Giáo sư Phạm Cao Dương (2004)
Valentine Day – Ngày Tình Yêu mỗi năm là dịp để mọi người chia sẻ tình yêu cho nhau. Ở tuổi 70, tuổi thất thập cổ lai hy, là người học Sử Địa ở Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Saigon, tôi muốn viết về tình yêu mà tôi được đọc, được học trong Lịch Sử Việt Nam. Thật là mủi lòng, kính trọng khi học về Nữ Tướng Bùi Thị Xuân và Chồng là Thái Phó Trần Quang Diệu đã xả thân bảo vệ Nhà Tây Sơn, khi học về Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản tuẫn tiết sau khi phải dâng ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Những bài học về Lịch Sử Việt Nam ở trung học đã thấm sâu vào hồn tôi. Ước vọng của nhiều người cũng như của tôi là sẽ trở thành thày giáo, cô giáo dạy Sử Địa để gieo truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước Việt Nam.
Sau kỳ thi tuyển cả ngàn thí sinh mà chỉ có hơn ba chục người được tuyển chọn, tôi may mắn trở thành sinh viên khóa cuối của Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Saigon. Trong Ban Sử Điạ Đại Học Saigon chúng tôi phải học rất nhiều môn học ngoài các môn chính về Sử và Địa. Hai Giáo Sư cơ bản toàn thời gian của Ban Sử Địa là Giáo Sư Phạm Đình Tiếu và Giáo Sư Phạm Cao Dương. Giáo Sư Phạm Đình Tiếu, dạy Địa Lý cũng là Giáo Sư Phụ Tá Khoa Trưởng Đặc Trách Sinh Viên Vụ, Thày rất gần gũi với các sinh viên, năm 1992 Thày Phạm Đình Tiếu đã vĩnh viễn ra đi sau cơn bạo bịnh ở Paris, bên Pháp. Thày Lâm Thanh Liêm, Trưởng Ban Địa Lý Đại Học Văn Khoa, bạn đồng khóa Sử Địa I Đại Học Sư Phạm Saigon với Giáo Sư Phạm Đình Tiếu cũng ra đi vĩnh viễn bên Paris năm 2020. Bây giờ ba người bạn thân, đồng khóa Sử Địa I Đại Học Sư Phạm Saigon chỉ còn Giáo Sư Phạm Cao Dương, Sử Gia Phạm Cao Dương.
Sử Gia Phạm Cao Dương, Thày của chúng tôi ở Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Saigon với nụ cười rất tươi, giọng nói “đầy lửa” của Thày đã cho chúng tôi thắm thiết thêm tình yêu Lịch Sử Việt Nam, tình yêu quê hương đất nước Việt Nam… Dưới đây là một số tài liệu về các sinh hoạt của Thày Dương:
Phạm Cao Dương, Tiến Sĩ Sử Học, Đại Học Paris, Pháp, trước năm 1975 là giảng sư tại các Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa, Viện Đại Học Saigon, đồng thời cũng là giáo sư thỉnh giảng tại các Đại Học Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Đà Lạt, Cao Đài… Ngoài việc dạy học, Giáo Sư Phạm Cao Dương còn là Hội Viên của các Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, Hội Đồng Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học và Uỷ Ban Điển Chế Văn Tự của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Trong phạm vi khảo cứu, Giáo Sư là tác giả của nhiều sách lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh trong đó có các tác phẩm Vietnamese Peasants Under French Domination, do Trung Tâm Nam và Đông Nam Á, Đại Học Berkeley và University Press of America cùng ấn hành năm 1985 và nhiều sách hay tài liệu giáo khoa khác. Riêng cuốn Vietnamese Peasants Under French Domination đã được phổ biến ở nhiều thư viện trên thế giới và được nhiều học giả quốc tế đánh giá cao. Giáo Sư Dương cũng từng là cộng tác viên của Trung Tâm Nam và Đông Nam Á, Đại Học Berkeley, Hoa Kỳ và Trung Tâm Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học Pháp.
