Gia đình tui chính thức đặt chân đến thành phố San Jose, California tháng 3, năm 1982, sau 18 con trăng ở trại tỵ nạn, mỏi mòn chờ đợi định cư. Diện “hốt rác” nó lâu vậy, chớ diện quân nhân hay diện có thân nhân ở Mỹ thì chỉ chừng 3 tháng là dung dăng dung dẻ trên đường phố Mỹ rồi.
Biết bao nhiêu chuyện vui, buồn, ngu ngơ, quê đạn,… xảy ra trong thời gian đầu ở xứ người, là chuyện có thiệt. Trong một rừng hồ lốn những kỷ niệm vui buồn đó, tui rất khó quên, nói cho chính xác, là không bao giờ quên cái kỷ niệm HẾT XĂNG DỌC ĐƯỜNG.
Rồi, ai thích chuyện tào lao thời Virus of China, viết tắt là dịch VC, thì bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc cho quên đi nàng Lý Mạc Sầu Cúm Tàu, kẻ giết người không chớp mắt. Đọc chán cứ ấn nút biến. Tui viết tới đừ người, cũng tắt máy.
Ở VN đạp xe cong xương sống cóng xương sườn! Sau 75, nhà nào còn cái xe đạp để đạp là may rồi. Cái giống gì cũng bán để cứu đói. Bán ăn hết, từ xe cộ đến tủ bàn ghế giường chiếu cho tới quần áo…. Bộ đội bác gom hết đem về thiên đường bên kia sông Bến Hải!
Mỗi trưa thứ Bảy, sau giờ học là tui cong lưng đạp xe về quê thăm vợ con. Con đường từ Cần Thơ về Kinh Cùng chỉ 30 km, nhưng cũng mất 3 tiếng đạp xe sứt mồ hôi mẹ mồ hôi cha. Hôm nào gió ngược, thì sứt mồ hôi bà cố luôn! Khuya thứ Hai, gà chưa gáy, hôn vợ một cái, hôn con gái một cái, lại gồng mình đạp xe trở ra Cần Thơ cho kịp giờ vô lớp. Nhiều năm trời như vậy. Đời sinh viên sau 75 cực như trâu!
Sang đây, khỏi đạp xe, hết cực khổ. Nói cho văn hoa bóng bảy một chút, là cuộc đời lên hương, một bước lên xe, hay lên xe xuống ngựa,….
Khó có ai tin là chỉ trong vòng một tuần lễ, tui có tiền tậu “xế hộp”? Đó là một “kỳ tích”, bởi vì ít có ai sang đây mà có tiền mua xe liền, trừ mấy tay xì thẩu đi bán chính thức, lận theo kim cương, vàng vòng cả rương!
Xe cũ rẻ như bèo, từ một tờ cho tới vài tờ Franklin ngó xéo! Mua xe dễ như mua con cá, nhưng có điều, dân tỵ nạn mặt còn khờ căm, kiếm đồng xu cạo gió thì có, chớ $100 USD không dễ có!
Những người qua sau này, may mắn hơn chúng tôi thời đó, vì họ mang theo tài sản tích cóp ở bển, hay ít nhiều gì cũng có thân nhân đi trước giúp đỡ đôi chút. Thân nhân của tui qua trước vài năm, cũng còn “te tua”, làm gì mà giúp được. Nói chung là người tỵ nạn, một chân ướt một chân chèm nhẹp, thường được gọi khôi hài với cái tên FOB (fresh off the boat = vừa rời tàu) phải đi xe bus tháng này qua tháng nọ là chuyện bình thường. Riêng tui, tui chỉ bước lên xe bus Mỹ vỏn vẹn một lần duy nhứt, của tuần lễ đầu tiên. Tuần thứ hai, tui mua được chiếc xe $500 USD rồi! Hay không bằng hên, là câu tui luôn luôn an ủi mình, và nhắc để mình cám ơn Chúa.
