HOA KỲ DẪM LÊN VẾT XE ĐỔ CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ CỔ ĐẠI (Lưu Vĩnh Lữ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hoa Kỳ dẫm lên vết xe đổ của Đế chế La Mã cổ đại

Tàn tích của Quảng trường La Mã cổ đại trong ánh hoàng hôn ở Rome, Ý, vào ngày 03/11/2017. (Ảnh: Alberto Pizzoli/AFP qua Getty Images)

Nhà độc tài Julius Caesar, cũng được coi là “nhà dân túy thành công nhất” (Plutarch), đã bị các Nguyên lão ám sát. Tranh: Karl Theodor von Piloty, 1865.

Sự sụp đổ của Đế chế La Mã đã để lại những bài giáo huấn cho Mỹ quốc

Thành ngữ “chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” xuất phát từ Truyền Đạo 1:9. Điều đó đã được chứng minh là đúng đối với các cá nhân, các nhóm người, và cả các quốc gia trong nhiều thế kỷ. Kỹ nghệ có thể thay đổi, nhưng nhân tính căn bản của nhân loại và tác động của Thất Đại Tội đối với mỗi thế hệ thì không hề thay đổi.

Hãy suy xét những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã so với những gì đã và đang xảy ra tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong những thập niên vừa qua. Hoa Kỳ đang đi theo kịch bản diệt vong của người La Mã gần như thể đó là một phần của những gì đã được định sẵn.

Chúng ta hãy cùng xem qua một số điểm tương đồng.

Sự lãnh đạo yếu nhược

Nhiều vị Caesar của La Mã (tức là những vị “hoàng đế”) trong những năm cuối của Đế chế này yếu nhược, thiếu quyết đoán và bị các cuộc tranh đấu chính trị bè phái trong tầng lớp thượng lưu La Mã thôi thúc. Mười ba hoàng đế đã bị chính các cận vệ Praetorian của riêng họ ám sát. Những lần thay đổi lãnh đạo thường xuyên đã dẫn đến việc các chính sách dài hạn thiếu nhất quán, một sự lãng phí tài nguyên, và tình trạng bè phái chính trị ngày càng gay gắt hơn. Tình trạng bè phái đã dẫn đến các chế độ độc tài quân sự phải lập lại trật tự từ sự hỗn loạn do thiếu sự thỏa hiệp. Người La Mã đã để lại bài học cho thế giới rằng sự lãnh đạo yếu nhược sẽ làm cho các đối thủ bạo gan hơn và trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của các đế chế.

Hoa Kỳ đang trên cùng một con dốc dẫn đến sự diệt vong. Ngoại trừ những năm trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, trong suốt thế kỷ 21, Hoa Kỳ đã nằm dưới sự lãnh đạo yếu nhược của các tổng thống. Người Bắc Hàn đã trở nên bạo gan hơn để phóng hỏa tiễn mà không bị trừng phạt, và người Trung Quốc cộng sản cũng táo bạo không kém mà đe dọa Ấn Độ và Đài Loan.

Thảm họa rút quân khỏi Afghanistan của chính phủ ông Biden đã được cả thân hữu lẫn những kẻ đối địch theo dõi và có lẽ đã góp phần vào mưu tính của Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin nhằm leo thang cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài nhiều năm kể từ tháng 02/2022. Và những sự phân tranh về chính trị ở Hoa Kỳ vốn xuất phát trực tiếp từ sự yếu nhược của TT Joe Biden đang góp phần trực tiếp vào sự phân tranh và chủ nghĩa bè phái chính trị đang gia tăng ở Mỹ. Điều này giống với những gì đã xảy ra ở Rome một cách kỳ lạ.

Sự tập trung quyền lực

Một yếu tố then chốt góp phần vào sự sụp đổ của Đế chế La Mã là sự tập trung quyền lực ở thành La Mã, đặc biệt là trong những năm về sau. Sự phân quyền cho các thống đốc La Mã ở các tỉnh là điều đã cho phép người La Mã mở rộng cương thổ và hơn nữa còn kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và dân tộc hơn bao giờ hết trong thời kỳ đó, bởi vì điều đó mang đến những sự kìm hãm và đối trọng trước tham vọng chính trị thông qua chính phủ bị hạn chế và quyền lực chính trị được phân cấp.

