NHỚ CHA VŨ KHỞI PHỤNG- MỘT LINH MỤC THÔNG MINH VÀ UYÊN BÁC (linh mục Nguyễn Văn Khải)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 8 people, child and people standing

Cha Vũ Khởi Phụng và Đức cha Đặng Đức Ngân và các emm thiếu nhi tại cửa phòng khách tu viện Thái Hà, Hà Nội. (Hình NVK.)

May be an image of 3 people, people sitting and indoor

Cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT Thái Hà đang làm việc với Ông Chủ tịch UBND và các cán bộ Quận Đống Đa. (Hình NVK.)

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng vốn có tư chất thông minh lại rất chịu khó học tập nên ngài rất uyên bác.
Hình ảnh mà anh em trong Dòng có về ngài là một con người khi đi, đứng, khi ăn, khi ngồi dường như lúc nào cũng kè kè bên cạnh là quyển sách hay tờ báo làm bạn. Nếu không phải tiếp chuyện với ai thì dường như ngài không còn biết đến sự gì khác chung quanh.
Ngài đọc sách nhiều và đọc đủ các thứ sách báo có trong tầm tay bằng các thứ tiếng khác nhau. Đọc, suy tư, phân tích, so sánh, tổng hợp và hệ thống. Nhờ thế, ngài có một sự hiểu rất sâu rộng và tinh tế về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt trong lãnh vực thần học, lịch sử và văn chương Kitô giáo.
Ngài nghiên cứu rất sâu rộng về thần học. Điều này vừa là sở thích, vừa là bổn phận của ngài, trong tư cách là một giáo sư thần học. Những tuyển tập thần học kinh điển và quan trọng hàng đầu của thế kỷ XX như Nouvelle Theologie, Unam Sanctam, cả trăm cuốn lớn mỗi bộ, đều được ngài nghiền ngẫm. Các tác giả thần học lỗi lạc của thế kỷ XX ngài đều nằm lòng tư tưởng.
Ngài rất thích lịch sử và văn chương Latin. Những bộ sách lịch sử quan trọng, đồ sộ hơn trăm tập lớn của Fliche et Martin ngài đọc hết. Đọc đi đọc lại. Ngài cũng là một trong số ít người ngay từ hồi trước 1975 đã tìm đọc bộ Giáo phụ Latin gồm hơn 200 cuốn của cha Jean Paul Migne tại Trung tâm Công Giáo bên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn. (Theo tôi biết tại VN có lẽ chỉ ở TTCG có Bộ sách này-hy vọng là nay vẫn còn)
Vì vốn hiểu biết sâu rộng về đạo đời, về tu đức và tâm linh nên từ những năm 1970, ngài là một trong những linh mục giảng thuyết được yêu mến ở nhà thờ Kỳ Đồng, cùng thời gian ấy, ngài thường xuyên được mời đi giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ, các dòng tu tại Sài Gòn và nhiều giáo phận khác.
Ngài cũng làm giáo sư của các lớp thần học bí mật đây đó tại Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư Học viện DCCT và sau này còn dạy tại Học viện Liên Dòng. Ngài dạy thần học nhập môn, Giáo phụ học và cả Lịch sử Giáo Hội.
Ngài bàn giải các tác giả, các vấn đề rất kỹ lưỡng, rất sâu rộng và hệ thống đồng thời luôn đưa ra những cái nhìn mới mẻ, độc đáo và hấp dẫn. Tôi thấy ngài đáng được gọi là nhà thần học.
Một trong những ơn Chúa ban cho ngài là ơn nói các thứ tiếng. Ngài có thể diễn đạt tư tưởng cách dễ dàng và chuẩn xác bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Nói cũng như viết. Đặc biệt là dịch thuật.
Trong Dòng, ngài thường được mời làm người thông dịch chính thức mỗi khi các đấng bề trên hay anh em ngoại quốc tới Việt Nam. Phái đoàn Đức TGM Đại Diện không thường trú tại Việt Nam đi thăm các giáo phận ở Miền Bắc, ngài cũng được mời đi theo thông dịch, dù khi ấy Miền Bắc cũng đã không thiếu các bậc tiến sĩ đã từng du học tại Mỹ, Phi, Úc và các nước khác.