Gia đình tui đặt chân đến Mỹ ngày 23 tháng 3, 1982. Trước tiên là được Hội USCC (United States Catholic Charities) của giáo Hội Công Giáo ra tay giúp đỡ. Họ cho áo ấm, cho tiền mặt, để tạm sống trong khi chờ xin tiền trợ cấp của chính phủ. Họ cứ tính đầu người, bất kể lớn nhỏ, không phân biệt quốc tịch, không phân biệt người tỵ nạn đến từ quốc gia nào. Bác ái, thiện nguyện mà. Tất cả đều cho một cách vô điều kiện. Không những họ giúp người tỵ nạn, họ còn giúp cả những người dân nghèo bản xứ như huấn nghệ, tìm việc làm,… Tóm lại, nghèo, thân sơ thất sở, tứ cố vô thân, thì Giáo Hội đưa tay ra cho họ. Nhà thờ không có chỗ ngủ hay cơm chay như chùa, nhưng hội thiện nguyện thì khắp thế giới.
May một cái là họ cho tiền tính theo tháng. Chúng tôi qua cuối tháng, dù chỉ còn một tuần hết tháng, chúng tôi cũng được phát cho nguyên tháng đó cộng thêm một tháng sau. Gia đình hai vợ chồng ba con, lãnh hai tháng trợ cấp từ USCC, chúng tôi có gần $1000 USD. Một cái phao cứu người chết… trên cạn! Tính tới tính lui, trừ tiền đặt cọc mướn chung cư, dư ra trên dưới $500!
Tôi lơn tơn đi bộ tới Bưu Điện gởi thơ và hai gói quà đầu đời tỵ nạn, nhỏ xíu, cân không được quá 2 pounds mỗi gói (2 cái quần soie Pháp, mấy chai dầu gió xanh), cho gia đình hai bên, thì tình cờ gặp một ông anh nói tiếng Việt trước cửa Bưu Điện. Xa quê hương, gặp được người đồng hương trên vùng đất mới, còn gì vui bằng.
Hai đứa tui nói chuyện như đã thân từ đời ông cố luỹ nào. Anh ta là người Miên gốc Việt. Lớn lên ở Miên và chạy về đất mẹ sau vụ “cáp dùn” trước 75. Anh ta nói rành tiếng Việt, và tiếng Miên còn rành hơn, vì anh ta từng là trung uý của quân đội Miên. Biết luôn cả tiếng Pháp nữa! Tóm lại là ngon hơn tui mấy bậc!
Nói chuyện một hồi, anh ta khoe là mới mua được chiếc xe hơi. “Xe mới thêm chữ mua ở phía sau” chớ không phải “xe mới”! Anh ta chỉ qua trước tui vài tháng, cho nên dù có nằm mơ, giấc mơ dù đẹp cỡ nào, cũng dễ dầu gì thấy đuợc chiếc xe mới, là điều dễ hiểu!
Xong chuyện gởi thơ, gởi quà, anh ta có vẻ rất “kết” tui nên vọt miệng nói: “để anh chở em về nhà”. Dĩ nhiên tui mừng húm, chớ lội bộ mấy blocks đường, tính ra cả cây số, cũng mệt chết mồ tổ.
Đó là chiếc xe station wagon, Toyota, Corona (trùng tên bia Corona và nàng dịch Corona), đời một ngàn chín trăm sáu mươi mấy, cũng quên rồi. Tóm lại, là nó chỉ nhỏ hơn tui lúc đó năm bảy tuổi! Bị đụng, móp méo trầy trụa, được sơn phết rất vụng về. Anh ta nổ máy xe, thấy êm ru, không rung, không lắc giống mấy chiếc xe đò già khụ thiếu phụ tùng, chạy xăng pha dầu, sau ngày VC chiếm miền Nam. Tui Chưa từng đi xe hơi ở VN, cho nên cũng đâu có biết nó êm như Pegeot 404 của mấy người giàu trước 75 hay không. Đại khái thấy nó êm, mà giá vừa nghiến túi tiền. Tôi buột miệng hỏi nửa chơi nửa thiệt:
– Hay là anh bán chiếc xe này lại cho em đi! Anh qua lâu, biết mua xe ở đâu. Em mới qua có biết gì đâu.
