“NHẢY TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA” HAY “TẾ NHƯ TẠI”? (Hải Lê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of York Minster

Tôi theo Công giáo khi là một thiếu niên, tính tới nay cũng gần mười bảy năm. Chuyện “tân tòng”, “đạo mới” của tôi… cũng là điểm yếu mà khi có tranh cãi về vấn đề gì thì anh em bổn đạo hay tấn công vào đó. Cả khi bị khen “anh Hải này tân tòng mà ảnh blahblah” tôi cũng thấy không có gì vui.
Đọc sách Tông Đồ Công Vụ, thấy Thần Khí Chúa vẫn ngự xuống trên dân ngoại. Đọc Tin Mừng, thấy Chúa Giêsu kể dụ ngôn người ngoại đạo Samaritano tốt lành hơn các thầy cả và bậc kinh sư. Rồi lại trộm nghĩ, ngoài Chúa Giêsu là đạo gốc ra, vì chính Ngài khởi sự rao giảng và lập các Bí Tích, thì còn lại từ ông Phê-rô trở xuống thằng cu tí mới rửa tội, cũng đều là đạo theo vậy, từ khởi đầu ngoài Chúa ra làm gì có ai là gốc với ngọn chi đâu. Thần Khí có thể ngập tràn trên bất cứ ai, ngự xuống bất cứ đâu Ngài muốn, kể cả một anh tay sai Do Thái thời đó là Saul, chưa từng nhìn thấy Chúa Giêsu giảng đạo được câu nào, cũng đã được sáng mắt mà trở thành vị thánh Paul nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân; và tông đồ theo sát cánh với Chúa là Judas Iscarius, nghe bao nhiêu lời dạy và chứng kiến bao nhiêu phép lạ vĩ đại của Chúa Giêsu, thì anh Judas vẫn bán thầy không văn tự đó thôi. Mỗi người được cho mấy nén là bởi ơn Chúa và tuỳ thánh ý Người, nào bởi do cũ mới hay gốc ngọn chi đâu.
Có một dạo, tôi không còn muốn viết gì về niềm tin nữa, ngu si hưởng thái bình thì tốt hơn chăng?
Sáng nay trong lúc đi tắm, list nhạc youtube tự động chạy, vô tình nghe lại bài Halleluja, vô thức nhớ về những ngày đầu mới rửa tội cũng hay nghe bài này. Rất nhiều hồi tưởng và cảm tình sống lại trong lòng. Thuở ấy chưa có smartphone, chưa có nhiều người xài facebook và youtube như bây giờ. Trong tâm trí tôi, thánh đường thâm nghiêm lạnh người, mở cái cửa ra là thấy mình bước vào một thế giới thiêng liêng khác hẳn với bên ngoài cửa. Tôi không nhớ chính xác mình đã đọc trong Sách Lễ Rôma hay trong Bộ Giáo Luật, mà cuốn đó có hướng dẫn rất chi tiết về những điều cần phải tuân thủ đối với nơi thánh: ‘trên cung thánh thì không được làm gì ngoài việc phụng vụ, kể cả vì lý do đạo đức; ví dụ chiếu phim hay nhảy múa’. Nên tôi bỏ công ra tra thử trên mạng thì không tìm ra nội dung tương tự nữa, nhưng tôi chắc chắn mình không nhớ nhầm về nội dung đó.
Mấy ngày nay, thấy hình ảnh các bạn trẻ Công giáo hoá trang thành những cán bộ vô thần cộng sản để nhảy múa trên cung thánh, trước mặt nhiều bậc vị vọng trong đạo. Lại nhớ những cảnh hiệu ứng pháo bông nổ rột roẹt, cảnh diễn Tây Du Ký trên cung thánh trong thời gian qua… tôi chợt nghĩ không biết trong những năm qua mình có bỏ sót điều gì không, vì không hề nghe tin có cải cách phụng vụ hay tổ chức công đồng gì cả.
Tôi lại nhớ về chuyện vua David trong thời Cựu Ước xả bỏ hết vương phục với trang sức mũ miện để mình trần nhảy múa trước Hòm Bia Thiên Chúa, ông không bị trách phạt vì bất kính, nhưng được đoái thương vì khiêm nhượng trước mặt Người.
Nhưng rồi tôi lại nhớ chuyện ông Mosses, được Chúa dạy cởi bỏ dép khi đi tới bụi cây đang cháy để nghe tiếng Chúa, vì đó là nơi thánh thiêng.
Ngạn ngữ phương Đông có câu “tế như tại, tế thần như thần tại” – là khi tế bái tổ tiên hay thần linh, đều phải có sự kính sợ và lòng thành như thể tổ tiên và thần linh đang ngự trước mặt.
Về mặt thái độ, chẳng phải người Công giáo cũng làm lễ hy tế trong tinh thần Chúa đang ở trước mặt mình hay sao? Và cung thánh thì chính là nơi diễn ra hy lễ đó, cũng là nơi đặt Thánh giá, nơi đặt Thánh Thể… nếu mà mình tin thực có Chúa đang ở đó, đâu cần phải hỏi, tự mình cũng chẳng biết sẽ cung kính thế nào cho xứng hợp thế nào sao, nói gì là làm những chuyện tục phàm?
Tôi chợt phì cười bản thân mình, nếu ở trước mặt một con người mà mình kính trọng, chắc chắn tôi cũng sẽ không có cử động gì khinh suất, càng không ca hát nhảy múa mua vui cho kẻ thứ ba ở đó. Vậy thì nếu là Chúa đang ở trước mặt, tôi càng không làm chuyện gì khác ngoài cung kính và ở yên đó với Người…
Nhưng rồi nghĩ về chuyện ông vua David trần như nhộng nhảy múa ca mừng Chúa, về ông Giacob vật lộn với Người, nghĩ về chuyện Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, mạch tư duy đọng lại, tôi thấy tôi bị thử thách về những gì mình đã xác quyết ở trên.
Vậy thì như thế nào mới đúng đây, dù không phán xét người khác đúng hay sai, thì tự mình cũng cần biết cái gì nên hay không nên để mà làm với tránh.
Lạy Chúa, rốt cuộc thì Ngài nói Ngài muốn lòng nhân chớ đâu cần lễ tế, rằng ai yêu mến thì đã chu toàn mọi lề luật… Tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó bắt đầu sáng tỏ trong lòng, có thể cười nhẹ nhõm.
HẢI LÊ
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid025sssvNZGGkk7pj2bHHKZE8ryUYhTSeXWc7jY6exPY2ecFoHpJo9m9F4aEmdNCuwVl&id=100010082284940