MƠ ƯỚC CỦA NHÀ VĂN HƠN 70 NĂM GẮN BÓ VỚI VĂN HỌC VIỆT (VOA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

“Nhà văn Uyên Thao, thành phố Falls Church, bang Virginia nói:

Hồi mình còn đi học mình là một thứ trai trẻ thì mình thấy là mình thích sống với văn chương, mình sáng tác văn chương. Nhưng mà đến cái lúc đặt chân tới nước Mỹ này hay là một thời gian trước đó khá lâu thì chữ nghĩa đối với tôi nó là một cái thứ mà gần như thay cho súng đạn, nó là một loại vũ khí để mình góp phần vào những cái việc mà mình cần phải góp phần.

Trong căn phòng nhỏ của mình ở ngoại ô thủ đô nước Mỹ, thứ tài sản mà nhà văn Uyên Thao có nhiều nhất chính là sách. Nhiều đến nỗi mà những giá để sách trong nhà theo thời gian đã phải oằn xuống và thứ được dùng để giữ vững những giá sách ấy lại cũng chính là sách.

Từng là chủ bút tờ nhật báo Sóng Thần với lượng phát hành thuộc hàng lớn nhất miền nam Việt Nam trước năm 1975 với 200.000 ấn bản mỗi ngày, giờ đây ở cái tuổi ngoài 90, nhà văn Uyên Thao vẫn vẹn nguyên mơ ước được đem tiếng nói tự do của các nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước đến với độc giả.

Nhà văn Uyên Thao, thành phố Falls Church, bang Virginia chia sẻ thêm: Vào cái khoảng mà thực dân Pháp nó cướp đoạt đời sống của người dân Việt Nam thì bản thân bọn tôi vẫn còn được học hành đâu ra đấy và có thể được đào tạo theo cái xu hướng mà mình có thể nhìn thấy những cái quan niệm về dân chủ và tự do của con người như thế nào. Nhưng mà sau này thì những cái đó không những không còn được học nữa mà mỗi người giờ đây chỉ có thể ngồi đấy mà nghe lệnh của những kẻ cầm quyền thôi.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà văn Uyên Thao và những người bạn của ông, khu vực thủ đô nước Mỹ có thể nói là nơi có đời sống sinh hoạt văn học Việt khá sôi động với những chương trình trao đổi văn chương, giới thiệu sách mới thường xuyên được tổ chức.

Dù cho việc in sách và phát hành sách tại Mỹ tốn kém chi phí không nhỏ, nhưng Tủ sách Tiếng quê hương do ông khởi xướng, sau hơn 20 năm đến nay đã ra mắt bạn đọc gần 100 đầu sách, trong đó phần lớn là những tác phẩm có giá trị của nhiều tác giả trong nước nhưng bị chính quyền cộng sản Việt Nam cấm đoán

. Nhà văn Lê Thị Nhị, thành phố Mclean, bang Virginia cho biết: Tôi là người giữ tiền cho quỹ, thì bác Uyên Thao có lần nói tôi in rồi đấy. Cô có đủ tiền trả không? Nếu không thì tôi mới có 1.200 đồng nhà nước mới cho đó, cô có thể lấy được đấy. Từ những việc nhỏ xíu như vậy thì tôi đem lòng kính trọng nhà văn Uyên Thao.

Nhà văn Uyên Thao, thành phố Falls Church, bang Virginia tâm sự: Cái mơ ước mà mình cần phải có mà mỗi người Việt Nam cũng cần phải có là khôi phục lại đời sống của dân tộc mình. Thì bây giờ ai đóng góp được cái gì, đóng góp được phần nào thì nên cố thôi. Trong cái thế của tôi là khi đặt chân tới Mỹ mình đã 70 tuổi rồi thì mình chẳng còn sức lực gì nữa, thậm chí đầu óc cũng đã mờ nhạt rồi. Nên tôi nghĩ là mình cố gắng làm sao gom được những tiếng nói mà mình có thể gom được để mình chuyển lại cho mọi người.

Không chỉ nặng lòng với văn chương, mà chính mơ ước về một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, nơi mỗi người dân được tôn trọng những quyền căn bản nhất để sống yên vui, thiện lương, tử tế và biết trân trọng những di sản quý giá của tiền nhân đã khiến cho người đàn ông này dù tuổi đã ngoài 90 vẫn không ngừng gắn bó với văn học Việt và đau đáu về quê hương.”