Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, hai mắt Châu vẫn mở thao láo. Căn nguyên của sự mất ngủ này dĩ nhiên đến từ cốc cà phê ban chiều, nể lời bạn mà uống. Không ngờ sự đời nhiều khi thật tréo ngoe :Cà phê ngon bao nhiêu thì giấc ngủ trằn trọc , phiền muộn bấy nhiêu.
Nghiêng người vào tường, anh cố dụ dỗ cái ngủ trở về nhưng càng dỗ càng bất lực, câu chuyện với mẹ cứ hiện lên rõ mồn một trong óc.
…Mẹ anh, một cán bộ thương nghiệp về hưu từ hơn chục năm nay với số lương còm cõi 4,4 triệu vnd một tháng, bố anh cũng vậỵ, cả đời vất vả , chắt chiu từng đồng lo cưới vợ, gả chồng cho ba đứa con, nay hai đứa em anh đã ra ở riêng , tưởng có lương hưu đàng hoàng thì ông bà có thể săn sóc nhau trong vô tư, thanh thản được. Ai ngờ cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả ràng buộc quá, mỗi lần ốm đau là mỗi lần số tiền dành giụm đội nón ra đi, lại phải lệ thuộc vào con cái, mà con cái tuy rằng có nghề nghiệp chỗ đứng đàng hoàng nhưng nào có dư dả gì, chả thế mỗi lần đưa vợ vào bệnh viện, là mỗi lần ông than: “Cuộc sống thực dụng, khó khăn quá.. Kẻ sĩ lăn lộn tìm kiếm cái cao siêu thì được nhận một đời sống nghèo nàn, đạm bạc. Tiền bạc chứ có phải vỏ hến đâu mà cứ phải liên tục ném tiền qua cửa sổ… bệnh viện như thế này? Cứ chớm bước chân vào cửa bệnh viện là tiền triệu như bỡn, rồi tiêm, rồi chích, rồi thử máu…trăm thứ bà rằn, mỗi lần thử là một lần hối lộ lót tay để mua sức khỏe, mạng sống qua tay bọn “ lương y “kiêm hà bá, thầy thuốc kiêm mẹ mìn” thời nay…Cho dù phận hưu trí nghèo, cố nhẫn nại chịu đựng và chủ trương cắn răng nhẫn nhục vẫn không thể bỏ qua cái thủ tục đầu tiên, tiền đâu được. Vì thế mỗi lần ra khỏi cửa bệnh viện là hết một góc lương hưu của cả ông bà rồi , phải ngửa tay nhận tiền tài trợ của con mãi cũng ngượng… Cũng may lần này từ bệnh viện về, mẹ anh có vẻ lấy lại sức vóc, tuy vẫn hay bần thần nghĩ ngợi nhưng mặt đã bớt đi vẻ u oải, da không còn xanh rớt như tàu lá và những đường gân chằng chịt như những đám cây dại không còn nổi lên nữa. Trên 65 tuổi đầu , má đã trũng, mép bắt đầu xuất hiện nếp nhăn nhưng vẫn cố sức chống gậy ra công viên tập thể dục hoặc loạng choạng tập lại xe đạp hòng lấy lại sức khỏe như đám bạn già khác. Rất có thể nhờ những vị thuốc bắc sực nức trong nhà, dù vừa uống vừa than nồng, than đắng, nhiều hôm nước mắt nước mũi trào trạt cả ra ngoài, vẫn cố …
Tối nay vừa buông bát thuốc, cảm thấy tỉnh táo trong người, bà lại ngồi sẵn bên bàn nán đợi anh về để bàn chuyện tương lai của cháu nội, tức cái Thư , con gái anh.
-Châu này. Chuyện của con Thư với thằng Tú, con thấy thế nào?
-Kìa mẹ, anh bật ngửa, tưởng mẹ anh vẫn còn vướng vất sau sơn mê sảng vì bệnh tật, phải nằm nhiều…Sau ánh mắt thăm dò sắc mặt, tâm trạng, điệu bộ của mẹ, Anh rành rẽ đáp:
-Ngày xưa, mẹ cấm con không được chơi với cái Hoa nhà bác Lành hàng xóm cơ mà, sao bây giờ mẹ lại quan tâm tới thằng Tú, cháu ngoại bác ấy.