Liên quan đến việc này, tôi thấy nếu mình cứ nói tiếng Việt đều đều, không cần dừng, thì ngài vừa nghe, vừa có thể dịch trực tiếp ra tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc dịch ngược lại từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ra tiếng Việt.
Dù dịch xuôi hay dịch ngược thì ngài cũng đều diễn tả được cái hồn của nguyên ngữ, khiến người ta có cảm tưởng như đang nghe trình bày bằng trực tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Từ ta đến tây tôi thấy hiếm người có được khả năng thông dịch kỳ tài như ngài.
Nói đến khả năng ngoại ngữ của ngài, tôi thấy hồi cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi sách vở tiếng Nga nhiều, ngài mua cả sách tiếng Nga ở nhà sách Fahasa. Ngài đọc và dịch nội dung ngay trước mặt tôi, tôi thấy mới khiếp. Tôi hỏi sao bổ không học mà đọc được hay vậy? Ngài bảo mình đọc và đoàn được.
Liên quan đến điều này về sau khi tôi học tiếng Latin, tôi mới biết, người hiểu biết nhiều và giỏi tiếng Latin và các ngôn ngữ tây Phương như ngài thì có thể đọc được sách tiếng Nga và hiểu được nội dung chính. Vì, ngoại trừ hình dạng mẫy tự hơi khác nhau, nhưng lượng từ ngữ hai bên rất giống nhau và ngữ pháp cũng tương tự như nhau mà điển hình nhất là cả hai bên đều có 6 biến cách (cases).
Trong DCCT cha Tiến Lộc được tiếng là người nói giỏi tiếng Latin, tiếng Anh và tiếng Pháp- nói được cả các giọng địa phương của tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng ngay cả cha Tiến Lộc cũng phải chịu cha Phụng về khả năng đọc hiểu và dịch thuật của ngài.
Năm 2001, Cha Phó Tổng quyền G. Darlix, người Pháp và cha Tổng quyền J. Tobin, người Mỹ-nay là Hồng y, sau khi kinh lược Việt Nam, 1 người gần 1 tháng và 1 người 1 tuần, đã viết thư cám ơn và tuyên dương cha Vũ Khởi Phụng vì khả năng dịch thuật của ngài đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của chuyến kinh lược.
Năm 1994, Cha Bề trên Tổng quyền DCCT là Lasso de Las Vega từ Sài Gòn đi Cần Giờ. Nhà Dòng đi hai xe. Trên xe 12 chỗ ngồi, ngoài cha Tổng quyền và cha Hachenova, Tổng Cố vấn, còn có cha Phụng, cha Tiến Lộc, thầy Hilaire Thảo và tôi cùng vài anh em khác. Cha Tiến Lộc đi làm trò vui. Cha Phụng làm thông dịch. Tôi làm “điếu đóm” cho các đấng.
Vì lúc ấy đường khó đi và phải đợi mấy cái phà rất lâu nên cha Tiến Lộc bày ra mục đố mẹo Latin qua các thành ngữ. Tôi thấy câu nào cha Tiến Lộc hay cha Lasso de la Vega “trình làng” cha Phụng cũng giải bay, trong khi câu nào cha Phụng đọc thì các đấng kia khi giải được khi không!
Cuối cùng tôi nhớ cha Lasso nói rằng: “Tôi đi nhiều nước, gặp nhiều người nhưng chưa thấy “cái thứ” nào lắm trò vui như “cái thứ” này và cứ chưa thấy cái đầu nào thông thái cho bằng cha Matthêu.”
Cha Vũ Khởi Phụng đã hy sinh bao nhiêu thú vui lành mạnh chính đáng để tập trung học tập. Học tập với ngài như là một phép tu đức, một thứ khổ chế và trên hết đó là một con đường để đi vào mầu nhiệm của Chúa và như một phương tiện để đến với tha nhân và phục vụ ơn cứu độ cho tha nhân.
Sống gần ngài mấy chục năm, tôi biết học tập và nghiên cứu đã cho ngài một lối sống rất bình dị và rất sâu sắc, một lối sống rất tinh tế và phong phú, một lối sống vừa rất gần gũi, vừa rất “xa cách” với tha nhân và với cuộc đời, một lối sống siêu thoát thực sự, khác hẳn với lối ứng xử của phần lớn những người tôi gặp trong đời. Có lẽ đó lối sống của người “hiểu đạo” và “đắc đạo.”
(Còn tiếp)
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT