Mùa Giáng Sinh năm nay thật đặc biệt, như chưa từng có trong lịch sử mùa Giáng Sinh. Thông thường đây là mùa của yêu thương, của đoàn tụ. Con cái, cháu chắt đi làm ở phương xa sẽ tìm cách về thăm bố mẹ, ông bà, để tận hưởng những giây phút tuyệt vời ấm áp bên người thân. Không cần biết thuộc về tôn giáo nào, ai cũng được nghỉ ngơi và nghỉ học đến nhiều ngày.
Thế nhưng hiện tại nghỉ để làm gì nhỉ? Đi du lịch thì không được rồi, ra khỏi nhà cũng bị hạn chế. Muốn tiêu tiền cũng không có chỗ để tiêu, nhà hàng đóng cửa, ca vũ nhạc không chỗ để xem. Gia đình đoàn tụ không quá năm người, rồi người lớn tuổi không được tiếp cận ôm ấp lũ trẻ đáng yêu.
Sao nhiều khổ đến thế! Lỗi phải ở đây là do virus Vũ Hán gây ra, nó đến từ đầu năm rồi ở lỳ mãi không đi. Chẳng lẽ lại dùng từ cũ “Sống với lũ” như đồng bào miền Trung hay bị lũ lụt. Nhưng đây lại là “Sống với lũ… dịch”.
Vâng, hết dịch đợt một chưa hoàn hồn, đã tiếp đến đợt hai, rồi đợt ba… Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa đến, ta chỉ biết có hiện tại. Cả ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai đều sống với… dịch!
Nhưng thôi, than thở một tí cho có chuyện, chứ than thêm chút nữa sẽ có người đuổi về mỏ than Quảng Ninh mất thôi!
Nhìn từng ngày trôi qua, lá cũng rụng hết cả rồi, tuyết thì chưa chịu rơi. Có những đêm lạnh cóng, tôi tưởng sáng ra sẽ được nhìn bầu trời trắng xóa với tuyết phủ ngập tràn lối đi. Hình ảnh này mà chụp kiểu nghệ thuật thì đẹp phải biết, gửi cho Chàng chắc chắn sẽ mang lại niềm vui cho cả hai.
Nhưng tuyết vẫn chưa đủ duyên để rơi, một phần do trái đất bị hâm nóng, một phần do tôi ngủ dậy muộn. Mở mắt ra mặt trời đã làm tan chảy những hạt tuyết mong manh đậu trên cành lá.
Chẳng bù với ngày xưa, cỡ này tôi phải còng lưng quét tuyết đến lạnh cóng cả đôi tay. Lười không quét để thiên hạ đi ngang trượt ngã, phải đền chết thôi!
Noel sắp đến rồi mà tôi chưa có một tấm hình nào trượt ngã trên tuyết để gửi cho Chàng. Mùa Giáng Sinh virus Vũ Hán này tôi phải gửi cho Chàng món quà gì đây?
Phải đáp lễ món quà Noel năm ngoái Chàng gửi cho tôi, một ánh lửa hồng, một dàn nhạc hòa tấu cổ điển các bài thánh ca.
Khó thật, mọi lần cứ việc mua quà Giáng Sinh bán đầy tiệm, đồ ăn nào để được lâu cho Chàng nhậu. Chẳng lẽ mua về chất đầy bàn rồi chụp một tấm ảnh gửi cho Chàng, với lời ghi chú: “Quà của ông đây, tha hồ mà nhậu”. Gửi quà kiểu ấy, tôi thấy hơi bất nhẫn! Chẳng thà đừng gửi còn hơn cho Chàng ăn bánh vẽ.
Trong lúc chờ đợi tôi nghĩ ra một món quà đặc biệt, sẽ gửi đúng 12 giờ đêm Giáng Sinh cho Chàng ngạc nhiên lẫn thích thú và chắc chắn sẽ mất ngủ. Tôi sẽ dẫn các bạn đi vòng vo tam quốc sang các đề tài khác, bảo đảm cũng hấp dẫn không kém món quà đặc biệt này.
Biểu tượng ông già Noel của các trẻ em trên thế giới rất là thiêng liêng và quan trọng. Các bậc cha mẹ đã nhồi vào đầu các em những huyền thoại tuyệt vời về ông cụ già bụng bự, khoát áo choàng đỏ, đi ủng cao, vác trên lưng chiếc bao tải đựng quà thật to. Đúng đêm 24 Giáng Sinh sẽ chui từ ống khói trên mái nhà xuống cho quà. Mỗi em trước đó phải ghi rõ món quà mình mong muốn vào một tờ giấy rồi gửi cho Ông.
Truyền thống là như thế!
Nhưng năm nay bị dịch virus Vũ Hán, chính phủ các nước ra lệnh phong tỏa nhiều nơi, không biết ông già Noel còn được tự do đi lại để làm công việc cao quý vào ngày thiêng liêng ấy không?
Một cậu bé 5 tuổi ở Ý đã nhờ mẹ viết dùm cho cậu một lá thư gửi cho Thủ tướng nước Ý. Nội dung rất ư là dễ thương! Cậu tự giới thiệu về mình, rất tuân thủ các luật lệ nhà nước đưa ra như, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét với mọi người. Cậu thiết tha kêu gọi ngài Thủ tướng hãy cấp giấy phép đặc biệt cho Ông già Noel được quyền đi lại trong đêm Giáng Sinh và hứa sẽ bắt Ông đeo khẩu trang, đứng cách xa 2 mét khi phát quà.
Và vị Thủ tướng Ý cũng đã viết thư trả lời cậu bé với lời lẽ thật tương xứng. Ông đã bằng lòng cấp giấy phép đặc biệt cho Ông già Noel với điều kiện Ông ấy phải tuân thủ các quy luật của nhà nước như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét.
Con người ai cũng có ước mơ và niềm hy vọng. Đừng vì con Vi rút thế kỷ này mà làm đảo lộn hết mọi niềm tin.
Trước mùa Giáng Sinh năm nay, các ca sĩ, văn sĩ gạo cội của thế hệ thời chúng tôi đã lần lượt rũ áo ra đi, một chuyến đi xa. Một giọng ca nữ huyền thoại, có thể gọi là giọng ca thế kỷ với bài Tình ca ngút ngàn khi cất tiếng hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”.
Cô con gái của Bà cũng là một ca sĩ nổi tiếng, kể lại trên một liveshow về mẹ của mình. Trong lúc cuối đời Bà bị bệnh Alzheimer, không nhớ gì nữa hết. Đến con gái vào thăm Bà cũng không nhận ra, nhưng khi cô cất tiếng hát: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa…”. Bà hát tiếp hết cả bài “Nửa hồn thương đau” của anh mình, không sai đến một chữ. Âm nhạc đã in sâu vào xương tủy, hòa tan trong máu, không bao giờ quên. Và nhờ thế tôi được Chàng tặng cho bài Nghìn Thu do ca sĩ số một này hát hay đến nỗi bay bổng lên tận đỉnh trời thu!
Dư âm những dòng nhạc vượt thời gian này chưa kịp dứt, lại nghe tin một nhà văn, một nhà phóng tác truyện lão thành cũng ra đi. Vị này rất có ảnh hưởng đến vốn liếng văn chương của tôi lúc còn bé.
Từ lúc mới biết viết, biết đọc, tôi đã ra nhà sách Thanh Bình ở đầu ngõ để xem báo cọp. Nhật trình là tờ Ngôn Luận, rồi Chính Luận, xong đến Trắng Đen. Tờ nào cũng có tiểu thuyết viết từng ngày, đếm hàng tính tiền. Từ tiểu thuyết diễm tình của Bà Tùng Long, đến Kiều Giang hay Đỉnh Gió Hú của Hoàng Hải Thủy, được phóng tác từ những tác phẩm nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên vòng đai nghệ thuật của tôi càng ngày càng bị hạn hẹp khi ông anh họ tôi bắt gặp, tôi đang đọc tiểu thuyết của Bà Tùng Long. Ông gầm lên:
– Con ranh kia! Mới nứt mắt đã đọc tiểu thuyết của Bà Tùng Long rồi à!!!
Tôi sợ bị đòn nên líu díu trao cho ông cuốn tiểu thuyết nát be nát bét vì giấy xấu và đã lật nhiều lần.
Kể từ đó tôi chuyên tâm tìm đọc truyện của ông Hoàng Hải Thủy hơi nhiều, vì mẹ tôi và ông anh họ cũng cùng chung sở thích, họ mua sách của ông ấy về chất đầy tủ sách. Thế là tôi được danh chính ngôn thuận vừa nằm võng, vừa đọc “Định mệnh đã an bài“, vừa nhâm nhi ô mai cam thảo.
Lớn lên chút nữa, tôi mê truyện trinh thám Điệp viên 007, Thầy Nô do ông phóng tác theo tiểu thuyết James Bond 007 của Ian Fleming. Đến đây thì mất dấu của ông vì vận nước nổi trôi, tôi không còn được đọc các tác phẩm ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của ông nữa. Cũng vì tội chuyển các tác phẩm, bài viết ra nước ngoài, ông bị vòng lao lý đến hai lần.
Vào năm 94 ông và gia đình đã sang được bến bờ tự do. Tại Mỹ quốc ông nhớ về Sài Gòn một cách thiết tha qua “Sống, chết ở Sài Gòn” :
“Dù tôi có yêu thương Sài Gòn đến chừng nào đi nữa – là Công tử Hà Đông bên hông Hà Nội, Bắc Kỳ chính cống Bà Lang Trọc, nhưng tôi yêu Sài Gòn hơn tôi yêu Hà Nội, dù tôi có sống với Sài Gòn lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Sài Gòn tôi vẫn nhớ thương Sài Gòn. Nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng”.
Viết như thế thì không còn gì để viết nữa rồi! Tôi cũng yêu Sài Gòn, nhưng chỉ viết nổi mỗi một câu “Sài Gòn, nỗi nhớ khôn nguôi”, mà biết đâu cũng đi chớp được ở đâu không biết chừng?
Chỉ những ai đang ở ngay tại lòng Sài Gòn mới không khắc khoải!
Tôi kết bạn với một anh trên Facebook, nói là kết bạn cho nó vuông chứ không biết mặt lẫn biết tên. Chỉ biết nickname của anh là LMD, tôi mê các bài viết về nỗi nhớ thương Sài Gòn của anh, ở nơi xứ người anh nhớ từng quán cóc ven đường, từng con hẻm, từng cái nắng cháy da, nhưng chiều về lại gió thổi hiu hiu mát rượi. Cái khí hậu đáng yêu của Sài Gòn!
Anh không nhớ Sài Gòn kiểu tiền bối Hoàng Hải Thủy nhớ người yêu xưa, nhớ cháy lòng, vỡ tim, xé gan, đứt ruột… Anh nhớ món cháo lòng, mì hoành thánh xíu cảo tôm… Anh nhớ các Món Ngon Sài Thành vì anh có tâm hồn ăn uống. Đã một thời anh là Công tử Sài Thành, bên hông Chợ Lớn, với chiếc Honda 90 thời bấy giờ anh rạp lưng phóng đi cua gái. Tôi phải bỏ qua các đoạn anh hùng xa lộ đại náo Sài Gòn.
Đoạn cuối anh phóng tác theo tiểu phẩm của những người Do Thái mất nước: “Hẹn gặp lại tại vùng đất thánh Jerusalem”. Anh hẹn với mọi người sẽ gặp lại tại vùng đất hứa Sài Gòn!
Đi dạo đã đủ, tôi phải trở về với bổn phận, phải sửa soạn món quà Noel cho Chàng như đã hứa với lòng, phải làm Chàng ngạc nhiên đến thích thú. Đúng đêm Noel, khi chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, Chàng sẽ nhận được quà.
Vì mùa Cô Vi, chắc Chàng sẽ không đi lễ nhà thờ, Chàng sẽ đi ngủ sớm, đắp chăn thật ấm nếu Chàng ở Đà Lạt, nằm đọc sách chờ cơn ngủ kéo đến. Thời buổi này làm gì còn cảnh chờ mười hai giờ đêm đón Chúa ra đời với con ngỗng quay vàng óng.
Vậy tôi phải vặn lại đồng hồ sớm hơn vài tiếng để gửi quà cho thích hợp, không làm hại đến sức khỏe của Chàng vì quá thức khuya.
Tôi bảo đảm, Chàng sẽ mất ngủ khi nhận được món quà đêm Noel của tôi.
Món quà ấy là Hoài cảm nghìn thu.
Hoa Lan
23/12/2020