Thứ tư, 28 Tháng 10 2015
Đôi lời người viết.
Xin để lại đây những ngày tháng nhục nhằn trong trại tù vc, tuy trong đó có những ý nghĩ, quan điểm và nhận xét riêng của cá nhân nhưng mục đích hoàn toàn không phải để tranh luận, mà chỉ muốn thuật lại những sự thật không thể quên trong đời.
Học tập mười ngày.
Tôi chở vợ đến cổng trường Pétrus-Ký lúc năm giờ chiều, và hai vợ chồng chia tay. Mặc dù cả hai chúng tôi đều sinh trưởng ở Sàigòn suốt từ thuở ấu thời, lúc đó tôi vẫn cảm thấy vợ mình thật bé nhỏ và lạc lõng, lòng chợt thương nhớ nàng vô hạn, dù chúng tôi chỉ vừa xa nhau chưa đầy một phút, và bóng nàng còn chưa khất hẳn. Nhìn nàng thật mỏng manh tội nghiệp trên chiếc xe đạp một mình quay về nhà. Chiếc xe đạp nhỏ này là kỷ niệm quí giá duy nhất còn lại của hai vợ chồng sau ngày ba mươi tháng tư 1975. Khi chúng tôi mới lấy nhau, tôi thích chở nàng bằng chiếc xe đạp này chứ không dùng xe gắn máy.
Khi bóng nàng khuất hẳn, tôi quay mình thẫn thờ đi vào khuôn viên nhà trường trình diện cải tạo. Đúng như thông báo của ủy ban quân quản thành phố Sàigòn “mang theo mười ngày lương thực. Học tập tốt sẽ được trở về với gia đình”. Lòng tôi như chùng xuống, ân hận đã không chờ thêm một lúc nữa hãy trình diện, như vậy còn được ở bên cạnh vợ thêm vài tiếng nữa. Tội cho vợ tôi mới lấy chồng hồi giữa tháng một, đầu tháng năm đã phải xa nhau. Chính tôi cũng cảm thấy mắt mình nhòa đi, hỏi nàng sao khỏi đau buồn.
Đầu óc miên man những lo nghĩ mông lung, không rõ rồi họ sẽ đối xử với mình ra sao. Người vào trình diện càng lúc càng đông, khoảng chín giờ tối đã dầy ắp các phòng học. Mười một giờ đêm, những lo nghĩ mông lung ban đầu của mọi người đã biến thành nỗi lo sợ nặng chĩu vì tiếng máy của đoàn xe vận tải Molotova vừa ngừng ngoài cổng trường. Chắc chắn chúng tôi sẽ bị di chuyển đi một nơi xa xôi nào đó, không phải chỉ học tập mười ngày ở trong phạm vi Sàigòn Gia Định như một số anh em đã bàn tán hồi chập tối.
Tháng năm trời Sàigòn dù về đêm vẫn oi ả không dịu bớt chút nào, những chiếc Molotova căng bạt bít bùng, làm sao chúng tôi chẳng lo sợ? Bắt đầu lên xe từ mười một giờ đêm, đến gần hai giờ sáng mới xong, chúng tôi bị dồn vào những chiếc Molotova tối thui. Mỗi xe nhét khoảng ba chục anh em và hai bộ đội trang bị AK47 ngồi ở hai góc cuối xe chỉa súng nhăm nhăm. Anh em ngồi chặt cứng như những bó giò, muốn xoay trở một chút thật là cả một vấn đề khó khăn. Không khí trong xe rất ngột ngạt, phần vì hai họng AK đen ngòm, phần vì xe được bao kín mít, ngay cả đằng sau chỗ hai tên bộ đội ngồi cũng có phủ bạt, không để hở. Tinh cảnh này càng làm cho sự lo sợ của mọi người tăng lên gấp bội. Đi học tập sao lại phải bịt kín mít, và di chuyển đêm, để che mắt dân chúng?
Đêm Sàigòn dạo này đường phố vắng tanh vắng ngắt. Vốn từng được mệnh danh thành phố về đêm, đèn mầu luôn rực sáng, xe cộ tấp nập, du khách dập dìu. Từ ba mươi tháng tư, Sàigòn ban đêm đã hoàn toàn đổi hẳn, không khác nào một bãi tha ma. Có phải Sàigòn vẫn còn kinh hoàng vì cái ngày đau thương ba mươi tháng tư? Hay Sàigòn đã kiệt sức qua những máu lửa ngụt trời? chán chường cho cuộc đổi thay? Và chuyến ra đi âm thầm của chúng tôi, Sàigòn không hề hay biết.
Tiếng xì xào chuyền tai nhau, bắt nguồn từ hai anh bạn ngồi ở hai góc phía đầu xe, họ đã nhận ra lộ trình chuyến đi qua khe hở nhỏ của miếng bạt phía trước. Từ Pétrus Ký, đoàn xe theo đại lộ Cộng Hòa ra đường Lê Văn Duyệt hướng thẳng về phía Tây Ninh. Họ đưa chúng tôi lên biên giới Kampuchia!
Tám giờ sáng hôm sau đoàn xe vào Trảng Lớn, căn cứ pháo binh của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi tạm trú ở đây và được chia ra thành từng nhóm:
Nhóm một, gồm các sĩ quan từ cấp Thiếu tá trở lên.
Nhóm hai, cấp trung úy trở xuống của các binh chủng Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, Tình Báo, và Chiến Tranh Chính Trị.
Nhóm ba, từ Trung úy trở xuống của hai Quân chủng Không Quân, Hải Quân và các binh chủng Thiết Giáp, Pháo Binh.
Nhóm bốn, từ Trung úy trở xuống của các binh chủng Bộ Binh, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân.
Riêng cấp đại úy cũng có một số được xếp vào nhóm hai ở các trại tù trong miền nam. Tuy nhiên nếu là đại úy thuộc Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Dộng Quân và Chiến Tranh Chính Trị, đều bị đưa vào nhóm một với cấp tá. Sau này tôi được biết Việt Cộng đã liệt các vị thuộc nhóm một vào thành phần Ngụy quân cấp cao cực kỳ ác ôn, và đưa ra các trại tù cải tạo miền bắc, nhóm hai thành phần cực kỳ ác ôn có nhiều nợ máu, nhóm ba Thành phần cực kỳ ác ôn, nhóm bốn Thành phần ác ôn.
Sau thời gian tạm trú khoảng một tháng, đội ngũ đuợc chia xong. Đại đội họ gọi là đội, trung đội là B, tiểu đội là A. Chúng tôi bị đưa đi lao động khổ sai khắp các trại tù dọc biên giới Việt, Miên, Lào. Tôi thuộc tiểu đoàn đến trại Long Khánh. và cuộc đời tù binh thực sự khởi đầu từ đó.
Quê hương ta rừng vàng biển bạc.
Đến Long Khánh lúc chập choạng tối. Theo một vài bạn tù cho biết, đây vốn là trại gia binh của sư đoàn 18 bộ binh lúc trước. Một ý nghĩ khôi hài chợt hiện đến làm tôi chua xót cuời thầm. “Có ai như chúng tôi, khăn gói tự động trình diện để được vào tù, mặc dù mình chưa hề làm nên tội lỗi gì“.
Dù không tin vào bản thông cáo mười ngày học tập, khi đi trình diện, tôi vẫn ngây thơ nghĩ: mình chỉ phải xa nhà cùng lắm là khoảng một tới ba tháng, nên đã chuẩn bị hành trang thật nhẹ nhàng. Mang theo vỏn vẹn chỉ một bộ quần áo cùng hai bộ đồ lót để thay đổi, một ít đồ dùng lặt vặt như bàn chải, kem đánh răng , khăn lau mặt. Tất cả để trong một túi nylon cho nhẹ. Một buổi trưa rất nóng ở Trảng Lớn, tôi vào một lô cốt tránh nắng đã tìm được một đôi giầy vải, một chiếc ba-lô và một xấp năm bao cát. Tất cả đều còn mới. Ba-lô và đôi giày vải đã trở nên vật dụng tiện lợi và cần thiết nhất cho tôi những ngày tháng sau này.
Tuần lễ đầu chúng tôi ổn định chỗ ăn ở, thu dọn trại mà lòng lúc nào cũng băn khoăn không biết số mạng mình rồi sẽ ra sao? Long Khánh là vùng cao nguyên. Trời nắng hè, bụi đất đỏ luôn phủ đầy cây lá và mọi vật dụng nhà cửa. Khi mưa xuống, đất dính bết vào giầy dép, làm cho chân người đi càng lúc càng nặng. Ngày đầu mới đến, trời đã đổ một cơn mưa thật lớn. đôi dép cũ không còn chịu nổi nữa, quai dép sau nhiều lần tuột lên tuột xuống đã đứt mất. Tìm một miếng gỗ thông mỏng, tôi hì hục mãi, đẽo được một đôi guốc gỗ. Không hiểu vì sao guốc gỗ lại ít bị dính đất, và chuyện đi đứng đã dễ dàng hơn. Một tuần lễ sau chúng tôi được báo chuẩn bị hôm sau lên hội trường học tập. Mọi người đều mừng rỡ, nghĩ đã đến lúc học tập tất cũng sẽ có lúc học xong. Nghĩa là chúng tôi còn hy vọng có ngày về.
Do một thượng úy ủy viên chính trị từ trung đoàn xuống giảng bài đầu tiên với tựa đề thật bóng bẩy: “Quê hương ta giàu đẹp nhân dân ta anh hùng”. Anh cán bộ chính trị này thao thao bất tuyệt trên hội truờng:
“Quê hương ta rừng vàng biển bạc. Cả ba miền bắc, trung, nam, đều không thiếu gì sông biển bạc, và rừng rậm vàng tươi…. Nhân dân ta anh hùng, lại có sự lãnh đạo tài tình trong bao nhiêu năm của bác và đảng … Đảng là đỉnh cao trí tuệ của loài người đã lãnh đạo khéo léo đánh cho Mỹ cút ngụy nhào … bộ đội ta có óc sáng tạo khi đánh Mỹ, chỉ với súng lục và súng trường đã bắn rơi cả máy bay B52 của địch …”.
Tôi nghe tới đó ngẩn người tự nghĩ: “Không lẽ anh cán bộ ủy viên chính trị này coi chúng tôi là trẻ nhỏ thất học? Nhìn anh ta với vẻ thành khẩn nghiêm nghị, chắc hẳn đang say xưa với việc thuyết giảng. Không hiểu anh ta có thực sự hiểu mình đang nói gì? hay chỉ học thuộc lòng bài viết sẵn và đọc thao thao như thế. Có một điều tôi dám quả quyết: anh ta tuyệt đối tin tưởng những gì mình đang nói. Đến mục nêu câu hỏi, tôi đã liều đứng lên.
