Sản phẩm nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn hại từ TPP, lĩnh vực này chưa được sự bảo vệ của nhà nước (theo ông Lê Văn Triết).
09.10.2015
Bấm vào để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết
Việt Nam được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa hoàn tất giữa 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, nhưng một cựu Bộ trưởng Thương mại của Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể bị nhiều thiệt hại rất lớn từ TPP nếu không cấu trúc lại nền kinh tế.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết nói Việt Nam còn nhiều mặt chưa sẵn sàng cho TPP và cần phải phấn đấu rất nhiều.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối 9/10 bàn về những mặt lợi-hại của TPP đối với thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay, ông Triết cũng khuyến cáo rằng cơ cấu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cần phải chuyển hóa kịp thời vì không phù hợp với TPP cũng như xu hướng kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.
Ông Lê Văn Triết: Việt Nam có thuận lợi ở chỗ các xuất phát điểm thấp. Giao tiếp với thị trường toàn cầu hóa, Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn ở chỗ kinh tế chưa được mở rộng và được lợi từ các cắt giảm thuế cùng những ưu đãi mà tự do hóa thương mại đem lại.
VOA: 11 nước còn lại trong khối TPP, họ có lợi gì khi bắt tay TPP với Việt Nam?
Ông Lê Văn Triết: Họ cũng có những thuận lợi trong giao tiếp, trao đổi thương mại với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng nhân cơ hội đó sẽ có nhiều lợi ích, tiếp nhận được những thuận lợi trong quan hệ buôn bán với các nước vì ngoài vấn đề thương mại còn có đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam có được hưởng những lợi ích đó hay không còn tùy thuộc vào khả năng chuyển hóa để thực hiện TPP thế nào, chứ không phải chỉ được hưởng lợi.
VOA: Nếu không linh hoạt chuyển hóa kịp thời, những cái hại trông thấy từ TPP đối với Việt Nam là gì?
Việt Nam có được hưởng những lợi ích đó hay không còn tùy thuộc vào khả năng chuyển hóa để thực hiện TPP thế nào, chứ không phải chỉ được hưởng lợi.
Ông Lê Văn Triết: Có nhiều cái thiệt, thiệt rất lớn. Ví dụ như hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều trong buôn bán với nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam chưa có những thể lệ, chính sách, cơ chế kể cả trong vấn đề thuế và các vấn đề khác để có thể triển khai thực hiện được. Việc này Việt Nam chưa phải là đã sẵn sàng. Bất lợi thứ ba, Việt Nam đang bị lệ thuộc nhiều trong quan hệ thương mại với một số nước trong đó có láng giềng gần. Bây giờ bước ra khỏi cái đó là một điều khó đối với Việt Nam, phải có quá trình, phải có hoạt động tích cực về mặt pháp lý, chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, và ứng phó với thị trường. Những việc này Việt Nam còn phải phấn đấu rất nhiều.
VOA: Theo ông, lĩnh vực nào trong nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất từ TPP và lĩnh vực nào bị tổn thương, thiệt hại nhiều nhất?
Ông Lê Văn Triết: Lĩnh vực được hưởng lợi là gia công hàng xuất khẩu như may mặc. Nếu khéo léo và làm tốt, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chế tạo một số mặt hàng phục vụ cho ngành thông tin, điện tử. Cái bất lợi của Việt Nam là phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài nhiều quá. Lâu nay một số nước đang chạy đua nhau xây các cơ sở chế tạo các nguyên liệu, phụ liệu bán cho Việt Nam để được hưởng lợi khi Việt Nam xuất khẩu sang các nước TPP. Như vậy, họ được lợi còn Việt Nam cuối cùng chỉ được cái là gia công thôi. Lĩnh vực dễ bị tổn hại từ TPP là các sản phẩm nông nghiệp. Lĩnh vực này chưa được sự bảo vệ của nhà nước từ nhiều năm trước đây. Do đó, khi Việt Nam mở cửa đưa nhiều mặt hàng vào với thuế suất bằng không thì việc này tác động đến nông dân nhiều nhất.
VOA: Cần các bước nào cụ thể, cấp bách để Việt Nam có thể bước vào TPP được lợi hoàn toàn, tránh rủi ro?