Mises Wire mô tả rằng quá trình tập quyền của La Mã bắt đầu dưới thời Hoàng đế Julius Caesar, người đã hành động quyết đoán để chuyển đổi nền cộng hòa La Mã “từ một loạt các tỉnh bị chia cắt thành một quốc gia nhất thể.” Những hành động của ông bao gồm chỉ định những thân hữu tham nhũng nắm quyền theo chỉ thị của ông, bổ nhiệm tất cả các quan tòa, đặt các phường hội ngành nghề của Rome ra ngoài vòng pháp luật, ban hành một bộ luật hạn chế chi tiêu để kiểm soát việc mua bán hàng hóa, và thành lập một lực lượng cảnh sát quốc gia.

Các Tổ phụ Mỹ quốc đã tỏ ra thông thái khi thông qua Tu chính án thứ Mười nhằm dành cho các tiểu bang và người dân Hoa Kỳ tất cả quyền lực nào không được ủy quyền cụ thể cho chính phủ liên bang. Cũng giống như La Mã, một chính phủ phân quyền đã phụng sự một cách hiệu quả cho người dân Mỹ khi đất nước này phát triển thành siêu cường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cánh tả Mỹ, dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng Marx, đã tiến hành củng cố quyền lực liên bang trong nhiều thập niên. Một ví dụ là việc thông qua những dự luật chi tiêu tổng hợp hết sức đồ sộ với “các ràng buộc” khiến những tiểu bang này phải thực hiện các cách thức hoặc hành động được yêu cầu như một điều kiện để được trao ngân quỹ liên bang. Một ví dụ khác là sự mở rộng liên tục của chính phủ hành chính liên bang, vốn là nơi đã tích tụ quyền lực theo thời gian nhằm tạo ra, phân xử, và thực thi các quy định của riêng họ, bất chấp sự giám sát của người dân hoặc các dân biểu được bầu chọn của họ.

Chủ nghĩa đa văn hóa

Giống như Đảng Dân Chủ hiện đại, người La Mã đã thực hành chủ nghĩa đa văn hóa như một phương pháp để điều hành đế chế của họ (biến thể của Đảng Dân Chủ được gọi là “sự đa dạng”). Người La Mã đã cố gắng tiếp nhận thêm các quốc gia mà họ đã chinh phục vào Đế chế của họ mà không thay đổi nền văn hóa và triết học căn bản của những quốc gia đó. Chiến lược của họ bao gồm việc cho phép các nước chư hầu duy trì di sản văn hóa của riêng họ miễn là những nước này thừa nhận sự cai trị của La Mã và nộp thuế đúng hạn. Họ đã không thúc đẩy sự đồng hóa, vốn đã để lại những sự chia rẽ về văn hóa, sự oán hận, và tình trạng xung đột chính trị, rốt cuộc cũng là những điều đã làm suy yếu và rạn nứt Đế chế này. Điều này cũng dẫn đến sự suy thoái và dần xói mòn các giá trị truyền thống của nền cộng hòa La Mã gồm sự đơn giản, kỷ luật, nhân phẩm, và đức hạnh. Theo thời gian, điều này đã làm băng hoại xã hội và chính quyền La Mã.

Tại Hoa Kỳ, những giá trị Cơ Đốc Giáo về đức kiên nhẫn, khiêm nhường, tử tế, và tiết kiệm đã bị cánh tả Mỹ cố tình loại bỏ. Cánh tả Mỹ đã thực sự biến Hoa Kỳ thành một quốc gia thế tục trong hơn 80 năm qua. Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa đa văn hóa và quá trình đồng hóa ở Hoa Kỳ bị thoái trào nhằm ủng hộ các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx về sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập, cũng như các chính sách liên bang dựa trên chủng tộc vốn cố tình gây chia rẽ, ngờ vực, và hoài nghi giữa những người Mỹ.

Chính sách biên giới mở

Đồng hành với chủ nghĩa đa văn hóa và sự đa dạng là chính sách biên giới mở. Ngay từ thời kỳ đầu của Đế chế, người La Mã đã tiếp nhận những người nhập cư chỉ khi họ có thể kiểm soát tiến trình này bằng quân sự, với các lực lượng đầy đủ nhằm áp đảo những người được phép đến đây. Theo ghi nhận của Viện Wynnewood, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, “người La Mã đã mất quyền kiểm soát tiến trình nhập cư,” đặc biệt là ở phần phía tây của Đế chế này. “[Những người mới đến] vẫn giữ nguyên những bản sắc văn hóa và chính trị của họ và cuối cùng họ kết hợp lại để tạo ra những nhóm người bên trong địa phận của Đế chế này mà người La Mã không còn có thể kiểm soát được nữa.”

