Mùa mưa, chiều Sài Gòn thường có những cơn mưa bất chợt. Sài Gòn là vậy đó, trời đang nắng đổ lửa, nắng như nung nấu làm cháy bỏng thịt da người, bỗng dưng sa mưa như trút nước, mưa dai dẳng, mưa não nề, như kéo theo cơn thịnh nộ của đất trời. Cơn mưa chiều làm xua tan đi cái nắng nóng ran của một thành phố phương Nam sau những ngày tháng oi bức và khó chịu.
Mưa Sài Gòn nặng hạt. Mưa tí tách. Mưa rạt rào. Mưa rả rich. Mưa hạt nặng trút xuống những mái nhà cổ kính xen lẫn hiện đại, nước đổ ào ào từ những tầng gác mái cao cao, mưa “vỗ” lộp độp lên những mái tôn xóm nghèo khiến lòng người chợt như chùng xuống, tâm tư trầm lắng với một cảm giác buồn da diết. Bụi đường cũng theo mưa mà lắng xuống, trả lại cho thành phố chút khoảnh khắc trong lành mà người Sài Gòn hằng mong đợi.
Mưa ở Sài Gòn nhanh đến và cũng nhanh đi, hệt như sự hối hả, quay cuồng và tất bật của nhịp sống đô thị. Những hạt mưa buông mình mạnh mẽ xuống đất, dường như chúng cũng muốn cảm nhận guồng quay nhộn nhịp của đường phố.
Những văn, thi sĩ lãng mạn thường hay ví von rằng mưa Sài Gòn cũng giống tính tình khó hiểu của các cô gái Sài Gòn, vừa đỏng đảnh nhưng mau quên. Có những buổi sáng trời Sài Gòn trong vắt, nắng chói chang, dự hôm nay sẽ là một ngày nắng to. Nhưng không phải vậy, đang nắng chói chang đấy nhưng bất chợt lại mưa ngay. Mưa ào ào. Mưa ầm ầm. Mưa xối xả. Mưa hối hả như chính nhịp sống tại thành phố này.
Những cơn mưa Sài Gòn đôi khi chợt đến rất nhanh, nhanh như nhịp sống tất bật, hối hả và dồn dập của Sài Gòn. Những cơn mưa đến hối hả mà đi cũng rất nhanh. Cơn mưa tưới mát cho Sài Gòn khoảng nửa giờ hoặc có thể ngắn hơn rồi mưa tạnh, trời lại trở về với cái nắng hanh hanh của Sài Gòn.
Cơn mưa ngắn ngủi bất chợt ấy vậy chứ cũng đủ làm dịu mát cái gay gắt khó chịu của những ngày nắng nóng, khiến cho con người ta được phép thả hồn mình bên ly cà phê đá thơm lừng, đọc một quyển sách và tạm quên đi những lo toan căng thẳng của cuộc sống.
Mưa Sài Gòn chợt đến và chợt đi vậy đó nên những cơn mưa Sài Gòn thường làm con người ta không biết nên mặc áo mưa hay là không cần mặc, bất chấp một lần ướt mưa rồi tới đâu thì tới, tính sau. Bởi nhiều khi vừa đi qua một đoạn đường, chưa kịp khoác lên mình cái áo mưa thì đã thấy những giọt nắng lung linh lại len lỏi qua những hàng cây, kẽ lá và rồi cơn mưa tạnh dần
Những cơn mưa đỏng đảnh, đài các của Sài Gòn mang về sự tươi mát lẫn chút lãng mạn và thơ mộng cho những văn nhân Sài Gòn, … và trong lúc những màn mưa đang khiêu vũ cùng thiên nhiên, tạo nên một bản giao hưởng không tên, rả rich như thôi thúc con người hãy dành chút thời gian lắng đọng tâm tư, xuôi dòng ký ức bồng bềnh về một thời để nhớ của ngày xưa.
Những cơn mưa chiều Sài Gòn làm người giàu phải chạy vội để về với tổ ấm của mình, bên bữa cơm chiều hạnh phúc cùng gia đình hoặc tạt nhanh vào một quán café làm một ly cà phê nóng, ấm. Mưa chiều Sài Gòn cũng làm những người nghèo phải tất bật chạy đua với thời gian, nhưng họ chạy vì chén cơm, manh áo; họ chạy vì sợ những cơn mưa bất chợt thế này làm ướt cuộc đời họ chứ chẳng phải họ sợ gì khác.
Mưa Sài Gòn đổ xuống bất chợt, thất thường và khó hiểu như tính khí con người. Có lúc mưa Sài Gòn làm người ta bực bội và khó chịu; nhất là khi đang đi trên đường, gặp cơn mưa đổ bất chợt, mọi người phải vội vã chạy đi tìm chỗ trú mưa. Mưa ướt áo, mưa lênh láng mặt đường, mưa khơi lòng bao nỗi nhớ.
