Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1926-1990)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, diễn giả hùng biện
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nhà vận động bền bĩ
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, vận động quốc tế cho Việt Nam Tự Do
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và đoàn thể LMDCVN do ông sáng lập
Tập thơ Hồn Việt nổi tiếng của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy
NGƯỜI ĐI, NON NƯỚC Ở LẠI
Chu Lynh
Nén hương lòng của kẻ hậu sinh
Kính dâng anh linh nhà ái quốc Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990)
“Những dữ kiện trong bài này được thu thập từ những tài liệu, bài viết, tiếp xúc, phỏng vấn các nhân chứng đã từng kề cận nhà ái quốc Nguyễn Ngọc Huy: ông Nguyễn Ngọc Diệp, nhà văn Đỗ Tiến Đức, ông Trần Sĩ Hải, ông Vương Từ Mỹ, ông Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, Giáo sư Tạ Văn Tài, cô Nguyễn Ngọc Thúy Tần, Giáo sư Nguyễn Toản, ông Nguyễn Phước Trang, ông Trần Cẩn Trọng, và ông Nguyễn Cao Tuấn”.
Chuyến bay định mệnh
Phi trường Zaventem, Brussels,
Vương Quốc Bỉ
Khởi hành từ New York, chiếc Boeing đáp xuống phi trường Zaventem trễ ba mươi phút. Trong lúc chuẩn bị rời máy bay, hành khách bỗng phát giác một người bất tỉnh trên ghế ngồi. Người đàn ông lớn tuổi, ốm yếu, da mặt xanh xao. Một lát sau, ông tỉnh lại. Một tiếp viên thấy ông không thể di chuyển được, liền gọi xe cấp cứu.
Hôm ấy là ngày 20 tháng 7 năm 1990. Người hành khách bất tỉnh đi trên chuyến bay mang số 34 của hãng hàng không Pan Am mang tên: Nguyễn Ngọc Huy. Người Việt hải ngoại thường gọi ông là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, người ngoại quốc thích gọi ông là Tiến sĩ Nguyễn. Ông ghé Brussels theo lộ trình tham dự Đại Hội Thế Giới tại Hòa Lan của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức chính trị do ông thành lập từ mười năm qua.
Khi nhân viên xe cứu thương hỏi ông cần đi bệnh viện không, ông từ chối và yêu cầu chở vào phòng đợi, viện lẽ đã hẹn người nhà ra đón.
Ba người đến đón ông: Nguyễn Kim Luân, Trần Qúy Phong, Nguyễn Ngọc Vinh. Họ đã không tìm ra ông trong đám hành khách đang đứng quanh quẩn bên thang máy bay chờ nhận hành lý. Họ chia nhau tìm kiếm.
Khi được nhân viên phi trường cho hay tin, họ trở lại phòng đợi, thấy ông Nguyễn Ngọc Huy đang đứng với một người Việt Nam. Nhưng xem ra ông quá mệt mỏi chẳng nghe người bên cạnh nói gì.
Trên đường về nhà ông Nguyễn Ngọc Diệp, một đoàn viên Liên Minh Dân Chủ, với giọng rất yếu, ông hỏi có ai biết cạo gió không. Một người lễ phép thưa sẽ cạo gió cho ông khi về đến nhà.
Khoảng 12 giờ 30, chiếc xe về đến nhà. Ông Diệp thực sự xúc động khi nhìn thấy cơ thể của ông quá tiều tụy. Ông bắt đầu cạo gió. Không có gió ở phía sóng lưng bên trái, nhưng bên phải và cổ, da thịt đỏ ửng lên. Nhờ xoa bóp toàn thân, người ông ấm lên, ông cho biết đã đỡ hơn.