– Nhờ Cán bộ nói rõ thêm chỗ nước ta rừng vàng biển bạc một chút nữa tôi không hiểu rõ lắm.
– Thế là anh nghe giảng không được tập trung lắm rồi nhá. Trong bài tôi đã nói rõ ràng, miền bắc nước ta sông ngòi rất nhiều ngày đêm chảy ra biển không ngừng. Mà biển nước ta thì lạ lắm, mênh mông lúc nào cũng lóng lánh như bạc, đẹp không thể nào tả xiết được. Rừng thì bao phủ khắp cao nguyên bắc phần chạy dọc miền trung vào trong nam chỗ nào cũng có rừng. Rừng nước ta rất nhiều loại gỗ quí như gõ, trắc, gụ, lim vân vân. Các loại gỗ qúy này mầu sắc vàng tươi xuất cảng ra nước ngoài rất được ưa chuộng.
Anh còn hỏi gì khác nữa không?
– Máy bay B52 bay rất cao, súng lục chỉ có thể bắn được xa nhất là khoảng năm chục thước, nếu bắn ngược lên cao, tầm bắn có thể còn ngắn hơn thế nữa, vậy làm thế nào mà súng lục bắn rơi được máy bay?
– Đó là tại các anh không biết đấy thôi. Các đồng chí anh hùng lái máy bay Mig của ta đã sáng tạo ra một cách để diệt các máy bay Mỹ. Khi ra trận họ tìm một cụm mây to rồi nấp vào trong đấy tắt máy nằm chờ, như thế còn tiết kiệm cả xăng nữa đấy nhá. Bất thình lình khi chiếc máy bay B52 vừa trờ đến là đồng chí ấy mở máy rồi bay ra chẹt ngay đằng đầu mà bắn làm cho chúng nó không kịp giở tay và bị rơi rất nhiều. Về sau tụi giặc lái Mỹ hoảng vía không dám bay cao nữa, cứ khi nào vào đến vùng thả bom thì nó bay xà xà xuống thật thấp, và bị quân dân ta dùng súng trường và súng lục bắn rơi. Chính tôi cũng đã dùng khẩu súng này hạ được một chiếc hồi chiến dịch mùa hè đấy nhá. Nói đến đây anh cán bộ giảng viên chính trị đưa tay trỏ vào khẩu K54 đang đeo bên hông với vẻ mặt đầy kiêu hãnh.
Đánh tư sản.
Bỗng dưng sáng nay Long Khánh trở lạnh . Những làn gió sớm cao nguyên lùa vào trại làm mọi người đều rùng mình. Tôi lặng lẽ đi làm, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ. Đi chung toán với Tạo, Tạo nguyên là trung úy nhẩy dù, rất gan dạ, khi còn trẻ thường hay ngang tàng phá phách coi trời bằng vung. Sáng nay Tao tuy có hơi co ro nhưng vẫn tươi cười xông xáo như thường lệ, quả không hổ danh thiên thần mũ đỏ.
Nguyên cả A không ai là không nao núng sau buổi tối qua, chỉ có anh bạn dù này là không tỏ vẻ gì chán nản cả. Tôi cẩn thận đảo mắt nhìn quanh, khi chắc chắn không ai ở gần có thể nghe được đối thoại của chúng tôi mới hỏi.
“Chắc mày biết rành khu này hả Tạo?”
Tạo cũng đảo mắt vòng quanh như tôi rồi tủm tỉm
“Vùng này, trước đây tao đã dẫm nát cả rồi“.
Tôi và Tạo không những cùng chung A, chỗ ngủ còn ở ngay bên cạnh nhau nữa, vì vậy tuy mới hơn ba tháng mà tình bạn đã thân thiết lắm.
Đưa tay rờ gấu áo, thấy chiếc nhẫn cưới vẫn nằm ẩn an toàn trong đó, lòng cảm thấy ấm lại đôi chút. Chiếc nhẫn cưới này tôi quyết không nộp ra.
Hôm qua chúng tôi được lệnh phải nộp tất cả tài sản cá nhân cho tiểu đoàn cất giữ. Bao gồm mọi thứ như đồng hồ đeo tay, nhẫn cưới, dây chuyền, tiền mặt v . . v . . . Chỉ trừ quần áo và đồ ăn. Tôi nghĩ: tù nhân, mạng còn chưa biết sống nay chết mai ra sao, lo gì đến những vật ngoại thân đó, tuy vậy nhưng lòng lại ấm ức. Nộp tiền có thể cho là đúng đi, vì trong trai tù kín mít cũng không thể mua bán gì được, nhưng đồng hồ hay nhẫn cưới cũng phải nộp thì vô lý qúa. Thủ tục gom đồ nộp cũng không minh bạch, không có danh sách liệt kê các món đồ và tên người nộp. Nếu sau này học tập xong được cho về, liệu cán bộ có chịu lục tìm trong đống đồ lung tung như thế không? và nếu chịu tìm, làm sao có thể tìm ra được món đồ không có ghi tên đây? biết bao nhiêu cái đồng hồ giống hệt như nhau? Nhẫn cưới hoặc dây chuyền lại càng khó phân biệt hơn? Nếu tìm không ra rồi mới tính sao? Thêm nữa, các món này có bảo đảm còn nguyên vẹn cho đến lúc chúng tôi về hay không? Hoặc mấy ngày nữa chúng tôi lại chuyển trại thì sao đây? Cuối cùng tôi đã quyết định dấu chiếc nhẫn cưới vào gấu áo, dấu đồng hồ vào quai ba-lô và may lại như cũ.
Buổi chiều nộp đồ xong cũng đã gần tối. Đêm đó khoảng hai giờ rưỡi sáng bỗng có lệnh di chuyển. Chúng tôi được lệnh ra sân tập họp với tất cả hành trang trong vòng mười lăm phút để lên xe. Cũng may tôi không có nhiều thứ lỉnh kỉnh. Một tấm chăn tự làm bằng vải bao cát mà tôi đã nhặt được từ Trảng Lớn, một chiếu nylon nhỏ mang theo từ ngày đầu trình diện, một lon sữa Guigo dùng để nấu nước uống. Tôi nhét tất cả vào ba-lô, ra sân nhìn quanh mới có hai ba người. Lạ thật, mới vừa ổn định trại và dù đã bắt đầu học tập chính trị, nhưng mới có một bài sao đã di chuyển? và chuyển trại sao không thấy xe cộ gì cả? mấy nghi vấn này của tôi không bao lâu đã được giải đáp ngay.
Các anh mỗi người đứng cách xa nhau một khoảng nhỏ và bày hết đồ của mình ra trước mặt. Mọi thứ đều phải mở ra sẵn sàng.
Khi mọi người đã đủ, cuộc khám xét bắt đầu. Đại đội của tôi do một thiếu úy cán bộ Việt cộng làm đại đội trưởng. Anh cán bộ này bắt chúng tôi phải lộn trái hết các túi áo túi quần để xét. Một số anh em hồi chiều còn dấu tiền và dây chuyền không chịu nộp, giờ không những bị lấy hết mà hôm sau còn bị họp kiểm thảo: Nặng tư tưởng tư bản, không tin tưởng vào cách mạng. Ba-lô của tôi cũng bị lộn trái ra lục kỹ lưỡng. Té ra chúng tôi chẳng có di chuyển đi đâu cả. Đây chỉ là cách để chúng tôi phải lộ hết những đồ còn dấu chưa chịu nộp hồi sáng cho họ lột sạch, vì họ không tin chúng tôi chịu dễ dàng nộp hết mọi thứ.
Tối đó mọi người phải lên hội trường họp. Cả tiểu đoàn nghe chửi về tội không thật lòng tin tưởng vào đảng và nhà nước.
“Các anh đã dấu diếm không chịu nộp hết những đồ tiểu đoàn ra lệnh nộp. Đây là vì các anh đã không tin tưởng cán bộ, không tin tưởng đảng và chính sách của nhà nước. Như vậy làm sao các anh học tập mau tốt được? Hơn thế nữa, những của cải của các anh đang có cũng do bóc lột nhân dân mà ra, nay còn luyến tiếc, chưa dứt được đầu óc tư bản. Các anh phải kiểm điểm lại. Tối nay về họp A thảo luận cho kỹ càng. Có từ bỏ được những tư tưởng tư sản thì các anh mới học tập tiến bộ được”.
Sau này, tôi không hề nghe có người tù cải tạo nào ra về được trả lại những gì đã nộp. Qủa thật là một lối ăn cướp thật tinh vi. vừa ăn cướp vừa la làng, kết quả tội vẫn đổ lên đầu chúng tôi.
Học tập.
Thời gian ở Long Khánh, chúng tôi không đi lao động xa trại quá một cây số. Làm những việc lặt vặt trong phạm vi doanh trại, như cuốc đất làm vườn, trồng trọt, hoặc làm cỏ khai hoang. Có lẽ vì còn đang ở giai đoạn đầu. Các sư đoàn bộ đội sau cuộc chiến chiếm miền nam chưa hoàn toàn ổn định. Việc tổ chức quản trị các trại cải tạo chưa được sắp xếp hoàn tất.
Học tập cải tạo chính trị chỉ là một cách nói bóng bẩy của đảng Cộng Sản Việt Nam để trấn an người dân Sàigòn nói riêng, và dân miền nam nói chung. Thật sự chúng tôi không có bài học nào nói về thể chế chính trị, về nền hành pháp, hoặc tư pháp của chính quyền đương thời. Cũng không hề nói gì về sự thành lập của đảng cộng sản và nhà nước Việt cộng. Không nói về hiến pháp cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người dân, không hề nói về chủ thuyết cộng sản. Tất cả đều tập trung vào ba mục đích chính.
1- Bắt chúng tôi phải công nhận đảng Cộng Sản Việt Nam do Hồ chí Minh sáng lập, là đỉnh cao trí tuệ loài người, đã đánh đuổi Mỹ ngụy, lo cho dân tộc ấm no hạnh phúc. Chúng tôi phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đảng đề ra không thắc mắc, lại càng không được chỉ trích, vì chỉ trích là phản động gây rối.
2- Phải tự nhận, là những người đã làm tay sai cho Đế Quốc Mỹ, giết hại đồng bào. Nay được cách mạng khoan hồng cho đi học tập cải tạo.
