MỸ “XOAY TRỤC” ĐỐI ĐẦU VỚI TRUNG CỘNG Ở CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG RA SAO ? (Lê Thành Nhân/VietQuoc)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sách “The Pivot” của Kurt Campbell (Ảnh: internet)

Từ đầu của thập niên 2010, ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ đã đầu tư các khoản tiền lớn cho binh chủng Phòng Không và Không Quân nhằm chuẩn bị cho cuộc đối đầu tiềm ẩn với Trung Cộng – một quốc gia mà Mỹ xem như “kẻ thù chính (principal enemy)” trong thế kỷ thứ 21 nằm ở bờ Tây Thái Bình Dương. Sự tăng cường sức mạnh này đã diễn ra dựa trên chính sách “Xoay Trục châu Á” – từ học thuyết “The Pivot (Xoay Trục)” của lý thuyết gia Kurt M. Campbell, nguyên là Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời TT Obama, hiện là Điều Phối Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia về Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Tòa Bạch Ốc. Sau đó “The Pivot” đã được in thành sách và ngay trang đầu có viết: “The Pivot là thuộc về tương lai. Ở đó khám phá phương cách Hoa Kỳ xây dựng một chiến lược mới để xác định vị trí của mình nhằm điều phối phương Đông. Đồng thời đưa ra lời tuyên bố rõ ràng và ứng xử tài tình của những người thi hành nhiệm vụ chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai”.

Như vậy, “The Pivot” đã bắt đầu từ thời cựu Tổng Thống Barack Obama. Một sự thay đổi lớn của Mỹ nhằm định hình lại chính sách quân sự, ngoại giao và thương mại của mình cho phù hợp để đối đầu với Trung Cộng được đẩy mạnh liên tục bởi TT Trump cho đến nay.

Chính sách này của Mỹ sau đó ít lâu có một tên khác nhưng cùng ý nghĩa là “tái cân bằng (rebalancing)” – Sở dĩ Mỹ dùng “tái cân bằng” vì sau khi Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam thì xem như phủi tay và không quan tâm đến vùng địa chính trị này nữa mà chỉ tập trung vào vùng Vịnh (Trung Đông), nơi có nhiều mỏ dầu và cũng là nơi chiến lược gia người Mỹ gốc Do Thái Henry Kissinger chủ trương phải tập trung đến. Giờ đây, nguy hiểm hai nơi (vùng Vịnh và Đông Nam Á) như nhau thì mỹ phải “cân bằng” lực lượng để đối phó gọi là “tái cân bằng”.

Sự trỗi dậy bất bình thường của Trung Cộng:

Sự trỗi dậy bất thường của Trung Cộng (nguồn Internet)

Vào những năm đầu thập niên 1970 là những năm bất hạnh cho số phận của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Đài Loan. Những năm mà nước mắt người dân hai nước đổ xuống nhiều hơn nước trên Biển Đông – Chiến lược của Mỹ được điều hướng bởi Henry Kissinger khi giữ chức Cố Vấn An Ninh Quốc Gia (1969-1975) kiêm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ (1973-1977), chủ trương đẩy mạnh Hiệp Định Đình Chiến Paris để rút quân khỏi Việt Nam trong danh dự, dâng VNCH cho Cộng Sản. Cùng lúc gạt Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc thay Trung Cộng vào một trong năm ghế Uỷ Viên Thường Trực Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng. Không những thế, Mỹ còn cổ động quốc tế tước quyền ngoại giao của Đài Loan, quốc đảo này bị rơi vào khoảng chân không như trên trời rơi xuống, khác nào một cậu bé mồ côi bị bơ vơ giữa chợ đời quốc tế.

Nhờ những biến động xấu đó mà Trung Cộng đã trỗi dậy! Trỗi dậy trong cái chết tức tưởi của Việt Nam Cộng Hòa và cô đơn của Đài Loan.