Giọng nói của ông thều thào, phát âm không rõ, hậu quả của chứng ung thư lưỡi từ tám năm nay. Ông cho hay: “Trước khi đi bị cảm lạnh, rồi mất ngủ suốt đêm, trên phi cơ cũng không ngủ được. Qua đây lại bị trúng gió …”
Trong căn phòng gia đình đã chuẩn bị cho ông, để sẵn hai tờ báo Le Monde và Le Soir, có lẽ chủ nhà biết thói quen của ông. Qua cửa kính mờ, hình ảnh một ông già ốm yếu lom khom đọc báo, tay phải cầm cây viết ghi chép, khiến mọi người muốn rơi lệ. Bên ngoài phòng, các đoàn viên của ông đã hội ý nhau và quyết định mời bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Quỳnh đến chăm sóc cho vị lãnh đạo của mình.
Tuy mệt, ông vẫn ra phòng khách nói chuyện, vẫn trả lời thông suốt các câu hỏi, nhưng luôn luôn hỏi lại “Tôi nói các anh nghe có rõ không?”
Bác sĩ Ngọc Quỳnh khám rất kỹ. Bà cho biết, áp huyết bệnh nhân rất thấp, mạch tim đập yếu, các bộ phận khác cũng yếu. Muốn hồi sức, phải tiếp nước biển. Nhưng nếu tiếp nước biển ở nhà, luật lệ y tế ở Bỉ đòi hỏi phải thử nghiệm máu, và một số thủ tục khắt khe khác, nên cấp thời chỉ còn cách chích thuốc khoẻ. Bà cũng không có sẵn loại thuốc này.
Cuối tuần, chỉ có nhà thuốc trực, nên nửa giờ sau, mới tìm mua được thuốc. Việc chích thuốc cho ông cũng không mấy dễ dàng. Mười phút sau, bác sĩ khám lại. Bệnh nhân có phần tươi tỉnh.
Gia đình bưng đến một chén súp. Mỗi lần đưa được một muỗng súp vào miệng là ông ho sặc sụa, phải uống thêm nước cho thông cổ.
Trước đây, ông xin mọi người đừng hỏi khi ông đang ăn. Lần này, không ai lên tiếng, nhưng ông vẫn cứ ho liên tiếp, có khi không nuốt được phải nhả ra. Mồ hôi từng giọt hai bên cổ. Ông cúi đầu xuống, nhắm mắt lại chịu đựng cơn đau. Mọi người nhìn ông ứa nước mắt. Khoảng nửa giờ sau, ông đưa vào miệng được gần một chén súp nhỏ. Sau đó, ông dùng một ly crème flanc, nuốt vào ít khó khăn hơn.
Ăn xong, ông tiếp tục hỏi thăm mọi người, kể cả những người vắng mặt. Ông Diệp còn nhớ, những lần đến Brussels, ông Nguyễn Tấn Liêm thường tiếp ông Nguyễn Ngọc Huy tại nhà, tâm đắc nhắc những kỷ niệm xa xưa, vì hai người cùng tuổi, cùng học trường Petrus Ký Sài Gòn. Có lần ông Nguyễn Tấn Liêm tâm sự:
“Bây giờ chỉ còn có anh là thỉnh thoảng tôi gặp, còn mấy người khác chẳng bao giờ tôi thấy..” Ông chậm rãi đáp lại: “Còn chút sức khỏe, tôi còn cố gắng đi. Vài ba năm nữa thôi, cũng sẽ hết đi nổi. Mỗi năm tôi ở nhà bốn tháng, còn tám tháng ở nhà anh em..”
Đêm hôm đó, dù đã khuyên thầy mình đi ngủ sớm, ông Diệp vẫn thấy bóng ông lờ mờ sau cửa kiếng. Ông đang viết, khom người trên nệm. Đồng hồ chỉ 1 giờ 30 sáng.
Mọi người sắp xếp đưa ông về Paris, vì điều kiện chăm sóc y tế ở đó khả quan hơn ở Bỉ. Hơn nữa, ngày Thứ Bảy 21-7-1990, ông có cuộc họp quan trọng ở Paris.
Khoảng 1 giờ trưa ngày 21-7, các ông Trần Cẩn Trọng, Thái Quan, và Lê Chí Thiện đến dùng cơm chung với ông và gia đình. Ông cũng chỉ nuốt được một muỗng cơm.