3- Phải tích cực lao động đóng góp cho xã hội chủ nghĩa. Và phải tuyệt đối an tâm học tập.
Thấm thoát đã hơn năm tháng qua. Không hiểu các bạn khác ra sao? Riêng tôi những ngày tháng này thật buồn thảm. Nhớ nhà, thương cha mẹ và đàn em nhỏ, không rõ cuộc sống dưới chế độ mới cơ cực như thế nào? Và nhất là thương nhớ người vợ mới cưới. Ngày cũng như đêm, khi làm việc cũng như lúc ngồi nghỉ. Lúc nào đầu óc cũng có bóng dáng người vợ mà tôi hết lòng yêu thương. Không hiểu bây giờ nàng đang làm gì ? Ở đâu ? Có được bình an? hay đang phải vất vả vật lộn với cuộc sống kìm kẹp khó khăn mà Đảng Cộng Sản Việt Nam áp đặt lên đầu người dân miền nam? Nàng có nhớ đến tôi như tôi hiện đang nhớ nàng quay quắt.
Mỗi ngày lao động một gắt gao, nặng nhọc thêm. Lao động khiến chúng tôi không còn thì giờ rảnh rang suy nghĩ. Thời gian dường như muốn dừng hẳn lại. Phần ăn mỗi ngày một ít đi, ăn uống thiếu thốn khiến mọi người không còn sức phản kháng, dù chỉ là phản kháng bằng lời nói. Ba tháng đầu chúng tôi còn được phát gạo. Không hiểu gạo đã chôn ở đâu? từ bao lâu? hạt gạo vừa vàng vừa xốp. Khi vo gạo nấu cơm nếu chà mạnh tay một chút, hạt gạo lập tức vỡ tan ra thật dễ dàng. Những anh em phụ trách nấu ăn trong ngày thường đổ đầy nước vào chảo gạo thật lớn, quấy sơ sơ mấy vòng cho gạo lắng xuống rồi gạn nước. Một số những con sâu gạo mập mạp ngộp nước nổi lên được gạn đi. Gạn như thế khoảng hai ba lần, chảo gạo có thể nấu, vì nếu làm nhiều lần gạo sẽ hết cám. Có một số anh em nay đã bị phù thủng rất cần vitamin C trong cám. Ban đầu, ban nấu ăn còn ngồi nhặt sâu. Những con sâu không biết sống trong các bao gạo này từ bao giờ đã to gấp bốn năm lần hạt gạo, chúng nhả tơ làm tổ dính quyện những hạt gạo vào thành một cục to bằng đầu ngón tay cái.
Sau vì nhặt sâu vừa mất qúa nhiều thời gian, lại tốn mất nhiều gạo, vì số lượng sâu nhiều vô kể, nên anh em đã đồng ý không nhặt sâu nữa. Sau vài lần gạn nước cho bớt sâu, còn lại cứ để nguyên thế mà nấu. dù sao thì cũng là sâu gạo! lúc đầu ăn còn thấy sợ, sau đói qúa cũng phải nuốt tuốt. Ăn riết rồi cũng quen. Ngày hai buổi sau khi lãnh cơm, chia mỗi người được hơn một chén nhỏ. Nếu để cả sâu hy vọng chén cơm có thể đầy thêm một chút. Buổi sáng được phát nửa chén cháo toàn nước, đi làm đến giữa trưa. Thức ăn mỗi tháng một lon muối hột đen ngòm những đất, muốn dùng được phải hòa tan ra nước, lọc sạch rồi đem đun sôi. Hai tháng một lần mỗi A được phát một bó rau muống. Bắt đầu khoảng hai tháng nay, chúng tôi không còn được phát rau nữa. Gạo cũng đã hết, và thay bằng Bo-Bo. Lúc đầu ăn Bo-Bo không quen nên chúng tôi càng đói thêm. Tuy không quen nhưng nhờ bo-bo còn mới nên những anh em bị phù cũng dần dần được lành lại.
Hy vọng ba tháng học tập của tôi đã thực sự trở thành hão huyền. Vả lại lao động và họp kiểm thảo càng ngày càng gắt gao. Một chút rảnh rỗi nhớ về gia đình và người vợ mới cưới cũng không đủ, còn thời gian đâu để nghĩ về chuyện khác.
Liên tục một tuần nay, theo lệnh cán bộ. Tối nào tôi cũng bị đưa ra A để anh em phê bình kiểm thảo về tội dám chất vấn cán bộ chính trị về thời gian học tập, làm lung lạc tinh thần của anh em cải tạo. Nguyên sau buổi học tập về đề tài “Tất cả những ai trong quân đội VNCH đều là tay sai đế quốc Mỹ và đều có tội với nhân dân“. Tôi đã nêu lên câu hỏi:
– Thưa anh, khi nhà nước ra thông cáo cho toàn thể chúng tôi đem theo lương thực đủ ăn muời ngày, đi học tập trở thành công dân tốt của xã hội mới. Học tập tốt, sẽ được thả về đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi đã thi hành triệt để, trình diện đúng ngày. Nhưng nay đã hơn sáu tháng, vẫn chưa nghe nói gì cả. Vậy học tập thế nào là tốt? Và bao giờ chúng tôi mới được thả? Hay nhà nước đã quên thông cáo lúc trước?
– Anh xuyên tạc thông cáo của nhà có ý định tuyên truyền để làm xao động lòng anh em phải không nào? Nhà nước nói đem theo lương thực đủ ăn mười ngày, đâu có nói các anh sẽ đi học tập mười ngày. Anh rõ ràng là ngoan cố không chịu an tâm học tập chỉ mong ngóng ngày về. Tối nay về họp A, anh phải kiểm thảo lại lỗi lầm của mình cho thông suốt“.
Tôi nghĩ thầm, tên cán bộ này đã nói hắn có thể dùng súng K54 để hạ được máy bay B52, làm sao mình có thể lý luận lại với hắn. Hơn nữa vậy cũng coi như câu hỏi đã được trả lời, tôi đành ngồi xuống. Cũng chỉ vì câu hỏi đó tôi đã bị chú ý, và sau này bị hành hạ khổ sở.
Ngụy phá hoại làm nổ kho đạn.
Cả tuần nay trời nắng gắt, cỏ xung quanh trại vàng khô, nhất là phía bên kia hàng rào, chỗ dẫy Barrack luôn luôn đóng kín cửa, sau này tôi mới biết đó là kho đạn, cỏ khô dầy, cao ngang đầu gối. Sát vòng rào kẽm gai, tháng trước chúng tôi đã đào một giao thông hào khá rộng, lấy đất gánh về giữa trại vun luống trồng khoai lang và khoai mì. Đào giao thông hào cạnh vòng rào trại không phải chỉ để lấy đất, bởi chúng tôi có thể cuốc đất vun thành luống ngay tại chỗ, mục đích có lẽ nhằm làm nản chí những ai trong chúng tôi mang ý định vượt trại, vì sẽ phải vượt thêm một chướng ngại vật nữa, Và cũng có lẽ nhằm làm cho chúng tôi thêm mỏi mệt, không còn nghĩ đến việc chống đối, hay bạo động. Vừa phải làm việc nặng quần quật cả ngày lại thêm ăn uống thiếu thốn, dù ai to lớn khoẻ mạnh cách mấy, tất cũng phải mềm nhũn thôi.
Hôm nay tôi lãnh công tưới rau cho B. Ra phía sau trại lấy thùng và đòn gánh, thoáng thấy một bộ đội đang châm lửa đốt cỏ khô phía ngoài hàng rào. Nắng gắt mấy ngày liền, cỏ cháy rất mau. Khi tôi tưới được gần hai luống rau, bãi cỏ bên hông barrack cháy đã gần phân nửa, trong đám cháy thỉnh thoảng có tiếng đạn nổ. Lẫn trong cỏ có những viên đạn, có khi nguyên cả dây dạn đã rớt từ hôm ba mươi tháng tư trong lúc hỗn loạn, lâu lâu chúng tôi vẫn thường thấy khi làm cỏ. Do đó lửa cháy, đạn phát nổ không làm chúng tôi mấy ngạc nhiên. Chợt có tiếng nổ làm mọi người đều giật mình, vì tiếng nổ khá lớn, và chỉ vài giây sau lại có thêm những tràng nổ tiếp tục dòn dã, khiến mọi nguời đều dừng tay ngẩng nhìn. Chỗ đang cháy nguyên dây đạn đại liên phòng không 50 ly đang nổ, đầu đạn bay tứ tung. Một viên bay xẹt ngang đầu làm tôi theo phản xạ tự nhiên vội cúi rạp xuống. Có mấy viên khác bay thẳng vào dẫy Barrack, và sau đó, cả dẫy Barrack cũng bắt đầu phát nổ. Tôi quăng thùng nước tại chỗ, ngồi sụp xuống giữa hai luống rau. Kho đạn chính thức bắt đầu nổ khoảng mười giờ trưa. Anh em tù ai cũng bỏ dụng cụ làm việc chạy tìm chỗ núp.
Đủ mọi loại đạn lớn nhỏ, đạn đại liên phòng không, đạn súng cối 60 và 81 ly, đạn đại pháo 105, 155 ly của Việt Nam Cộng Hòa, đạn súng cối 61 và 82 ly, đạn hỏa tiễn chống chiến xa B40, B41, hỏa tiễn 122 ly của Việt Cộng. Đạn bay tứ tung. “Phịch”, tôi đang nằm giữa hai vồng lang chợt nghe tiếng trái đạn rớt rất gần, vội ngẩng nhìn. Một viên đạn cối 81 ly rớt ngay trước mặt, chỉ cách khoảng hai thước. Lăn vội qua vồng lang bên cạnh, hai tay ôm kín đầu, chờ một phút sau viên đạn vẫn chưa nổ. Chắc số tôi chưa đến lúc chết, trái đạn không nổ. Tôi liền chồm dậy cắm đầu chạy ra phía giao thông hào. Nhẩy xuống đó thấy có sẵn một số anh em khác nhanh chân tới trước. Đạn nổ suốt ngày, mãi đến gần nửa đêm mới hết. Không hiểu đây là kho đạn cũ của Việt Nam Cộng Hòa để lại hay kho đạn mới do Việt Cộng vừa gom vào? mà đạn có đủ mọi loại của cả đôi bên.