Vậy đó, nhưng rồi cái cảm giác bực bội, khó chịu ấy cũng bỗng chốc tan biến đi để nhường chỗ cho một chút bâng khuâng, lưu luyến trong tâm hồn khi nhìn những giọt mưa đang vuốt mặt mình, đang hát ru trên dòng sông ký ức của mình; đưa mình trở về những khoảng trời thơ mộng cũ. Trong cơn mưa, những hàng cây lá xôn xao, những con đường vẫn đông người qua lại trong chiếc áo che mưa, lặng lẽ và hối hả ngược xuôi đi về.
Sài Gòn vào những ngày mưa giông không lạnh như mưa xứ Huế khi rơi xuống thường làm ướt lòng tao nhân mặc khách; không dai dẳng lê thê như mưa miền Tây mà vội đến và vội đi để lại cho lòng người nhiều nỗi niềm khó tả: một chút tiếc nuối ngẩn ngơ khi chợt nhớ thời áo trắng xa xưa hòa quyện cùng một chút buồn man mác …
Nếu không vội, người ta có thể nép vào một gờ tường cao hoặc mái che rộng, đủ để mưa không tạt ướt thân mình, và cứ thế mà lặng lẽ ngắm nhìn cái nhịp sống hối hả, vội vàng của người Sài Gòn trong cơn mưa chiều bất chợt.
Khi đó, ta chợt nhận ra dẫu Sài Gòn có mưa giăng, có bão tố phong ba gì chăng nữa thì con tạo vẫn xoay vòng, người đời vẫn lặng lẽ ngược xuôi đi về, vẫn oằn mình gánh vác những lam lũ nhọc nhằn trên vai trong cuộc hành trình mưu sinh vất vả chốn phồn hoa đô hội.
Cái lạnh của mưa Sài Gòn có thấm vào đâu so với cái lạnh của tâm hồn, lạnh như buốt giá tâm can của những cuộc đời tội nghiệp nhìn mưa mà thấy lòng nghẹn đắng vì việc kinh doanh không như ý. Tự dưng, ta thấy lòng mình xót xa, chùng xuống và trái tim chợt lên tiếng thở dài.
Trong chập chùng mưa gió ngoài kia, biết đâu trong vô vàn nỗi lo của đám trẻ mồ côi, có nỗi lo đơn giản nhất là đêm nay mưa gió, bãi cỏ công viên ướt lạnh, ghế đá cũng ngập nước, thì biết ngả lưng nơi nào để sớm mai lại tiếp tục lang thang trên con đường mưu sinh nghiệt ngã và khốc liệt?
Cuộc mưu sinh của nhân gian có bao giờ là bình an, có bao giờ là xuôi chéo mát mái? Như một khắc nghiệt của cuộc sống nơi phồn hoa, những người nghèo lam lũ trên mảnh đất Sài Gòn mãi vẫn còn lắm nỗi gian truân và chưa tìm được chút bình yên cho phần đời vô định của mình.
Ở Sài Gòn, ngoài mưa bóng mây, mưa rào, còn có nhiều “kiểu” mưa khác như mưa bong bóng, mưa giông, mưa lá me đặc biệt và bão rớt.
Mưa bong bong là lúc trời không có gió, lặng gió hay gió nhẹ thì mây tụ, lâu tan, nên trời mưa lâu hơn mặc dù chỉ là mưa nhỏ, và khi rơi, hạt mưa rơi thẳng đứng xuống mặt nước tạo thành những bong bong nên người ta thường gọi là mưa bong bóng.
Mưa giông là những cơn mưa lớn như mưa rào nhưng thường đi chung với những cơn giông, sấm, sét, chớp dữ dội và gió giật mạnh, thường hay xảy ra lúc quá trưa hay buổi chiều, và thời tiết trước lúc đó thường hay ngột ngạt, oi bức và khó chịu. Giông ở đây là giông nhiệt, được tạo thành do sự chuyển động thẳng đứng của không khí nóng và ẩm.
Mưa lá me là người ta thường nói về những hàng me lá ướt rũ trong cơn mưa; rồi khi có một cơn gió mạnh tạt ngang, thổi vô số lá me nhỏ cùng mảnh nước đọng trên lá đã sẵn chờ gió lay, lả chả bay bay xuống phủ rộng khắp mặt đường, rồi theo gió dạt vào những luồng nước ven đường, lềnh bềnh trôi trên dòng nước xuống những mương rãnh gần đó.