5 giờ 40, ông chuẩn bị rời Brussels. Hành trang của ông gồm mấy cái xách tay, cặp da đầy sách vở, áo quần, thuốc men, và một máy xay thức ăn nhỏ. Ông để lại một số vật dụng, dự tính sẽ trở lại Brussels để đi Hòa Lan sau đó.
Ông đưa tay chào gia đình. Không ngờ đó là lần cuối cùng gia đình ông Nguyễn Ngọc Diệp tiếp người thầy của mình.
Paris ngậm ngùi
Thứ Bảy 21-7-1990. Ông Trần Cẩn Trọng đưa ông về nhà mình, và gọi điện thoại ngay cho một bác sĩ quen đến vào nước biển cho bệnh nhân. Nhưng khi vào được khoảng 300cc thì bệnh nhân than mệt phải ngưng lại. Buổi chiều, ông ăn được cơm và cho biết đã khỏe lại một chút.
Thứ Ba 24-7-1990, ông họp toàn thể Liên Khu Bộ Âu Châu đến 11 giờ khuya.
Thứ Tư, ngày 25-7-1990. Thức dậy, ông cảm thấy bình thường. Nhưng đến trưa thì ông than mệt. Bác sĩ Nguyễn Minh Tân đến chích nước biển cho ông, nhưng chỉ được 250cc rồi ngưng lại.
Tối đó trưởng nam của ông, Nguyễn Ngọc Quốc Thụy đến thăm. Bác sĩ Tân đề nghị gia đình nên đưa bệnh nhân về Hoa Kỳ chữa trị. Cô Nguyễn Ngọc Thúy Tần, ái nữ của ông, từ New York gọi điện thoại qua, ông nói không ngủ được, vì thời tiết Paris quá nóng.
Thứ Năm, 26-7-1990. Ông cố gắng nuốt được hai muỗng súp, nhưng vẫn chưa mất hết vị giác, vẫn còn muốn dùng thức ăn như bí, cá mòi. Bác sĩ Tân chích một liều thuốc an thần.
Thứ Sáu, 27-7-1990. Ông có cảm giác buồn ngủ. Bác sĩ chích một mũi thuốc Kenacort. Ông ngủ được đêm hôm đó.
Thứ Bảy, 28-7-1990. Sáng thức dậy, ông nói với ông Trọng đã ngủ ngon đêm qua. Ông Trọng làm cho ông một ly sữa hột gà. Ông căn dặn ông Trọng xem lại bài thuyết trình ông đã soạn sẵn để tiến hành Đại Hội Hòa Lan.
Quốc Thụy đi mua vé máy bay cho ông trở về Hoa Kỳ. Chiều trở về dùng cơm với ông. Bác sĩ Tân chích thêm nước biển, nhưng ông từ chối vì mệt.
Đến chiều, bác sĩ tiếp tục chích nước biển. Nhưng khi chích vào gân nào, thì bể mạch máu đến đó, nơi chích bị sưng phù lên. Bác sĩ đành phải chích vào thịt loại Cortine Naturale.
Khoảng 8 giờ tối, ông ra phòng khách nói chuyện với bác sĩ Tân, ông Trọng và một số đoàn viên. Bác sĩ Tân hỏi ông cần dùng gì thêm không, ông nói muốn uống hết lọ Renutryle để thay cho thức ăn. Bác sĩ kiếu từ ra về.
Khi người nhà bưng ly trà sâm lên, ông không thể uống được vì còn quá nóng. Nghe xong, ông Trọng đi xuống bếp.
9 giờ 15, Quốc Thụy gọi ông Trọng cho hay ông mệt và hơi thở có dấu hiệu khác thường. Ông Trọng thấy ông hắt hơi, khó thở. Cả ba người, ông bà Trọng, và Quốc Thụy cùng đở ông lên giường. Ông Trọng gọi điện thoại cho bác sĩ Tân.
Bác sĩ Tân đến ngay. Người thầy thuốc tận tụy những ngày cuối cùng với bệnh nhân, cũng là nhân chứng cho giờ phút lâm chung của người bạn chí thiết Nguyễn Ngọc Huy. Ông thở hắt hơi ra vài lần. Rồi lịm dần, lịm dần…
Ông trút hơi thở cuối cùng trên tay người con trai, kết thúc một định mệnh sáu mươi sáu năm trên cõi nhân gian này, vĩnh biệt các môn sinh và bằng hữu, để bước qua một thế giới khác lúc 9 giờ 30 tối ngày 28-7-1990.
