HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

Trại Tỵ Nạn Palawan 

Image may contain: sky, outdoor and nature

Mười năm trước ở Las Vegas tôi được mời phát biểu trong buổi họp mặt của Liên Trường Quảng Nam Đà Nẵng đánh dấu 35 Năm Hành Trình Tìm Tự Do. Bài phát biểu dài 7 phút theo đúng yêu cầu của ban tổ chức. Sau đó tôi có đăng video lên FB. Một số bạn trẻ hỏi xin bài viết nhưng tôi không có vì tôi chỉ ứng khẩu. Một bạn trẻ trong nước tự nguyện nghe và chép lại bài nói chuyện. Rất cảm ơn cháu.

Hôm qua, 29 tháng 4, tôi nhận được hai bức ảnh của một bạn FB gởi tặng. Người bạn trẻ bảo tôi đoán và dĩ nhiên tôi đoán trúng ngay, đó là trại tỵ nạn Palawan. Nhưng cũng từ bức ảnh, tôi lại nhớ về bài nói chuyện ở Las Vegas, trong đó tôi có nhắc đến phi đạo, bờ biển, nơi tôi hay đi dạo trong gần như mỗi buổi chiều trời không mưa. Dưới đây là ảnh trại tỵ nạn Palawan và bài nói chuyện Hành Trình Tìm Tự Do.
——————

Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây để đánh dấu một hành trình, một bước ngoặc, một mốc thời gian hết sức là quan trọng trong cuộc đời của mỗi chúng ta, 35 năm hành trình tìm tự do.

Ba mươi lăm năm là một thời gian rất dài, tuy nhiên tôi tin rằng tất cả chúng ta ngồi ở đây, những gì mà chúng ta đã sống, những gì chúng ta đã trải qua như bác sĩ Hào vừa nhắc dường như mới hôm qua.

Bên tai của chúng ta vẫn còn nghe tiếng sóng, bên tai của chúng ta vẫn còn nghe những tiếng la, tiếng thét, những tiếng cầu kinh, những tiếng niệm Phật đã vang lên trên biển Đông trong những ngày chúng ta còn lênh đênh trên biển cả.

Thưa quý vị, những hình ảnh đó, những ký ức đó, một ngày nào chúng ta còn trên cuộc đời này những ký ức đó sẽ không bao giờ phai nhạt.

Chúng ta sẽ già, chúng ta có thể quên rất nhiều thứ nhưng có điều chắc chắn chúng ta không quên đó là thời gian chúng ta bồng bềnh trên biển Đông.

Những kỷ niệm đó đã đóng băng trong ký ức của mỗi chúng ta và những tảng băng đó sẽ không bao giờ tan đi.

Tôi nhớ hình ảnh rất rõ của tôi, những ngày tôi còn ở Palawan. Cứ mỗi buổi chiều nhìn trên bản đồ là tôi thấy Palawan là thành phố gần nhất tới Đà Nẵng. Mỗi ngày tôi thường đi bộ ngang qua phi đạo và nhìn về phía chân trời lặn, tôi cảm thấy rằng đó là quê hương của tôi, đó là Sơn Chà nơi tôi sống, đó là Đà Nẵng nơi tôi nơi tôi đã lớn lên, đó là Hội An nơi tuổi thơ ấu của tôi đã gửi gắm vào đó. Thời gian rất dài nhưng ký ức sẽ không bào giờ phai nhạt.

Cộng đồng Việt Nam là cộng đồng hết sức đặc biệt bởi vì khi chúng ta ra đi, thú thật, khi ngồi trên ghe chúng ta không biết là chúng ta đi đâu cả, chỉ biết duy nhất là đi tìm tự do.

Những người Ý, người Ba Lan, người hành hương từ Anh và những người lập ra quốc gia này cũng vậy, họ đi là biết họ đi đâu. Khi họ giăng buồm ra khỏi Venice người ta biết là đi Mỹ. Những người ở các quốc gia khác đều biết hướng về nước Mỹ. Người Việt Nam, khi mà đứng trên biển Đông thật sự chúng ta không biết số phận của mình sẽ đi về đâu chứ đừng nói chi là chúng ta cập bến phương nào.

Ngày tôi rời Việt Nam là ngày 11 tháng 6 năm 1981, nếu lúc đó ai hỏi tôi rằng, tôi đi đâu thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đi tìm tự do và tự do đó ở bất cứ nơi nào trên thế giới này.