Ngày nay khi đưa ra “The Pivot”, Mỹ có hối hận không?! Phải chi, ngày đó Mỹ giúp miền Nam chiến thắng Cộng Sản Miền Bắc và giữ Đài Loan ở Liên Hiệp Quốc thì giờ đây đâu cần phải “xoay trục”? Đâu cần phải hạ mình xin Cộng Sản Việt Nam nâng cấp ngoại giao lên hàng “đối tác chiến lược”. Cũng không thậm thà, thậm thụt nhìn trước ngó sau, cân nhắc hơn thiệt khi tiếp xúc những giới chức lãnh đạo Đài Loan. Khi nhắc đến từ “hối hận” thì đã quá muộn, hơn bao giờ hết, chắc chắn Washington ao ước có vị thế của mình như ngày trước, nhưng không dễ dàng mà phải trả một giá rất đắt gấp trăm ngàn lần mà vẫn không đạt được. Ôi cái chết của sai lầm chiến lược!

Trung Cộng trỗi dậy không những bất bình thường mà còn “bất trị”:

Sự trỗi dậy của Trung Cộng là nhờ Mỹ hà hơi tiếp sức, từ năm 1972 với sự bắt tay toan tính của Kissinger, Nixon với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông… Dựa vào “outsourcing” (sản xuất hàng hóa ở nước ngoài) đấu từ Mỹ sau kéo theo châu Âu, châu Úc và các nước tư bản toàn thế giới… Trung Cộng lớn lên như một gã “vai u thịt bắp” nhưng thiếu lễ độ và quá tham lam. TC xem thường luật pháp quốc tế xâm chiếm biên giới và vùng biển chủ quyền của các nước láng giềng, làm xáo trộn nền an ninh khu vực và thế giới.

Trung Cộng chiếm Biển Đông

Về kinh tế, một mặt TC nhận outsourcing từ nước ngoài để sản xuất hàng hoá với giá rẻ bán ra khắp thế giới, tự đặt ra luật lệ bắt chẹt các công ty nước ngoài muốn nhân công rẻ vào xây dựng cơ sở sản xuất kiến lời tại Trung Cộng phải chuyển giao toàn bộ “bí mật của công ty” – Cộng thêm tài nghệ “ăn cắp sản phẩm trí tuệ” quốc phòng, thông tin, vi tính, y tế, nông nghiệp v.v.. của các nước tiến bộ trên toàn thế giới đem về làm kho châu báu của Đại Hán… Vài thập niên sau, TC đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế hạng hai trên thế giới và trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu… Hiện nay trên thế giới bất cứ ngỏ ngách nào cũng bán hàng cung ứng tiêu dùng mang nhãn hiệu “Made in China”! Nhìn vào nhưng tủ thuốc tây của gia đình người Mỹ hầu hết đều là “Made in China”!

Từ một Trung Cộng nhận viện trợ “xóa đói giảm nghèo” trước đây, nay rủng rỉnh tài chánh bỏ ra đóng tàu chiến nhiều nhất thế giới, lực lượng không quân trang bị các phi đội chiến đấu tự chế thuộc thế hệ thứ năm có sức mạnh thứ 2 đứng sau Hoa Kỳ… Về mặt kỹ thuật công nghệ cũng tiến nhanh làm Hoa Kỳ sợ vượt qua mặt mình nên gấp rút ban hành luật cấm bán chip chất bán dẫn (semiconductor) đến thị trường Trung Cộng…

Trung Cộng đã chế tạo vũ khí sát thương ngày càng tối tân và nguy hiểm. Tung tiền vào quốc phòng để chạy đua quân sự với Mỹ không tính toán, bất chấp tỷ lệ chi tiêu quốc phòng rất cao so với GDP của họ.

Hoa Kỳ đối phó ra sao?

Trong khi đó, quân đội Mỹ sau chiến tranh Việt Nam và nhất là sau Chiến Tranh Lạnh (Cold War) đã có một phần tư thế kỷ (1975-2010) ngủ yên ở bờ Tây Thái Bình Dương, bỏ qua những hội nghị an ninh quan trọng trên vùng địa chính trị này. Một vùng quan trọng của Hạm Đội 7 Thái Bình Dương (7th Pacific Fleet) đã một thời làm mưa làm gió, nay thu mình rút về cố thủ ở đảo Guam.

Đặng Tiểu Bình thăm Jimmy Carter năm 1979 (Trước micro: (Trái) Đặng Tiểu Bình, (phải:  Jimmy Carter)

Binh chủng Không Quân là lực lượng tiền tiêu chủ yếu của Hoa Kỳ với những đội tiêm kích hùng hậu đóng ở Philippines, Thái Lan nay cũng vắng bóng dần theo sự tính toán chiến lược của Mỹ. Hoa Kỳ mải mê tập trung vào Trung Đông và miệt mài với cuộc chiến chống khủng bố do những nhóm cực đoan Hồi Giáo quá khích cũng tại Trung Đông.