Anh ta hơi bất ngờ, nên khựng lại suy nghĩ một giây, rồi gật đầu:
– OK! Để lại cho em y giá anh mua. Anh sẽ tìm chiếc khác. Mà em biết lái xe chưa, có bằng lái chưa mà đòi mua liền?
– Thì có xe rồi học mấy hồi anh.
Đó! Tui mua chiếc xe đầu đời dễ dàng như vậy, nhanh như vậy, và người bạn vừa quen cũng gật đầu dễ như vậy! Tôi hoàn toàn không biết chút gì về xe cộ, không biết giá cả thị trường. Chỉ thấy thích chiếc xe, thích anh chủ xe, tin tưởng anh ta, là mua.
Tôi không lầm anh ta. Anh ta bán vốn cho tôi là rất tử tế, vì anh ta đã lỗ tới hai lần. Lần đầu là tiền anh ta đăng bộ khi mua chiếc Corona này với DMV (Nha Lộ Vận), gồm tiền phí đăng bộ và tiền check smog (chứng nhận khí thải không vượt tiêu chuẩn qui định). Mỗi lần sang tên, đều phải trả tiền cho hai chi phí này. Lần thứ hai, là khi anh ta mua xe khác, lại phải đóng chi phí sang tên nữa. Hai lần, mất ít nhất $100 thời đó! Mua $500, bán cho tôi $500 là anh ta mất đi ít nhất $100 cho 2 lần đăng bộ! Lòng tốt đó tôi ghi sổ.
Sau này chúng tôi là bạn khá thân. Khi tôi mở tiệm Furniture, anh ta thất nghiệp, tui kéo anh ta về làm cho tiệm trong nhiều năm. Anh em vẫn vui vẻ. Lâu lâu hai đứa cũng ngồi nhắc lại cái lần gặp nhau ở Bưu Điện và chiếc xe Corona lịch sử.
Tính kể chuyện XE HẾT XĂNG DỌC ĐƯỜNG mà viết tràng giang đại hải, vẫn chưa thấy gì hết! Thì tào lao mà! Giờ viết nè.
Hôm đó tui lái chiếc Corona yêu dấu đi công chuyện. Nhìn đồng hồ bình xăng, thấy kim chỉ tới vạch đỏ! Định bụng chạy thêm chút nữa rồi về cây xăng gần nhà đổ. Đang bon bon ngon lành, tự nhiên tốc độ giảm nhanh, máy nổ xịch xịch xịch mấy cái rồi chết ngắc! Ráng bẻ tay lái tắp vô lề.
Trời! Đi đâu tìm ra cây xăng? Lấy cái giống gì đựng xăng đây?
Tui làm gan gõ cửa đại căn nhà gần đó. Một anh Mễ mở cửa. Tiếng Anh tiếng u của tui chỉ cỡ nửa lá mít, còn anh chàng ăn burrito kia chắc được một phần tư lá! Xí xa xí xồ, quơ tay quơ chân một hồi, anh ta cũng hiểu được xe tui hết xăng và cần bình để đựng xăng.
Anh ta lấy cho tui cái bình nhựa đựng sữa tươi một gallon. Tui vái tay, xá mấy cái cám ơn anh ta, vì đã ra tay nghĩa hiệp cứu người lỡ bước. Tôi bỏ xe đó, lội bộ giữa trời nắng hè thở ra khói. Không còn nhớ bao xa, nhưng tui nghĩ nó xa lắm, vì mồ hôi bà cố nội cũng sứt ra! Chuyến ngược lại còn khổ hơn vì tay còn xách thêm một gallon xăng. Lần nầy tới mồ hôi bà cố nội tổ cũng chảy láng hết! Mệt gấp trăm lần đạp xe về quê thăm vợ con!
Thời đó ngu ngơ, chớ bi giờ thì chỉ cần gọi hãng bảo hiểm là nó cho xe mang xăng tới cho mình. Không biết mấy hãng khác thì sao, chớ hãng AAA khi cần cứu nạn, như xe hết xăng, xe hết bình điện, xe hư, gọi một tiếng là nó tới liền. Cũng may lúc đó không gặp “thầy hai” đi tuần. Thầy hai mà thấy xách gallon xăng đựng trong cái bình sữa thì không yên thân đâu. Luật Mỹ qui định thùng chứa xăng rất chi ly: Metal, hay nhựa thì phải dày bao nhiêu, nắp đậy kiểu nào. Bình chứa nước hay chứa sữa mà đựng xăng thì ăn ticket là cái chắc vì nó không an toàn cho mình và cho người khác.