Và ngày 30/4 vừa qua, đài VOA có phỏng vấn tôi về ý nghĩa của hành trình 35 năm thì tôi có nói rằng, nếu ai hỏi tôi ngày nào tôi vào Việt Nam thì tôi trả lời giống như tôi trả lời những ngày tháng vừa qua, tôi đi bất cứ nơi nào nơi đó không phải là quê hương của tôi, bởi vì quê hương Việt Nam sau 1975 là quê hương để nhớ, để thương chứ không phải để sống.

Thưa quý vị, 35 năm cũng là một quảng đường dài bởi vì đã một nửa đời người rồi. Bảy mươi năm là một cuộc đời, 35 năm là một nửa cuộc đời, phải không quý vị.

Ngày đó, các em được sinh ra trên các thuyền tỵ nạn, các em sinh ra ở các trại tỵ nạn, các em sinh ra ngày đầu tiên trên đất nước Mỹ, bây giờ các em đó đã quá tuổi trưởng thành. Dù bất cứ tiêu chuẩn gì các em đã là 35 tuổi là tuổi đã bước vào đời. Nhưng bây giờ nhìn lại, 35 năm vừa qua là 35 năm đổi bằng bao sự hy sinh của cha mẹ.

Trên thế giới này một bà mẹ nào cũng thương con cả, không phải là mẹ Ý thương ít hơn bà mẹ Việt, không phải là người cha Ý thương ít hơn người cha Việt. Tuy nhiên tôi tin rằng, không có bà mẹ nào, không có ông cha nào chịu đựng nhiều hy sinh như ông cha Việt Nam và bà mẹ Việt Nam.

Bởi vì một bà mẹ Việt Nam, nếu nhìn lại cuộc đời của mình, mình thấy đời mẹ mình quá sức tội, nuôi chồng ở tù cộng sản, khi ra được thì tìm người để mà ra vượt biên để ra đi, và qua Mỹ cái tuổi của cha mẹ mình, không còn có thể trở lại trường, không còn thậm chí để học nghề nữa. Nhiều cha mẹ phải làm những việc với đồng lương tối thiểu để nuôi con ăn học thành tài. Họ không có tương lai, tương lai của họ gửi gắm trong những mái tóc đen của đứa con của mình và tương lai của họ là xây dựng tương lai của con cái của mình.

Và hôm nay những bác sĩ, những kỹ sư, những chuyên viên là những người trưởng thành bằng mồ hôi và nước mắt của cha mẹ mình.

Cha mẹ mình là gì, cha mẹ mình có nghĩa là hy sinh. Cha mẹ Việt Nam chỉ có thể định nghĩa bằng hai chữ hy sinh, ngoài ra tôi không tìm thấy bất cứ một ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết sự chịu đựng vất vả của bà mẹ Việt Nam, nỗi hy sinh của ông cha Việt nam.

Và thưa quý vị, cách hay nhất cha mẹ muốn không phải để một ngày nào đó chúng ta sẽ xây cho cha mẹ mình những căn nhà thật đẹp, những căn nhà thật sang, tôi không suy nghĩ như vậy. Không có sự hy sinh nào của một ông cha Quảng Nam, giống như ông bà chúng ta ngày trước, ban ngày phải đi dệt, mùa đông phải đi làm đủ nghề chỉ mong được con mình vào Sài Gòn kiếm vài ba chữ. Phải không?

Những đau thương đó, những chịu đựng đó không thể trả bằng một cái giá xây một căn nhà hay là mua một chiếc xe được. Những hy sinh đó chỉ có thể trả bằng một cách duy nhất là chúng ta gửi gắm lại những thế hệ tương lai.

Chúng ta hãy gieo những hạt mầm mà cha mẹ chúng ta đã hy vọng ở mình cho thế hệ tương lai. Rồi mai đây, con chúng ta, cháu chúng ta lớn lên nơi xứ người, hãnh diện rằng con của chúng tôi dù đến đây không được bao lâu nhưng đã trưởng thành và đã thành công, kế thừa được truyền thống của dân tộc chúng tôi. Tinh thần hiếu học của người Quảng Nam, tinh thần hiếu học của người Việt Nam vẫn sinh sôi, nảy nở trên đời và tiếp tục thành công.

Tôi nghi rằng cái ý nghĩa lớn nhất hành trình tự do là giữ lại những gì chúng ta đã có và phát huy để ngày một tốt đẹp hơn. Và đó là những điều mà tôi muốn chia sẻ và đóng góp với quý vị trong chương trình hôm nay. Xin cảm ơn quý vị.

Trần Trung Đạo