Trong khi đó nguy cơ của Trung Cộng đang lù lù đi tới, càng lúc càng rõ, càng phình ra, càng nguy hiểm. Con cháu Mao Trạch Đông không còn như trước, con hổ Đại Hán đã chuyển mình. Từ những quốc sách sai lầm “Bước nhảy vọt” của Mao, nhưng chẳng nhảy xa được chút nào vì lúc đó còn ôm chặt chủ nghĩa cộng sản Max-Le chuyên chính chống Nikita Khrushchev xét lại. Đến thời Đặng Tiểu Bình thật tế hơn, ông ta thân hành đến thăm Tổng Thống Jimmy Carter mang theo  khẩu hiệu “mèo trắng hay đen hễ mèo nào bắt được chuột là mèo tốt (Đặng Tiểu Bình)” – đã mở cửa cho tư bản Mỹ và châu Âu ồ ạt nhảy vào kinh doanh làm cho Trung Cộng giàu lên như một phép lạ! Từ đó, TC có tiền mua vũ khí và chế tạo súng đạn đánh Mỹ để tranh vị thế siêu cường – Mỹ đã “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà”!

Trung cộng trở thành mối lo ngại tiềm ẩn to lớn của Mỹ:

Trung Cộng hiện là mối lo canh cánh của Mỹ, như ngày 26/01/2023 cựu ngoại Trưởng Mike Pompeo trong một lần phát biểu ở Dallas, Texas khi ra mắt cuốn sách “Never Give An Inch”, ông trả lời câu hỏi “Ngài đang lo lắng điều gì nhất?” – Ông Pompeo không ngừng ngại trả lời: “Tình báo Iran đang thuê người giết tôi, tôi không lo. Nhưng tôi lo nghĩ đến toan tính của Tập Cân Bình hằng đêm khi thức giấc”. Nỗi ám ảnh đó không phải từ một cựu ngoại trưởng Mike Pompeo mà đối với hầu hết các các chính khách ở Washington!

Trước tình trạng như vậy, Hoa Kỳ phải chuẩn bị. Sức mạnh quân sự cho chiến tranh của Mỹ xem Lực Lượng Không Quân là mũi nhọn xung kích quan trọng nhất. Ở Tây Thái Bình Dương, Không Quân Hoa Kỳ phải đối diện với những rủi ro ngày càng gia tăng trước sức mạnh của quân đội Trung Cộng nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ. Các lực lượng không quân của TC có khả năng tấn công và ngăn chặn những chuyến hàng tiếp tế giữa các chuỗi căn cứ tiền phương của Mỹ từ Hawaii và đến Ấn Độ- Thái Bình Dương và có thể làm tê liệt các hải cảng, phi trường của Mỹ ngưng hoạt động.

Trong số các vũ khí tấn công của Trung Cộng mà Mỹ chú ý nhất là hoả tiễn đạn đạo tầm trung DF-26 (bắn xa 5000km/độ chính xác 100m/ có thể mang đầu đạn nguyên tử) trong khi từ đất liền Trung Cộng đến đảo Guam chỉ xa có 4,751 km. DF-26 được Mỹ gọi là “Sát thủ đảo Guam”. Thêm hoả tiễn siêu thanh tầm trung DF-17 (bắn xa 2500km) cũng là một sát thủ đáng gờm do vận tốc quá nhanh. Cả hai loại hoả tiễn này có thể bắn từ máy bay ném bom, từ tàu ngầm và từ các bệ phóng di động đặt trên xe tải chạy trên đất liền.

DF-26 (nguồn CSIS)

Trung Cộng sẵn sàng cho ra một loại máy bay ném bom chiến lược mới H-20 , trọng tải mạnh hơn, tầm bay xa hơn, nhất là với khả năng tàng hình cho phép nó mang bom xuyên phá hạng nặng xâm nhập các căn cứ quân sự kiên cố của Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt để đánh phá. H-20 ra đời khiến Trung Cộng trở thành quốc gia thứ 2 sau Hoa Kỳ có loại phi cơ ném bom này. Nay, Mỹ sẽ chịu nhiều tốn phí để chế máy bay ném bom B-21 nhằm đối phó những lo âu đối với H-20.