Sau năm 1975, Ông định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục hoạt động trong các ngành giáo dục và nghiên cứu. Ông đã từng giảng dạy về Lịch Sử, Văn Hóa và ngôn ngữ Việt Nam tại các Đại Học miền Nam California như UCLA, UCI, CSU Fullerton, CSU Long Beach. Từ khi tới định cư tại Hoa Kỳ Giáo Sư Phạm Cao Dương hoạt động không ngưng nghỉ trong trong cộng đồng Tị nạn Việt Nam, đặc biệt trong các lãnh vực văn hoá giáo dục. Ông đã tận tâm tận lực vận động thành lập các lớp chương trình giảng dạy về tiếng Việt, lịch sử và văn hóa Việt Nam trong các đại học miền nam California.
Năm 2001 Giáo Sư Phạm Cao Dương được Đại Học UCLA vinh danh trong buổi Dạ Tiệc “Millennium Legacies and Tributes 2001” cho những người đã có công đóng góp cho cộng đồng.
Ông cũng là người đã đưa sáng kiến và tận tâm tận lực vận động thành lập Văn Khố Đông Nam Á tại Đại Học UC Irvine.
30 năm Văn Khố Đông Nam Á UCI: Giữ gìn nhiều di sản người Việt tị nạn
Bà Anne Frank, sáng lập viên của văn khố, nói: “Công đầu phải nói là của ông Phạm Cao Dương. Ông ấy hối thúc tôi phải thành lập một nơi lưu giữ những tài liệu cần thiết về sự bỏ nước ra đi của người Việt Nam. Từ ý này, tôi nghĩ là nên sưu tập cho cả khu vực Đông Nam Á. Tôi không ngờ văn khố phát triển nhanh như vậy và được như hôm nay.
Xin mạn phép chép lại những lời của vị đồng môn – đàn anh Nhà Giáo Trần Thế Đức, ở Sydney bên Úc viết về Thày Phạm Cao Dương trên mạng Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Saigon bên Pháp do Thanh Hương một cựu sinh viên Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm thực hiện:
“Giáo sư Phạm Cao Dương là nhà nghiên cứu Sử, giáo sư Sử Học tại các viện đại học Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa và nhiều đại học miền Nam California, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sử và văn hóa có giá trị. Ông cũng viết nhiều sách giáo khoa về sử và văn hóa Việt Nam rất cần thiết cho bậc đại học.
Giáo sư Phạm Cao Dương là người hết lòng với đất nước, nhiệt tâm với các môn sinh. Trong nhiều bài nghiên cứu, ông gửi gắm tấm lòng của ông đối với đất nước, tới sự tồn vong của dân tộc Việt. Đối với các môn sinh, ông “truyền lửa” cho tuổi trẻ: gây dựng tình cảm thầy trò thân mật, khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ trẻ, nhắn nhủ thế hệ trẻ dấn thân cho đất nước. Truyền cảm hứng cho học trò như giáo sư Phạm Cao Dương đã thực hiện cũng là chủ trương của nhiều nhà giáo dục Tây phương. Nhiều thế hệ môn sinh của ông đã đi theo con đường do ông hướng dẫn và dành cho thầy lòng quý mến đặc biệt.”
Cũng xin mạn phép trích dẫn lại bình luận của Ban Biên Tập Đặc San Bắc Ninh Xuân Canh Tý 2020 về tác phẩm “Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại và Hiểm Họa Bắc Phương” của Thày Phạm Cao Dương:
“Tất cả những bài viết gom lại cho phần Hiểm Họa Bắc Phương để muốn nhắc nhở chúng ta về hiểm họa người Tàu. Nhưng không phải chỉ là chuyện thụ động nhắc nhở, tác giả còn đề ra một số dự án, công tác mà Người Việt Hải Ngoại nên làm để bảo vệ Cộng Đồng mình, Đất Nước Mình. Công tác đầu tiên khi vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa là trình bày, bảo tồn các tài liệu lịch sử về Biển Đông, chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam.
