NHỚ VỀ NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC QUANG (Mai Thanh truyết)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thưa Bà Con,
YourStory kỳ nầy xin giới thiệu một nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang.Ông sinh năm 1944 ở Sơn Tây (miền Bắc Việt Nam). Tháng 4 năm 1954, cha ông (là viên chức trong ngành giáo dục) được điều động vào Sài Gòn. Nguyễn Đức Quang – lúc đó mới 10 tuổi, theo cha mẹ vào Nam. Sau hiệp định Genève (tháng 7 năm 1954), đất nước bị chia đôi, gia đình Quang cũng bị chia cắt: người anh cả cùng ba người chị gái ở lại miền Bắc, chỉ có ông và đứa em trai út sống ở miền Nam.
Về tác phẩm của ông, phải kể đến những bài: “Chiều qua Tuy hòa”, “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ”, “Về với Mẹ Cha”, “Bên kia sông”, “Xin chọn nơi này làm Quê hương”…
Trong phong trào Hướng đạo Việt Nam, ông là một hướng đạo sinh và một trưởng hướng đạo.
Năm 1979 ông vượt biên sang Hoa Kỳ tỵ nạn và định cư ở Little Saigon, California. Ông hợp tác với các Nhật báo Người Việt, Viễn Đông rồi sau đó đứng ra lập tuần báo Chí Linh và Nguyệt san Phụ nữ Diễn đàn. Một thời ông cũng đóng góp trên chương trình phát thanh và truyền hình VOC. Hướng đạo Việt Nam đã tặng ông giải thưởng cao quý nhất: Bắc đẩu huân chương.
Sau một thời-gian lâm trọng bệnh sau khi bị tai biến mạch máu não, ông từ trần lúc 04:00 sáng ngày 27 tháng 3 năm 2011 tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.
***
Nhớ Về Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang
Năm 1968, lúc đó tôi đang ở Besancon, Pháp. Hội đàm Paris gồm Việt Nam Cộng Hòa, Bắc Việt, Mặt Trận Giảo phóng miền Nam, và Hoa Kỳ bắt đầu nhóm họp vào tháng 5 tại Paris.
Các buổi họp hàng tuần thật gay gắt chỉ nhắm vào vị trí của từng phái đoàn, và hình thể chiếc bàn vuông hay bàn tròn… Sau cùng, phải mất hơn sáu tháng mới chọn bàn hình bầu dục làm bàn họp!
Tinh thần sinh viên, đặc biệt là Tổng hội Sinh viên tại Paris lúc đó rất hăng say. Tôi hầu như chạy lên Paris hàng tuần trưa thứ sáu, ngay sau khi ra khỏi phòng thí nghiệm. Vì như cầu, tôi, lúc đó là Tổng thư ký Hội sinh viên Besancon, đề nghị thành lập tờ báo để góp mặt vào phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa.
Tờ báo có tên là TIẾNG NÓI, quay bằng rénéo mượn của một Cha giáo xứ tại đây (Anh Nguyễn Ngọc Lân phụ trách trình bày hiện đang ở tại Orlando). Báo hoàn toàn do anh chị em sinh viên cùng một số mạnh thường quân tức bà con cư ngụ trong vùng Franche Comté (là tỉnh và Besancon là thi xã của tỉnh). Thời đó, Người Việt mình chưa có business nào hết.
Tinh thần anh chị em sinh viên rất cao lúc đó, hàng tuần thường sinh hoạt tại giáo xứ hay tại câu lạc bộ của ký túc xá. Và bài hát khởi đầu luôn luôn là bài “Không phải là lúc…” của Nguyễn Đức Quang được tôi khởi xướng. Và cũng chính bài hát nầy, tôi đã đưa GS Nguyễn Ngọc Huy (Cố vấn của Phái đoàn VNCH) và BS Trần Văn Bình, bác sĩ riêng của Cụ Trần Văn Hương, lúc đó là Tùy viên Văn hóa của Tòa Đại sứ VNCH đi cùng khắp các tỉnh miền Đông nước Pháp như Colmar, Belfort, Mulhouse, Strasbourg, Nancy…
Anh nhạc sĩ du ca ơi!
Tôi không quên anh, những lời “Không phải là lúc ta ngồi đặt vần đề…” tôi đã được nghe anh và Đinh Quang Anh Thái hát trong một buổi du ca tại nhựt báo Người VIệt cách đây không lâu vẫn còn văng vẳng đâu đây.
Tôi và những anh chị em sinh viên tranh đấu thời đầu 1960 sẽ không bao giờ quên anh đâu anh Quang. Anh ra đi, nhưng tối thiểu anh còn để lại cho những anh chị em cùng thế hệ với nhau ngọn lửa đấu tranh cho chính nghĩa thích ứng với dòng máu năng động và hăng say của tuổi thanh niên.
Và bây giờ và mãi mãi về sau, anh vẫn còn để lại cho hậu thế niềm tin sắt son để làm một cái gì cho tổ quốc là…” làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê cứ bắt tay gan lì chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây mãi lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết bao giờ.mới làm xong”.
Lời ca của anh đã là một kim chỉ nam cho tôi không những ngày còn là thanh niên, mà vẫn còn tiếp tục trong tôi, một “ông già” chỉ còn một tuổi nữa và được xếp vào “thất thập cổ lai hy”. Tôi không đặt vấn đề với anh em, nhưng chắc chắn tôi đặt vấn đề những người đang tàn phá Đất và Nước của chúng ta, thưa anh Quang.
Dù lớn hơn anh hai tuổi, tôi vẫn tiếp tục con đường anh đã vạch ra và cố gắng nuôi dưỡng tinh thần thanh niên khai phá cho tương lai của anh mà không nề hà, do dự, cũng như chùng bước trước mọi trở ngại.
Anh Nguyễn Đức Quang ơi!
Ngồi trong office, mặc dù tôi đã đủ tuổi về hưu từ hơn 3 năm qua, mặc dù tôi không còn lo nghĩ về tài chánh cho tương lai nữa, nhưng tôi vẫn tiếp tục bước đi cho trọn con đường đời của một người trai thời loạn.
Anh Quang ơi!
Anh mất đi nhưng anh không chết!
Lịch sử Việt Nam sẽ mãi mãi ghi tên một người con nước VIỆT lúc nào cũng nặng lòng với non sông.
Vĩnh biệt anh,
Mai Thanh Truyết