H-20 của Trung Cộng (nguồn internet)

Trước tình hình như vậy Mỹ làm gì ở Ấn Độ Thái Bình Dương để đối phó?

Hiện lực lượng Không Quân Hoa Kỳ đã đầu tư để thực hiện một loạt các sự thay đổi nhằm nâng cao sức chiến đấu của các căn cứ quân sự trên chuỗi từ Hawaii đến Tây Thái Bình Dương.

–    Thứ nhất: Đầu tư các loại vũ khí phòng không chính xác bố trí ở các căn cứ quân sự trên chuỗi Hawaii, Guam, Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này đã thực hiện bởi binh chủng Phòng Không của Mỹ ở đảo Guam vào năm 2017 vào là lúc có sự đe dọa của Kim Jong-un. Việc bố trí binh chủng Phòng Không của Mỹ đang mở rộng ở các căn cứ quân sự Tây và giữa Thái Bình Dương tránh bị sự phá hoại làm gián đoạn tiếp tế của Mỹ khi xảy ra chiến tranh

–    Thứ 2: Các phi công được huấn luyện để hoạt động trong điều kiện thực tế hơn, như dùng phương tiện vận chuyển đơn lẻ bằng vận tải cơ C-17 để tránh rủi ro nhiều chuyến bay. Điều động chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không như F-22 Raptor ra căn cứ tiền tiêu. Cho phép các đơn vị không quân chiến đấu gồm bốn chiếc F-22 Raptor trở lên đến các vị trí tiền tiêu sẵn sàng xuất kích trong thời gian ngắn nhất, cùng với các phi đội tiếp nhiên liệu đi kèm. Mặc dù rất tốn kém vì F-22 Raptor cần sự bảo trì rất cao, nhưng nó cũng rất cần thiết để phản ứng nhanh đối diện với tình huống bất ngờ trong khu vực.

F-22 Raptor của Hoa Kỳ

–    Thứ ba: Xây dựng những phi trường nhỏ ở những vị trí có khả năng xuất kích chiến đấu kịp thời ở những căn cứ tiền phương cho các đơn vị chiến đấu cơ F-35, vừa nhanh, vừa rẻ, vừa ít tốn kém so với F-22 Raptor. Bố trí làm sao để lực lượng tiêm kích F-35 tạo thành xương sống của cuộc chiến khi chiến tranh xảy ra.

–    Thứ 4: Lực Lượng Không Quân Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tập trận ở Ấn Độ-Thái Bình Dương xử dụng F-35 xuất kích từ các phi trường nhỏ vào tháng 2/2021. Tại phi trường Tây Bắc của đảo Guam được tái xây dựng lại đầu năm 2020, đây là giải pháp thay thế cho căn cứ quân sự chính ở Guam bị hư hại bởi cuộc tấn công sớm, bất ngờ của đối phương.

F-35 của Không Quân Hoa Kỳ

–    Thứ 5: Các cuộc tập trận chung của Mỹ và các nước đồng minh trong chương trình ACE để nâng cao hợp đồng tác chiến. ACE (An Emerging Initiative – Agile Combat Employment )” là Sáng kiến ​phối hợp – Chiến đấu nhanh nhẹn. Chữ phối hợp đây là phối hợp các lực lượng đồng minh và củng là phối hợp nhiều căn cứ quân sự đã được phân tán mỏng. Một thông cáo báo chí chính thức của Không Quân Hoa Kỳ đã nói nói về mục đích của ACE “…là khái niệm tác chiến mới mà Lực Lượng Không quân ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đang vận hành để bảo đảm sự nhanh nhẹn, linh hoạt và khả năng chiến đấu phối hợp rất cao trong môi trường có tranh chấp hiện nay”. Tập trận này đã thành công với F-35B (cùng họ với F-35) nhưng được chế tạo đặc biệt cho binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ .

–    Thứ sáu: Đầu tư vào việc xây dựng căn cứ giả để phân tán và đánh lừa của lực lượng không quân địch tập trung vào các vị trí quân sự chính trong vùng. Không Quân Hoa Kỳ gần đây đã xây dựng nhiều căn cứ có “nhà chứa máy bay ngụy trang để đánh lừa địch”.

