non nước gọi, cởi bỏ áo học trò lên đường vào lính, dành cả thanh xuân của mình cầm súng để bảo vệ tổ quốc và người dân miền nam thân yêu.
    Cuộc bảo vệ thất bại! 
    Chúng tôi rời bỏ cuộc binh lửa, giã từ vũ khí, tan hàng trở về nhà sau khi qua cơn chinh chiến, không hổ thẹn vì đã bỏ chạy và sẵn sàng chờ đợi món nợ phải trả sẽ đổ ập xuống thân phận những kẻ thua trận.
 
   Đó là những giờ phút cuối cùng của đồi Tăng Nhơn Phú.
Hùng Bi
(SVSQ Khoá 4/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức)