NHÀ VĂN LÊ TẤT ĐIỀU & TẬP THƠ CAO TẦN (Mặc Lâm/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

http://t-van.net/wp-content/uploads/2016/06/le-tat-dieu.jpg 

Thơ Cao Tần được nhiều người đón nhận bởi ngôn ngữ của nó thể hiện hơn là những gì chứa đựng bên trong. Ngôn ngữ trong thơ Cao Tần mang đậm tính tự trào lại phảng phất nét quyến rũ của chất anh hùng ca từ nhân vật Kiều Phong mà tác giả đã có cơ hội nhiều năm tiếp xúc. Có lẽ sự hòa trộn giữa ngôn ngữ chắt lọc thi ca và tính phán xét lạnh lùng, mạnh mẽ của loại văn chính luận đã khiến thơ Cao Tần có được sự hấp dẫn kín đáo nhưng ngấm ngầm dữ dội đã khiến người đọc khó thể bỏ qua khi đã đọc những dòng chữ đầu tiên:

Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…

Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Mà không, dùng chữ “tiệc rượu” trong hoàn cảnh của bài thơ nghe ra sang trọng quá. Phải gọi là “nhậu” thì mới diễn tả chính xác cái sân khấu đời mà Cao Tần đang tả. Tấm kính vạn hoa đã phản chiếu số phận của những người ngồi quanh bàn nhậu phơi ra từng tâm trạng, từng ngữ điệu hay cử động trong mỗi vai diễn. Những nhân vật vừa là tráng sĩ vừa là dân thất nghiệp và cũng có khi vừa lãnh trợ cấp trong những ngày đầu nơi xứ lạ quê người. Nâng chai cũng như nâng tất cả xót xa và gắng gượng dùng những hình ảnh vĩ đại của nước Mỹ như tượng Nữ Thần Tự Do để dè bỉu cho chính thân phận mình.
Từ bàn nhậu bước ra, nhân vật của Cao Tần tìm sự thanh thản ở thiên nhiên. Kết quả là thiên nhiên kéo nạn nhân trở về những hình ảnh mà họ muốn chôn vùi hay ít ra là muốn quên trong giây lát:

Ta đã vượt muôn dặm dài biển cả
Ðường tử sinh lui tới cũng đôi lần
Bỗng bình minh này ngồi thuyền, câu cá
Trôi dật dờ như lá trên hồ xanh
Hỡi chú cá rong chơi miền nước biếc
Ta vượt đường muôn dặm chẳng tìm nhau
Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc
Cho đời êm, qua được mấy giờ đau

Cao Tần có thảnh thơi hay không khi tìm thú vui mà người sống ở Mỹ thường có là thú đi câu? Nhà thơ đi câu với tâm trạng không mấy tin rằng mình sẽ hòa vào với thiên nhiên khi nghi ngờ rằng trò đi câu chỉ là bày đặt 

Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc
Cho đời êm, qua được mấy giờ đau

Ngay cả cây cối cũng bị nhà thơ vực dậy để mà tra vấn:

Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ
Kể từ những trăm năm dài đứng đó
Có gặp khi nào một kẻ xác xơ
Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ
Ðời đang bão khi không chìm lặng ngắt
Như cành khô nằm chết đáy sông sâu
Ðời đang dậy sóng thần lên bát ngát
Bỗng vùi yên đáy biển một thân tàu
Và móc đời lên cần câu vớ vẩn
Ðem dìm chơi trong đáy nước rong rêu
Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngơ ngẩn
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo? 

https://phailentieng.blogspot.com/2016/08/nha-van-le-tat-ieu-va-tap-tho-cao-tan.html?fbclid=IwAR2_fQNWpSf-pcNYQiHwC2MJ_Zs1QC2CnPb171LvTj7c1-1dEFaproSIZfM