Trên bầu trời hải ngoại, ngọn hải đăng Nguyễn Ngọc Huy đã vụt tắt.
Nỗi đau sâu thẳm
Cuối thập niên 1970, và đầu thập niên 1980, trong lúc người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi náo nức với phong trào trở về chiến đấu giải phóng quê hương, thì ông Nguyễn Ngọc Huy là người đi tiên phong mở mặt trận nhân quyền làm vũ khí đấu tranh, vì ông nhận thấy giải pháp quân sự rất khó thực hiện.
Ông thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, quy tụ nhiều thành phần trí thức và tâm huyết. Rồi ông vận động các chính khách ngoại quốc, tướng lãnh, dân biểu, nghị sĩ của nhiều quốc gia để thành lập Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do. Hai thành quả vượt bực của nhà vận động Nguyễn Ngọc Huy.
Có thể ví ông như “Thiên tài là cái đồng hồ đi trước” khi ông đi trước quần chúng một khoảng cách xa. Không phải dễ dàng hướng dẫn dư luận. Nhưng các thành viên của hai tổ chức này lạc quan về triển vọng cuộc tranh đấu sẽ thành công. Trong cuộc nói chuyện tại Calgary, Canada ngày 21-12-1986, ông tin rằng cộng sản sẽ sụp đổ, nếu người Việt biết vận dụng các yếu tố: tổ chức lực lượng trong nước, người Việt hải ngoại yểm trợ, và vận động quốc tế yểm trợ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Việt.
Nhưng mệnh trời đã không cho ông đi nốt cuộc đấu tranh mà ông đã khổ công đeo đuổi hơn bốn mươi năm qua. Căn bệnh ung thư lưỡi kéo dài nhiều năm, nay đã đến giai đoạn cuối. Bác sĩ kinh ngạc khi thấy ông đã coi thường căn bệnh hiễm nghèo, vẫn sống, vẫn bôn ba khắp nơi, vẫn lạc quan về tương lai Việt Nam.
Hình ảnh của ông những ngày cuối cùng trên giường bệnh, không phải trong bệnh viện đủ tiện nghi, mà tại nhà một người bạn, mới biết ông đã chiến đấu với tử thần, dũng cảm như một chiến sĩ ngoài trận địa. Vẫn đọc, vẫn viết, vẫn hội họp. Như thể ông có thể thắng trong cuộc chạy đua với thời gian. Nhưng hơn ai hết, ông linh cảm tử thần đã lảng vảng bên mình khi nhận ra cuộc chiến đấu với căn bệnh đã đến hồi kết thúc.
Đức độ và tài năng của ông Nguyễn Ngọc Huy đã khiến dân biểu Canada, ông David Kilgour đã ví ông như một Gandhi Việt Nam. Nhưng ông lại đảm trách quá nhiều vai trò, từ trên chính trường đến hậu trường. Là con người nhìn xa trông rộng, hẳn ông đoán được đoàn thể của ông sẽ đối diện với nhiều khó khăn nội bộ lẫn với bên ngoài khi ông nằm xuống.
Nhiều người hối thúc ông dự liệu một truyền nhân thay thế ông tiếp tục lèo lái hai tổ chức quan trọng này. Nhưng, theo nhà văn Đỗ Tiến Đức cho biết, nhiều lần được hỏi, ông Nguyễn Ngọc Huy vẫn chưa có câu trả lời. Có lẽ đây là nỗi ưu tư lớn nhất những ngày cuối đời của ông.
Ngày 16-4-1974, bà Dương Thị Thu, người vợ của ông do bạn bè mai mối, đã chết trong một tai nạn tại bãi biển Vũng Tàu. Người đàn bà đảm đang, không bao giờ xen vào công việc của chồng, chăm sóc và dạy dỗ con cái để ông có thì giờ hoạt động. Trong mọi hoàn cảnh, bà đã chu toàn bổn phận người vợ trong âm thầm, như một anh hùng vô danh trong bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của ông.
