NHỮNG ANH HÙNG TUẪN TIẾT TRONG NGÀY TÀN CUỘC CHIẾN TẠI VIỆT NAM (Vann Phan)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 4 people and text

May be an image of 1 person and text

Thủ khoa khóa 9 Trường sĩ quan Hải quân Nha Trang,

tử tiết cùng vợ và ba người con.

May be an image of 1 person and text that says 'Courtesy mag'

Cuộc Chiến Tranh Việt Nam khởi sự từ năm 1960 và chấm dứt vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, với việc Sài Gòn thất thủ vào tay quân đội Cộng Sản Bắc Việt.
Đài Tưởng Niệm các anh hùng tuẫn tiết trong ngày tàn cuộc chiến tại Việt Nam ở Westminster, California. (Hình minh họa: Trà Nhiên/Người Việt)
Lời Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đầu hàng không điều kiện quân Cộng Sản đã biến thời điểm này thành ngày tuẫn tiết và tự sát của một số không ít những tướng lãnh, sĩ quan, binh lính, và viên chức VNCH, những người không muốn tiếp tục sống trong niềm tủi nhục và đớn đau khi nước đã mất, nhà đã tan.
Họ nghiễm nhiên trở thành những người anh hùng của dân tộc vì đã chấp nhận bước hy sinh tột cùng cho tổ quốc (ultimate sacrifice) vào những ngày tàn của cuộc chiến tại Việt Nam.
Từ tinh thần Võ Sĩ Đạo tới phương châm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm
Lịch sử còn ghi lại những vụ tự sát, theo tinh thần Võ Sĩ Đạo (Bushido), của rất nhiều tướng lãnh và đô đốc Nhật Bản khi các đơn vị của họ bị lực lượng Mỹ đánh bại tại Mặt Trận Thái Bình Dương hồi năm 1945, trong đó có Tướng Yamashita Tomozuki (tại Philippines), Tướng Kurita Takeo (tại Vịnh Leyte), Phó Đô Đốc Ozawa Jisaburo (tại Philippines), Phó Đô Đốc Nagumo Chuichi (tại Saipan), Tướng Kuribiyashi Tadamichi (tại Iwo Jima)…
Còn có những vụ tự sát tập thể của rất đông binh sĩ và thường dân Nhật Bản tại Okinawa khi hòn đảo này bị quân đội Mỹ đánh chiếm mà lực lượng phòng thủ đảo vẫn quyết chiến chứ không chịu đầu hàng. Ngay cả Thủ Tướng Hideki Tojo (Đông Điều Anh Cơ) cũng đã bắn vào ngực mà tự sát nhưng được cứu sống, để rồi bị xử treo cổ sau khi Nhật Hoàng Hirohito (Chiêu Hòa Thiên Hòang) ra lệnh đầu hàng quân đội Mỹ vào ngày 2 Tháng Chín, 1945, trong Thế Chiến II.
Mặc dù Quân Lực VNCH chỉ tuân thủ phương châm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm chứ không có truyền thống Võ Sĩ Đạo như Quân Đội Nhật trước kia, hành động tự sát để chết vinh hơn sống nhục, tức “can trường trong chiến bại,” của những vị anh hùng nước Việt cũng đã khiến người lính Quân Lực VNCH, cùng với người lính Quân Đội Thiên Hoàng Nhật Bản, trở thành những chiến binh can trường nhất thế giới, mặc dù hoàn cảnh và thời gian diễn ra các biến cố bi tráng đó có khác nhau.
Họ là những ai?
Theo tác giả Trúc Giang MN trong bài viết nhan đề “Tiếp Bước Những Anh Hùng Của QLVNCH Trên Mặt Trận Mới” trong Việt Báo, số ra ngày 29 Tháng Ba, 2015, năm vị “Ngũ Hổ Tướng” tự sát vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cựu tư lệnh Quân Đoàn II; Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn IV; Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh phó Quân Đoàn IV; Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh; Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Ngoài “Ngũ Hổ Tướng” ra, còn có các sĩ quan khác cùng các hạ sĩ quan trong Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia đã chọn cái chết để đền nợ nước trước, trong và sau ngày 30 Tháng Tư, thay vì đầu hàng quân Cộng Sản. Trong số các vị anh hùng này có Đại Tá Lê Cầu (ngày 10 Tháng Ba, 1975), Đại Tá Nguyễn Hữu Thông (ngày 31 Tháng Ba, 1975, tại Quy Nhơn), Thiếu Tá Hải Quân Lê Anh Tuấn (bào đệ Trung Tướng Lê Nguyên Khang), Trung Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập (tại Bộ Tư Lệnh Không Quân), Đại Úy Phan Hữu Cương (ngày 1 Tháng Năm, 1975, cùng vợ là nữ Trung Úy Trần Mai Hương, nhưng người vợ được cứu sống), Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long (bên dưới tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, Sài Gòn), Trung Tá Nguyễn Đình Chi (tại Cục An Ninh Quân Đội), Trung Tá Phạm Đức Lợi (Khối Không Ảnh, Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu), Trung Tá Vũ Đình Duy (Đoàn 66 Đà Lạt), Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn (Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu), Trung Tá Hải Quân Hà Ngọc Lương (cùng vợ con, ngày 28 Tháng Tư, 1975), Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh (cùng vợ con), Thiếu Tá Mã Thành Liên (cùng với vợ), Thiếu Tá Lương Bông (An Ninh Quân Đội, Cần Thơ), Thiếu Tá Trần Thế Anh (Đơn Vị 101), Đại Úy Vũ Khắc Cẩn (Tiểu Khu Quảng Ngãi), Đại Úy Tạ Hữu Di (Pháo Binh Chương Thiện), Trung Úy Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Cảnh (Trưởng Cuộc Vân Đồn, Quận 8, Sài Gòn), Chuẩn Úy Nhảy Dù Đỗ Công Chính (tại Cầu Phan Thanh Giản), Thiếu Tá Đỗ Văn Phát (Quận Trưởng Thạnh Trị, Ba Xuyên, ngày 1 Tháng Năm, 1975), Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, tiểu đoàn trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa, ngày 29 Tháng Tư, 1975), Trung Tá Phạm Thế Phiệt, Trung Tá Nguyễn Xuân Trân (Phòng 2, Bộ Tổng Tham Mưu), Trung Tá Phạm Đức Lợi (tức nhà văn Phạm Việt Châu (ngày 5 Tháng Năm, 1975), Thượng Sĩ Truyền Tin Phạm Xuân Thanh (tại Vũng Tàu), Thượng Sĩ Truyền Tin Bùi Quang Bộ (tại Vũng Tàu), Trung Sĩ Trần Minh (Bộ Tổng Tham Mưu)…
