Đỉnh Lang Biang bên trái.
Đồi thông trên đường đến Lang Biang rất êm đềm.
Đường mòn sâu hun hút đòi hỏi chút xíu sự lao động để đến đỉnh “vinh quang”.
Khách leo núi Âu Châu
Mền gối ba lô bàn plastic được quăng lại trên đỉnh Lang Biang bởi những thành phần kém văn minh
Những người bạn Tiệp đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Những dãy núi chập chùng kia có sức thu hút kỳ diệu
Đồi thông hai mộ. Chuyện tình của chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị Quốc Gia với một cô giáo.
Theo các tài liệu ghi chép lại thì các khóa sinh của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trước khi mãn khóa phải tham dự một cuộc hành quân chinh phục đỉnh núi Lang Bang cao 2167 mét, cách thị xã Đà Lạt 12 km ở hướng bắc.
Để tìm hiểu cái cảm giác gian khổ của bậc tiền bối nên người viết đã thực hiện một cuộc đi bộ leo núi chinh phục đỉnh Lang Biang. Hành trang hổng phải là khẩu súng M16 mà là một máy chụp hình lắp ống viễn kính zoom khá nặng đủ làm toát mồ hôi hột.
Từ điểm khởi hành lên đỉnh Lang Biang dài khoảng 5 cây số gì đó. Phải leo qua một ngọn đồi, một trái núi và cuối cùng mới tới đỉnh núi cao nhứt Nam Việt Nam.
Thiệt ra cũng không gian khổ gì cho lắm và leo chỉ khoảng hai tiếng thì lên đến đỉnh. Ở ngọn đồi đầu tiên rất đẹp vì phải đi qua một rừng thông. Cây thông là hình ảnh thơ mộng của Đà Lạt. Khi gió thổi qua lá thông tạo nên âm thanh vi vu vui tai làm quên hết nhọc mệt và sự căng thẳng của thành phố.
Ở ngọn núi thứ Hai và Cuối cùng là đỉnh Lang Biang người leo phải đi qua những khu rừng rậm giống hệt nhưng mọi khu rừng của vùng nhiệt đới. Hổng có gì mới lạ ngoài sự yên tĩnh trong lành hiếm hoi có thể tìm được ở Việt Nam.
Trên đỉnh Lang Biang mới là một sự thất vọng vì đó là một bãi rác. Người ta giục lại cả ba lô. Những đám tro tàn dơ bẩn rải rác khắp nơi. Đốt lửa trong rừng là điều cấm kỵ ở những quốc gia tiền tiến. Có ai đó rinh lên đỉnh núi và bỏ lại một cái bàn bằng plastic, hổng lẽ để dùng để ngồi nhậu hay đánh bài. Cái bàn plastic ấy sẽ tồn tại nơi chốn thiên nhiên ấy cả ngàn năm nữa. Thiệt đáng tiếc.
Tấm bảng ghi đỉnh Lang Biang để người leo núi biết mình đã đến đích để tự hào mình đã chinh phục được một đỉnh núi cao nhứt ở miền cao nguyên trung Việt. Nhưng tấm bảng có dòng chữ làm những người biết tiếng Việt phải xấu hổ: “Hãy nhặt rác nhựa trên đường bạn đi xuống. Xin cảm ơn”.
Một anh bạn leo núi người Tiệp quen trong chuyến đi than thở khi nhìn đống rác “Có lẽ xả rác là văn hóa của họ?”. Anh ta không biết đang nói chuyện với một người Việt và ai còn mang chút hãnh diện nào về Việt Nam cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Nhìn về thị xã Đà Lạt thấy đồi núi loang lổ những khu nhà lồng trồng hoa mầu xấu xí nhưng dễ hiểu vì dân số Việt Nam gia tăng vùn vụt mà đất đai giới hạn nên đành phải phá rừng để canh tác. Chĩa ống kính về hướng bắc thì thấy vẫn còn núi non xanh um hàng hàng lớp lớp rất thu hút quyến rũ những tay leo núi mạo hiểm. Hy vọng người ta chừa những dãy núi bí hiểm ấy ra và đừng tàn phá thiên nhiên nữa.
Tôi chỉ ở Đà Lạt hai ngày. Hai buổi sáng đi bộ một đoạn ngắn từ khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân qua đường Phan Bội Châu để đến khu chợ trung tâm. Mỗi buổi sáng khoảng 11 giờ khi đi bộ thấy một con chuột cống bự sư nằm chết xẹp lép trên vỉa hè như bị xe cán hay ai đó đạp lên. Ruồi bay vo ve. Tại sao những cửa hàng quanh đó không ai tình nguyện ra hốt con chuột đem đi mai táng nhỉ. Bịnh coronavirus chưa lo xong thì giờ phải sợ thêm bịnh dịch hạch cổ truyền.
Đà Lạt vẫn còn một số villa của Pháp để lại rất đẹp. Đó là dấu tích vàng son của một thành phố mộng mơ. Và đồi thông hai mộ với chuyện tình bất diệt của chàng sinh viên sỹ quan Võ Bị Quốc Gia với một cô giáo.
Trên đường Bùi Thị Xuân có quán Ngói hay Khói gì đó làm món bạch tuộc nướng rất ngon. Không ngờ một thành phố núi cách biển mấy trăm cây số mà có thiệt nhiều món ăn biển rất ngon và không mắc lắm.
Những ai từng tôn thờ Đà Lạt qua các hình ảnh của thành phố này trước năm 1975 chắc hơi thất vọng. Không riêng gì Đà Lạt mà toàn thể đất nước, những hình ảnh thanh nhã thơ mộng phong cách nói trong sách báo giờ là những câu chuyện cổ tích.
BÔNG LAU(April 18-2020)