-Cha bố anh, mẹ anh gắt khẽ, chứng tỏ câu chuyện không hề đơn giản- Là tôi thấy hai đứa chúng nó quấn quýt với nhau nên muốn vun vào chứ sao
Ôi chao, anh tưởng mình nghe nhầm:
-Gia đình bác ấy là ngụy quân ngụy quyền cơ mà. Chồng thì đi cải tạo, con trai thì vượt biển, cái Hoa thì vì mẹ con mình mà bị ghi lý lịch, cấm thi đại học, cho dù bây giờ thằng Tú , con cái Hoa có du học ở Mỹ và rất quý cái Thư nhà mình đi chăng nữa, nhưng quan hệ giữa hai nhà đã như bát nước đổ đi rồi, làm sao vớt lại được?
Ôm bộ ngực gầy gò, mẹ anh gắt:
– Mày ngốc lắm. Ngày xưa khác , bây giờ khác, hồi ấy tao với bố mày là cán bộ phường, là đảng viên đảng cộng sản, phải giữ lý lịch trong sạch nên không muốn mày dây dưa với đám con cái thuộc chế độ cũ con ạ.
Vẫn chưa hiểu câu chuyện của mẹ sẽ đi đến đâu, anh im lặng ngồi nghe mẹ bộc bạch nỗi niềm tâm trạng, rồi cau mặt chất vấn:
– Con nhớ hồi mới chuyển từ ngoài Bắc vào, cả lớp có 49 đứa, khi cô chủ nhiệm hỏi “trong lớp ta trò nào là con cái gia đình cách mạng thì giơ tay”. Cả lớp có mỗi ba đứa bọn con rụt rè đưa tay lên làm con thấy ngại quá , về kể lại với mẹ thì mẹ bảo: “ Việc gì phải ngại, bố mẹ từ ngoài Bắc vào tiếp quản Sài Gòn của ngụy quân ngụy quyền để lại, phải tự hào chứ ? Vì thế ngoài ba đứa cùng thành phần cách mạng con có chơi với 46 đứa còn lại đâu . Giờ đứa nào cũng có vợ có chồng, con cái lớn tướng rồi mẹ lại xui đám cháu nội ngoại của mẹ lấy con cái của tụi bạn ngụy quân ngụy quyền một thời của con, ngượng chết đi được.
Coi anh như đứa trẻ chưa trưởng thành, lý lẽ chưa hiểu, phải trái chưa phân. Mẹ ngọt ngào dỗ dành:
– Thời thế khác rồi con ạ, bố mẹ về hưu từ lâu rồi, nhà cửa có gì đâu, còn họ nhờ có con liều chết đi vượt biển qua Mỹ gửi tiền về đều đặn , nên ăn sung mặc sướng, nhà cửa rộng rãi khang trang, con cháu du học nước ngoài …
Buộc phải nhớ về quá vãng, Anh nhăn nhó phản đối:
– Nhưng ngày trước mỗi lần bác Lành khoe anh Hải gửi tiền ở Mỹ về mẹ lại rủa “chẳng qua là tiền đế quốc” rồi khi anh ấy từ Hải Ngoại về, gia đình tổ chức ăn uống linh đình, mời cả họ hàng phố xá đến, mẹ lại rủa:
-“ Đồ liếm gót giày của Đế Quốc Mỹ, hưởng bơ thừa sữa cặn mà tưởng là oai lắm”.
Rồi :
– “Chờ xem bọn tư bản chúng nó giẫy chết như thế nào, lúc ấy còn vênh cái mặt mo lên được không? “
Mẹ nở nụ cười gượng gạo, đắng đót:
– Thì tao bị ảnh hưởng của bố chúng mày chứ sao. Ông ấy là cán bộ phường, lúc nào cũng oai khăn, oai áo chứ đâu có như bây giờ, về hưu là bị hắt ra lề cuộc sống, nhà chỉ còn cái xác nhà không, mỗi lần đưa vợ vào bệnh viện lại kêu “oai oái như củ khoái xin tương”, rồi than không có tiền cho đám cháu nội cháu ngoại đóng học phí , không có cả tiền để mua vé đi câu cá thư giãn nữa…Ông ấy còn lôi cả câu thành ngữ của thời đại ra nữa. Nào:
Tiền là tiên là phật
là sức bật của lò xo
là thước đo của lòng người
là tiếng cười của tuổi trẻ
là sức khỏe của tuổi già
là cái đà danh vọng
là cái lọng che thân
là cán cân công lý .
Rồi:
Tiền thật là hết ý …
Vẫn biết mẹ anh bị cuộc đời dồn ép, sau mỗi lần đau ốm, va chạm với xã hội, bệnh viện là một lần cọ sát cuộc đời hơn, hiểu ra nhiều chân lý ở đời – mà trước đó chỉ là sự vô lý, nhưng cái định kiến bất hoà giữa hai gia đình vốn đã rất sâu nặng, rồi, làm sao có thể cứu lại được?.
Nếu chỉ bình thường như những đám bạn cùng trường khác, theo thời gian và thời cuộc anh có thể xuề xòa cho qua, nhưng kỷ niệm như cái đinh nhọn xoáy sâu vào tim óc làm sao rút ra được? Ngày xưa anh nhớ, có lần cãi nhau với Hoa, bị cả đám bạn của Hoa gọi là “ Con của một lũ cán ngố”, “Một lũ Khỉ rừng vượt Trường Sơn”, anh chửi ngoa lắm: Nào :” Đồ ngụy quân ngụy quyền, ngụy diên ngụy diện*. Nào” bám đít đế quốc, không biết sợ, không biết nhục mà còn rống lên như thể oan ức lắm”… Vốn đanh đá, Hoa tức khí lấy luôn đôi guốc cao gót đánh thẳng vào mặt anh, giờ vẫn còn vài vết sẹo nhỏ li ti. Lần ấy, má Hoa phải đến nhà anh quỳ lạy như tế sao, coi như “con dại cái mang”, vậy mà mẹ anh vẫn lôi bác ấy lên phường để công an xử lý, ngoài việc bắt Hoa phải chuyển trường còn yêu cầu cô chủ nhiệm ghi vào lý lịch đoàn để sau này Hoa không được bén chân vào bất cứ cửa trường Đại học nào, dù chỉ là đại học Nông Lâm…Đến bác Đàng- ba Hoa đang đi học tập cải tạo cũng bị dọa sẽ ở tù mút mùa vì có con trai vượt biên, con gái có hành động “côn đồ”, dùng hung khí “nguy hiểm” đánh trọng thương con lãnh đạo phường … Bao nhiêu lần họp lớp nhân kỷ niệm 10 năm, 20 năm v.v. gặp Hoa, anh chủ động làm lành, chỉ nhìn thấy trong mắt Hoa một sự ghẻ lạnh, trống vắng… Lần thì phảng phất như từ một hồi ức cũ hiện rạ. Lần thì rõ nét như chứng tích của cuộc va chạm nảy lửa ngày xưa hiện về. Anh biết là Hoa vẫn chứa chất giận hờn, vì vậy anh luôn dự cảm được tình cảnh bi đát trong mối quan hệ giữa hai nhà. Bây giờ không biết ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào, thằng Tú, con trai Hoa lại là bạn thân của con gái anh, dẫu không học cùng trường cùng lớp như anh với Hoa, nhưng qua các dịp sinh nhật, lễ hội, hai đứa lại có dịp làm quen để rồi có thiện cảm với nhau.
Là con đầu cháu sớm, nên Thư- con gái anh được ông bà nâng niu, dạy dỗ từ ngày mới lọt lòng.Tuy bé, nhưng vốn là đứa trẻ nhạy cảm tinh tế, nó đã cảm nhận được tình âu yếm từ lời ru, tiếng nói của từng người trong nhà, đặc biệt là bà nội. Vốn dạt dào tình thương con cháu và đức hy sinh như kinh nghiệm tổ tiên truyền lại: “Nhất con nhì cháu, thứ sáu người dung”. Hoặc; “Một bà, một cháu ngã sáu người dưng”, bà sớm nhận ra Thư , ngoài tư chất thông minh còn sở hữu nhan sắc hơn người, và bà luôn tự hào đó là của gia bảo, là vốn di truyền mà không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được, vì thế khi thấy Tú – con trai Hoa tỏ ra quý mến Thư thì bà thay đổi hoàn toàn tâm trạng, thái độ, nhất nhất vun vào cho hai đứa, dù cả hai còn trẻ và tình cảm vẫn còn mơ hồ, trong trắng chứ chưa thành một đường viền rõ nét, da diết, luyến nhớ như những cặp tình nhân khác.
Chuông đồng hồ lại điểm thêm một tiếng, nằm mãi mỏi người, khát nước, anh lặng lẽ ngồi dạy ra bàn rót nước, và câu chuyện lại lượn lờ trong óc:
Hồi ấy , cũng vì nghe lời mẹ mà suốt cả quãng thời gian đi học và đi làm anh đều né tránh chúng- những đứa bạn không cùng thành phần, giai cấp, lại thêm sự kỳ thị giữa kẻ Bắc, người Nam …đặc biệt là Hoa- kẻ đã có hành động “côn đồ”, dùng vũ khí “nguy hiểm” là hai chiếc guốc liên tiếp ném vào mặt anh gây chảy máu… Bây giờ mà làm thông gia với nhau nghe kỳ quá.
