HỌA SĨ CHÂU THỤY RA MẮT TẬP TRUYỆN “VỰC XOÁY’ (Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tác giả Châu Thụy (giữa) trao quyển “Vực Xoáy” cho nhà văn Nhật Tiến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật vừa qua, họa sĩ Châu Thụy cho ra mắt tập truyện “Vực Xoáy” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster. 

Sau cuối Tháng Tư, 1975, nhiều người dân Việt Nam không chấp nhận sống chung với chế độ Cộng Sản, và họ đi tìm một lối thoát duy nhất là vượt biển hoặc vượt biên.

Nội dung của quyển sách là có thật, trong đó hai nhân vật chính là hai người trẻ ở lứa tuổi 17, 18, đó là Vũ và Vân. Trong hoàn cảnh vô vọng, có rất nhiều đau khổ mang đến cho họ, nhưng họ vẫn vươn lên và cố tìm một tia hy vọng là đi vượt biên.

Họa sĩ Châu Thụy chia sẻ, “Ðây là lần đầu tiên tôi được ra mắt tác phẩm truyện dài. Trước đây, tôi đã làm nghệ thuật về bút họa, thì tôi cũng cho ra đời những tác phẩm về bút họa. Nhưng hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 30 Tháng Tư, 40 năm người Việt ly hương, Châu Thụy đã hoàn tất tác phẩm mà mình đã cố gắng xây dựng trong hơn năm năm nay có tên là ‘Vực Xoáy.’ Tác phẩm này nói lên những đau thương của dân tộc, sau biến cố miền Nam bị thất thủ. Trong nỗi đau thương đó, tôi muốn gửi gắm tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhất là trong thời điểm mà những người bỏ nước ra đi để đi tìm tự do.”

Cũng theo tác giả, câu chuyện thương tâm trên đường đi tìm tự do của Vũ và Vân có thể nói lên những cảm xúc, những đau khổ từ đáy lòng của họ hơn là ngồi viết lại, thành ra trong câu chuyện tình cảm này, nó cũng sẽ là một vực xoáy mà mọi người phải thoát ra để một là sống, hai là chết. Vũ và Vân cũng nằm trong cái vực xoáy đó trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Mối tình đầu của họ đã bị dằn vặt bởi vì Vân là người con gái đã bị hải tặc hiếp, rồi đưa đến những chuyện rất đau thương trong cuộc đời của cô để rồi đưa đến sự việc cô phải quyên sinh.

Hướng dẫn chương trình ra mắt sách, cô Lê Ðình Ysa cho mọi người biết, “Trong buổi ra mắt sách này, tác giả muốn được cùng mọi người chia sẻ những câu chuyện của mình, và những diễn giả hôm nay hầu hết sẽ chia sẻ về những kinh nghiệm về bản thân của họ trong những cuộc vượt biển của nhiều năm trước.”

Vị diễn giả đầu tiên là nhà thơ Du Tử Lê, người viết lời tựa giới thiệu quyển sách này.


Nhà thơ Du Tử Lê, một trong những diễn giả của buổi ra mắt “Vực Xoáy.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông chia sẻ, “Tôi nghĩ trong đầu tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người này viết văn. Tại sao? Tại vì khi tôi đọc bút họa của anh, thì đó là sự phối hợp giữa hình ảnh về hội họa và văn chương. Cách đây khoảng một năm, khi được đọc bản thảo ‘Vực Xoáy’ của Châu Thụy thì tôi không khỏi không ngạc nhiên. Tại sao? Bởi vì với tôi, ngay từ những dòng chữ đầu tiên, Châu Thụy đã cho thấy ở anh có một khả năng là một nhà văn.”

“Anh viết quyển Vực Xoáy đến độ mà tôi có cảm tưởng như là anh viết về chính cuộc đời của mình, tức là như một loại hồi ký, nhưng mà điều quan trọng đối với tôi là càng đọc tôi lại càng bị quyến rũ, bởi vì cái khả năng của một nhà văn căn cứ theo nhận định, một nhà văn sẽ là một nhà văn thực sự và có những chiều sâu, nếu Châu Thụy khai thác được cái khía cạnh mô tả nhân vật, mô tả cảnh tượng, mô tả tâm lý, nhất là tâm lý nhân vật,” ông nói tiếp.