–    Thứ 7: Bổ sung và tập dượt khả năng của các đơn vị máy bay chiến đấu xử dụng các phi trường nhỏ và nhà chứa máy bay… Như phi trường nhỏ trên Đảo Wake bắt đầu được xây dựng đầu năm 2020. Các phi trường trên Đảo Tinian cũng được đầu tư số tiền lớn, cho phép phân chia tài sản rộng rãi hơn trước để đề phòng ý định tập trung vào đảo Guam và các nơi khác. Phi trường trên Đảo Tinian đã cho phép chiến đấu cơ F-22 Raptor hoạt động vào tháng 3/2023.

–    Thứ 8: Nỗ lực mở rộng hơn nữa những căn cứ quân sự nhỏ để Không quân Hoa Kỳ có thể ứng chiến kịp thời. Đào tạo và trang bị cho các hoạt động phi trường nhỏ, bố trí sẵn sàng các kho vũ khí trên toàn khu vực; Tăng cường khả năng phòng thủ của các căn cứ quân lớn… Điều này sẽ đặt Lực lượng Không quân vào cuộc chạy đua chống lại một cách có hiệu quả trong việc ngăn chặn việc mở rộng khả năng tấn công của Trung Cộng với các loại vũ khí mới.

Các ưu tiên của lực lượng không quân Hoa Kỳ cùng thúc dục của hải quân và lục quân của Mỹ và hiện nay phải nhanh chóng nâng cấp. Hiện đang có những hoạt động của lực lượng đặc biệt ở các vị trí tiền phương như Đài Loan, nơi việc bố trí trước các loại loại vũ khí hiệu quả đã bắt đầu. Những nỗ lực này của lực lượng không quân sẽ bổ sung thêm về việc đang chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu với tầm hoạt động xa hơn, mang nhiều vũ khí hơn, trang bị các thiết bị điện tử với độ chính xác cao hơn… Những phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trên không gian rộng lớn do đó giảm khả năng bị phá hủy căn cứ quân sự chính và hạn chế máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho  F-22 Raptor và F-35 đói nhiên liệu.

Việc chuẩn bị phi cơ ném bom B-21, sẽ được đưa vào xử dụng vào gần cuối thập niên này, sẽ giảm bớt gánh nặng cho các đội không quân chiến thuật khi thực hiện các nhiệm vụ tấn công ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

B-21 (nguồn internet)

Điều đáng chú ý: Không Quân Hoa Kỳ hiện đang chỉ có một phi đội chỉ có 20 máy bay ném bom tàng hình chiến lược xuyên lục địa. Việc này sẽ gặp nguy hiểm vì chỉ có một phi đội duy nhất. Do đó, kế hoạch khai triển từ 5 đến 10 phi đội B-21 là rất quan trọng nhằm bổ sung cho những nỗ lực không ngừng nâng cao khả năng hoạt động của không quân chiến thuật vào các vị trí tiền tiêu ở Tây Thái Bình Dương.

Đó là một sự chuẩn bị chiến lược cho cuộc chiến chiến tầm cỡ “Thế Chiến III” xảy ra, nhưng Hoa Kỳ cần nhận thức chính xác rằng mối nguy của Trung Cộng hiện nay “chúng không dùng chiến tranh lớn để chiếm Biển Đông mà dùng du kích biển”, khác với Nga đem toàn lực sức mạnh quân sự Hải, Lục, Không Quân và cả lính đánh thuê xâm lược Ukraine mà chưa chắc chiếm được phần đất nào.  Đó là mặt trái và cũng là sự thật của cuộc chiến xâm lược đa dạng hiện nay của Trung Cộng qua chính sách “một vành đai, một con đường”. Liệu khi nào Mỹ mới đưa ra kế sách hữu hiệu để đối phó với mặt trái của cuộc chiến nguy hiểm này? 

Lê Thành Nhân
Hoa Kỳ ngày 27 tháng 5 năm 2023


Tài liệu tham khảo:
–    National Interest,

–    The U.S. Air Force  https://www.af.mil/
–    The United States Indo-Pacific Command – USINDOPACOM  https://www.pacom.mil/About-USINDOPACOM/