Ông mang nỗi đau khổ này trong lòng, suốt phần đời mười sáu năm còn lại. Nghĩ đến tình yêu, lòng chung thủy và hy sinh của bà đã dành cho ông trong nghĩa vợ chồng hai mươi hai năm, từ đó ông không còn tha thiết người đàn bà nào nữa.
Thật lạ lùng, cùng ngày tháng ấy, đúng tám năm sau, 1982, tai nạn thứ hai lại đến với ông. Đứa con út 17 tuổi, Nguyễn Ngọc Khánh Thụy, chết ngộp trong xe hơi trong nhà để xe của một người bạn Mỹ, ông William Littauer, tại Iang Larchmont, New York. Lúc đó, ông đang ở Cambridge, Massachusetts, và ái nữ Nguyễn Ngọc Thúy Tần đang học ở Albany, New York.
Đây là đứa con ông yêu thương nhất, vì cậu bé mồ côi mẹ từ nhỏ, thường xuyên vắng cha, và người chị lại đi học ở xa. Cậu đã tự vận bằng hơi thán khí xe tỏa ra. Nỗi đau của người cha biến thành nỗi ân hận suốt đời.
Trong một lần nói chuyện với ông Tạ Văn Tài, người cộng tác với ông những năm khảo cứu tại Đại Học Harvard, khi nói về cái chết của đứa con, ông đã tâm sự: “Tôi luôn luôn lo việc đoàn thể và đất nước, nhưng đời riêng của tôi gặp nhiều bất hạnh”
Phải chăng, những câu thơ của ông trong tập thơ nổi tiếng Hồn Việt ngầm báo trước một định mệnh khắc nghiệt:
Éo le thay muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến
Trong cuộc phỏng vấn tại California, ông Vương Từ Mỹ đã nói về một phiên họp đặc biệt của đảng Tân Đại Việt và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, được tổ chức tại đường Bà Triệu ở Chợ Lớn, vài ngày trước khi miền Nam mất vào tay cộng sản. Lần đầu tiên, thủ lãnh Nguyễn Ngọc Huy đã khóc trước những người đã từng sát cánh hoạt động với ông trong một giai đoạn lịch sử đầy giông bảo. Ông cương quyết ở lại cùng sống chết với anh em. Ông nghĩ rằng thuyền trưởng phải chết theo con tàu. Nhưng tổ chức đã phân tích lợi hại, và quyết định vị thủ lãnh phải ra đi.
Nhìn bức hình của ông, được chụp lại từ một đoạn phim tài liệu. Đôi mắt nhân chứng, đôi mắt hồi tưởng về một quá khứ đầy những hoài bảo xây dựng đất nước.
Hồi tưởng những năm giảng dạy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo các cán bộ cho nhu cầu hành chánh của Việt Nam Cộng Hòa. Vào năm 1974, cùng với Giáo sư Nguyễn Văn Ngôn, Bác sĩ Mã Xái, Tiến sĩ Phan Văn Song, Tiến sĩ Đỗ Thành Chi, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trinh, và Giáo sư Trần Minh Xuân, ông đã thành lập Trường Cao Đẳng Thương Mại Minh Trí nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ có kiến thức và chuyên môn để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hậu chiến tranh.
Đôi mắt ấy chắc cũng hồi tưởng về một quê hương thân yêu trên đường xây dựng tương lai, với một chính nghĩa sáng rực, bỗng chốc bị cướp sạch, bị đào xới tận gốc rễ bởi bàn tay người cộng sản. Làm sao thấu được nỗi đau đoạn trường bên trong con người ấy? Hẳn đây là nỗi đau lớn nhất của ông và cũng là nỗi đau của bao người Việt tỵ nạn cộng sản nơi xứ người.