Trong vụ nổ kho đạn, tiểu đoàn tôi có anh bạn đại úy bắc sĩ quân y chết. Trái lựu đạn rớt trúng ngay chỗ núp, nổ liền khiến anh không kịp tránh, miểng lựu đạn xuyên giữa ngực, anh đã chết liền tại chỗ. Hai tiểu đoàn bên cũng có mỗi tiểu đoàn hai người chết. Người cán bộ đốt cỏ, chết vì trúng đạn đại liên 50 ly ngay từ phút đầu. Anh em chúng tôi bị thương nặng nhẹ rất nhiều. Mấy ngày sau lên tiểu đoàn khai bệnh xin thuốc trị thương được phát mỗi người một gói muối hột. Vẫn biết, dù khai bất cứ bị bệnh gì cũng thế, từ sốt rét ngã nước, cảm cúm, tiêu chảy, đến trật gân gẫy xương, hay ói mửa trúng độc, đều chỉ được phát duy nhất một thứ thuốc đó là muối hột. Nhưng trong tù không có thuốc sát trùng, chúng tôi đành khai bệnh lấy muối pha nước rửa vết thương.
Ba ngày sau, Cán bộ tiểu đoàn tập họp chúng tôi lên hội trường để giải thích về vụ nổ như sau: Các anh đã chính mắt thấy rõ ràng đấy nhá, bọn Mỹ Ngụy thật là độc ác, đã bị đập tan từ lâu mà vẫn còn tìm đủ mọi cách để phá hoại. Chúng đã cho đặc công lén lút làm nổ kho đạn. Tuy tiểu đoàn đã bắt được hai tên phá hoại, nhưng kết quả một cán bộ đảng viên cũng đã chết. Và trong các anh cũng có mấy người chết vì vụ nổ này.
Cả tháng sau đó, chúng tôi họp A vẫn phải học tập về tội ác Mỹ Ngụy đã làm nổ kho đạn. Sau này trong một dịp thăm nuôi, vợ tôi cho biết vụ nổ đã làm xao động dân chúng ngoài trại. Nhà nước Việt Cộng loan báo cùng dân chúng Sài Gòn: có một bọn ngụy quân phá hoại làm nổ kho đạn trong trại tù, nhưng cán bộ quản trại đã bắt được bọn phá hoại và bảo vệ an toàn cho cải tạo.
Cây Cà Chớn.
Những ngày cuối năm 1975, với tôi, là những ngày lê thê nhất trong đời. Tết Mậu Thân khi Việt Cộng tràn vào Sàigòn, cướp đi mùa xuân an lành, vui tươi của người dân miền nam. Đường phố tấp nập, dập dìu muôn mầu áo bay lượn của các cô gái, chen lẫn mầu sắc của hàng ngàn đóa hoa trong chợ hoa dọc đường Nguyễn Huệ, hòa với những cánh bướm chập chờn trong nắng, như muốn đua sắc cùng những bông hoa biết nói, gợi lên nỗi rộn rã tưng bừng đầy êm ấm vào lòng người, đã thay bằng im lặng, vắng vẻ, đầy lo âu. Thỉnh thoảng một vài người vội vã trên đường về, khuôn mặt vừa lo âu vừa hốt hoảng. Những tiếng pháo nổ vang thay bằng tiếng súng AK47 và hỏa tiễn pháo kích. Cái tết máu lửa đó vĩnh viễn nằm trong tiềm thức tôi. Nhưng những ngày đó vẫn không dài lê thê ảm đạm như những ngày tết trong tù cải tạo.
Chúng tôi đều là những người đã dày dạn khói lửa. Có người từng trải qua những giây phút thập tử nhất sinh xác chết cận kề, vẫn không hề nháy mắt cau mày. Có người trọn đêm dài chong mắt trên biển vắng hải hành, đưa chiến hạm tuần tiễu bảo vệ vùng biển quê hương, và đôi mắt vẫn đầy tinh anh. Nay trong vòng rào trại tù, hình như mắt anh em ai cũng rưng rưng uất nghẹn. Anh Lạc, người lớn tuổi nhất trong tiểu đội được cử làm anh nuôi, phát cho mỗi chúng tôi một vắt cơm nếp anh đã nấu từ tờ mờ sáng. Hôm qua mỗi tiểu đội được lãnh một lít nếp, cán bộ nói đó là nhờ lòng ưu ái của đảng và nhà nước.
Tết năm trước, tuy chiến tranh đang đè nặng trên toàn quốc, SàiGòn vẫn tưng bừng đón xuân. Tôi đã chở vợ, lúc đó còn là người yêu chưa cưới, đi Lăng Ông xin xâm. Nhìn nàng tha thướt trong tà áo lụa vàng, thật vui tươi, thật hồn nhiên mà lòng tôi cũng nao nức rộn rã. Giờ đây xa nhau tôi mới nhận thức được, nàng chính là nguồn sống của đời mình. Nhớ đến nàng, miếng cơm tôi vừa bỏ vào miệng bỗng như nghẹn ở cổ, mắt tôi mờ hẳn đi. không muốn các bạn thấy mình bật khóc, và nhìn quanh ai cũng rưng rưng. Tôi bỏ nắm cơm xuống chỗ đầu nằm, chạy vội ra ngoài rủ Tạo đi coi đấu cờ tướng cho khuây khỏa. Trại được nghỉ lao động ba ngày tết, đã tổ chức các trận đấu bóng chuyền, túc cầu, cờ tướng, giữa các B với nhau cho anh em vui tết. Tôi vẫn thấy những ngày tết này thê lương và dài dằng dặc, vui sao được mà vui! Tết này gia đình tôi ngoài đó có vui vẻ như xưa? Vợ tôi đang ở đâu? Nàng có vui vẻ hồn nhiên như ngày chúng tôi còn bên nhau? Khi tôi đi nàng vừa có mang, nay đã sanh chưa? Nếu đã sanh, sức khỏe mẹ con nàng ra sao? Đứa con đầu lòng của chúng tôi là trai hay gái? Chắc dễ thương lắm? Những câu hỏi này cứ quẩn quanh trong đầu ngày đêm không thể giải đáp. Lòng nhớ nhung người vợ trẻ làm tôi cứ thẫn thờ, và tết đã trở nên vô nghĩa.
Cái tết buồn thảm ấy rồi cũng qua đi. Chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc sống nhục nhằn. Ngày ngày làm việc nặng nhọc quần quật từ sáng tới tối, còn phải nghe những lời trái tai vô lý của những người cai tù thâm hiểm, phải làm vẻ ngu khờ gật đầu đồng ý để sống cho qua kiếp tù đày. Sống với niềm hy vọng mong manh, một ngày nào đó sẽ được thoát về. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như mình đang bị bao vây giữa một đám người tiền sử ngô nghê, không văn hóa. Với vũ khí trong tay họ cưỡng ép chúng tôi phải tin chung niềm tin với họ.
Nhưng chính họ cũng không hiểu rằng họ đã bị giới lãnh đạo đầu độc lâu ngày, nhồi vào đầu họ những hiểu biết nông cạn vô lý, hoặc có khi còn đi ngược hẳn với lý lẽ thông thường. Cán bộ chuyền radio vào loa trên cột cao hai góc trại, suốt ngày đi làm mệt mỏi, tối về phải nghe những lời dối trá bịp bợm của bọn cầm quyền Việt Cộng trên đài phát thanh tới nửa khuya, thiệt là dở khóc dở cười. Một phút trước đài loan tin: năm nay dân ta chịu nhiều thiên tai, ba tháng trước miền Trung có bão lớn dọc từ Thanh Hoá xuống Thừa Thiên. Tháng trước bão lại thổi qua miền Thanh Hóa Nghệ Tĩnh, và tuần này khắp đồng bằng miền nam đang bị lụt lớn. Một phút sau đài đã trắng trợn tuyên bố: kết quả vụ thu hoạch lúa mùa năm nay so với năm ngoái, miền bắc tăng gấp ba, miền nam tăng gấp đôi.
Một buổi chiều , tôi và Tạo vừa tưới xong mấy cây cà chua, đang định cùng nhau ra giếng lấy thêm nước. Một cán bộ đi ngang qua lên tiếng khen thưởng:
– Hai anh này giồng được mấy cây cà chua chất lượng đấy nhỉ. Các anh có bón phân nhiều không mà cây lắm quả thế?
Tôi đảo mắt nhìn quanh trước khi trả lời
– Chào cán bộ. Tôi chẳng phải tưới phân gì cả đâu, chi tưới độc có nuớc đái thôi đấy!
– Ờ, thế thì phải rồi! Trách gì cà anh cấy sai quả, nhưng quả lại không được to. Các anh phải tưới phân thì quả mới to được. Ở ngoài Bắc có nhiều người giồng cà chua, tưới phân đúng cách quả ra to gần bằng quả bóng đá vậy đấy.
Tạo nhìn tôi, nháy mắt và nói:
– Ô! Tôi biết loại cà mà cán bộ nói rồi! Nhưng loại cà này khó trồng lắm! Ở miền Nam hình như đã bị mất giống rồi. Nghe bà nội tôi nói loại cà đó tên là “cà chớn”.
Nghe Tạo nói, tôi giật mình đảo mắt nhìn quanh nghĩ bụng “cái anh chàng Nhẩy Dù này quả nhiên rất gan lì”. May mắn, vẫn chỉ có hai chúng tôi cùng anh cán bộ đang mỉm cuời khoái chí kia, nếu không, “Ang-ten“ nghe được, chắc chắn hai đứa tôi sẽ phải ốm đòn.
– Anh này nói đúng rồi đấy, đúng là cà chớn đấy.
Hú vía!!! mọi người ai nấy đều bận với công việc đang làm, không chú ý đến cuộc nói chuyện của chúng tôi.
Lon Guigo đựng cơm.
Tôi thuộc đại đội một, Hạ ở đại đội ba. Tuy là bạn cùng khóa Hải Quân nhưng chúng tôi không mấy thân, nay dù ở cùng trại tù, gặp nhau cũng chỉ chào hỏi sơ sài. Vả lại từ chỗ tôi qua chỗ Hạ, phải đi ngang trạm gác và bộ chỉ huy cán bộ coi tù, nếu không vì đi công tác lao động, hay vì chuyện cần thiết, thường ai cũng ngại đi ngang đó.
