- Quyển I: Khái Hưng, Trong Tự Lực Văn Đoàn – Kỷ Vật Đầu Tay & Cuối Cùng (Hồn Bướm Mơ Tiên), ấn hành năm 1997.
- Quyển II (Bóng Giai Nhân) ấn hành năm 1998.
“Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia.
Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm: Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không?
Hồn Bướm Mơ Tiên xuất bản vào tháng 5, 1933, tác phẩm đầu tay của Khái Hưng và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn được gây tiếng vang khi vừa xuất hiện. Tình yêu giữa Ngọc và Lan được thể hiện trong tâm hồn lãng mạn, thanh cao, thoát tục qua mối tình chàng sinh viên si mê, đắm đuối “chú tiểu Lan” nương thân nơi cửa Phật. Khái Hưng đã gửi gắm vào đó tính nhân bản của đôi trai, gái tìm một con đường: “Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình của tôi là… hai tâm hồn của đôi ta ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ”. Đam mê, yếu đuối trong tình yêu khi gặp nghịch cảnh, éo le, bi đát, rồi than vãn, khóc thương, hủy hoại thân xác như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách thuở đó như sách gối đầu giường cho thanh niên nam nữ. Hồn Bướm Mơ Tiên xuất hiện với mối tình đầy lãng mạn, thơ mộng, éo le nhưng được thăng hoa, nâng cao tâm hồn để tìm lối thoát cao đẹp, có ý nghĩa trong cuộc sống.
Tiếp đến, Nửa Chừng Xuân xuất hiện với hình ảnh Mai – người phụ nữ đẹp cả tâm hồn và thể xác – trong mối tình với Lộc đầy bi thương, sóng gió trong xã hội phong kiến, lạc hậu. Người phụ nữ yếu đuối đã chịu đựng, hy sinh, chịu bao bao đắng cay tủi nhục đã chụp lên thân phận làm vợ, làm dâu… nhưng bằng nghị lực, bằng tấm lòng yêu thương chân thật với gia đình, người yêu, tuy dang dỡ nhưng thể hiện được mối tình cao thượng, lý tưởng trong xã hội thời ấy. Hai tác phẩm nầy đều xuất hiện trên tờ Phong Hóa.
Báo Ngày Nay lại tiếp tục tái xuất hiện ngày 5-5-1945, đường Quan Thánh, Hà Nội. Được xem như cơ quan ngôn luận của VNQDĐ. Nội dung chú trọng về thời cuộc, khảo cứu, khoa học. Khái Hưng, cây bút trụ cột, chuyên viết đề tài có tính cách xã hội và thời sự nóng bỏng. Tác phẩm Xiềng Xích lần lượt xuất hiện trên trang báo, lên án sự bạo hành, tham lam, nhũng loạn của thực dân Pháp & bè lũ tay sai, đồng thời đưa ra hình ảnh những nhà hoạt động chính trị, cách mạng xả thân cho đất nước đã bị tù tội, bị đánh đập tra tấn, bị hành hạ khổ sở trong gông cùm thực dân. Tập truyện cuối cùng Bóng Giai Nhân và vở kịch Khúc Tiêu Ai Oán được đăng tải trên tuần báo Chính Nghĩa trong hai năm 1945-1946. Ngòi bút sống động, chân thực, phơi bầy thực trạng phủ phàng, tang thương trong lao tù, cuộc sống… được Khái Hưng mô tả đã làm xúc động lòng người.
Nhìn Về Tác Phẩm
- Hồn Bướm Mơ Tiên (1933)
- Nửa Chừng Xuân (1934)
- Tiêu Sơn Tráng Sĩ (1934)
- Trống Mái (1935)
- Tiếng Suối Reo (1935)
- Gia Đình (1935)
- Dọc Đường Gió Bụi (1936)
- Thoát Ly (1937)
- Tục Lụy (1937)
- Thừa Tự (1938)
- Hạnh (1938)
- Đợi Chờ (1938)
- Đẹp (1939)
- Cái Ấm Đất (1940)
- Những Ngày Vui (1941)
- Đội Mũ Lệch (1941)
- Đồng Bệnh (1942)
- Băn Khoăn – Thanh Đức (1943)
- Bóng Giai Nhân (1946)
- Khúc Tiêu Ai Oán (1946)
(Theo Vũ Ngọc Phan: Thừa Tự – 1940), Hạnh – 1940, Đẹp – 1941)
- Anh Phải Sống (1934)
- Gánh Hàng Hoa (1934)
- Đời Mưa Gió (1936).
- Dưới Ánh Trăng (1936).
Little Saigon, tháng 6, 1997