Nhà thơ Du Tử Lê nói thêm, “Mà tâm lý nhân vật ở trong cuốn ‘Vực Xoáy’ của Châu Thụy là một đỉnh điểm mà tôi nghĩ rằng, ngay tôi là một người già rồi, khi đọc những đoạn nhật ký của cô ấy ở trong quyển của Châu Thụy, tôi cũng muốn chảy nước mắt. Và tôi tin, những quý vị đọc giả khi đọc ‘Vực Xoáy’ của Châu Thụy, tôi cho ‘Vực Xoáy’ ở cái giá trị đó là làm cho người đọc được ra nước mắt, được giới thiệu trong Tháng Tư Ðen như thế này, thì đó là tôi cho một trong những cái sinh hoạt về văn học của chúng ta rất là có ý nghĩa.”

Diễn giả Ðoàn Văn Bốn đến từ Houston, Texas, cho biết, năm 1972, ông được biệt phái về Lâm Ðồng dạy môn Anh văn, lúc đó Châu Thụy là học trò của ông đang học lớp 7, anh tên là Ðoàn Nam Sơn.

Ông nói, “Châu Thụy có gởi quyển ‘Vực Xoáy’ cho tôi. Lúc đầu tôi chỉ đọc sơ sơ thôi, nhưng càng đọc thì tôi bị lôi cuốn vào một vấn đề gì đó đã làm cho tôi phải thức suốt đêm và trong đêm đó tôi đã đọc hết quyển sách này.”


Ðông đảo đồng hương đến tham dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông tiếp tục kể trong nước mắt, “Một câu chuyện thương tâm trong quyển sách là chính gia đình chị dâu của chúng tôi. Vào khoảng Tháng Mười, 1978, tôi đưa gia đình đó đi vượt biên, và đến khi tôi trở về thì nghe tin họ đều bị chết hết sau 50 ngày lênh đênh trên biển, còn một người con gái là cháu của tôi thì được vớt lên đảo, nhưng mà đến một tuần sau thì cô cũng chết luôn. Và trước khi chết, người nào cũng bị ăn thịt và chị dâu của tôi là người chết đầu tiên.”

Nhà văn Bùi Bích Hà biết họa sĩ bút họa Châu Thụy trước khi ông cầm bút hình thành cuốn ‘Vực Xoáy,’ tác phẩm đầu tay và cũng là giấc mơ, là lời hứa của anh với bản thân, với những người đã gặp hay không có cơ hội gặp trên đường vượt biển tìm tự do.

Bà chia sẻ, “Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, sau những oan khiên và đớn đau máu thịt mà hầu hết chúng ta đều trải nghiệm, cách này hay cách khác, mỗi người đều phải đối diện với những ám ảnh không rời. Chúng ta có thể tạm quên trong phút giây nhưng những vết hằn không mờ phai mà ngày càng khắc sâu với những lượt đi về trong trí nhớ của những ám ảnh ấy.”

Bà nói thêm, “Có thể giống như cá nhân của chúng tôi, như quý vị, nhà văn Châu Thụy cũng có lúc đã muốn quên mọi bi kịch của chuyến vượt biên nhưng anh biết anh không thể quên khi một mảnh ván thuyền vỡ trôi dạt từ một con tàu chở người tị nạn nằm chết khô trên một bãi cạn đập vào mắt anh, trong một chuyến anh quay lại thăm nơi anh đặt được bước chân thứ nhất đến bến bờ tự do.”

Nhà văn Nhật Tiến cũng được ban tổ chức mời lên trong vai trò của một diễn giả về tác phẩm ‘Vực Xoáy,’ nhưng ông không có lời chia sẻ về quyển sách, vì ông chưa đọc qua. Và ông cho biết ông cũng là một trong những thuyền nhân đã từng trải qua những sự kinh hoàng trên bước đường tìm tự do.

Nữ họa sĩ Ann Phong cũng có lời tâm sự về chuyến vượt biên đầy khổ ải của bà qua hình ảnh video tape.

Phần văn nghệ với màn độc tấu Tây Ban Cầm của cô Phương Thảo trong bài “Biển Nhớ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Muốn mua tác phẩm này, xin quý độc giả vào trang mạng:

http://www.nguoivietshop.com/x1EF1-Xo%C3%A1y-Ch%C3%A2u-Th-x1EE5/dp/1495143112.