▪︎Như vậy là 13 năm Mẹ về bên Chúa (2023 – 2010). Bài viết vào năm 2019 được nhắc lại.
VÔ THƯỜNG
Rồi ai cũng phải mồ côi
Rồi ai cũng phải xa rời trần gian
Trao nhau dù biết muộn mằn
Giữa tầng cao thẳm ánh trăng khuất mờ
Cuộc đời ngắn tựa vần thơ
Gieo bằng hái trắc đâu chờ luật niêm
Một lời kinh ẩn nỗi niềm
Khói hương nào tỏa cho viền mắt cay.
NHỚ MẸ
Hôm nay ngày 15/3/2019 nghĩa là đúng 9 năm ngày giỗ mẹ.
Mẹ của vợ nhưng tui xem như mẹ ruột.
Có nhiều lý do lắm.
Tui rời VN năm 1982 lúc chỉ vừa được 19 tuổi hai tháng. Ba tui vừa rất buồn vừa vui vì phải xa con nhưng tránh thoát được cái “nghĩa vụ quân sự” trong tình thế chiến tranh hai biên giới với các đồng chí Miên và Tàu. Còn mẹ tui thì chỉ có khóc và khóc. Linh tính của một người mẹ đã cho bà biết rằng bà sẽ mãi mãi mất đứa con út mà những tháng ngày đói khổ sau “giải phóng” phải lầm lụi chụp giựt buôn bán bên nhau. Mẹ ruột tui mất năm 1994. Dĩ nhiên vì hoàn cảnh mà tui không về được.
Trong thâm tâm tui đã cảm nhận mình mồ côi mẹ từ lúc rứt bà mà đi hồi năm ấy kìa.
Bơ vơ trên xứ người thiếu tình thương, nhứt là tình mẫu tử cho nên khi lấy vợ thì tui thương mẹ vợ như mẹ ruột của mình.
Lúc tụi tui quen nhau thì tui chỉ nói tiếng slovak, cô ấy nói tiếng Ba Lan, chữ nghĩa lúc nào không hiểu thì huơ tay và cười…
Có nhiều đêm ôm con ngủ, nó thủ thỉ (bằng tiếng slovak) “Ba ơi, con gọi Teresa bằng mẹ được không ?”. Tui chợt hiểu nó cũng thiếu thốn tình mẹ cũng như tui.
Đến khi hai đứa quyết định lấy nhau thì gia đình cả hai bên đều không hài lòng. Gia đình tui muốn có thêm một con dâu Việt trong khi gia đình nàng thì còn rất lạ lẫm với người Châu Á như quan niệm chung của người Ba Lan vào thời điểm đó.
Khác biệt chủng tộc, khác biệt văn hoá, khác biệt về tôn giáo và nhứt là khác biệt về hoàn cảnh bản thân (bởi vì nàng chưa hề có chồng).
Lúc đó tụi tui chưa thực sự sống chung với nhau. Tui vẫn còn được bà chị ruột cưu mang cả hai cha con từ lúc đặt chưn đến Pháp.
Một hôm nàng báo tin có mẹ từ Ba Lan sang chơi và dĩ nhiên tui phải đến thăm chào hỏi rồi.
Chúng tôi đi bộ ở một công viên gần nhà. Chuyện trò chữ được chữ không. May mà cô ấy “thông dịch” vì cũng học được khá nhiều từ ngữ slovak. Cảm giác ngượng ngùng và “sợ hãi” của tui bay biến nhờ nụ cười hiền dịu của bà.
Vài ngày sau nàng của tui báo tin rằng hai mẹ con tâm sự với nhau rất nhiều và mẹ tán thành hôn nhân của hai đứa cũng là nhờ vào… tui !
Mẹ nói rằng “Mẹ thấy nó là thằng con trai sống rất tình cảm. Nó biết lo cho đứa con và đặc biệt lúc nào cũng nói về ba mẹ của nó. Đứa như vậy thì mẹ tạm yên tâm !”.
…
Lần đầu tiên tui về quê vợ là năm 1998, cũng là giỗ đầu của ba vợ. Mẹ ruột tui thì mất năm 1994 như đã nói trên. Tui quyết tâm học tiếng Ba Lan để được thêm nguồn an ủi : tình Mẹ.