Lúc còn ở quân trường , Hạ thường trầm lặng ít nói, không phá phách đùa giỡn. Đôi khi bị các bạn chọc phá, Hạ chỉ cười bẽn lẽn. Khi ra trường, Hạ nhận đơn vị đầu tiên là giang đoàn 70, thuộc Hải Đội 5 Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ Hải Quân. Năm 1973, trong một dịp đơn vị tôi hộ tống tàu dầu vào tiếp tế cho căn cứ Nam Căn. Gặp Hạ lúc đó thấy anh đã thay đổi nhiều. Tuy vẫn dáng gầy gầy nhưng nước da đã sam đen, trông khoẻ mạnh hẳn ra. Anh đã hoàn toàn mất hẳn cái dáng công tử yếu đuối của ngày mới nhập ngũ ở trại tạm trú Bạch Đằng Hai. Có lẽ những tháng năm lăn lóc dày dạn chiến trường, với những trận chạm trán sống chết cùng Việt Cộng ở vùng đầm lầy nước mặn đã nung đúc anh trở nên rắn rỏi với đầy nét cương nghị.
Chiều nay đột nhiên Hạ đến thăm và ngỏ ý muốn đổi tấm chăn của anh cùng nải chuối chín lấy chiếc áo mưa. Anh nói vì không có áo mưa, mùa hè Long Khánh lại hay mưa tầm tã suốt ngày, khi đi lao động thường bị ướt. Tôi đưa tặng Hạ tấm poncho mới đã nhặt được khi còn ở trại Trảng Lớn. Hạ không chịu lấy không, nhất định ép tôi phải nhận vật trao đổi. Kết quả tôi đành nhận tấm chăn, dù sao tôi cũng đang cần chăn, và bẻ mấy quả chuối cùng ăn với Hạ cho anh ta vui. Nhìn thấy mắt Hạ sáng hẳn lên khi cầm chiếc poncho trong tay tôi cũng cảm thấy an ủi.
Ba giờ rưỡi sáng đêm đó, toàn trại bỗng có lệnh điểm danh bất thuờng. Khi các đại đội đã tập họp đầy đủ ngoài sân, cán bộ vào lục lọi trong trại rất kỹ luỡng, tuy không rõ vì sao, nhưng chúng tôi cũng đoán được đã có chuyện bất thường xẩy ra trong đêm. Sáng sớm khi chuẩn bị đi lao dộng, nghe anh bạn B trưởng nói tôi mới biết đêm trước đã có năm người trốn trại, trong số đó có Hạ. Thì ra Hạ cần áo mưa và ép tôi nhận tấm chăn là vì thế. Tôi thầm mong cho anh trốn thoát, đừng gặp trở ngại. Một tuần sau, trong số người trốn trại có ba người bị bắt lại cùng với Hạ.
Hạ bị bắt lại hai ngày sau thì tôi bị gọi lên tiểu đoàn. Trong lòng hồi hộp không biết vì chuyện gì, khi bị dẫn vào phòng kín có bốn tên bộ đội đeo AK đứng canh bốn góc, tôi biết lần này thiệt dữ nhiều lành ít.
– Cách mạng khoan hồng cho anh học tập cải tạo sao không biết hối cải còn định trốn?
– Tôi còn đang đứng đây mà, đâu có trốn trại đâu?
– Chúng tôi biết rõ anh móc nối, trốn trại mà vẫn còn chối hả. Anh phải nên khai cho rõ ràng đi, đã móc nối được những ai nào ?
Nếu chúng biết rõ ràng sao còn phải tra hỏi mình làm gì? chứng tỏ chúng chỉ nghi ngờ và muốn tìm cách chặn đầu mình thôi.
Tôi không hề có ý trốn trại, cũng chẳng có móc nối hay tổ chức gì cả.
Chưa dứt lời bỗng như có ai đập mạnh vào lưng làm mắt tôi hoa lên. Chắc hẳn tôi đã bị tên đứng phía sau dộng một báng AK ngay lưng trong lúc đang nói. Tôi không còn nhìn rõ tên bộ đội trước mặt, mắt tôi đã mờ hẳn đi, và đầu óc choáng váng, ngã chúi về truớc. Tuy thế tôi vẫn thoáng thấy tên đứng phía trước đưa chân đá cho tôi bật ngược dậy. Theo phản ứng tự nhiên tôi vòng tay ôm ngực và co người lại bảo vệ chỗ nhược. Bị cú đá đó bật nghiêng người qua phải, tôi chưa kịp gượng lại đã bị tên bên phải đạp bồi một đạp vào vai, tôi té qụy xuống.
– Mày vẫn còn ngoan cố à? thế ai đã tiếp tế áo mưa cho thằng Hạ trốn trại nào?
Thấy tên cán bộ đã đổi giọng lỗ mãng mày tao, không biết hắn vì tức giận đã không làm được cho tôi khai theo ý muốn, hay vì muốn tỏ sự hung hãn để tôi sợ mà khai. Tôi chờ một chút, để trấn tỉnh rồi mới trả lời:
– Tại tôi có dư một cái áo mưa, anh Hạ dùng chuối để đổi, tôi thích chuối mới chịu đổi thôi, chứ đâu có biết anh ta chuẩn bị đồ dùng vượt trại đâu.
Đúng đã có “angten” mách lẻo nên tụi nó mới biết chuyện tôi đưa áo mưa cho Hạ.
Trong lúc bị đánh, tôi được biết, họ liệt tôi vào thành phần ngoan cố không chịu hối cải học tập, còn có ý nêu những câu hỏi bóp méo chính sách cải tạo của cách mạng, cố tình sách động, gây hoang mang cho anh em. Bằng chứng là trong buổi học tập chính trị đầu tiên, tôi đã chất vấn cán bộ về lệnh học tập muời ngày. Giờ đây còn thêm tội tổ chức tiếp tế cho người trốn trại.
Tôi trước sau chỉ nói: Vì mình không hiểu rõ nên mới hỏi như thế, không phải cố ý bóp méo hay sách động chi cả, và cũng không hề giúp ai vượt trại hết. Có lẽ họ chỉ nghe “angten” báo cáo thấy tôi đưa poncho cho Hạ, nên tra hỏi xem tôi có là đồng lõa muốn trốn trại với Hạ không, và cũng nhân dịp này moi luôn việc tôi đã hỏi khó tên cán bộ chính ủy Trung đoàn, để có thêm cớ đập tôi một trận nhừ tử. Sau ba ngày liên tục tra hỏi đánh đập, cuối cùng đánh chán cũng không hỏi được gì hơn, đành thả tôi về trại.
Hạ bị nhốt trong một “connect” ngoài bãi đất trống sau trại. Giờ trưa ở vùng cao nguyên nắng lửa mưa dầu này, trời nóng như nung. Connect bằng sắt vuông vức mỗi bề khoảng hai thước, dù có một anh em nào đó lén chặt đâu được hai tàu lá dừa úp lên trên nóc, tôi nghĩ nhiệt độ bên trong chắc vẫn nóng khủng khiếp lắm, rất có thể làm người bị nhốt điên lên được.
Mỗi ngày hai lần, một anh em cải tạo do bộ đội có súng hộ tống đưa cơm cho Hạ và cũng chính với lon Guigo đựng cơm này, Hạ phải dùng để đi đại tiện khi cần. Hai tháng sau, Hạ bị chuyển đi đâu không rõ, nhưng cho đến nay tôi không còn được tin gì của anh nữa.
Kàtum hết về.
Cuối năm đó tôi chuyển đi Katum. Đây là một trong những trại lao động khủng khiếp hàng đầu của tù cải tạo trong miền nam Việt Nam lúc đó. Kàtum thuộc Quận Bổ Túc tỉnh Tây Ninh, Trại nằm sâu trong khu rừng gìa, gần biên giới Việt Miên.
Đoàn xe chở chúng tôi mỗi lúc một sâu vào rừng. Khi xe ngừng, trời đã xế trưa. Có lẽ đây là một khu xóm cũ của người Thượng đã bỏ hoang vì chiến tranh. Nhìn quanh, tôi còn thấy dấu vết của mấy chòi tranh sót lại đã rách bươm.
Tuy sinh ra ở ngoại ô Hà Nội, nhưng khi mới lên năm đã theo gia đình chạy trốn Cộng Sản, di cư vào Nam năm 1954, vì thế có thể nói là tôi sinh trưởng tại SàiGòn. Cuối năm thứ nhất Luật Khoa, thi rớt phải nhập ngũ. Tôi đã tình nguyện vào Hải Quân. Đời lính toàn lênh đênh trên biển cả, nếu có thấy rừng chỉ là nhìn từ xa chứ đâu bao giờ biết đến rừng rú như thế này. Xuống Molotova, xung quanh rừng dầy bạt ngàn. Chỗ chúng tôi đứng là một khoảng trống nhỏ, có hai chòi tranh đã rách nát lâu đời. Bên phải là một trảng trống lớn, cỏ tranh cao ngang thắt lưng. Bên trái là khu rừng chồi thưa, lỗ chỗ mấy hố bom B52 từ bao giờ nay đã đầy nước. Tôi có cảm tuởng như mình đang bị đi đày với án khổ sai biệt xứ. Chúng tôi căng bạt dưới gốc cây ở tạm tuần lễ đầu, sau đó mới đốn cây, đào gốc dọn chỗ đắp nền nhà, chia nhau vào rừng chọn cây đốn làm cột, kèo, chặt le làm rui mè, cắt tranh đánh tấm lợp mái, dựng nhà.
Dụng cụ dùng trong tiểu đoàn toàn bộ chỉ có 5 con dao, 3 cuốc, và 3 xẻng. Chúng tôi tìm được ngoài bìa rừng một ít cọc sắt hàng rào kẽm gai, đập dẹp biến chế thêm dao, xẻng, cuốc. Những cây to một hai người ôm, chúng tôi đốn xuống, đào gốc, và dọn chỗ làm nền nhà, đều dùng các dụng cụ này.
Ba tháng tới trạI, tôi có cảm tuởng đã như ba năm. Ban đêm dù mệt nhoài vì phải làm việc quần quật suốt ngày, tôi vẫn thao thức khó ngủ. Tối nào cũng nằm trằn trọc nhớ mãi người vợ nhỏ yêu thương đang vất vả cô đơn, và nghe tiếng tắc kè trong bọng cây kêu từng hồi như tiếng thở dài não nề: “TTTTắắc… kèè… TTTắc…kkèè… Tắắc…kkèèèèèèè…“ Có vài bạn nói: Nghe càng lâu càng giống như “hhhhhếết… vvềề…. Hhhếết…vvềề…. Hết…vvềềềềềềềềề..“ Tít ngoài xa, vẳng tiếng vượn hú lanh lảnh, càng làm tăng cái cảm giác cô quạnh cho phận tù nhân hơn nữa. Mãi đến thật khuya tôi mới có thể thiếp đi trong mệt nhọc.
