Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-09-08
 Nghe Audio   Phần âm thanh
Thủy điện Sông Tranh, Quảng Nam do không lường được trước những tác động gây ra động đất kích thích; nên gây bức xúc cho khu vực đó

Thủy điện Sông Tranh, Quảng Nam do không lường được trước những tác động gây ra động đất kích thích; nên gây bức xúc cho khu vực đó

 Lao Động
Đánh giá tác động môi trường là việc làm vô cùng cần thiết để bảo đảm một dự án trước hết không gây ra những tác động bất lợi đến tự nhiên nơi đặt dự án, có hại đến sinh kế, sức khỏe của cư dân quanh nơi dự án được triển khai, vận hành…
Thực tế công tác này tại Việt Nam lâu nay ra sao?
Vấn đề này được nêu ra với Phó giám đốc Viện Môi trường Và Phát triển Bền Vững Việt Nam, VESDI, ông Trần Yêm. Mời các bạn theo dõi trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay. Trước hết ông này cho biết:
Ông Trần Yêm: Việt Nam cũng hòa nhập với khu vực cũng như thế giới về việc đánh giá những ảnh hưởng môi trường của các dự án phát triển. Ngay từ năm 1993 luật của Việt Nam ra đời cũng đề cập đến vấn đề đánh giá tác động môi trường. Lúc đó nhà nước tổ chức các khóa đào tạo ( training) cho cán bộ từ địa phương và các tổ chức phi chính phủ, tập huấn về EIA- đánh giá tác động môi trường. Dạo ấy, VESDI cũng là một trong những đơn vị tổ chức đầu tiên được giao tập huấn vì có những giáo sư kinh nghiệm về đánh giá tác động môi trường như giáo sư Lê Khả Kháng và một số người khác…
Sau năm 1993 còn có những hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường; dần dần cải thiện lên thành vừa là tài liệu hướng dẫn, vừa là tài liệu pháp lý. Đến năm 2005, luật cũng có thay đổi, cải thiện; rồi Nghị định 29 hay Thông tư 26 năm 2011, Nhà nước Việt Nam cũng có những qui định rất cụ thể về hướng dẫn đánh giá tác động môi trường. Rồi có phân ra dự án nào cần phải đánh giá tác động môi trường, dự án nào không cần nhưng phải có ‘cam kết bảo vệ môi trường’ -EPC…; rồi tiến tới đánh giá tác động môi trường chiến lược.
Trước đây dự án làm rồi mới đánh giá tác động môi trường; thế nhưng theo định nghĩa thì phải dự án chứ không phải cơ sở đang hoạt động. Một cơ sở đang hoạt động thì tiến hành ‘kiểm toán ( auditing) về môi trường’ chứ không đánh giá tác động môi trường nữa
Ông Trần Yêm
Gia Minh: Việt Nam cũng đã có luật, nghị định nhưng việc thực hiện ra sao?
Ông Trần Yêm: Việt Nam cũng có định hướng ( guideline) nếu chủ dự án có thể làm đánh giá tác động môi trường thì tiến hành làm, còn nếu không có chuyên môn thì có thể thuê tư vấn làm. Nói chung tại Việt Nam có những tổ chức vừa chính phủ, vừa phi chính phủ thực hiện việc đánh giá tác động môi trường.
Tất nhiên trong thực tế có những đơn vị thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường trong thực tế cũng có hạn chế về mặt năng lực. Đây là một điều rất thực tế tại Việt Nam.
Ngoài ra trong quá trình thẩm định cũng có gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi cho rằng ở Việt Nam các hội đồng thẩm định, người ta rất nghiêm túc, đánh giá một cách rất nghiêm túc. Và người làm ĐTM ( đánh giá tác động môi trường) phải sửa đi, sửa lại rất nhiều lần để đáp ứng với yêu cầu.
Trong thực tế tôi thấy có nhiều cái có sự khác biệt tương đối rõ giữa qui định của mình với ADB cũng như của Ngân hàng Thế giới. Ví dụ người ta phân ra rất rõ khi nào cần làm ‘full EIA ( đánh giá tác động môi trường toàn diện), khi nào cần làm screening, lúc nào cần làm scoping, lúc nào thì cần làm đánh giá tác động môi trường sơ bộ…
Phía Việt Nam thì tiến triển theo nhận thức. Trước đây dự án làm rồi mới đánh giá tác động môi trường; thế nhưng theo định nghĩa thì phải dự án chứ không phải cơ sở đang hoạt động. Một cơ sở đang hoạt động thì tiến hành ‘kiểm toán ( auditing) về môi trường’ chứ không đánh giá tác động môi trường nữa.
Trong Nghị định 29 và Thông tư 36 của Việt Nam cũng rất rõ ràng, trong đó có một chương về ‘tham vấn cộng đồng’. Đây là chương 6 của nghị định cũ có hướng dẫn đến Ủy ban Nhân dân xã, đến Mặt trận Tổ Quốc, rồi cũng có hỏi người dân bị tác động bởi dự án. Người ta cũng đến xin ý kiến của các tổ chức đó, ví dụ dự án thực hiện tại xã nào đó thì xin ý kiến của úy ban nhân xã đó, hoặc dự án nằm trong khu công nghiệp thì hỏi ý kiến của khu công nghiệp.
Theo tôi thấy ở Việt Nam việc đánh giá tác động môi trường chưa thật kỹ và có thể nói chưa thật nghiêm túc đối với những dự án do tiền của cá nhân hay ngân sách địa phương… bỏ ra. Điều đó có thể dẫn đến một số điều khiến dự án bị chậm lại do chuyện đền bù hoặc giải phóng mặt bằng
Ông Trần Yêm
Sau này luật năm 2014 được Quốc hội thông qua, có một chương về tham vấn cộng đồng, quan tâm nhiều nhất đến các tổ chức phi chính phủ hay người dân nói chung.