Còn một số quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau trong Quân Lực VNCH thì đã tự sát tập thể để khỏi rơi vào tay quân địch, bằng cách cùng nhau mở lựu đạn hoặc đồng loạt nổ súng vào đầu nhau trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thật vô cùng bi tráng.
Cũng còn phải kể thêm những vị anh hùng khác trong Quân Lực VNCH, thay vì chọn cách tự sát thì lại tiếp tục chiến đấu trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, tức là biết cái chết đã chắc chắn rồi nhưng vẫn tiếp tục xả thân chiến đấu vì tổ quốc chứ không chịu buông súng đầu hàng theo lệnh của Tổng Thống Minh, trong đó có tấm gương nổi bật của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tiểu khu trưởng Chương Thiện, và Trung Tá Lê Phó, chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên (Cà Mau), cả hai đều bị bắt và bị xử tử sau ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Từ “dâng cả đời trai với sa trường” đến “hy sinh tột cùng cho tổ quốc”
Bằng hành động tuẫn tiết để bảo toàn danh tiết của người chiến sĩ lúc vận nước suy vi, cuộc đời của các vị an hùng trong Quân Lực VNCH đã đi từ “dâng cả đời trai với sa trường” (lời nhạc của Phạm Đình Chương trong “Anh Đi Chiến Dịch”) đến “hy sinh tột cùng cho tổ quốc.”
Nói “dâng cả đời trai với sa trường,” tức là nói đến những gian khổ và hiểm nguy mà người lính Quân Lực VNCH phải chấp nhận nơi chiến trường “từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo treillis” (lời nhạc của Trần Thiện Thanh trong “Tình Thư Của Lính”) như từng được kể lại trong biết bao nhiêu áng văn, thơ, tùy bút, hồi ký, khảo luận… trong nền văn học Miền Nam Việt Nam thời các thập niên 1950, 1960 và 1970.
Vì “chúng ta là trai thế hệ, chúng ta là con đất nước” giữa mùa tao loạn (lời nhạc trong bài “Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa Hành Khúc”), các chàng trai đó đã từ bỏ biết bao mộng ước về công danh, sự nghiệp để xếp bút nghiên lên đường làm nhiệm vụ của người công dân. Mà cho dù có phải lên đường tòng quân theo chế độ quân dịch đi nữa thì đó cũng là những đóng góp cao cả cho đất nước của những chàng trai thế hệ, bởi vì, “đi quân dịch là thương nòi giống” như lời ca trong “Bức Tâm Thư” của Lam Phương.
Tên của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tiểu khu trưởng Chương Thiện, được đặt cho một con đường ở khu Bellaire, Houston, Texas. (Hình minh họa: Quốc Dũng/Người Việt)
Nói “hy sinh tột cùng cho tổ quốc” tức là nói đến hành động hy sinh luôn cả mạng sống của người chiến sĩ Quân Lực VNCH trong các trận chiến để bảo vệ quê hương thời chinh chiến điêu linh, từ Trung Tá Phạm Phú Quốc, Đại Úy Nguyễn Văn Đương, Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, Đại Tá Lê Đức Đạt cho tới Đại Úy Trần Thế Vinh và Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Những anh hùng tuẫn tiết trong ngày tàn cuộc chiến tại Việt Nam năm xưa, những người đã chọn việc tự sát để bảo toàn danh dự và trách nhiệm của người chiến sĩ Cộng Hòa, rõ ràng là đã “hy sinh tột cùng cho tổ quốc” trong khi các vị này vẫn có thể chọn các giải pháp khác, ít thảm khốc hơn, như một số chiến hữu của họ đã làm giữa lúc “sơn hà nguy biến” cách nay 46 năm.
Nhân Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu của VNCH, xin các con dân của Miền Nam Tự Do ngày xưa, dù còn ở trong nước hay đang sống lưu vong nơi hải ngoại, hãy cùng nhau thắp nén hương lòng để tưởng nhớ và tri ân những vị anh hùng đã chết trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, cũng như trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam, để cho mình được sống.
Phải biết rằng rất ít quốc gia trên thế giới có được Ngày Quân Lực đầy ý nghĩa như Miền Nam Việt Nam, đó là vì Quân Lực VNCH chính là vị “thần hộ mạng” của dân chúng Miền Nam Tự Do: Quân Lực VNCH còn, đất nước còn, Quân Lực VNCH mất, đất nước mất. Trong khi đa số các quốc gia khác trên thế giới đều được hưởng thanh bình sau Thế Chiến II thì VNCH đã phải hứng chịu cảnh chiến tranh tàn phá suốt 15 năm trời trong lịch sử ngắn ngủi chỉ có 21 năm tồn tại mà thôi.
(Vann Phan)