MẸ TÔI VÀ KỶ NIỆM ỐC BƯU TRONG NƯỚC GẠO
(Trịnh Kim Dung)
Cứ mỗi khi nhớ đến mẹ, tôi lại liên tưởng tới món ốc bươu luộc. Ốc thật ra chỉ là món ăn chơi rất bình dân ở Việt Nam, thường thấy được bày bán tại các hàng quán bên vỉa hè, trong xóm bình dân, đó là các loại ốc bươu hoặc ốc gạo luộc và ốc leng xào dừa. Riêng trong gia đình tôi, ốc bươu luộc còn là món ăn khoái khẩu, đầy kỷ niệm vào mùa mưa của thời niên thiếu.
Ở miền nam, vào những tháng mưa nhiều, mẹ tôi hay cho anh em chúng tôi ăn ốc luộc. Hôm nào chợ có ốc bươu to ngon, mẹ tôi mua cả rổ, rồi giao cho tôi nuôi ốc bằng nước vo gạo. Công việc tuy đơn sơ nhưng kéo dài cả tuần lễ, nghĩa là sau khi vo gạo, tôi giữ nước lại và thả ốc vào ngâm. Mẹ còn dặn tôi đậy chậu bằng cái rổ, đè cái cối nặng lên, để mấy con ốc khỏi bò ra ngoài vì “thèm bùn”. Qua giai đoạn đẫm mình trong nước gạo, được thay ngày hai lần, ốc trở nên béo vì chất cám và sạch vì đất đã theo nước trôi ra ngoài. Mẹ lại còn dặn tôi cho mấy lát ớt vào ngâm, trước khi luộc vài giờ để ốc vì cay mà nhả nhớt ra.
Ngồi trước nồi ốc luộc bốc khói, chúng tôi được phát mỗi đứa một cái kim băng lể ốc. Khều được trọn con ốc ra khỏi vỏ, ốc soắn vòng từ phần đầu dòn đen bóng, tới phần sáp vàng béo ngậy, tôi ngắt cái chôn đen, như tí bùn còn sót lại, rồi dìm con ốc vào nước mắm gừng, có vắt thêm tí chanh. Ngon tuyệt! Sau này, khi ăn ốc ở chỗ khác và nhai phải đất, tôi mới biết ốc luộc làm theo kiểu của mẹ tôi là nhất! Khi hỏi mẹ làm sao mẹ chế ra cách nuôi ốc tài tình như vậy, mẹ tôi cười: “Ngày xưa ông bà ngoại có nhiều con gái, ông bà giao cho mỗi người làm một việc. Mẹ lo nấu ăn cho cả nhà. Hồi chạy tản cư về quê, hàng ngày mẹ cắp rổ ra vườn hái rau, ra ao vớt được gì thì nấu cái ấy, ốc nhiều hơn cá và tép nên ăn hoài. Làm ốc mãi nó cũng nẩy ra sáng kiến con ạ!”
Thời gian trôi qua, món ốc luộc mộc mạc cũng lùi vào quá khứ. Những năm tôi vụt lớn, món ăn ấy đã bị bỏ quên, nhưng tôi nhớ hoài cách ngâm ốc trong nước gạo của mẹ tôi, để đem lại món ăn độc đáo cho cả nhà. Quả thật nhiều lúc, khi nhớ tới những chăm chút của mẹ cho đàn con, tôi thấy mình giống con ốc, và tình yêu mẹ như là nước gạo để nuôi tâm hồn tôi lớn lên trong sự nhạy cảm.
Khi lập gia đình và mang thai đứa con gái đầu lòng, tôi bắt đầu ôn lại những bài học yêu thương mà mẹ cho tôi ngày xưa: mẹ lúc nào cũng luẩn quẩn bên cạnh con. Tôi phân vân chưa biết mình sẽ phải làm mẹ như thế nào để gắn bó với con của mình, vì sống trong xã hội Hoa-Kỳ, phần lớn người mẹ không được thong dong ở nhà nuôi con nữa. Điều tôi hiểu về nước Mỹ sau khi sống ở đây được hơn hai năm là đời sống xã hội phức tạp và đa dạng này dễ đưa con người tới chỗ đánh mất tình cảm. Phải hy sinh và chịu đựng phi thường mới tạo được sự gắn bó. Cùng với nhận thức trên, những kỷ niệm quấn quit bên cạnh mẹ tôi, cứ như từng đợt sóng ùa về, và sau khi triền miên suy nghĩ, tôi quyết định ở nhà chăm con. Đời sống vật chất của gia đình tôi tuy eo hẹp, nhưng con tôi được tẩm bằng vị ngọt của tình yêu trong những năm đầu tiên của cuộc đời.
Vào một buổi chiều khi con tôi được gần hai tuổi, chồng tôi và tôi đẩy xe đưa con ra công viên chơi. Đến khúc dốc, tôi lượn bánh xe để con không bị chúi đầu ra phía trước. Trong gió hiu hiu, chúng tôi bất ngờ nghe tiếng con reo: “…để mây vương vấn lúc xe lượn quanh..” một câu trong bài hát mà tôi không nhớ tên và tác giả: “Tang tang tích, tích tang tang tang tích. Bình minh, có bánh xe tơ quay quay nhanh nhanh, lướt gió xôn xao như bao điềm lành. Trời thanh, có tiếng vó câu reo trong nắng hanh, để mây vương vấn lúc xe lượn quanh…”
Đó chỉ là một trong vô số những bài hát có nhịp điệu vui tươi, mà tôi hay hát cho con nghe. Đến lúc con hát lại, tôi mới biết chắc rằng tình yêu tôi gieo trong hồn con bắt đầu bén rễ.
Tôi hay viết nhật ký tặng con. Đó là tình yêu được chuyển thành văn, như mẹ tôi chuyển tình yêu thành những món ăn ngon lành cho chúng tôi ngày xưa. Có khi tôi dùng thơ để dạy con những bài học về lòng trắc ẩn, thí dụ như bài “Chim Non”.
Đầu nhà có tổ chim non.
Em xin bố chiếc lồng son nhốt vào.
Con ơi bố dặn làm sao.
Loài chim chỉ thích bay cao trên trời.
Dù cho mưa gió tơi bời.
Đừng lo chim đã có nơi ẩn mình.
Xem kìa cái tổ xinh xinh.
Có bao giờ sợ mèo rình, chó tha.
Hôm nao chim đến làm nhà.
Xây xong tổ ấm đẻ ba trứng liền.
Trông chim non ngủ triền miên.
Em thương yêu quá, chim hiền biết bao!
Bài thơ ra đời chỉ vì một hôm, con tôi thấy trên xà ngang ở mái nhà của khu chung cư có một cái tổ chim. Nó đòi bố mua lồng rồi bắt chim nhốt vào cho nó chơi. Bố bảo không, thì dù mới lên ba, nó đã biết lăn ra nhà khóc ăn vạ. Bố đem nhiều thứ khác ra dụ, con vẫn không chịu. Nhưng khi tôi đọc cho con nghe bài thơ này, nó xiêu lòng và không đòi nữa.
Tình yêu khi bén rễ, nảy mầm rất nhanh. Ngày khai trường con tôi vào lớp một, tôi thấy mắt con đỏ hoe, khi rời tay mẹ xếp hàng vào lớp. Hai ngày sau, khi đón con về, tôi đã được con tặng bài thơ:
“My School Days”.
I went to school.
My mom was not there.
Everything is strange.
I said Hi to one.
She said bye to me.
And I cried…
Today I went to school.
My teacher said Hi.
My friends said Hi.
And everyone was playing with me at the recess.
Hôm nay tôi đi học.
Chẳng thấy bóng mẹ đâu.
Cái gì cũng lạ hoắc.
Tôi chào người mới gặp.
Bạn lờ tôi quay đi.
Nên tôi khóc…
Hôm nay tôi đi học.
Cô giáo lại chào tôi.
Tiếp theo là các bạn.
Và ai cũng chơi với tôi trong giờ ra chơi.