Bão rớt, hay còn được gọi là đuôi bão thường xảy ra khi gió động hay chớp giật mạnh lắm cũng chỉ là bão rớt, do các trận bão nhiệt đới xảy ở một nơi khác trên vùng biển Đông thòng cái đuôi về, thường đem theo cơn lạnh đột ngột
Thời trước, trong nửa năm của mùa mưa, với đủ cỡ, đủ kiểu mưa, người Sài Gòn đi đâu cũng phải kè kè theo bên mình một cái áo mưa, bị nếu lỡ mà quên đem, mưa rào đổ xuống, nếu ráng đội mưa mà đi, về nhà dễ bị cảm lạnh.
Người đi đường tấp đại vào lề, đụt mưa dưới hàng ba, mái hiên nhà, dưới trạm xe buýt, dưới dù hay bạt che mưa của hàng ăn bên lề đường hay tiệm quán… thậm chí còn có người dám núp dưới những tàn cây to (rất nguy hiểm!). Có khi họ chấp nhận ngồi xuống một quán cóc, chờ tạnh mưa bằng một ly cà phê hay một ly sữa đậu nành nóng gì đó.
Hồi xưa, nhiều chủ nhà còn mở thêm lớp cửa sắt ngoài cùng để có thêm chỗ đứng cho những kẻ lỡ đường; Hay nhiều chủ tiệm cũng không nề hà, khó chịu gì khi những người lạ đứng án chỗ mặt tiền cửa tiệm của mình đụt mưa.
Nhiều khi gặp phải các cơn mưa kéo dài cả tiếng đồng hồ, nhiều người cũng không thể đứng hoài ở hè phố để đợi ngớt mưa, cộng thêm nỗi lo về miếng cơm manh áo, nên họ cũng phải trùm áo mưa, đội nón, xắn cao quần mà lội nước, mà đi trong mưa. Trong lúc có những người lớn ”đau khổ“, bất đắc dĩ phải dầm mưa thì cũng có những đứa con nít, trong các ngõ, hẻm lao động, đợi những cơn mưa lớn như vậy để túa ra tắm mưa một trận cho đã đời.
Những đứa trẻ hoặc ở truồng hoặc quần áo ướt mem, dính sát người, đứa lớn lấn đứa nhỏ, hứng lấy luồng nước từ máng xối các nhà chảy xuống, chúng tát nước tung tóe vào người nhau, một hồi thì đứa nào đứa nấy cũng co ro và run lập cập, môi bắt đầu tím ngắt vì lạnh và thế là kéo nhau chạy về nhà.
Bên cạnh cái thú vui tắm mưa, con nít thành phố Sài Gòn xưa còn có trò chơi thả thuyền giấy. Nước mưa cuồn cuộn chảy mạnh thành dòng theo ven lề đường, trước khi ồ ạt đổ xuống mương cống, thật là lý tưởng cho những chiếc thuyền giấy được xếp bằng giấy tập được xé ra vội vàng và xếp thành những con thuyền giấy.
Chiếc ghe được nhanh chóng “hạ thủy”; lúc đầu còn trôi theo dòng, một lát sau thì theo con nước cuồn cuộn chảy, xoay vòng, lắc lư, nghiêng ngả theo luồng nước, có khi phải “cứu bồ“ vì ghe đụng phải vật gì bị mắc cạn, khựng lại; Có khi phải đành lòng “ngậm ngùi” để ghe chìm luôn vì nó bị thấm nước từ từ, ướt nhem, ướt sũng.
Sau những cơn mưa rào, trên bầu trời thường xuất hiện một giải cầu vồng gồm bảy sắc màu rực rỡ, lung linh huyền ảo. Đó là các màu xanh, đỏ, vàng, cam, lục, lam, chàm và tím. Cầu vồng được tạo thành khi ánh sáng mặt trời bị khúc xạ và phản chiếu bởi các hạt nước mưa, được chia làm nhiều bậc khác nhau và tùy theo số lần phản xạ.
Cầu vồng mà chúng ta thường nhìn thấy là cầu vồng bậc một vì rõ nét nhất, chỉ có một lần phản xạ nên ánh sáng còn mạnh nhất, có hình dáng của một cung tròn.
Mưa và cảm hứng thi ca:
Mưa xưa nay vẫn luôn là đề tài muôn thuở và bất tận trong thi ca lãng mạn. Mưa là nguồn cảm hứng miên man trong những dòng văn chương, những nốt âm nhạc; mưa rơi trong những tâm hồn đa cảm, đa tình và đa sầu.
Mưa Sài Gòn là thế, mưa như vỗ mặt nhân gian, mưa như cười khóc với con người giữa thế sự đảo điên; mưa như ngạo mạn thách đố thế nhân về sự can trường và chịu đựng bền bỉ nhẫn nhục để sống còn trong cuộc mưu sinh; mưa gắn liền với cuộc đời con người cùng với những thăng trầm qua bao năm tháng và cứ mỗi năm đến mùa, những cơn mưa lại trở về thành phố như một nỗi lưu luyến thiết tha không rời … (Brian Vu/ Sài Gòn trong tôi)