New Zealand công bố toàn bộ văn bản TPP

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thanh Hà

media

12 nước tham gia TPP.

Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand ngày 05/11/2015 cho công bố trên mạng toàn bộ nội dung thỏa thuận Hiệp ước thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. 12 thành viên tham gia khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới cam kết tránh phá giá đồng tiền để dành lợi thế xuất khẩu.

AFP lưu ý : trong phần phụ trang các bên đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền tệ. Phía Mỹ cam kết “tránh thao túng tỷ giá hối đoái ( của đồng đô la) nhằm mục đích cạnh tranh bất bình đẳng”. Điều khoản này nhằm bắt buộc các thành viên chính thức giải thích trong trường hợp điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Một số nhà quan sát cho rằng điều khoản nói trên còn có dụng ý chặn đường Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn tham gia TPP.

Vào lúc mà Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu vẫn nỗ lực đàm phán để tiến tới một hiệp định tự do mậu dịch giữa hai bờ Đại Tây Dương, chính quyền New Zealand cho công bố toàn bộ văn bản của Hiệp ước TPP với nhiều chi tiết để tất cả mọi nguời cùng tham khảo. Đây là một bước tiến quan trọng, vì trong suốt thời gian hơn 5 năm đàm phán, có rất nhiều điều khoản đã được giữ bí mật. Nhiều tổ chức xã hội dân sự nghi ngờ các phái đoàn đàm phán đã xem nhẹ quyền lợi của người tiêu dùng trước áp lực từ phía các đại tập đoàn đa quốc gia.

Văn kiện của hiệp ước TPP đã được hãng thông tấn Pháp AFP xem qua và tóm lược như sau : Hiệp ước đã được 12 nước tham dự thông qua bao gồm 30 chương, quy định khung pháp lý trong các lĩnh vực mậu dịch và đầu tư. Mỹ, Canada và Nhật Bản cam kết mở cửa thị trường nông nghiệp, kể cả đối với một số mặt hàng được trợ giá cao như đường, gạo, phó-mát hay thị trường thịt bò ….

Vẫn theo AFP, văn bản nói trên cũng quy định rõ một số cơ chế giám sát trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các nhà đầu tư ngoại quốc với chính quyền sở tại. Một số quốc gia thành viên TPP như Việt Nam, Mêhicô và Malaysia được kêu gọi cải thiện tiêu chuẩn bảo vệ người lao động.

12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Perou, Singapore, Mỹ và Việt Nam.