Sau trận đó, tôi thề không bao giờ chờ đồng hồ xăng xuống tới vạch đỏ. Chưa tới vạch đỏ là tôi lo đổ xăng rồi. Tôi còn tả oán tả khổ cho người trong nhà, nhứt là bà xã và mấy nàng công chúa: Chớ bao giờ để xe hết xăng dọc đường, nhứt là thân gái. Tệ hại hơn nữa là hết xăng trên freeway, hay lúc trời tối. Ngoài chuyện thân sơ thất sở kiếm xăng, cái an nguy tính mạng do tai nạn, cướp bóc, giết người, hiếp dâm,… mới là đáng sợ.
Kết luận rồi nghỉ.
* Viết cho đã đời, cũng chỉ là để kết luận một câu: “Nhân vô viễn lự tất hữu cận ưu”- không lo xa sẽ có buồn gần! Đó là câu mở đầu cho bài viết đầu tiên về dịch Corona, #chuyentaolao44, tui post ngày 1/2/2020, để cảnh báo bạn bè và người đọc chớ có coi thường nàng Corona. Lúc đó cả thế giới mới có 12,000 người bịnh và 260 chết. Đến hôm nay, ngày 24/3/2020, chưa đầy hai tháng, con số đã vọt lên đến hơn 400,000 ca và người chết cũng đạt con số gần 20,000 người rồi. Đó là tính con số báo cáo chính thức, chớ tính luôn các xứ thiên đường cái gì cũng giấu như mèo giấu cứt, thì con số chắc hàng triệu người chớ không phải chỉ 400K. Đó là tính con số người được thử, chớ nếu có đủ que thử nghiệm để thử cho tất cả mọi người nghi là bị nhiễm, thì con số vài chục triệu người không có gì khó tin đâu! Khủng khiếp!
* Nếu tất cả mọi người đừng coi thường nó, biết lo xa, biết nghe lời khuyên của giới hữu trách, thì đâu ra nông nổi này. Tởn chưa? Biết sợ chưa? Biết nghe cảnh báo chưa? Biết phục tùng lệnh cách ly chưa? Biết lo xa chưa?
* Tui cũng đã từng cảnh báo: Hà Nội và Sài Gòn, cứ cái đà “ngạo nghễ”, sẽ tới lúc phải bị phong toả như Vũ Hán và nhiều thành phố khác ở TQ. Nguy cơ ở đây là tính mạng, chớ không phải chỉ đổ mồ hôi mẹ, mồ hôi cha, mồ hôi bà nội, hay mồ hôi bà cố nội như cái lần tui lội bộ mua xăng giữa trưa hè đâu!
* Người khôn thì học từ những thất bại hay sai lầm của người khác. Người ngu thì tự học bằng những thất bại hay sai lầm của chính mình. Cái giá của tự học rất cao, có khi là chính mạng sống của mình!
* Thượng Đế có còn làm phép lạ không? #chuyentaolao45.
Không! Thượng Đế sẽ chẳng bao giờ làm phép lạ, nếu người ta cứ cầu nguyện xin Ngài làm phép lạ, rồi ngồi tréo ngoảy chờ, mà tuyệt nhiên không làm gì hết! Thử không đổ xăng rồi ngồi cầu cho xe đừng chết máy dọc đường, coi Thượng Đế có làm phép lạ giúp mình không cho biết! Thử không chịu phòng ngừa rồi xin Thượng Đế cho mình miễn nhiễm, coi Thượng Đế có nhận lời hay không? Tui là Thượng Đế, tui không những không làm phép lạ cứu họ, mà còn sai thiên lôi giáng cho mấy búa!
* Một lần chót: “Nhân vô viễn lự tất hữu cận ưu” – Không biết lo xa sẽ có buồn gần kế bên đít! Ráng nhớ.
Peter Chánh Trần