HỒN NƯỚC (Giáo Sư LƯU TRUNG KHẢO)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài phát biểu về Hồn Nước, Giáo sư Lưu Trung Khảo soạn riêng dành cho Trại Hồn Nước, là Trại Họp Bạn Tây Bắc Hoa Kỳ và Canada kỳ 20, được tổ chức năm 2008 tại Camp Pigott, ở Đông Bắc thành phố Monroe thuộc quận Snohomish (Washington State), cách Seattle chừng 52 dặm đường chim bay. Trại Trường Pigott do Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ quản trị, nằm dưới chân rặng núi Cascade. 

Con người được kết hợp bởi hai thành tố: phần hồn và phần xác. Nhà Phật gọi phần hồn là thần thức.Người Việt nam tin rằng người nam có ba hồn bẩy vía, còn người nữ có ba hồn, chín vía. Những người theo chủ nghĩa duy-vật chi/ tin ở những gì có thể cân, đo, đong, đếm. Họ không tin rằng con người có phần hồn.
 
Nếu đã tin rằng con người có linh hồn thì núi sông đất nước có những khí linh thiêng bao trùm che chở cho dân tộc cũng phải có hồn thiêng để chung đúc nên cái hùng khí của giống nòi.
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
       Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
       Trời Nam riêng một cõi này
       Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì

                             Trần Tuấn Khải

Anh hùng, hiệp nữ VIỆT NAM  xưa nay đâu có chịu kém người chính là nhờ khí thiêng của non sông chung đúc nên:

               Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
               Sông khoe hùng dũng núi nguy nga
               Trả ta sông núi bao người trước
               Gào thét đòi cho bọn chúng ta
               Trả ta sông núi từng trang sử
               Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
               Ngược vết thời gian cùng nhắn nhủ:
               Không đòi, ai trả núi sông ta !
                Vũ Hoàng Chương

Hồn nước hiển hiện rõ rệt nhất khi gặp cơn quốc biến. Chính là trong những cơn quốc biến đó, Hồn nước là một điểm tựa tinh thần giúp cho con dân đất nước dựa vào đó mà đứng dậy vững tay gươm chắc tay súng, diệt trừ bọn cường địch bảo vệ biên cương không để cho một tấc đất, một phân sông lọt vào tay quân giặc:

   Kìa Hưng Ðạo gặp khi quốc biến
               Vì giống nòi huyết chiến bao phen
               Sông Bạch Ðằng phá quân Nguyên    
               Gươm treo chính khí, nước rền dư uy.
 Trần Tuấn Khải 

Hồn nước không phải chỉ hiển hiện ở những chốn đao binh, nơi các con dân xông pha dũng cảm liều mình như chẳng có. Hồn nước còn hiển hiện bàng bạc trong những

đỉnh núi chất ngất mây mù, trên những dòng sông cuồn cuộn chẩy về biển Ðông,  trên những thành quách lâu đài, những đình viện lăng miếu rêu phong cổ kính ngày đêm nghi ngút khói hương chiêu niệm anh linh của các vị quốc tổ các đấng tiên vưong đã có công tạo dựng và bảo vệ quốc gia mà truyền lại cho chúng ta.
 
Hồn nước còn hiển hiện trên những trang sử vẻ vang của dân tộc từ ngày lập quốc đến nay. Tổ Kinh Dương Vương, cha Lạc Long quân, mẹ Âu Cơ, 18 đời Hùng vưong,,vua bà Trưng vương, Nhụy Kiều tuong quan rồi Ngô vương Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch đằng, rồi Ðinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận thống nhất giang sơn, như Nguyễn Trãi đã hạ bút trong bài cáo Bình Ngô:
  Kể từ Ðinh Lê Lý Trần xây nền độc lập
        so với Hán Ðường Tống Nguyên

        mỗi đằng làm Ðế một phương

        Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
        Song hào kiệt đời nào cũng có
 Nguyễn Trãi

Hồn nước bàng bạc trên những nấm mồ của các chiến sĩ vô danh đem sinh mệnh của mình ra để trả nợ nước non. Hồn nước đau xót nghe tiêng hô VIỆT NAM muôn năm của 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng khi buớc lên đoạn đầu đài trong một sáng tinh mơ ở Yên báy. 

Hồn nước còn hiện hữu trong những đêm trăng sáng, có tiếng sáo diều vi vu trên không gian bát ngát, trong những câu hát trống quân miền Bắc, những câu hò Huế trên sông Hương, những câu vọng cổ mùi rệu miền Nam.