Bên tai anh vẫn văng vẳng những lời trần tình, năn nỉ, ỉ ôi của mẹ:
– Thì ai mà biết được thời thế lại quay ngược 180 độ như thế này? Cái Hoa con bà Lành ấy, một thời phải bỏ học, lê la buôn bán đầu đường xó chợ, thế mà chỉ một thời gian sau, nhờ có anh là Việt Kiều gửi tiền về, sang tên cả một sạp vải trong chợ, rồi cứ thế phất lên thành cửa hiệu thời trang, vừa bán hàng vừa mở thêm dịch vụ trang điểm cô dâu và cho thuê áo cưới. Bây giờ nhà to nhất phố, có xe tiền tỷ để đi, con trai lại sang ở nhà bác đi học, một năm về nước 2 lần…con gái mày mà lấy được con trai của nó thì phúc 70 đời đấy con ạ.
“Đã đành là thế , anh đâu dám phủ nhận những gì mẹ nói, mà con gái anh cũng quý mến thằng Tú con của Hoa thật. Lần nào thằng Tú từ Mỹ về nghỉ hè, nghỉ tết , cũng có quà cho Thư, hai đứa lại rủ nhau đi chơi cùng cả hội bạn bè, nhưng nghĩ đến cảnh phải làm thông gia với Hoa, anh thấy ngại chết đi được.
…Bát thuốc bắc đặc sánh nóng hổi lại được thằng út nhà anh bê ra mời bà uống, biết rõ những suy nghĩ giằng xé quyết liệt trong đầu anh, mẹ gàn quải:
-Thôi thôi con ạ. Ngần này tuổi đầu mẹ biết thế nào là chủ nghĩa xã hội rồi, chỉ giỏi tuyên truyền ,cướp cạn thôi chứ thành phần ngụy quân Ngụy quyền có thân nhân ở nước ngoài chiếm 40% cả thành phố Sài Gòn này mới là cốt cán, căn bản đấy con ạ. Hơn nữa mẹ thấy thằng Tú cũng tốt, mấy lần đến nhà mình vẫn cứ cư xử đàng hoàng lễ phép, lần nào cũng khoanh tay “Con chào bà, Con chảo Nội” không những quý con Thư mà quý cả nhà mình nữa, Không như mấy thằng công tử bột trong xã hội cộng sản bây giờ. Giàu thì hợm, mà nghèo thì hèn … chỉ cần vào được nhà ấy thôi , dẫu thằng Tú học xong ở lại Mỹ với bác cả hay ông bà ngoại, hoặc về lại Việt Nam sinh sống cùng mẹ, cũng sướng cả đời con ạ.
Một ý nghĩa vụt hiện trong óc, anh ngần ngại giãi bày:
– Mẹ làm con khó xử quá, thật tình con định nhận lời với cậu Luận cùng cơ quan, cho thằng Hiếu con nó yêu cái Thư nhà mình đấy, nhất cự ly, nhì cường độ mẹ à.
– Giời ạ! Lấy con thằng tốt hỉn, trên răng, dưới dép đấy thì bốc đất mà ăn à?
– Mẹ! Anh yếu ớt phản đối: – Mọi việc bây giờ chỉ phụ thuộc vào cái Thư thôi, thằng kia cũng tốt nghiệp đại học mà, Hơn 5,7 tuổi nên cũng chững chạc hơn.
– Nhưng thất nghiệp có đúng không? Mẹ anh vằn mắt hỏi: -Thời đại này học để làm gì chứ? Cứ kéo nhau ra nước ngoài kiếm thẻ xanh, thẻ vàng mà sống chứ thẻ đỏ ở nước mặt trời lặn này thì cả đời không ngẩng mặt lên được đâu con ạ.
– Kìa mẹ, Tiền bạc đâu có mua được hạnh phúc. Anh bào chữa.
