NGÀY 25 THÁNG 2 CỦA ĐLHT THÍCH QUẢNG ĐỘ (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 2 people, people smiling, people eating, people sitting, hat, food and indoor

Image may contain: one or more people and closeup

Ngày 25 tháng 2 là một ngày có ý nghĩa quan trọng của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

Như chúng ta biết, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ viên tịch vào tối ngày 22 tháng 02 và lễ hỏa táng diễn ra vào sáng ngày 25 tháng 2, 2020.

Nhục thể của ngài đã thật sự xa rời thành phố Sài Gòn, xa rời miền Nam thân yêu, nơi Thầy sống và hành đạo gần cả cuộc đời trên trần thế để trở về với tứ đại.

Nhưng ngày 25 tháng 2 với Thầy còn có một ý nghĩa khác. Đó là ngày, 38 năm trước, Thầy bị đưa lên chiếc xe “ca” để bắt đầu cuộc lưu đày.

Trong “nhật ký” bằng thơ, Thầy viết xuống cả ngày Âm Lịch lẫn Dương Lịch “Ngày mồng hai tháng hai năm Nhâm Tuất, Dương lịch ngày 25 tháng 2, 82.”

Hòa Thượng Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Tổng Thư Ký VHĐ GHPGVNTN Thích Quảng Độ bị trục xuất cùng một ngày.

Hòa Thượng Huyền Quang bị trục xuất về Quảng Ngãi và Hòa Thượng Quảng Độ bị trục xuất về Thái Bình.

Chuyến xe dừng lại ở Nha Trang. Hai vị lãnh đạo cao nhất của GHPGVNTN ngậm ngùi chia tay nhau và chưa biết còn có ngày gặp lại. Chắc hẳn lòng đau. Nhưng các Thầy không đau cho cuộc sinh ly hay cho dù tử biệt mà đau cho con thuyền dân tộc và đạo pháp vẫn chênh vênh.

Đêm đó ở lại Nha Trang, Hòa thượng Quảng Độ viết bài thơ Trên Đường Lưu Đày thật cảm động và đầy khí khái dưới đây:

TRÊN ĐƯỜNG LƯU ĐÀY

từ Sài gòn
tôi lên đường đi miền Bắc lưu đày
trên chiếc xe “ca” của nhà tù cộng sản
tôi cảm thấy mình xót xa vô hạn
bỏ lại phía sau bao vạn tấm lòng
hẳn rồi đây sẽ mòn mỏi chờ mong
nhưng chưa biết đến ngày nào tái ngộ
(mà quyết định phải có ngày tái ngộ)
miền Nam ôi !
tôi đã nghe niềm đắng cay tủi hổ
sống đọa đày như loài thú hai chân
dưới bàn tay của những kẻ vô thần
đạo pháp tan hoang giang sơn rách nát
thời đại hôm nay
mà tôi cứ tưởng là thời Thát Đát
với Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt xa xưa
lịch sử bốn nghìn năm
ôi ! chưa từng thấy bao giờ
cảnh người Việt dày xéo quê hương đất Việt
hai mươi triệu đồng bào rên xiết
trong gông cùm
khóc nỗi tử biệt sinh ly
miền Nam ôi !
thôi hãy tạm quên đi mối sầu bi
và cố vui sống để nhìn về phía trước
dẫm lên khổ đau
tất cả chúng ta cùng tiến bước
và hẹn một ngày đất nước hồi sinh
giờ phút này đây đánh dấu cuộc đăng trình
về miền Bắc
tôi nguyện sẽ không bao giờ khuất phục
những kẻ chỉ biết tin nơi bạo lực
nuôi hận thù và giết chết tình thương
đường tôi đi – buổi sáng nay
tràn ngập ánh thái dương
và cảnh vật reo vui chào tiễn biệt
miền Nam ôi!
niềm nhớ thương nói sao cho xiết
thôi xin tạm biệt người
và hẹn hội mùa Xuân.

Nha Trang đêm 25/2/1982

Trong bài thơ, Thầy không nhớ chùa Giác Minh trong con hẻm Lý Thái Tổ, không nhớ chư tăng đồng đạo nhưng nhớ miền Nam bằng những câu thắm thiết:

…miền Nam ôi!
niềm nhớ thương nói sao cho xiết
thôi xin tạm biệt người
và hẹn hội mùa Xuân.

Hai ngày sau Thầy đến Huế và ngủ đêm tại đây.

Tại Cố Đô, Thầy trằn trọc không ngủ được và viết bài thơ về Huế.

Huế trong bài thơ không phải Huế mộng mơ mà là Huế của Mậu Thân, Huế của “nỗi kinh hoàng”, Huế của những “Bãi mồ tập thể”, Huế của “buồn thảm ngập Hương Giang”.

Ngày 1 tháng 3, 1982 Thầy tới chùa Long Khánh, xã Vũ Đoài trong một chiều xuân giá lạnh để bắt đầu cuộc lưu đày trên chính quê hương.

Trần Trung Đạo