Đồng hồ không người lái.
Tôi lãnh nhiệm vụ đi cắt tranh sáng nay. Chỉ tiêu đủ mười lăm tấm nộp trong ngày. Húp vội chén nước cháo, rồi xách gậy và liềm đi ngay vào rừng. Tôi biết, bên trái khu rừng chồi trước trại, rừng rất dày, nhiều gai Mây và Song, nhưng chỉ là một giải rừng hẹp, tuy rậm rạp khó đi, nhưng nếu chịu khó len lỏi qua được phía bên kia sẽ thấy một trảng tranh lớn, vẫn còn nhiều tranh dài có thể đánh tấm. Đến đó sẽ không phải đi tìm xa và không sợ thiếu thời gian. Tuy nhiên tôi vẫn muốn vào rừng sớm một chút, hôm qua khi chặt le về phát giác cây cám to đã có qủa chín nằm khuất trong cánh rừng le bên phải khu rừng chồi. Đêm qua gió khá lớn, nhất định sẽ có trái chín rụng đầy mặt cỏ, có trái rừng ăn no, còn có thể để dư cho buổi chiều. Tù cải tạo lúc nào bụng cũng đói meo, có dịp kiếm được ít trái cây rừng nhét bụng, khi nào tôi chịu bỏ qua. Toán lao động vừa ra khỏi trại, tôi tách rời anh em, rảo bước như chạy về phía khu rừng chồi. Băng ngang giải rừng song tới gần cây cám, từ xa đã ngửi mùi thơm ngào ngạt của trái chín. Dưới gốc cây có hai anh bạn ở trại khác cũng vừa chạy tới. Chúng tôi lục tìm trong cỏ nhặt những trái chín rớt xuống đêm qua. Tôi được khoảng mười trái, ăn ba còn lại bỏ cả vào túi và đi cắt tranh, tính chiều nay về trại sẽ chia cho Điển mấy trái. Điển là bạn học cùng trường trung học, tôi đã gặp hôm mới tới đây.
Khi ra lại khu rừng chồi để băng ngang qua bên kia, tôi thấy có một bộ đội tách rời toán tù chặt cây và lẽo đẽo theo sau tôi quẹo phải. Qua rừng chồi, xuyên ngang giải rừng rậm đầy gai góc hắn ta vẫn theo sau. Tới trảng tranh hắn ngồi trên một gốc cây đổ chăm chú nhìn tôi cắt tranh. Khi tôi ngưng lại uống nước xả hơi, hắn tới gần hỏi:
– Anh này cắt tranh cũng khá chất lượng đấy nhỉ! Anh ở đội nào thế?
– Chào anh, Tôi ở đội một.
– Anh cho tôi mượn xem cái đồng hồ anh đang đeo được không?
Tôi vốn đang lo không biết hắn muốn gì mà vác súng theo tôi cả buổi, giờ hiểu ra mới biết hắn mê cái đồng hồ đeo tay. Tôi gật đầu và tháo đưa cho hắn coi. Hắn ta ngắm nghía một lúc và hỏi?
– Đồng hồ này cũng khá đẹp đấy, mười ba nến, hai cửa sổ, nhưng mà đồng hồ này của anh có người lái không?
Tôi ngẫn người không biết hắn ta nói gì. Mười ba nến hai cửa sổ là sao?
– Tôi không biết thế nào là có, hay không có người lái? Nhưng đồng hồ này của tôi chạy rất đúng giờ.
– Thế anh lúc xưa trong quân đội ngụy cấp bậc gì?
Nghe hỏi vậy, tôi lại càng không hiểu tên này muốn gì. Cấp bậc của tôi có liên quan gì đến việc này? Tôi vẫn biết trong đầu óc bộ đội, tù cải tạo chúng tôi cấp bậc càng cao tội càng lớn. Nhưng tại sao khi không lại hỏi cấp bậc của tôi?
– Xưa tôi là Trung úy.
– Trung úy ngụy các anh sao mà dốt thế! đồng hồ không người lái mà cũng không biết. Này nhá! đồng hồ không người lái là mình không phải lái gì hết cả, cứ để mặc nó cũng vẫn chạy như thường đấy.
– Ồ, vậy đồng hồ của tôi không người lái.
– Anh có bán không? tôi mua cho anh giá cao.
– Tôi không bán.
Nghĩ nếu có tiền cũng chẳng xài gì được trong tù, nên dù hắn ta nói thế nào tôi cũng không chịu bán. Thích quá, hắn giữ lại ngắm nghía mãi mới chịu trả. Sau lần đó, tôi bỏ đồng hồ trong túi và không bao giờ đeo ở tay nữa, sợ sẽ gây nhiều chú ý.
Trăn của nhân dân.
Một sáng sớm, Điển và tôi đi rừng lấy cột nhà. Tiêu chuẩn cột phải thẳng, phải tương đối đều, không thể gốc quá to ngọn quá nhỏ, vì sẽ rất khó đục mộng đặt kèo, đường kính từ hai mươi hai đến hai mươi lăm cm, dài bẩy mét và phải là gỗ tốt.
Các loại cây Dầu, Chai hay Bứa đều là những cây cao thẳng tắp, muốn tìm được cây thẳng dài trên bẩy thước thiệt không khó khăn chút nào, khi hạ xong chỉ cần róc một chút vỏ phía dưới gốc làm chỗ nắm và kéo ngược lên trên, nguyên lớp vỏ sẽ lột ra thành từng dây dễ dàng nhanh chóng, không như các loại cây khác, muốn lột vỏ, phải dùng một khúc gỗ đập vào thân cây, vỏ ở chỗ bị đập sẽ dập nát ra, đập như thế trên toàn bộ cây cột mới chặt cho hết vỏ, thường đập khoảng ¼ cây đã ê ẩm cả cánh tay. Chai, Bứa, cũng như Dầu, nhựa cây tuôn ra rất nhiều ngay lúc lột vỏ, khiến cho cây nhẹ hẳn đi, vác từ rừng về trại tuy cũng rất mệt nhưng không đến nỗi đôi vai bị tê nhức tới ngày hôm sau như vác các loại cây nặng khác. Khổ một nỗi, các loại cây đó đều không được nhận, vì gỗ của nó rất được mối ưa thích. Cây rừng tươi, gỗ tốt thường rất nặng, phải hai hay ba người mới vác nổi về trại.
Mãi gần trưa chúng tôi mới tìm được một cây trường vừa ý. Mở ngàm cho cây đổ đúng hướng và hì hục thay nhau chặt. Cây ngả, tôi đo đủ bẩy thước và chặt ngọn. Khi đo tôi thấy có con trăn lớn, dài gần ba thước bị đè chặt dưới ngọn cây đang cố tìm cách thoát ra. Có lẽ lúc nó đang trên cây, cây ngả chạy không kip nên bị đè. Chúng tôi liền đập chết trăn và tiếp tục chặt ngọn, lóc vỏ cây, sau đó cuốn trăn vào cây và dùng dây rừng cột chặt, hớn hở cùng nhau về trại. Hai chúng tôi bảo nhau: sẽ có thịt cho nguyên tuần lễ sắp tới. Về đến ngang chòi canh cổng trại, Người bộ đội gác cổng chỉa súng chặn chúng tôi lại và sừng sộ:
– Hai anh kia đứng lại ngay cho tôi coi nào, sao hai anh dám bắt trăn của nhân dân?
– Con trăn này trong rừng. Lúc chúng tôi chặt cây thấy nó kẹt chết dưới cây đổ nên lấy về, chúng tôi đâu có bắt trăn của dân đâu.
– Anh còn ngoan cố hả! trăn trong rừng là của nhân dân đó biết không?
– Anh nói thế tôi thấy không đúng! Trong khu rừng này đâu có nhà dân, mà dân đâu có ai nuôi trăn bao giờ.
– Rừng là tài sản của dân, vậy trăn trong rừng cũng là của nhân dân chứ còn gì nữa. Bọn tù các anh quen thói bóc lột của nhân dân vẫn không chừa. Mau đưa con trăn cho tôi ngay.
– Nếu vậy chúng tôi đem thả nó ở chỗ đã bắt được.
– Bộ đội chính là từ nhân dân mà ra. Các anh đã học tập chính trị bao nhiêu lâu nay còn chưa thông suốt sao. Cứ để con trăn xuống đó, tôi đem nó lên báo cáo cho cấp trên biết không?
Điển và tôi đành hậm hực tháo trăn bỏ xuống đất. Dù uất ức cũng phải chịu. Làm sao cãi được với những lý lẽ chày cối như thế, lại thêm họng AK đen ngòm nữa. Đã tưởng sẽ có một ít thịt, nhưng miếng thịt đã như đến miệng vẫn còn bị họng súng móc ra mất
Tự túc lương thực.
Chúng tôi phá rừng làm rẫy, trồng khoai mì, khoai lang theo kế hoạch tự túc lương thực. Câu nói “quê hương ta đất đai mầu mỡ” quả nhiên rất đúng cho lúc này. Những gốc mì lên nhanh như thổi, chẳng bao lâu các dải đồi đã biến thành cánh rừng mì xanh ngát cao gấp hai người dứng, và chúng tôi đã có thêm công tác nhổ khoai mì. Nghe thật nhẹ nhàng, nhưng khi vác bao khoai len lỏi trong rừng mì ra chỗ cân nộp cho đội thật không dễ dàng như tôi tuởng. Đất tốt, mỗi gốc mì ít nhất cũng có trên bốn năm củ đâm ngang. Gò lưng nắm gốc mì kéo lên phải vận dụng toàn bộ sức lực mới keo nổi, mà sức thì đã mỏi mòn từ mấy năm nay. Nhất là khi trời vừa tạnh mưa, tay còn dính đất khi bẻ các củ khoai bỏ vào bao, gốc cây mì trở nên trơn tuột như lươn, nắm nhổ được lên càng phải tốn sức nhiều hơn nữa.
Áp dụng đúng chủ thuyết xã hội chủ nghĩa, mọi tài sản đều là của chung, các đội nộp toàn bộ số khoai thu hoạch cho tiểu đoàn, và tiểu đoàn sẽ phân phối đồng đều trở lại theo tiêu chuẩn làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Sau mỗi lần thu hoạch, tiểu đoàn cho chúng tôi một tuần khoai mì điểm tâm thay cho nước cháo. Cán bộ nói đó là lòng ưu ái của đảng đối với anh em cải tạo. Hàng bao nhiêu tấn khoai không cánh đã bay mất nhanh hơn cả ảo thuật.