Một nhận xét rất độc đáo của tác giả về quan hệ giữa Việt Nam và Tàu là “ý thức coi mình ngang hàng với người Tàu của người Việt đã có từ rất sớm, ít ra từ thời Lý Thường Kiệt, và được khẳng định bởi Trần Bình Trọng…” Nhận xét này để nhắc nhở mọi người về ý nghĩ phổ biến của người Cộng Sản Việt Nam là luôn coi người Việt là đàn em của người Tàu. Cộng Đồng Hải Ngoại muốn chống hiểm họa từ phương bắc, trước hết phải chống lại niềm tự ti trên của những người Cộng Sản Việt Nam.
Trong tác phẩm, chúng ta cũng có cơ hội duyệt xét lại vấn đề biên giới Việt Nam và Trung Cộng qua các thời đại, cùng những nhận định của người Tàu về người Việt Nam, về đất nước Việt Nam.
Rất nhiều điều khác nữa Giáo Sư Phạm Cao Dương đề cập đến trong tác phẩm này chẳng hạn như về hai chữ “Văn Hiến” trong “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi. Cho nên đây là tác phẩm mỗi người chúng ta, dù ở lứa tuổi nào cũng đều nên đọc. Đọc rồi, thỉnh thoảng mở ra đọc lại, như một tự nhắc nhở về bổn phận mình đối với đất nước, đặc biệt đối với Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Tự nhắc nhở cũng là để được sống với niềm tin lạc quan về đất nước, về cộng đồng.
Và, cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn Giáo Sư Phạm Cao Dương về những nỗ lực của ông dành cho độc giả, tạo cơ hội cho độc giả ngẫm lại hai chữ “Việt Nam”, sáu chữ “Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại”, nhất là ý niệm “Siêu Quốc Gia Việt Nam”. Xin cảm tạ tấm lòng của một Nhà Sử Học, Một Nhà Giáo yêu đất nước và con người Việt Nam.”
Từ hơn nửa thế kỷ Giáo Sư Phạm Cao Dương viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh. Sau biến cố 30/4/1975 có hai tác phẩm có thể mua được trên Internet là “Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Bảo Đại-Trần Trọng Kim & Đế Quốc Việt Nam” và “Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại & Hiểm Họa Bắc Phương”. Riêng tác phẩm “Vietnamese Peasants Under French Domination” do Trung Tâm Nam và Đông Nam Á, Đại Học Berkeley và University Press of America cùng ấn hành năm 1985 đã được phổ biến ở nhiều thư viện trên thế giới, vì là sách khảo cứu nên số in rất giới hạn chỉ có thể mua lại sách cũ mà thôi.
Xin chép lại những lời rất thống thiết của Thày tôi, Giáo Sư, Sử Gia Phạm Cao Dương, viết về hai tác phẩm nói trên của Thày:
“Chính nhờ những sự trực tiếp hay gián tiếp khuyến khích của rất nhiều bậc tôn trưởng, quý thân hữu, quý độc giả, cựu sinh viên, học sinh cũ, và những người yêu quê hương đất nước Việt Nam mà trên đường đi tới tuổi 90, tôi đã có thể hoàn thành hai tác phẩm “Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, BẢO ĐẠI-TRẦN TRỌNG KIM và ĐẾ QUỐC VIỆT NAM” và “SIÊU QUỐC GIA VIỆT NAM TẠI HẢI NGOẠI và HIỂM HOẠ BẮC PHƯƠNG”.