Để lại cho đời
Ông Nguyễn Ngọc Huy ra đi, để lại cho đất nước và các thế hệ đi sau một tấm gương phục vụ đất nước, những công trình nghiên cứu về chính trị và văn hóa, chủ trương xây dựng tương lai Việt Nam, và các tổ chức chính trị do ông thành lập vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Nhưng có thể tóm gọn lại hai di sản quan trọng nhất ông để lại cho hậu thế: Sự hy sinh cho đất nước và nỗ lực quảng bá nền văn minh pháp trị các bậc tiền bối để lại.
Di sản thứ nhất rất cần cho những người lãnh đạo chính trị, những nhà tranh đấu cho tương lai Việt Nam. Ông đi xe buýt, ngủ nhà anh em. Nơi ông, không có chỗ cho danh vọng bạc tiền, chỉ có đất nước, chỉ có Quốc Dân. Ông là người “Làm việc nước chỉ thấy nước” như câu nói của ký giả Phạm Thái. Với ông, “Tổ Quốc Trên Hết”, không mơ hồ, mà thể hiện cụ thể bằng chính đời sống hiện tiền của ông.
Ông coi đảng phái chỉ là phương tiện. Ông chưa bao giờ xưng danh chức vụ lãnh đạo của mình khi đi diễn thuyết. Ông thuyết phục người khác không phải bằng tài năng hay kiến thức lỗi lạc của mình, mà bằng lý lẽ và tấm chân tình của ông.
Có những tài năng người ta chỉ đứng xa xa mà thán phục. Còn tài năng Nguyễn Ngọc Huy, người ta lại muốn gần gũi. Giáo sư Jerome Cohewn, Giám đốc đầu tiên của Chương Trình Luật Á Châu đã nói về ông:
“Ông là người uyên bác, phong nhã, và dí dỏm, ai gần gũi ông đều vui thích”
“He was a learned, gentle, humorous person who was always a joy to be near”
Đọc những tác phẩm ông để lại về khảo luận, nghiên cứu cả hai lãnh vực chính trị và văn hóa, mới thấy sự uyên bác của học giả Nguyễn Ngọc Huy. Không thể không nói đến thi ca của ông, với những vần thơ đầy ắp tình yêu nước, sáng tác để ca tụng các anh hùng lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Giữa những tác phẩm đa dạng ấy, chỉ cần dẫn chứng một bộ sách hiện trưng bày tại thư viện trường Luật Đại Học Harvard, thành phố Cambridge của Hoa Kỳ: The Le Code: Law in Traditional Vietnam. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu gồm 3 tập, trên 1000 trang, viết bằng Anh ngữ cùng với ông Tạ Văn Tài, vừa dịch thuật, vừa chú giải bằng các dữ kiện lịch sử và luật pháp đối chiếu.
The Le Code chính là di sản về nền pháp trị cổ truyền, là nền tảng của nhân quyền và dân chủ có giá trị trường cửu. Công trình của ông đã đóng góp vào việc vinh danh nền pháp trị cổ truyền của Việt Nam, không những là di sản cho các học giả người Việt, mà còn cho thế giới Tây phương. Giáo sư Alexander Barton Woodside, một học giả nổi danh tại Đại Học Harvard cho rằng bộ sách này là:
“Một trong vài cuốn sách rất hiếm về Việt Nam có giá trị hoàn hảo. Chắc chắn đó là thành tích học thuật quan trọng nhất xuất phát từ hàng ngũ trí thức Việt Nam lưu vong ở hải ngoại sau năm 1975. Đó cũng là tiêu mốc đánh dấu kỷ nguyên mới trong tương quan văn hóa Việt Nam và Tây phương “One of those very rare works about Vietnam that may claim to be definitive. This is undoubtedly the most important single achievement in scholarship to come thus far from the ranks of Vietnamese intellectuals exiled from Vietnam since 1975. It also represents a significant landmark in Vietnamese-Western Cultural relations”
Bổ túc cho giá trị của tác phẩm, Giáo sư Douglas Pike của Đại Học University of California-Berkeley đã phê bình:
“Đây là tác phẩm học thuật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong thập niên vừa qua”
“The most impressive piece of Vietnamese scholarship in the past decade”
Trong một xã hội cộng sản đầy ảo tưởng muốn nhào nặn mọi lãnh vực theo quan điểm Mác Lê, hôm nay bộ sách The Le Code đang được trưng bày tại Viện Sử Học ở Hà Nội, đã nói lên vừa là giá trị bền vững về công trình nghiên cứu của học giả lỗi lạc Nguyễn Ngọc Huy, vừa là một nghịch lý cho người cộng sản hiểu rằng họ không thể nào tiêu diệt được văn hóa dân tộc. Chỉ có trở về nguồn dân tộc mới mong bảo vệ được non sông Việt Nam.