Năm con gái tôi lên tám, có một hôm con tôi theo tôi vào phòng giặt quần áo, chợt thấy cành trúc đen tôi treo làm cảnh ở trên tường, nó tò mò hỏi:
“Mẹ ơi, mẹ treo cái kia lên tường để làm gì?” Làm sao để câu trả lời của tôi nói lên tình yêu, qua hành động sửa phạt? Suy nghĩ một chút, tôi hỏi lại con:
“Con có hiểu câu ‘spare the rod, spoil the child’ [yêu cho roi cho vọt] không?”
“Thưa mẹ có”
“Ở Mỹ thì người ta cấm đánh trẻ con rồi. Nhưng ở Việt Nam, khi đứa con hư, bố mẹ hay phạt bằng cách bắt con nằm xuống, đánh mấy roi vào mông và bắt hứa không được làm nữa.”
“Hư là gì, là không làm theo điều bố mẹ muốn hả mẹ?
“Không phải đâu, hư là không làm theo điều bố mẹ hướng dẫn nên bị get hurt?”
“Vậy nếu con hư, mẹ bắt con nằm xuống, rồi mẹ cầm roi, đánh vào mông con phải không?”
“À không, nếu con hư thì mẹ nằm xuống, đưa roi cho con và bảo con đánh vào mông mẹ, vì mẹ chưa làm gương được cho con, mẹ chưa là một ‘role model’ cho con.
Nghe đến đấy, con gái tôi đánh tụt mớ quần áo trong tay, ôm choàng lấy tôi khóc:
“Mẹ ơi, con không bao giờ cầm roi đánh mẹ. Không bao giờ. I promise! I promise!”
Tôi trả lời con gái tôi như thế vì mấy anh em tôi chưa bao giờ thấy mẹ cầm roi. Khi chúng tôi làm mẹ buồn, tôi chỉ thấy mẹ lặng lẽ kéo vạt áo lên chùi nước mắt. Trong từng kỷ niệm nho nhỏ, mẹ đã dạy tôi thế nào là nhẫn nhục trong tình yêu để làm mềm trái tim trẻ thơ.
Con trai thứ hai của tôi cũng có một tâm hồn nhạy cảm. Những ngày cầm tay con để tập cho con viết đã qua. Khi nó biết viết một mình, tôi đã nhận được lá “thư tình” đầu tiên, là một dòng chữ nắn nót trong khung hình trái tim, gửi cho tôi: “My mom is a girl and i love my mom.” Đó là sự bộc lộ yêu thương thơ ngây mà tôi nhận được của con trai, thường được hiểu là dấu kín hay không biết biểu lộ tình cảm. Trong một bài văn viết ở trường năm lớp chín, tôi tìm thấy đoạn con trai nghĩ về mình, ở tuổi dậy thì, là tuổi xa cách cha mẹ:
“My father’s eyes harbor a certain air of mystery and experience. They paint the picture of a man with wisdom beyond his years, who has been through enough to last more than a lifetime, full of many hidden memories. They are still as bright as before, despite the ravages of the years. They depict a courageous soul, a peaceful spirit, and are deep and insightful. They simply know.
My mother’s eyes are those of strength. They are those who show an inner strength that would not be denied, a determination of steel. Through them, one will see a spirit who has taken many beatings but has walked, head held high, past every one of them. There is a certain love in them, one that extends to anyone that they can see, or cannot.”
Sợi dây yêu thương đã thắt đời tôi với mẹ tôi, rồi tiếp tục buộc đời hai con tôi lại với tôi, như một vòng tròn không kẽ hở. Vào năm tôi sống tròn nửa thế kỷ, sợi dây vô hình nhưng bất tử ấy đã kết thành món quà mừng sinh nhật lớn nhất đời làm mẹ của tôi:
“Mẹ Yêu,
Cách đây năm mươi năm, Chúa đã sai một thiên thần xuống trần gian. Con cứ nghĩ và tin rằng Chúa gửi thiên thần đó xuống cho con mà thôi. Con không nghĩ khác hơn được Mẹ ạ! Vì sao Mẹ biết không? Mẹ đã cho con tất cả những gì con muốn, con cần, con khát khao và trọn yêu thương… mà con thấy tràn trề hơn con đáng được hưởng.