ĐẾ QUỐC VIỆT NAM là quốc hiệu chính thức của nước Việt Nam trong những ngày đầu tiên độc lập sau một thời gian dài thuộc Pháp, trước Biến Cố 19/8/1945 – Việt Minh Cướp Chính Quyền, biến cố mở đầu cho khúc quanh lớn của lịch sử, khúc quanh đã đưa Việt Nam vào những cơn lốc kinh hoàng, đầy đau thương của Thế Kỷ 20. Nếu không có biến cố 19/8/1945 này, Việt Nam đã có độc lập, thống nhất, dân chủ và tự do ngay từ năm 1945, trước ngày 19/8/1945 này rồi. Đây cũng là thời của Hoàng Đế Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của Triều Đại Nhà Nguyễn và cũng là cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam. Mặt khác đây cũng là thời của nội các của nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim, một trí thức được rất đông người trong nước từ Bắc chí Nam biết tiếng và yêu mến qua tác phẩm Việt Nam Sử Lược, cuốn sử gối đầu giường của nhiều thế hệ người Việt rất lâu về sau này, đồng thời cũng là nội các của những người có học nổi tiếng trong nước đương thời.
Đây là một trong những trang sử đẹp của dân tộc Việt Nam, với những người đẹp, việc đẹp và ước nguyện đẹp, tác giả xin được trang trọng gửi tới các Bạn Trẻ Việt Nam bây giờ, sau này và mãi mãi.”
Trích Lời Cảm Tạ Cuối Sách “SIÊU QUỐC GIA VIỆT NAM TẠI HẢI NGOẠI và HIỂM HOẠ BẮC PHƯƠNG” của tác giả:
“Vượt qua được hiểm họa Bắc Phương lần này, nòi giống ta sẽ có thể tiếp tục đứng vững và thênh thang bước sang Thiên Niên Kỷ mới, Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, “như một dân tộc lớn” ngang hàng với các dân tộc lớn khác, với những ý nghĩa trong sáng, cao đẹp của từ ngữ này, không còn là nhược tiểu như xưa nữa, để con người một khi đã sinh ra là được sống trọn vẹn kiếp người trong hạnh phúc, không còn cảnh trẻ sơ sinh bị chết khát ngoài biển khơi trước sự bất lực, đau đớn của cha mẹ, để tuổi trẻ được sống với đầy đủ ông bà, cha mẹ, anh chị em và được đến trường trong sự che chở, dạy bảo của thày cô, để thanh niên không bị ném vào lò lửa chiến tranh, để người già được con cháu thương yêu chăm sóc, thay vì bảy tám mươi còn phải ra đồng cày ruộng, bên cạnh những nghĩa trang trắng xóa bia liệt sĩ trong đó có mộ bia con mình. Ước vọng không có gì to lớn, mới mẻ, vì từ lâu, một hiền triết Á Đông, nếu tác giả không lầm, Khổng Tử, đã phát biểu na ná như vậy, khi ông được hỏi về ý nguyện của mình. Đó là “Lão giả an chi, thiếu giả hoài chi, bằng hữu tín chi”. Tác giả xin lặp lại ở đây coi như một chút “gói ghém trước khi về cõi” của một cá nhân nhỏ bé trước sự tồn vong của cả một dân tộc gửi tới mọi người.”
Xin trân trọng chép lại nhận định của Nhà Giáo Nguyễn Đôn Phong, Canada, người bạn thân đồng lớp với Thày Phạm Cao Dương, Sử Địa I Ban Sử Điạ Đại Học Sư Phạm Saigon về “SIÊU QUỐC GIA VIỆT NAM và HIỂM HOẠ BẮC PHƯƠNG”, tác phẩm mới của Giáo Sư Phạm Cao Dương:
“Khởi đầu từ 30/4/1975 dân tộc Việt Nam ở miền nam của vĩ tuyến 17 mở ra một phong trào, kéo dài trong nhiều năm, chạy trốn đạo quân xâm lược của Cộng Sản Hà Nội. Biến cố này hé lộ ra sự hình thành nét đầu tiên của một Cộng Đồng Người Việt mà về sau Giáo Sư Phạm Cao Dương đặt tên là Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại và chính Giáo sư đã đóng góp một phần rất xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa.