Gia Minh: Tham vấn cộng đồng là công việc mà hình như các nước khác làm rất kỹ, vậy tại Việt Nam làm ra sao, có thể so sánh với họ không?
Ông Trần Yêm: Tôi cho rằng nếu các dự án do quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á cho vay tiền thì làm rất cụ thể, rất chi tiết về tham vấn cộng đồng. Tôi cũng tham gia các dự án đó thì cũng phải họp dân, cũng hỏi ý kiến… rất đầy đủ.
Khi dự án mở rộng đắp đất bờ sông Đồng Nai được thực hiện, hàng nghìn tấn đất đá đổ xuống lòng sông.
Khi dự án mở rộng đắp đất bờ sông Đồng Nai được thực hiện, hàng nghìn tấn đất đá đổ xuống lòng sông.(vietnamnet)
Và trong quá trình giám sát môi trường, người đi giám sát độc lập cũng hỏi người dân. Theo tôi những dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ và phải làm theo qui định thì làm rất tốt.
Còn dự án của Việt Nam, theo tôi họ cứ làm theo hướng dẫn đã, chưa mở rộng ra. Ví dụ hướng dẫn là phải đến ủy ban nhân dân xã, thì họ đến đó, làm đẩy đủ. Có những người làm ĐTM lâu năm thấy cần phải hỏi người dân bị tác động, thì người ta làm. Hỏi người dân … là tùy nhận thức của người làm ĐTM. Chứ không họ chỉ làm theo hướng dẫn đầy đủ rồi, không thể bắt bẻ được họ.
Gia Minh: Nếu tùy như thế thì hiệu quả ra sao?
Ông Trần Yêm: Theo tôi thấy ở Việt Nam do làm việc đó ( đánh giá tác động môi trường) chưa thật kỹ và có thể nói chưa thật nghiêm túc đối với những dự án do tiền của cá nhân hay ngân sách địa phương… bỏ ra. Điều đó có thể dẫn đến một số điều khiến dự án bị chậm lại do chuyện đền bù hoặc giải phóng mặt bằng.
Tôi rất tâm đắc với ‘grassroot democracy- dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Sau này chúng tôi thực hiện dự án theo hướng ‘dân cần biết: biết những thông tin của dự án, biết người ta làm gì, rồi dân bàn cách thế nào giảm thiểu những tác động; rồi dân kiểm tra có làm đúng theo những thiết kế đưa ra trong dự án hay không, và hưởng lợi gì từ dự án’ . Để tiến tới được điều đó cần phải có thời gian và đặc biệt trong hướng dẫn tới cho công tác tham vấn cộng đồng trước hết phải có tính pháp lý. Chứ không mang tính pháp lý, không ai bắt thì người ta không làm.
Hệ lụy lớn hiện nay là dự án bị chậm tiến độ. Một điều nữa là việc giải quyết khiếu kiện ngay từ đầu chưa thật dứt khoát dẫn đến việc người ta kiện, không cho dự án thực hiện. Đặc biệt đối với những dự án tư nhân: giữa chủ dự án và người dân đều là tư nhân nên ( không ai chịu ai). Ngoài ra không có việc họp hành, hỏi ý kiến người dân kỹ nên dẫn đến việc không có sự đồng thuận, thống nhất.
Nhà nước Việt Nam hiện nay cũng quan tâm đến những phản biện xã hội, có những dự án nếu quyết liệt phải bắt chủ dự án thực hiện những biện pháp giảm thiểu và có giám sát cụ thể
Ông Trần Yêm
Gia Minh: Ông có nói đến sự chia sẽ của các nước khác trong khu vực và sự hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, điều đó thể hiện qua các văn bản của Việt Nam thế nào và cách thực hiện ra sao?
Ông Trần Yêm: Tại Việt Nam về điều đó đối với những tổ chức quốc tế cho vày tiền thì ý kiến rất rõ, tức phải thực hiện theo hướng dẫn của người cho tiền, đồng thời cũng phải thực hiện theo hướng dẫn của chính phủ Việt Nam. Đã có nghị định về điều này rồi, cần phải hài hòa, theo cả hai.
Gia Minh: Trong thực tế Việt Nam, có những trường hợp nào do không làm đến nơi, đến chốn đánh giá tác động môi trường nên sau khi dự án xong thì gây hậu quả tai hại?
Ông Trần Yêm: Trước đây có một nhà máy ở Đồng Nai, nhà máy không xử lý nước thải mà chôn ống sâu đưa nước ra lòng sông gây bức xúc nên bị phạt rất nhiều. Còn thủy điện Sông Tranh, Quảng Nam do không lường được trước những tác động gây ra động đất kích thích; nên cũng gây bức xúc cho khu vực đó. Rồi dự án mở rộng, đắp đất ờ Sông Đồng Nai do đánh giá tác động môi trường không đầy đủ.
Gia Minh: Sau những phản ứng đó thì chính quyền Việt Nam có biện pháp ra sao?
Ông Trần Yêm: Đồng Nai hiện nay chưa cho tiếp tục làm đâu. Tôi cho rằng nhờ tiếng nói của cộng đồng và báo chí vào cuộc rất hay.
Nhà nước Việt Nam hiện nay cũng quan tâm đến những phản biện xã hội, có những dự án nếu quyết liệt phải bắt chủ dự án thực hiện những biện pháp giảm thiểu và có giám sát cụ thể.
Gia Minh: Cám ơn ông.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.