Ngay từ ngày đầu cải tạo, bữa ăn luôn luôn thiếu lại không có chất dinh dưỡng, sức lực anh em càng ngày càng lụn bại. Bụng đói triền miên đó là chuyện thường, khi bị thương các vết thương phải mất thời gian lâu gấp đôi gấp ba mới có thể lành. Cóc, nhái, thằn lằn, chuột, bọ, rắn rết, hay bất cứ con vật gì có thể cung cấp chất thịt cải tạo viên đều không chừa. Đã có nhiều anh em chết vì ngộ độc cóc tía, nấm độc v.v…
Sau Khi việc dựng nhà ở, hội truờng cho trại tạm xong, chúng tôi đắp lò rèn, đúc dụng cụ mộc. Cưa, đục, bào, đủ loại. Từ đó, chuyển sang đóng đồ dùng trong nhà. Lúc đầu bàn ghế còn thô sơ bằng gỗ tròn, dùng trong hội trường và nhà ở, dần dần chúng tôi phải vào sâu trong rừng tìm hạ các loại gỗ quí, như gõ, cẩm lai, Trắc v.v… Nghề dậy nghề, kỹ thuật đóng đồ gỗ của anh em cải tạo càng ngày càng cao. Mặc dù toàn bộ dụng cụ dùng đều do tự chế, chúng tôi vẫn xẻ ván từ những cây to hai ba người ôm, đóng thành những bộ sa-long, bàn ghế, tủ dựng quần áo, hay những chiếc giường thật đẹp, không thua gì những đồ bày bán trong các tiệm đồ gỗ nổi tiếng dọc đường Hồng Thập Tự ở Sàigòn trước năm 1975. Đồ sản xuất rất nhiều, cán bộ lấy đem về nhà riêng, hoặc đem bán kiếm tiền. Tiểu đoàn nào sản xuất được nhiều cán bộ tiểu đoàn đó giầu, lâu ngày trở thành một phong trào ganh đua giữa các cán bộ. Thi nhau bắt cải tạo đóng đồ gỗ đem bán.
Lần đầu tiên chúng tôi được viết thư cho gia đình cũng từ trại KàTum. Trước khi viết thơ, cả tiểu đoàn phải học tập về điều lệ và nội dung bức thơ được chấp thuận cho gởi. Những thơ không hội đủ tinh thần sẽ bị giữ lại.
1- Nội dung không được than thở, trái lại phải động viên tinh thần thân nhân, khuyên họ luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp chính quyền địa Phương
2- Cổ võ tinh thần người thân khuyên họ phải tin tưởng vào chính sách cải tạo của đảng Cộng Sản Việt Nam.
3- Cho thân nhân biết, cải tạo viên được đối đãi tử tế, được cấp phát quần áo và lương thực rất đầy đủ.
Thăm nuôi.
Ba tháng trước, Chúng tôi được lệnh dựng một khu nhà tranh ngoài bìa rừng cách trại khoảng năm cây số. hai dẫy dài nối đuôi nhau thành hình chữ L, nằm lọt ở giữa là một căn nhà nhỏ, ba vách, vách trước để trống quay về hướng hai dẫy nhà dài, tất cả nằm trong một vòng rào kín, nay được biết đó là khu thăm nuôi. Căn nhà nhỏ nằm gần cửa hàng rào, làm chỗ cho thân nhân khi đến trại vào đăng ký. Lúc dựng căn này, tôi đã thấy hơi lạ, cán bộ muốn chúng tôi để trống bức vách nhìn ra hai dẫy nhà dài. Đến ngày có người nhà lên thăm tôi mới hiểu. Từ căn nhà nhỏ có thể dễ dàng kiểm soát mọi động tĩnh bên hai dẫy nhà ngang.
Đa số khi viết thơ về gia đình, ai cũng xin đồ ăn. Không ngoại lệ, tôi cũng xin nhà một lọ mắm ruốc, nghĩ thứ đó rẻ và có thể để được lâu không hư, một chai nước mắm, thuốc ngừa sốt rét, và một chút mật gấu nếu có. Được báo có người nhà tới thăm, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp được gặp mặt người thân, lo vì không biết vợ con tôi có đi được không? Từ bao lâu nay tôi luôn mong ước được thấy lại người vợ mà tôi ngày đêm nhung nhớ. Chuyến thăm đầu, có ba tôi và đứa em trai. Nhưng tôi vui mừng hơn cả có lẽ vì có vợ tới, nàng còn bồng cả con gái đầu lòng của chúng tôi theo nữa.
Gia đình tôi quây quần cả bên cái bàn trong một gian của dẫy nhà ngang. Trong góc gian phòng, có bộ đội đeo AK ngồi canh nên chúng tôi đặc biệt cẩn thận từng lời nói. suốt hai tiếng đồng hồ tôi không rời vợ và đứa con gái vừa được hơn ba tháng. Nàng cứ nhìn tôi mà khóc chẳng nói được gì. Ba tôi đã gìa nhiều, ngày tôi đi ông còn rất trẻ trung . nay mới năm mươi mà tóc bạc trắng như đã trên lục tuần. Ông cứ thắc mắc mãi, vì sao tôi xin mật gấu. Cuối cùng tôi hạ nhỏ giọng cho ông biết tôi bị tra tấn cần mật gấu để trị nội thương . Vợ tôi nghe được, nước mắt càng dàn dụa. Hai tiếng thăm nuôi sao ngắn qua, giống như chỉ hai phút. Lúc chia tay tôi không ngăn được cảm xúc. Ba tôi cũng bùi ngùi dặn tôi nên bảo trọng. Vợ tôi bịn rịn chẳng muốn rời. Đường từ khu thăm nuôi về trại sao dài thăm thẳm. Các bạn khác vì xin quá nhiều đồ ăn phải gồng gánh nặng nề, có người phải đi dây chuyền hai gánh nên đi thật chậm. Tôi chỉ có một bao nhỏ xách tay cũng được nên không khó nhọc lắm trên đường về.
Tôi ở Katum ba năm, được thăm nuôi hai lần , mỗi lần ba tiếng . Lần thứ nhì vợ tôi đi cùng mẹ và đứa em gái lên trại.
Canh da trâu.
Sang nay tiểu đoàn họp sớm, chúng tôi không những không phải đi rừng, còn được phát mỗi người một bộ đồ kaki mới. Tiểu đoàn ra lệnh:
1- Hôm nay không phải lao động, nhưng mọi người không đuợc mặc đồ cũ, rách rưới. Trong vòng 2 ngày, bất cứ lúc nào, sẽ có phái đoàn quốc tế gồm đại diện các nước Nga, Anh, Pháp, Hòa lan, Bungary tới thăm trại.
2- Trong trại phải hoạt động bình thường, và vui vẻ cười nói, không được nhăn nhó chán nản.
3- Cấm tuyệt đối không được tự ý tiếp xúc trò chuyện hay nêu câu hỏi với phái đoàn. Cán bộ đã chỉ định người và chuẩn bị sẵn các câu hỏi cho mấy người này.
4- Đặc biệt nếu ai dùng tiếng nước ngoài như Anh, Pháp v.v… nêu câu hỏi hay nói gì với phái đoàn sẽ bị trừng phạt nặng nề.
5- Người đã được chọn sẵn, phải nêu đúng những câu hỏi cán bộ soạn trước, không được sửa đổi lệch lạc .
Sau khi họp, về trại nghỉ nguyên ngày. Thật bất ngờ, các anh em trong tổ anh nuôi được lệnh đi lãnh đồ ăn. Mỗi đội ba ký lô da trâu và một rổ rau muống. Đã mấy năm không có thịt cá chi hết, nay bỗng có canh rau muống nấu da trâu, cộng thêm một bộ đồ kaki mới, còn được nghỉ xả hơi khỏi lao động. Đúng là đảng có lòng ưu ái cải tạo. Nhưng suốt hôm đó chẳng có ma nào tới. Gần trưa hôm sau mới thấy phái đoàn gồm ba nguời ngoại quốc được cán bộ đón đi xem hội trường. Họ đứng nói chuyện trên hội truờng một lúc, sau đó đi thăm nhà cán bộ rồi ra về. Không thắc mắc, không thăm viếng, không có câu hỏi cũng chẳng có trả lời.
Sau buổi đóng kịch hụt, ngoài việc lao động từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối, Kàtum không còn gì đáng nhớ. Tôi ở trại này khoảng trên ba năm, cuối năm thứ ba có mười mấy anh em được thả, số còn lại chuyển về Thành Ông Năm Hóc Môn. Tôi về Hóc Môn càng buồn hơn, một số bạn được đi phép năm ngày thăm nhà, tôi không có may mắn đó. Trại gần thành phố nên được canh giữ rất kỹ luỡng, không có lao động xa, chỉ làm việc trồng trọt dọn dẹp lặt vặt trong vòng rào trại. Tôi giết thời gian ở đây bằng cách học guitar với Linh, một anh bạn mới quen. Một buổi tối tôi buồn và nhớ vợ, ra sau dẫy nhà ngủ, ngồi một mình dưới gốc cây hát cho vơi sầu. Bài “chiều hành quân”, Linh nghe được đem cây đàn dã chiến ra đệm cho tôi. Từ đó chúng tôi thường quây quần lén hát nhạc vàng cho nhau nghe. Tạ Kỳ Linh, là con trai lớn của nhà văn Tạ Tỵ, chúng tôi đổi ngược tên thật của anh lại thành “Tinh Kỳ lạ” cho hợp với cái tài chơi đàn xuất chúng, dù chỉ với cây đàn do chúng tôi tự dùng ván thông và gò nhôm làm thành. Ngoài ra tôi còn cắt nhôm làm kẹp tóc, lược, lắc đeo tay và khắc hình hay chữ trên đó. Khoảng mấy tháng ở đây vì ít phải lao động cực nhọc sức khoẻ tôi đã phần nào hồi phục.
Hơn ba năm từ ngày Cộng Sản chiếm Sàigòn, thành phố tráng lệ của miền Viễn Đông. Chúng tôi, những người con hiên ngang gánh vác trách nhiệm bảo vệ tự do cho miền Nam đã không dứt áo ra đi, đã không nỡ xa rời quê mẹ. Dù sao cũng vẫn cùng một giống nòi Hồng Lạc. Đất nước hợp nhất, không còn chiến tranh. Chiến tranh dứt thù hận cũng tiêu tan. Ở lại dù có khổ sở thế nào cũng vẫn là người dân nước Việt sống trên quê hương Việt Nam. Không lẽ Việt Cộng nay đã lấy được trọn cả nước lại đi giết tập thể hàng trăm ngàn người dân chúng tôi sao?