Sau cuốn Đế Quốc Việt Nam phát hành năm 2017 thì hai năm sau Giáo Sư Phạm Cao Dương lại cho ra mắt độc giả cuốn sách mới dưới dạng tuyển tập với tên gọi là Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại và Hiểm Họa Bắc Phương.
Nếu Đế Quốc Việt Nam là cuốn sách thuần sử thì cuốn Siêu Quốc Gia Việt Nam lại trải ra đầy ắp tình người của tác giả, tình yêu tổ quốc, tình yêu dân tộc, tình yêu quê hương, gây rất nhiều xúc động cho độc giả, giúp cho các thế hệ trẻ ý thức được khả năng trí tuệ tiềm tàng trong khối óc của dân tộc.
Nếu Đế Quốc Việt Nam đóng khung trong một thời gian mấy tháng thì Siêu Quốc Gia Việt Nam lại mở rộng viễn ảnh tương lai cho cộng đồng dân tộc ở Hải Ngoại. Những chi tiết trong nhiều lĩnh vực tiết lộ cho người đọc hiểu tác giả có một trí nhớ sâu sắc và lâu dài. Tất cả những điều này nâng giá trị cuốn sách lên một tầm cao nữa, rất quí để làm giàu thêm các ngăn sách trên đầu giường của con dân đất Việt nào còn nặng lòng với Quốc Gia Dân Tộc.”
Dưới đây là lời giới thiệu của đồng môn – đàn anh, Nhiếp Ảnh Gia Vũ Công Hiển, giới thiệu hai tác phẩm nói trên của Thày Phạm Cao Dương:
“Xin trân trọng giới thiệu với quý thân hữu hai tác phẩm của Giáo sư Phạm Cao Dương vừa được tái bản, “Siêu Quốc Gia Việt Nam” và “Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam”. Đã qua tuổi bát tuần, có lẽ đây sẽ là những tác phẩm sau cùng mà Giáo sư cống hiến cho đời, cho đất nước, cho giới trẻ. Xin mời quý thân hữu nhiệt tình ủng hộ. (Giáo sư Phạm Cao Dương là vị Thầy đầu tiên tôi gặp khi bước chân vào ĐHSP Sài Gòn năm 1964 tại lớp Cổ Sử Tây phương).
1. Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại và Hiểm Họa Bắc Phương
Mạng Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Saigon:
Tìm mua trên mạng LULU: sách dầy 539 trang, giá bán 25 dollars:
https://www.lulu.com/shop/duong-cao-pham/sieu-quoc-gia-viet-nam/paperback/product-24308078.html
2. Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam”
Tìm mua trên mạng Amazon: Sách dầy 828 trang, giá bán 25 dollars:
https://www.amazon.com/Truoc-Khi-Bao-Lut-Tran/dp/0692948708/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1547794970&sr=8-1&keywords=truoc+khi+Bao+lut+Tran+toi+%2C+Bao+Dai+tran+trong+kim
https://daihocsuphamsaigon.org/index.php/gioithieu/1642-gsphamcaoduongvahaitacpham
Để kết luận xin mượn lời của Nhà Văn Thu Hương, Seattle, viết về Thày Phạm Cao Dương:
“Trong tâm hồn trò Thầy thì Thầy Dương bao giờ cũng trẻ, trong tư tưởng trong sắc thái và Thầy luôn luôn là một ngọn đuốc của vị Thầy đúng nghĩa. Thầy là cây cổ thụ của trò, tàn lá xum xuê cho bóng mát cho thế hệ chúng em. Thầy Dương luôn là niềm hãnh diện rằng lòng yêu mến của Thầy cho trò và nhất là cho Quê hưong Việt với những bài viết sắc bén, một kho tàng tri thức mà ít người dùng thời giờ tâm huyết một đời như Thầy.”
– Phạm Bích Lan
(Đại Học Sư Phạm Saigon, Ban Sử Địa, Khoá 15, 1972)