Đảng Dân Chủ ở Hoa Kỳ đang lặp lại các sai lầm của người La Mã bằng cách thúc đẩy một biên giới mở giữa Hoa Kỳ và Mexico. Cũng giống như người La Mã, chính phủ của Tổng thống Biden đã thật sự đánh mất quyền kiểm soát tiến trình nhập cư — một cách có chủ đích bằng cách từ chối thực thi các chính sách nhập cư hiện hành của Hoa Kỳ.

Chỉ trong hai năm qua, gần 6 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã tiến vào Hoa Kỳ cùng với sự tràn ngập fentanyl cũng như nạn buôn người và ma túy không được kiểm soát đang phá hoại Hoa Kỳ từ bên trong. Những gánh nặng tài chính đặt lên các cơ quan phúc lợi xã hội, giáo dục công lập, y tế, và các cơ quan chấp pháp do việc những người di cư bất hợp pháp này phân tán trên khắp Hoa Kỳ đang đẩy các chính phủ địa phương và tiểu bang vào tình trạng bất lực.

Nạn tham nhũng

Các chính trị gia La Mã dường như gặp khó khăn trong việc phân tách trách nhiệm chính phủ và tư nhân cũng như các nguồn lực liên quan đến mỗi trách nhiệm. Các nguồn lực công được tái phân bổ vào túi tiền những chính trị gia, và theo đó các dịch vụ công bị xuống cấp, theo thời gian dẫn đến bất mãn trong số những thường dân La Mã và những kẻ bạo loạn.

Từ thời đại Julius Caesar trở đi, nạn tham nhũng của các quan chức La Mã đã tăng nhanh nhằm mang lại lợi ích cho giới cầm quyền. Bản thân các hoàng đế thường “mua” ngôi vị của mình thông qua tham nhũng, góp phần khiến công chúng hoài nghi và mất lòng tin vào những người trị vì khác.

Vài năm gần đây, Hoa Kỳ đã chứng kiến một sự gia tăng rõ rệt về tình trạng tham nhũng chính trị tương tự như ở La Mã cổ đại. Việc thiếu trách nhiệm giải trình đối với bất kỳ điều gì trong số đó đã tạo ra sự hoài nghi rộng rãi đồng thời gây chia rẽ đất nước hơn nữa.

Sự sụp đổ của giai tầng trung lưu

Giai tầng trung lưu La Mã đã bị lấn át bởi lao động nô lệ giá rẻ ở ngoại quốc được đưa đến từ tất cả các quốc gia bị chinh phục khi Đế chế mở rộng biên giới của mình trong nhiều thế kỷ. Việc sở hữu và sử dụng nô lệ để làm việc thì ít tốn kém hơn so với việc trả lương cho người dân La Mã thuộc giai tầng trung lưu.

Tại Hoa Kỳ, hai chính sách do giai tầng chính trị cưỡng ép lên đất nước đã có một tác động tương tự trong việc làm suy yếu giai tầng trung lưu Mỹ. Đầu tiên là các ưu đãi “thương mại tự do” dành cho ngành sản xuất ở ngoại quốc của Hoa Kỳ, đặc biệt là dành cho Trung Quốc cộng sản. Điều này đã giúp tạo ra vành đai công nghiệp Rust Belt ở Thượng Trung Tây và lấy đi hàng ngàn công việc của giai tầng trung lưu.

Chính sách thứ haibiên giới mở, dẫn đến một làn sóng người nhập cư bất hợp pháp cạnh tranh với người dân Mỹ về các công việc được trả lương thấp và nói chung là hạ thấp mức lương. Thêm vào đó là khoản chi tiêu đồ sộ do Đảng Dân Chủ xúi giục trong hai năm qua đã dẫn đến lạm phát trường kỳ hơn 7%, và giai tầng trung lưu và giai tầng thấp ở Hoa Kỳ đang gặp khó khăn về kinh tế khi họ phải chật vật để trả tiền mua thực phẩm, xăng, tiền thuê/thế chấp, và các chi phí sinh hoạt căn bản khác.