Ông Lê Văn Triết: Cái đó có nhiều vấn đề lớn lắm, đi từ cấu trúc lại nền kinh tế của Việt Nam. Nhìn vào sự phát triển kinh tế của các nước, từng ngành kinh tế, từng lĩnh vực mặt hàng thì Việt Nam có nhiều cái chưa hòa mình với dòng chảy thương mại thế giới. Cho nên, cấu trúc lại nền kinh tế, cấu trúc lại thể chế pháp lý, thủ tục, chính sách. Đó là những vấn đề rất lớn hiện giờ. Đó là về mặt nhà nước. Về mặt doanh nghiệp, sự am hiểu về thể chế, luật lệ và hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư thế giới thì Việt Nam xưa nay chưa phải là nước có nhiều kinh nghiệm, doanh nghiệp Việt Nam chưa được dàn dựng để có thể nhảy vào chiến trường dễ dàng như một số nước. Hơn nữa, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam khi bước vào TPP cũng có nhiều cái phải thiết kế lại cho phù hợp. Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện giờ chưa phù hợp với TPP.
VOA: Những điểm nào được xem là chưa phù hợp? Có phải ông muốn nói tới mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Ông Lê Văn Triết: Cái đó thật là một vấn đề lớn. Ngoài ra, anh cần phải hiểu các nước có gì để anh mua mà không phải sản xuất và hiểu các nước cần gì để anh sản xuất. Đó là những vấn đề cũng khá lớn. Thú thật là tôi cũng không hiểu ‘xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ nghĩa là gì. Tôi nói thật. Bởi vì theo tôi hiểu, khái niệm kinh tế thị trường hoàn toàn khác với khái niệm kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hai cái này không phải cứ khớp lại bằng lời nói thì nó hình thành trên thực tế được đâu. Bản chất kinh tế thị trường khác với bản chất kinh tế xã hội chủ nghĩa. Không ai nói được cho rõ nó [kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa] là cái gì.
Chính vì đặt ra kinh tế thị trường, nó phù hợp với luật phát triển của xã hội loài người và luật phát triển của người sản xuất cho nên ‘Đổi mới’ thành công. Nhưng sau này lại thay đổi thành ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, rồi sau đó lại thêm ‘có sự quản lý của nhà nước’ nữa. Cái đó nó làm cho mọi việc rối ra.
VOA: Khi đưa ra định nghĩa này, có phải Việt Nam muốn theo kinh tế thị trường nhưng vẫn còn nuối tiếc cái gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, không muốn rời xa nó?
Ông Lê Văn Triết: Vấn đề này thì nó hơi đau đầu.
VOA: Theo ông, nên chăng cởi bỏ hẳn lớp áo cũ ‘xã hội chủ nghĩa’ để hoàn toàn đi theo mô hình mới là kinh tế thị trường?
Ông Lê Văn Triết: Bây giờ tôi cũng không thể nói là nên bỏ như thế nào. Việc này đòi hỏi phải xem lại trên thế giới, coi những nước họ làm kinh tế xã hội chủ nghĩa có nước nào làm thành công hay không. Tất cả những chuyện đó cần phải nghiên cứu.
VOA: Trong con mắt người từng đứng đầu Bộ Thương mại Việt Nam, ông thấy mô hình kinh tế thị trường hay mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa ưu điểm hơn?
Ông Lê Văn Triết: Cuộc ‘Đổi mới’ của Việt Nam năm 1986, khởi đầu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 cũng như sang Đại hội đảng lần thứ 6 đều xác định mô hình kinh tế khởi xướng cho ‘Đổi mới’ chính là kinh tế thị trường chứ không có nói ‘theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Chính vì đặt ra kinh tế thị trường, nó phù hợp với luật phát triển của xã hội loài người và luật phát triển của người sản xuất cho nên ‘Đổi mới’ thành công. Nhưng sau này lại thay đổi thành ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, rồi sau đó lại thêm ‘có sự quản lý của nhà nước’ nữa. Cái đó nó làm cho mọi việc rối ra.
VOA: Xin chân thành cảm ơn cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.