… Đừng để cha mẹ mình lúc còn sống phải ở “nhà lá” nhưng sau khi các vị qua đời, mình lại tranh nhau xây “nhà lầu” cho họ ở…
Người Việt Nam có nhiều điển tích và chuyện dụ ngôn đề cập đến những người con có lòng hiếu thảo với cha mẹ, hoặc bất hiếu với cha mẹ. Người Trung Hoa có “Nhị Thập Tứ Hiếu” (24 tấm gương của những người con hiếu thảo). Điều đáng chú ý, ai cũng biết rằng, lòng hiếu thảo là đáng trọng và kẻ nào bất hiếu với cha mẹ luôn bị người đời khinh khi, xa lánh; tuy nhiên, hình ảnh những người con đối xử tệ bạc với bậc cha mẹ, không phải là hiếm thấy trong xã hội ngày nay.
Một người bất hiếu hay bạc bẽo với cha mẹ, không thể nào có lòng chung thủy với người phối ngẫu. Nếu họ nhẫn tâm ruồng bỏ cha mẹ, anh chị em họ được, có ngày họ cũng sẽ đối xử với mình như thế. Cho nên ai có chồng, hoặc ai có vợ mà tỏ ra hài lòng khi thấy chồng mình hay vợ mình tốt với mình hơn cha mẹ, anh chị em của họ, các bạn hãy cẩn thận, có ngày họ sẽ đối xử với mình một cách tương tự.
Nói đến vị trí con cái, cũng phải công bằng để không tránh né đề cập đến vị trí của bậc cha mẹ. Đối với tôi, cha mẹ nào vô cớ ruồng bỏ con cái của họ được, có ngày họ cũng sẽ cư xử với người khác một cách tương tự. Một người cư xử tệ bạc với cha mẹ hay con cái một cách triền miên, họ không thể nào là một người bạn tốt của chúng ta. Tôi nói điều này và tôi không bao giờ sợ mình nói sai. Vì sự giới hạn của bài viết, tôi không thể dài dòng ở điểm này, nhưng nếu quý độc giả nào, không câu nệ niềm tin tôn giáo và tạm gác một bên yếu tố “không muốn ai mô phạm mình” đều có thể nghe sáu bài giảng luận của tôi về các đề tài “hạnh phúc gia đình” tại Website www.huynhquocbinh.net trong mục Audio “Đời Sống An Bình”
Trong xã hội, thời nào cũng khá giống nhau ở điểm, cha mẹ nuôi con cả đời, không sao, nhưng con cái mới lo cho cha mẹ được vài năm vài tháng lúc tuổi già bóng xế, đã vội kể công. Có người còn nhẫn tâm dằn vặt cha mẹ một cách không nao núng. Người Việt mình có câu, “Một bà mẹ nuôi cả mười đứa con, nhưng mười người con không nuôi nỗi một bà mẹ.” là như vậy. Người đời có những câu vè vô cùng xứng đáng dành cho những ai có thái độ tính toán hay kể công với cha mẹ, có thể suy nghĩ, “Mẹ nuôi con như biển Hồ lay láng, con nuôi Mẹ tính tháng tính ngày.”