Từ quân tình nguyện viên đến quân đội chuyên nghiệp được trả lương

Người La Mã đã tiến hành các cuộc chiến tranh bành trướng và chinh phục dường như bất tận trong nhiều thế kỷ. Kể từ thời của Hoàng đế Romulus và Remus, người La Mã hoặc là đang lâm chiến, đang phục hồi sau một cuộc chiến, hoặc là đang chuẩn bị cho một cuộc chiến. Vì họ luôn có xu hướng tham gia các cuộc chiến tranh bành trướng và chinh phục không ngừng, người La Mã không thể tự cung cấp đủ người, nên để tuyển mộ binh sĩ, các quân đoàn La Mã đã thu hút tân binh từ các quốc gia bị chinh phục. Cuối cùng, họ đã mạnh tay chi trả cho người ngoại quốc để cung cấp người cho các quân đoàn. Điều này đã chính trị hóa các binh sĩ của họ và biến các tướng lĩnh chỉ huy các quân đoàn đó thành những chính trị gia. Trong số các tướng lĩnh đó, có một số người đã xáo trộn trật tự chính trị và trở thành những kẻ độc tài. Trong mọi trường hợp, những quân đội này và các nhà lãnh đạo của họ đã đánh mất mối liên hệ với những thường dân La Mã.

Ở Hoa Kỳ, quỹ đạo quân sự là khác biệt nhưng lại tương đồng ở một số phương diện. Với những cuộc chiến dường như bất tận sẽ diễn ra, người ngoại quốc đã được mời tham gia phụng sự trong quân đội Hoa Kỳ để đổi lấy quyền công dân. Việc chính phủ Tổng thống Biden thực thi các chính sách thức tỉnh trong quân đội đã dẫn đến tuyển binh không đủ số lượng, điều này đã dẫn đến các tiêu chuẩn sụp đổ về mọi mặt.

Do thuyết chủng tộc trọng yếu/sự đa dạng, công bằng, hòa nhập/sự thối nát của văn hóa LGBTQI vốn đã và đang phá hủy chế độ quân dịch từ bên trong, nên con em từ các gia đình truyền thống của Mỹ đã từng phụng sự trong quân đội qua nhiều thế hệ không muốn nhập ngũ, khiến số lượng chiêu binh bị thiếu hụt. Vì các tiêu chuẩn đã được hạ thấp để cho phép chiêu mộ những ai lẽ ra đã bị giải ngũ ngay tức thì vì hành vi tương tự trước đây, nên khả năng sẵn sàng và hiệu quả chiến đấu của quân đội đã giảm xuống mức thấp đáng kinh ngạc.

Kết luận

Theo tất cả các ước tính, Hoa Kỳ đang trong chiều hướng đi xuống tương tự như những gì đã xảy ra đối với Đế chế La Mã. Những điểm tương đồng này là khá dễ thấy mặt dù người La Mã cổ đại cách biệt với nước Mỹ ở thế kỷ 21 gần hai thiên niên kỷ. Chủ nghĩa đa văn hóa, biên giới mở, lạm phát tràn lan, tham nhũng phổ biến, tình trạng băng hoại đạo đức, và giới lãnh đạo yếu kém. Những điều này chính là những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh cổ đại cũng như hiện đại.

 

Người dân Mỹ có kịp thời nhận ra những vấn nạn này hay không?

Có khả năng để đảo ngược tình thế này, phục hồi lại sự thịnh vượng cho Nước Mỹ hay sẽ sụp đổ như Đế Chế LA MÃ? 

Tổ phụ Nước Mỹ có lẽ cũng đã thấy viễn tượng này nên đề ra bầu cử 4 năm một lần… Đây là sự khác biệt mà Đế Chế La Mã ngày xưa không có!

Cứ 4 năm, Dân Mỹ có cơ hội quyết định tương lai của Nước mình, cũng “Đảng cử Dân bầu”, nhưng là 2 đảng, 2 chương trình nghị sự để người Dân chọn lựa. Nếu rủi ro chọn trật, không sao, 2 năm kế bầu Quốc Hội, cơ quan này kiểm soát, kiềm chế chính phủ; rồi lại bầu Tổng Thống 2 năm kế tiếp .

Xem ra cách sắp xếp này quá hay, nó giúp Nước Mỹ hưng thịnh mấy trăm năm nay, tương lai thuộc về TRỜI? 

Người tính không qua Trời định!  

Cầu Trời cho một Nước Mỹ thanh bình; người an cư lạc nghiệp.

Lưu-Vĩnh-Lữ

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times