GIA ĐÌNH THỂ DỤC KHÍ CÔNG HOÀNG HẠC: TIỆC TÂN NIÊN ẤT TỴ 2025 & MỪNG SINH NHẬT THỨ 19 NĂM THÀNH LẬP

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
“Bác Sĩ PHẠM GIA CỔN người sáng lập môn thể dục KHÍ CÔNG HOÀNG HẠC nguyên là giảng sư tại Đại học UCLA, California, chuyên ngành Anesthesiology, Critical care medicine, Pain Medicine, chưởng môn thừa kế Việt Nam Thất Sơn Thiếu Lâm; Cửu Đẳng Hapkido; Bát Đẳng Taekwondo. Ngoài ra, ông còn là một ca-nhạc sỹ, sử dụng Saxophone, Trumpet, và Clarinet. Trong tinh thần Y-Võ-Nhạc, ông đã khai sáng môn thể dục khí công này là để phục vụ sức khỏe con người trên ba phương diện: tinh thần, thể chất và xã hội.
Theo Bác Sỹ Dương Xuân Huyên, phụ giảng thì: Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc thể hiện những động tác của đôi cánh tay thật nhu nhuyễn, khoan thai, liên tục và nhịp nhàng với những chuyển động đơn giản và thanh thoát của đôi chân hòa nhịp với hơi thở tự nhiên, “tâm ý-hô hấp-cử động” hợp nhất, “mỏi mà không mệt”, nên thích hợp với mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, nhất là với người lớn tuổi.
Cũng theo Bác Sỹ Huyên, Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là phương pháp đơn giản, tái lập và củng cố sự quân bình âm dương trong cơ thể, mang lại cho người tập một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, khiến gia tăng niềm an lạc, hoàn chỉnh nhân cách và một đời sống tốt đẹp hơn.
NGUYÊN TẮC CĂN BẢN
Khí Công Hoàng Hạc, theo tinh thần vị sáng lập mô phỏng hình ảnh, và nếp sống của một loài chim quí là hoàng hạc. Hạc là loài chim có thể sống đến 30 năm, một thời gian tương đối thọ nếu so với con người. Chúng có lối sống hợp đoàn, thanh thản, nhanh nhẹn. Với kiến thức và sự phối hợp nhiều môn võ, dựa vào những quan sát loài hạc, Bác sỹ Chưởng Môn đã rút tỉa và áp dụng với tình trạng sức khỏe con người trong tinh thần y học. Cũng do thấm nhuần tinh thần nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của võ đạo, ông đã mang những tinh túy này cùng với lòng thao thức chuyên tập: “quả dục, thanh tâm, tinh nghiên, chuyên luyện” vào những thế tập và tinh thần của Hoàng Hạc.
Khí Công Hoàng Hạc dựa trên 4 nguyên tắc căn bản: Bấm, Vòng, Vươn, Buông. Bạn có thể tưởng tượng những động tác này khi nhìn đôi hạc trên nền trời xanh vào một buổi chiều hoàng hôn. Hãy nghe tiếng hát Thái Thanh để ru hồn bạn vào khoảnh khắc thiên nhiên đầy lãng mạn này: “Trời cao xanh ngắt ô kìa. Hai con hạc trắng bay về bồng lai”. Trên nền trời xanh thẳm với lối xải cánh nhịp nhàng, cũng như khi chúng hạ cánh bám vào một cành cây, hoặc khi chúng vỗ cánh tung bay. Người tập Khí Công Hoàng Hạc cũng dùng 10 ngón chân bấm trụ trên sàn nhà, dùng đôi bàn tay xoa nhẹ vào không khí, vươn đôi tay như đôi cánh, hít thở bầu không khí trong lành, và buông xả một cách nhẹ nhàng như cú đáp nhẹ.
Tóm lại, theo vị chưởng môn, bấm, vòng, vươn và buông “áp dụng vào những thế tập sẽ giúp cho con người được năng lượng khá hơn, làm cho bắp thịt săn chắc, giúp giảm bớt đau nhức, và cũng không mang lại sự nguy hiểm khi tập luyện, mà còn giúp cho tinh thần của người tập được thanh thản, sảng khoái, điềm tĩnh, vui vẻ và yêu đời hơn.”
Ngoài ra, những động tác bấm, vòng, vươn, buông khi thực tập được dựa trên nguyên tắc Tam Hợp: Tâm – Thân -Thở (Ý/Tâm – Thân Pháp – Hơi Thở). Tại sao lại là Tâm, Thân, Thở?
Đó là vì Khí Công Hoàng Hạc luôn chú tâm đến cái tâm an bình, sự uyển chuyển nhịp nhàng của toàn thân, và làn hơi thở nhẹ nhàng kết tụ tinh khí của đất trời. Đây cũng là ứng dụng của nguyên tắc Y học Đông Phương khi nói đến ba vị trí của đan điền, và cách tích tụ, di chuyển khí huyết trong nội tạng”
(Theo Trần Mỹ Duyệt/Viêt Báo)