Vì ý nghĩ đó, chúng tôi đã tự nguyện ở lại đem thân vào chốn lao tù, làm việc khổ sai đày đọa, cách biệt hẳn với xã hội bên ngoài. Nhưng hỡi ôi! Việt cộng dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam không giết chúng tôi tập thể. Chúng chưa muốn người dân Việt Nam kinh hãi, và nhìn rõ bộ mặt thật của Cộng Sản. Đảng đã thâm hiểm hơn gấp trăm gấp ngàn lần, đã đánh lừa gom những người con ưu tú của miền Nam vào các trại tù khổng lồ, và che mắt mọi người bằng mỹ danh trại “Cải Tạo”. Xã hội sẽ không còn người chống đối phản kháng những việc làm bán nước hại dân của chúng. Trong trại tù chúng không những hành hạ bắt làm việc nặng nhọc ngoài sức chịu đựng của con người, còn cướp hết những lương thực sản phẩm do tù nhân làm ra để họ ngày một đói, không chết vì rừng thiêng nước độc, bệnh hoạn không thuốc men, cũng chết dần vì thiếu đói, vì kiệt quệ, hao mòn trong lao động khổ sai, triền miên. không còn lầm lẫn nào lớn hơn lầm lẫn này. Cái ý nghĩ cùng một giống nòi Hồng Lạc mới mỉa mai làm sao!!! Cuối năm thứ tư tôi bị chuyển đi Phước Long.
Phước Long.
Phước Long là vùng cao nguyên, Trại cải tạo nằm sâu trong rừng, về sáng sương mù và khí lạnh rất lâu tan. Những khu rừng lồ ô thường nằm dưới thung lũng, thấp và thiếu ánh sáng nên ẩm ướt càng thêm ẩm ướt, lá lồ ô rụng thành một lớp dầy, lâu ngày mục nát rất thích hợp cho vắt sinh sống. Tôi ghét cay ghét đắng công tác lấy lồ ô, không phải vì nặng nhọc, chỉ vác hai cây dài đã nặng quằn vai, trong trại tù, có công tác nào mà không nặng nhọc? cũng không phải vì rừng lồ-ô ở khá xa trại, chặt dủ bốn cây vác về đã mất hơn hẳn nửa ngày còn mệt bở hơi tai, nghỉ nguyên buổi chiều cũng không lại sức. Tôi ghét đi lấy lồ ô vì rừng lồ ô đầy vắt. Bất cứ ngừa cách nào, bó chặt tay áo, cột kín ống quần v.v.. đều không thể tránh bị vắt cắn. Mỗi lần đi lấy lồ ô ít nhất cũng bị năm ba con hút no máu to phồng, đó là chưa kể hàng chục con khác mới vừa bắt đầu hút máu đã bị phát giác và bị giết ngay tại chỗ, thật khốn khổ hơn nữa nếu không may ta bị một con chui vào tai hay hậu môn.
Có lần chặt xong hai cây, róc sơ cành lá cho khỏi vướng, tôi gò lưng, è cẳng kéo ra ngoài trống chỗ có ánh sáng mặt trời, vì biết vắt rất kỵ ánh nắng, cảm thấy trên mu bàn chân vừa ngứa vừa đau vội cởi giầy ra xem, vừa lột được chiếc vớ tôi đã rùng mình, tóc gáy dựng dứng. Một cảm giac ớn lạnh thật khó tả, suốt đời tôi không bao giờ quên, chạy doc xương sống làm trán toát mồ hôi. Thấy trên bàn chân chín, mười con vắt bu kín đang đua nhau hút máu, con nào cũng đã căng tròn. Tôi vội vàng dùng luỡi dao gạt hết xuống, bằm nát, rồi lấp đất lên để khỏi phải nhìn máu của chính mình loang đầy mặt đất.
Một lần khác, nộp lồ ô xong trời đã chiều, ra giếng tắm, cởi áo mới thấy con vắt to căng tròn máu rớt từ sau lưng xuống, vì quá no không còn hút thêm được đã căng tròn như một viên bi nên tự động rớt ra.
Chúng tôi đã gầy gò vì thiếu ăn lâu ngày, bị mất máu như thế, với tôi là một cực hình ghê sợ nhất. Cái tệ hại bị vắt cắn không những chỉ mất số lượng máu đã bị hút, chỗ vắt cắn thường rất lâu lành, máu vẫn tiếp tục chảy dù con vắt đã bị chúng ta lấy ra. Trên miệng vắt tiết ra chất chống đông máu. Khi vắt đã nhả, trung bình phải mất ít nhất từ hơn nửa tiếng đến một tiếng máu mới có thể ngừng chảy.
Từ khi đến Phước Long, Tinh Kỳ Lạ và tôi ở khác đội, ít có dip gặp nhau. Việc học đàn với anh phải tạm gác lại. Các bạn cùng đội biết tôi từng mê chuyện kiếm hiệp Kim Dung, mỗi tối đều tìm cách mời tôi kể lại, họ nấu chè hoặc bất cứ món ăn gì có thể tìm được, đặc biệt để dành cho “thầy kể chuyện”. Tối nay buổi kể chuyện cũng tạm ngưng vì tập họp điểm danh bất thường. Hồi sáng đi cuốc cỏ ruộng mì tôi có gặp Linh, tôi chỉ chào hỏi qua loa và nhận ra Linh có vẻ vội vã. Không rõ như thế nào, nhưng Linh đã âm thầm sắp xếp với vợ qua mấy lần nuôi, và hôm nay chị Linh chạy xe Honda vào tận khu rừng thưa mang quần áo civil cho anh thay, hai người giả trang dân trong vùng cùng nhau trốn thoát về SàiGòn. Sau này tôi có đến khu chung cư Minh Mạng thăm nhưng không gặp linh, lúc đó đã đi Cà Mâu dò đường vượt biên, gặp chị Linh, tôi có gởi lời hỏi thăm anh. Nghe đâu anh cũng vượt biên an toàn và nay đang định cư tại Mỹ.
Xuyên Mộc, trại cuối cùng.
Chuyển về Xuyên Mộc chúng tôi ai cũng mặt mày ủ dột. Đây là trại tù do Công an coi. Ngày đầu vào trại một cán bộ khi tập họp chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng: Các anh ngụy quân ngụy quyền chuyển về trại này đều thuộc thành phần còn ngoan cố, học tập lâu vẫn không có kết quả tốt. Đã qua nhiều lần thanh lọc còn lọt lại. Những ai học tập tốt đều đã được cho về đoàn tụ với gia đình. Còn các anh có thể phải ở đây mãi mãi.
Ở Xuyên Mộc khoảng năm tháng, người Thiếu úy cán bộ đại đội gọi tôi lên để nói chuyện rieng. Trong lòng hồi hộp không biết mình đã ăn nói sơ hở gì để ang-ten báo cáo. Kinh nghiệm mấy lần, khi bị gọi lên gặp riêng với cán bộ lần nào tôi cũng mang cái thân ốm đòn trở về. Cũng may lần này anh chàng cán bộ đại đội trưởng này cho tôi biết anh ta nghe một người bạn tù giới thiệu, tôi khéo tay, biết vẽ và xủi đồ nhôm. Anh ta muốn nhờ tôi xủi hình một cô gái và đóa hoa hồng vào mặt hộp quẹt máy cho anh. Tôi nhận lời ngay vì đây là dịp may khỏi bị đào đất khiêng cây hoặc làm những việc nặng nhọc khác. Hết quẹt máy này anh ta đưa quẹt máy khác, hết quẹt đến vòng, lắc, kẹp tóc v.v… Một thời gian mấy tháng tôi luôn được ngồi trong gốc cây mát làm đồ riêng cho anh ta. Một hôm đang cùng các bạn đào gốc cây anh ta lại đến gọi tôi ra nói chuyện riêng. Lần này vừa mở lời đã chặn đầu: Anh phải làm tốt một việc sau đây, tháng sau anh sẽ được đề nghị cho về, và nhớ phải giữ kín chuyện tôi nói với anh hôm nay, nếu không anh sẽ bị giữ lại học tập thêm. Tôi rất ngạc nhiên, hôm mới vào trại có một cán bộ đã nói tụi tôi có thể sẽ phải học tập suốt đời ở đây. Anh ta tiếp: Trong vòng một tuần anh phải viết cho tôi bài báo cáo về tất cả những hanh dộng va tu tuởng sai trai phản dộng của mọi nguời trong đội. Nếu bản báo cáo tốt anh sẽ được về. Tuyệt đối không được dấu diếm che đậy chuyện gì cả .
Đêm đó tôi trằn trọc mãi. Thi ra hắn muốn mình làm ang-ten. Thiệt là khôi hài, muốn tôi làm ăng-ten bán rẻ anh em, đừng hòng tôi làm chuyện đó! Nhưng nếu lỡ hắn ta nói thật thì sao đây? nghĩa là nếu tôi không viết báo cáo hắn có thể giữ tôi lại không? Không thể bỏ uổng dịp may hiếm có cũng không thể làm hại anh em. Vợ con tôi ở ngoài đang trông đợi tôi về, còn có gia đình tôi nữa. Thật là một đòn thâm độc. Suy nghĩ mãi tôi đã quyết định chờ tới ngày chót mới viết báo cáo. Trong báo cáo tôi viết: Tôi nhận thấy các bạn trong đội người nào cũng cố gắng hết sức lao động, học tập, chăm chỉ. Người nào cũng nôn nóng mong học tập mau về. Họ cố gắng nhiều quá nên mệt nhọc, công việc có hơi chậm lại. Ban đêm họ đều mệt, ngủ say không bàn tán xì xào gì được cả .
Một tuần sau, buổi sáng sớm khi tiểu đoàn tập họp đi lao động, 12 người được giữ lại trại cho lãnh giấy ra về trong đó có tôi. Về đến nhà gặp cha mẹ vợ con mấy tháng sau có người dắt mối nhờ lái ghe vượt biên. Tôi không ngần ngại nhận lời ngay. Cuối năm 1980 may mắn đã đưa được gia đình thoát nạn tới Indonesia và đi định cư năm 1981 . Một thời kinh hoàng tủi nhục của đời người đã qua, nay nhớ lại tôi vẫn còn kinh tởm cộng sản vô cùng.
Dung2