Hồn nước còn ẩn náu trong những tác phẩm đầy nghệ thuật, đầy tính nhân bản, giàu lòng ái quốc của Nguyễn Trãi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, của Bà Huyện Thanh quan của Hồ xuân Hương, của Nguyễn Gia Thiều, của Ðoàn thị Ðiểm, của Nguyễn Du, của Nguyễn công Trứ của Cao bá Quát. Của Nguyễn Khuyến, của Trần Tế Xương, của Nhất Linh, của Khái Hưng. Những vần thơ đầy truyền cảm của Thế Lữ, của Nguyễn nhược Pháp, của Huy Cận, của Vũ Hoàng Chương, của Nguyên Sa, những họa phẩm tuyệt vời của Mạnh Quỳnh, của Tô ngọc Vân, của Nguyễn gia Trí cũng đều thấy hồn nước thấp thoáng trong đó.

huanluyen
Truyền thống huấn luyện nghĩa binh chống giặc Tàu
 
Nhưng đại thế trong thiên hạ có lúc thịnh, lúc suy, lúc bĩ, lúc thái. Vận nước cũng thế có lúc lên, lúc xuống khi cường, khi nhược
Coi lịch sử gương kia còn tỏ
           Mở dư đồ đất nọ chưa tan
           Giang san này vẫn giang san,
           Mà nay xẻ nghé tan đàn vì ai ?
 Trần Tuấn Khải

 Vì ai? Không cần thông minh lắm chúng ta cũng biết vì ai mà con cháu bà Trưng, bà Triệu, ngày nay đem bán thân ở Ðài bắc, ở Nam Triều tiên, ở Thái lan, ở Mã Lai, ở Singapore. Nhớ lại câu nói của bà Triệu “Tôi muốn cưỡi cơn giómạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Ðông chớ đâu có chịu cong lưng làm tì thiếp cho người ” chúng ta mới cảm thấy tủi hổ và thương cảm cho thân phận của con cháu bà ngày nay. 


Phụ nữ đã thế thanh niên cũng chẳng hơn gì. Họ trở thành những lao nô ở Dubai, ở Saudi Arabia, ở Mã lai. Họ bị những cơ quan buôn người có môn bài bán buôn như nô lệ. Giáo dục, đạo đức, thuần phong mỹ tục đã bị phá sản. Không ai tin ai. Liêm sỉ không còn. Kẻ dưới bợ đỡ, nịnh hót người trên. Người trên bán rẻ cả đất đai, rừng biển cho ngọai bang để cầu an hưởng thụ. Hồn nước có thiêng ắt phải hiện về mà dạy cho những hạng người này một bài học:

   Sống như thế, sống đê, sống nhục
         Sống làm chi thêm chật non sông
         Thà rằng chết quách cho xong
         Cái thân cẩu trệ ai mong có mình.
 Nguyễn Phi Khanh

Muốn hồn nước trở về, chúng ta phải làm gì?
Ngày nay, muốn sông bền, núi vững
         Phải làm sao cho xứng người xưa
         Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
         Bốn phương một ý: phụng thờ giang sơn
         Ðừng lo yếu, hãy chung hờn
         Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài
  Vũ Hoàng Chương

Nhà văn, nhà thơ có những cảm quan đặc biệt lắm khi họ sáng tác những tác phẩm thích hợp cho hoàn cảnh của dân tộc hàng trăm năm sau. Bài Thề Non Nước của thi sĩ Tản Ðà ứng dụng vào thời đại chúng ta sao khéo tương hợp đến mức độ kỳ lạ.
Xin nghe :

         Nước non nặng một lời thề
         Nước đi đi mãi không về cùng non
         Nhớ lời nguyện nước thề non
         Nước đi chưa lại, non còn đứng không
         Non cao những ngóng cùng trông
         Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
 Tản Đà

Nhà thơ đã vẽ ra thật rõ nét tâm sự của những người bỏ nưóc ra đi trông về
cố hương ngổn ngang nhớ nước:

    Non cao tuổi vẫn chưa già
         Non thời nhớ nước, nước mà quên non
         Dù cho sông cạn đá mòn
         Còn non còn nước hãy còn thề xưa
         Non cao đã biết hay chưa
         Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
         Nước non hội ngộ còn luôn
         Bảo cho non chớ có buồn làm chi
         Nước kia dù hãy còn đi
         Ngàn dâu xanh tốt non thì cứu vui
         Nghìn năm giao ước kết đôi
         Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
   Tản Đà

Cụ Nguyễn Quyền, một nhà lãnh đạo trong phong trào Ðông kinh nghĩa thục có sáng tác một bài thơ chiêu hồn nước. Theo cụ Nguyễn Quyền thì hồn nước trong thời Pháp thuộc nhiễu nhương đã phiêu lưu trôi giạt không biết ở phương nào nên cần phải gọi hồn về. Gọi hồn về để khuyên bảo con dân VIỆT NAM đoàn kết, tự cường và duy tân cùng mở mang kiến thức chia sẻ trách nhiệm :
Cùng trong một bọn quốc dân
        Gánh giang sơn cũng một phần trên vai
        Than ôi! Hồn nước ta ơi!
        Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm
  Nguyễn Quyền

Mong rằng các trại viên Trại Hè Tây Bắc tìm được Hồn Nước để chiêu hồn về phù trợ cho chúng ta và đồng bào hải ngoại cũng như quốc nội vực đất nước đứng lên để có thể sánh vai cùng thế giới năm châu tiến bước trên con đường văn minh tiến bộ.
 Gs Lưu Trung Khảo
Ngày 20/08/2008