Mẹ ơi, con biết đời Mẹ là một cuộc hành trình đầy chông gai, và con muốn làm người bạn đồng hành của Mẹ, để Mẹ vui, để đỡ đần Mẹ, như Mẹ đã dành tất cả cho con. Trong lòng con, lúc nào con cũng muốn được ở gần Mẹ. Dù con đang lớn với những khao khát được học hỏi nhiều, nhưng con vẫn mong ước có thể làm một điều gì đó cho Mẹ nữa.
Con tạ ơn Chúa đã ban nhiều ơn phúc cho con hàng ngày. Trước hết, Chúa đã cho Mẹ sinh ra con. Chỉ có trái tim con mới nói hết được điều này thôi Mẹ ạ! Tuy nhiên, con vẫn phải dùng ngôn ngữ để nói và gửi đến Mẹ, thiên thần của con, lòng biết ơn, để chúc mừng Mẹ trong sinh nhật thứ Năm Mươi.
Con Yêu Mẹ,
Esther Trịnh Kim Uyên
Mẹ Tôi
Tôi có một người mẹ.
Lòng mẹ tốt và hiền.
Tử tế nhưng cương quyết.
Tôi yêu mẹ suốt đời.
Nên dâng Chúa lời cầu:
Xin đón mẹ về Trời, trong ngày giờ Ngài gọi.
Tôi yêu mẹ tôi, người mẹ hiền của tôi.
Chúc mừng mẹ trong ngày lễ Mother’s Day.
Con Của Mẹ
Joseph Trịnh Đắc Vương
Bài học yêu thương mẹ cho, tôi trao lại cho hai con và những ấm áp của tình yêu, đã dắt hai con tôi đi qua tuổi dậy thì một cách êm ái. Điều đó làm tôi yên tâm trở lại trường để tiếp tục việc học còn dang dở. Trong môn học American Popular Culture ở đại học, tôi được làm người bạn ngồi bên cạnh con gái tôi và mùa hè năm ấy, tôi còn nhận thêm một món quà nữa: cùng con gái nắm tay nhau bước lên bục, nhận bằng tốt nghiệp Cử Nhân. Khi hai mẹ con đứng bên giáo sư trao bằng để chụp hình lưu niệm, tôi thấy nước trong mắt tôi dâng lên như sóng rồi tỏa thành niềm vui ngập lòng. Đó là hạnh phúc mà tôi được hưởng trong đời làm mẹ.
Đến nay, con gái tôi đã lớn và lập gia đình. Hai năm sau ngày cưới, trong một lần về thăm mẹ, con tôi đã tâm tình: “Con cám ơn bố mẹ đã cho con một mái ấm gia đình. Đó là gia tài lớn nhất. Đối với con nó quí hơn cả của cải, vì sau này con biết tạo cho con của con một mái ấm gia đình.”
Khi nghiên cứu sâu hơn vào ngành Cố Vấn Giáo Dục, tôi bắt gặp những hình ảnh của yêu thương được phôi thai và thành hình trong sự dưỡng dục:
“…ngay từ những ngày đầu tiên trong bụng mẹ, bào thai đã biết rung động theo tâm tình của người mẹ. Qua sợi dây nhau gắn liền hai đời sống, người mẹ không chỉ truyền máu nuôi con, mà còn truyền cả kích thích tố tiết ra vì cảm xúc vui buồn…”
“… đứa trẻ biết yêu khi nó được yêu…”
“Tình yêu đứa con học được ở cha mẹ, nó sẽ đem vào đời….”
(Parenting For A Peaceful World, Robin Grille)
Tôi đã học ở nơi Mẹ tôi bài học tẩm đời con bằng tình yêu từ lâu, nên để nhớ đến Mẹ trong ngày Hiền Mẫu, tôi gom tất cả những hình ảnh yêu thương trên vào trang hồi ký “Mẹ Tôi Và Kỷ Niệm Ốc Bươu Trong Nước Gạo.”
Trịnh Kim Dung
Cao Học Cố Vấn Giáo Dục
Cảm xúc nhân ngày April 25-2018 ( tức ngày về Thượng viện California ủng hộ Dự luật SB 895 do TNS Janet Nguyễn chủ xướng