– Nhưng nếu không có tiền cũng không thể làm nên hạnh phúc…Mẹ anh khẳng định chắc như đinh đóng cột: – Mẹ là dân Thương nghiệp, mẹ biết rõ điều đó, bởi nó chính là hai mặt của một vấn đề”…Với lại…Ngừng lại giây lát như ngăn cơn xúc động trong lồng ngực trào dâng, mẹ tiếp tục bằng chất giọng hùng hồn, thuyết phục hơn… Anh thử nghĩ đi, lương kỹ sư ba đồng, ba cọc của anh với thằng Luận có để nổi chục tỷ mua nhà cho con Thư với thằng Hiếu không ,hay suốt đời chui rúc trong “vương quốc nhà trọ” ở thành phố này? Mỗi tháng trả tiền điện, tiền nước lại lên cơn co giật như người bị động kinh, lúc ấy hỏi có còn cơm lành, canh ngọt được không?
Nhìn bát thuốc đã cạn, trời cũng đã khuya, anh bần thần thoái thác:
– Thôi được, để con bảo vợ con khuyên nó
– Khuyên khuyên cái gì? Cứ đan lồng cho thằng Tú bay vào rồi đóng sập cửa lồng lại là xong , tha hồ huởng thụ.
– Mẹ, Không tin vào tai mình, anh oằn người hét lên: – ý mẹ là…để cái Thư làm mồi nhử ?
– Chứ còn gì nữa? Thử hỏi cả dãy phố này có nhà nào còn được hưởng “của gia bảo”, xinh đẹp như nó?
Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn.. Với một người có học vấn và giầu lòng tự trọng như anh, luôn coi việc phải giữ gìn các mối quan hệ cho đúng phép tắc là điều quan trọng hàng đầụ vì thế cuộc nói chuyện sớm rơi vào bế tắc. Trước khi bỏ vào phòng , anh hằn gắt:
-Thôi thôi con chịu thôi, chẳng có phép lạ nào có thể thay đổi được sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa hai gia đình … Nó giống như một bát nước đã đổ xuống đất rồị …mẹ đừng mong đầy lại nữa
Sau lưng anh lời nói gay gắt của mẹ vẫn như mũi tên lao thẳng vào lục phủ ngũ tạng:
– Mày muốn làm gì thì làm , nhưng đừng bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này đấy, tao với bố mày cũng già rồi, chỉ muốn đu càng đuổi Mỹ quá đà một phen để hưởng bơ thừa sữa cặn, lấy oai với thiên hạ một lần thôi .“
– Ôi, đúng là mẹ chẳng còn tí lập trường cách mạng nào cả. Trước khi đóng sập hai cánh cửa, anh vớt vát.
Trong ánh sáng lờ mờ, với đôi mắt mở to thao láo, mẹ anh gắt:
– Lập trường cái con khỉ. Thoát khỏi loài khỉ rừng Trường Sơn , vào tận hòn ngọc Viễn Đông này, tưởng thoát ,ai ngờ sắp chết rũ trong ngôi nhà chủ nghĩa xã hội trong vòng tay Đảng , Bác rồi, còn chưa sáng mắt sao ?
Lê bước vào giường, thở hắt ra một hơi, anh âm thầm xác nhận: “Đúng là ở đời không ai biết được chữ ngờ, cũng chẳng ai giàu ba họ , chẳng ai khó ba đời thật. Bố mẹ anh trưởng thành nhờ cách mạng nhưng đám cháu nội cháu ngoại của ông bà thì đang lụi tàn dần vì cách mạng. Ra trường không có “chỉ tiêu” phải ra đường lái xe grap, hoặc ở nhà ăn bám bố mẹ , còn đám ngụy quân Ngụy Quyền sau 1975 phải khổ sở vì cách mạng, vì lý lịch gia đình, bây giờ nhờ “bơ thừa, sữa cặn” ,”liếm gót giày đế quốc” mà mở mày mở mặt với đời… Ôi, cuộc sống của cái cộng đồng nhỏ nhoi chỉ có mấy chục ngôi nhà trong dãy phố này sao mà phức tạp? Làm thế nào để gỡ rối đây? Cho dù là “một sự nhịn, chín sự lành”, hay một sự “xứng đôi vừa lứa” của đôi trẻ cũng không thể xô đổ bức tường vô hình bằng đá tảng ( dày hơn vạn lý trường thành) giữa hai nhà, nhất là với một trái tim đa cảm , giàu tự ái và đầy lòng kiêu hãnh như Hoa? Suy cho cùng , đời thế mà vui , muốn làm một ông “bố vợ phải đấm” với đám con cháu “ngụy quân ngụy quyền” thời này đâu có dễ ?
Sacramento, Nhâm Dần Khai bút đầu xuân
Trần Khải Thanh Thủy