Nguyện vọng của ông Nguyễn Ngọc Huy là muốn được hỏa táng và đem tro cốt về quê nhà. Dù nguyện vọng chưa thực hiện được, nhưng sự hiện diện tác phẩm The Le Code đã nói lên sự kính trọng công trình trí tuệ của ông ngay tại trung tâm quyền lực của một nước cộng sản, đồng thời như một điềm báo trước, sớm muộn cộng sản Việt Nam sẽ cáo chung và dân tộc sẽ sinh tồn như đã sinh tồn mạnh mẽ bốn ngàn năm nay.
Non nước ở lại
Nhìn chiều dài cuộc tranh đấu, sự nghiệp của nhà lãnh đạo chính trị Nguyễn Ngọc Huy đã nửa đường đứt gánh. Nhưng nếu nhìn toàn phía cuộc đời ông, thì đây là một bức tranh hoàn hảo với một nội dung sống động, những đường nét và màu sắc ý nghĩa, làm nên một tác phẩm giá trị gần như khó tìm được tác phẩm thứ hai.
Nỗi đau về những mất mát trong gia đình, nỗi buồn về công lao bao nhiêu năm tranh đấu tan tành sau ngày cộng sản cướp đoạt miền Nam, nỗi đau thể xác ròng rã tám năm chiến đấu với trọng bệnh, và những chướng ngại trên đường hoạt động, ông đã vượt qua, đã chiến thắng nghịch cảnh.
Ông đã sống, đã tranh đấu, đã cống hiến cho đất nước Việt Nam trong mọi thời điểm của lịch sử, từ tham gia kháng chiến đến lãnh đạo các tổ chức chính trị, từ giảng huấn đến biên khảo, từ hợp tác bước qua vận động quốc tế. Ông đã làm nên tấm gương một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, đầy viễn kiến và thuyết phục, đem lại cho những người theo ông niềm tin về triển vọng thành công cuộc tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam. Ông đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng, không những trong cộng đồng người Việt, mà cả trên thế giới.
Hình ảnh một nhà lãnh đạo chính trị sức cùng lực kiệt, lại mang trọng bệnh ung thư, lầm lũi trên đường thiên lý bất kể nắng mưa sương tuyết, để tìm phương cứu vớt đồng bào khỏi xiềng xích cộng sản, là hình ảnh của tình nhân ái vô cùng lớn lao trong thời đại ngày nay.
Ông Trần Sĩ Hải cho rằng sự ra đi của ông là tổn thất lớn nhất của Cộng Đồng Người Việt hải ngoại, vì sự nghiệp chính trị của ông quá lớn lao, con người ông quá vĩ đại, con đường ông vạch ra quá rõ ràng.
Ông đã dành trọn cuộc đời phụng sự đất nước, từ tuổi thanh xuân đến hơi thở cuối cùng. Không có gì dang dở nơi ông. Những kẻ ở lại, những người từng theo ông, cần tiếp tục đi nốt phần còn lại của cuộc tranh đấu ông đã vạch ra. Như một lời tự vấn mà Giáo sư Nguyễn Toản muốn trong lòng mỗi người Việt: “Hãy làm gì để khỏi hổ thẹn với người quá cố”
Người đi, đã ra đi vĩnh viễn, để lại cho các thế hệ Việt Nam những thông điệp mạnh mẽ, tiềm tàng trong hai di sản vàng ròng: Sự hy sinh cho Đất Nước và nền Dân Chủ Pháp trị cho tương lai Việt Nam.
Chu Lynh