Kể từ đó hàng năm gia đình tui về Ba Lan thăm mẹ. Có năm về đến hai lần dịp hè và dịp Giáng Sinh. Về đó thì tui ít đi chơi mà chỉ thích ở nhà giúp mẹ làm vườn, sửa sang nhà cửa. Vợ tui lúc đầu rất bực mình cộng với chút áy náy vì không thể bỏ tui mà đi gặp gỡ bạn bè hoặc đi chơi chỗ này chỗ nọ được. Mẹ nói với nàng “Nó có cách nghỉ ngơi khác con thì đừng ép kẻo mất vui kỳ nghỉ hè. Nó muốn ở nhà với mẹ thì cứ kệ, còn hơn chèo kéo nó đi ăn nhậu tốt đẹp gì đâu nào !”. Thế là nàng mới yên tâm.
Tuy mẹ sống ở miền quê nhưng không thể nào xoá được cái thanh thoát của gốc gác từ một gia đình quý tộc thời trước cộng sản. Cử chỉ, dáng đi và cách nói năng là ấn tượng cho bất cứ những ai từng tiếp xúc với mẹ dù chỉ lần đầu. Mẹ từng khổ và chịu đựng như nhiều gia đình Ba Lan sau năm 1945. Theo lời mẹ kể, sau “giải phóng” gia đình gặp khó khăn nên phải rút về quê sinh sống ở nông trang có từ xưa. Chính sách “kinh tế mới” của Ba Lan thời đó khá rộng rãi. Chính quyền vô sản cấp thêm cho bò ngựa giúp công việc đồng áng nên cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên việc xoay sở để nuôi 8 người con ăn học cũng chẳng dễ dàng gì.
Nhiều lúc ngồi vuốt ve hai bàn tay thuôn dài đầy chai sạn của mẹ mà tui xót xa nghĩ đến mẹ ruột của mình. Những người mẹ đều khổ cực vì thời cuộc. Những người mẹ sẵn sàng hy sinh nhịn ăn nhịn mặc để lo cho con cái từng tấm áo, đôi giày cho đến khi chúng đủ sức bay trên đôi cánh của mình để rồi mẹ ngồi lại một mình cười với giọt lệ lăn trên gò má nhăn nheo…
Kỷ niệm với mẹ nhiều lắm không thể nào kể hết được.
Có một Giáng Sinh vợ chồng và 3 đứa con về thăm mẹ mà không báo trước làm mẹ suýt đứng tim. Mẹ vốn đeo máy trợ tim từ lâu. Sau đó mẹ đọc kinh Tạ ơn. Cả cuộc đời mẹ hầu như chưa bao giờ bỏ đi lễ dù nắng hạ như thiêu hay tuyết băng giá lạnh. Chỉ gần một năm cuối đời vì yếu quá nên phải lần tràng hạt đọc kinh ở nhà hàng ngày hàng đêm.
Có một lần vợ chở mấy đứa con đi thăm họ hàng ở tỉnh khác, và gần như thường lệ, tui ở nhà giúp mẹ. Hai mẹ con cho gia súc ăn xong rồi đi bộ ra cánh đồng lúa mì rộng mênh mông. Có một khoảnh riêng dùng để trồng légumes. Hai mẹ con vừa nói chuyện vừa nhặt cỏ dại. Một lúc sau mẹ bất ngờ kêu lên “Ơ kià sao con nhổ hết cà rốt mẹ trồng rồi !”. Đúng là tui… nhà quê hơn cả dân nhà quê. Vì từ nhỏ đến lớn tui sống ở thành phố, chỉ biết củ cà rốt chớ có biết lá non của cây cà rốt ra sao đâu. Cứ thấy lún phún xanh xanh thì ngỡ là cỏ tất !
Hai mẹ con ngặt nghẽo cười vang cả cánh đồng. Lũ chim giựt mình bay xào xạc.
Tháng Ba năm 2010 trời lạnh lắm. Vợ tui lúc ấy vẫn chỉ nội trợ. Nhận hung tin từ Ba Lan, tụi tui xin phép cho các con nghỉ học để lái xe về với mẹ lần cuối.
Hôn lên trán mẹ lạnh băng nhưng cảm giác rằng trái tim của mẹ dành cho con cháu lúc nào cũng ấm áp như tia nắng mặt trời…
Và kể từ đó mãi mãi tui mồ côi mẹ !
▪︎15/3/2019. Hoàng Hạc VT
https://www.facebook.com/nguyentamthienvn/posts/pfbid02pcbzLd7FQxYxBuNjt7usWoRv6roJbwF7pn2YTSM5XAv6uzCa48Zv1YLnn1QFRSail