Tôi từng nghiêm chỉnh nói thẳng với các con tôi rằng, “Không ít người Việt Nam có chủ trương là họ nuôi con cái lớn khôn cho tròn bổn phận, chứ họ không mong con cái báo đền công ơn sinh dưỡng. Riêng Ba thì khác, ngày nay Ba Mẹ còn khoẻ, còn làm ra tiền, các con muốn cái gì hợp lý Ba Mẹ cũng cho; khi Ba Mẹ già yếu, Ba Mẹ cần các con giúp đỡ, các con nhớ giúp Ba Mẹ nhé…” Khi nói câu này, tôi không mong hay bắt buộc các con tôi phải trả ơn cho vợ chồng tôi, nhưng tôi muốn gieo vào đầu chúng một thông điệp, chúng phải nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, bởi các con tôi cũng phải lo lắng và dạy dỗ các con của chúng nó sau này. Kẻ bất hiếu không thể dạy hay mong con cái của họ có lòng hiếu thảo được. Dĩ nhiên, người ta nói “nước mắt chảy xuôi” và tôi cũng ý thức điều đó lắm. Dù vậy, tôi vẫn nửa thật, nửa đùa với các con tôi rằng, “Ba đã nói rõ ý của Ba rồi đó. Mai mốt đứa nào bạc bẽo với Ba Ba còn tha, chứ bạc bẽo với Mẹ, có guốc tao phang guốc, có gậy tao phang gậy đó nhé…”
Người ta có ghi lại lời nói của Khổng Phu Tử về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, “Bách Thiện Hiếu Vi Tiên”. Ý nghĩa của câu này là, một trăm điều thiện, “hiếu” là thứ nhất, là đi đầu. Một trăm không phải là số 100 mà là rất nhiều, vô lượng. Thiện là điều tốt. Điều tốt nghĩa là các việc làm với lòng chân thành, vì lợi ích của mọi người, của xã hội và tương lai.
Nói về công cha nghĩa mẹ, người Việt chúng ta có nhiều câu Ca Dao xứng đáng cho những người con tạc dạ.
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha;
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đây là sự hy sinh của những người mẹ dành cho con cái khi chúng còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
Ngày đêm mẹ ẵm, mẹ bồng.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con.
Miếng ăn miếng mặc mẹ lo,
Làm sao con được ấm no mẹ mừng.
Hay:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày thức đủ năm canh.
Cũng vì con chính vì con,
Mỗi ngày mẹ một gầy mòn tấm thân.
Có những bà mẹ sanh con trong cảnh nghèo túng, bà phải vắt từng giọt sữa trong tấm thân khô gầy để mong cho con mình no bụng và chóng lớn khôn.
Trên thế giới có nhiều hình ảnh hết sức cảm động và sống động về “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, hoặc “Công cha như núi Thái Sơn”. Có nhiều bà mẹ tình nguyện chết để con mình được sống. Trong số đó có những bà mẹ từ chối chữa trị chứng bệnh nan y của mình, bởi các bà không muốn thai nhi trong bụng bị tác hại bởi thuốc gây ra trong thời gian bác sĩ chữa trị cho các bà. Tôi cũng từng chứng kiến những người cha đã chia thận, sang máu cho những người con cần kéo dài cuộc sống. “Công Cha, Nghĩa Mẹ” là như thế đó.
Hiếu kính cha mẹ, chăm sóc và lo lắng cho cha mẹ là bổn phận, là nghĩa vụ, là cái phước của những người con, chứ không phải là cục nợ để rồi thích thì làm, mà không thích thì thôi. Kinh Thánh đã khuyến cáo, “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. (Ê-phê-sô 6:1-3).
Làm con mà khinh khi cha mẹ chỉ vì ngày nay mình học cao hơn, giàu có hơn, văn minh hơn, lụy người phối ngẫu hơn tình của mình đối với cha mẹ, hoặc phải cưu mang cha mẹ ở cái tuổi gần đất xa trời, coi chừng người sẽ chê và Trời không dung. Thánh Kinh có quyết liệt về điều này, “Ðáng rủa sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27: 16)
Con cái lễ độ nhắc nhở cha mẹ ruột hay cha mẹ của người phối ngẫu, khi thấy các vị có những điều sai trật, đó không phải là con bất hiếu, mà chính là con có hiếu. Bất cứ ai a tòng với cha mẹ làm điều sai trật, hoặc thấy cha mẹ làm sai mà không dám cản ngăn, để người đời xem thường cha mẹ, đó mới chính là con bất hiếu. Con cái cần phải vâng phục cha mẹ chứ không ngu muội đắm chìm trong sự yếu đuối của cha mẹ để được tiếng “hiếu thảo”. Thánh Kinh dạy, “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”. (Ê-phê-sô 6:1). Khi Thánh Kinh khuyến cáo những người con phải biết vâng lời cha mẹ trong mọi sự, có nghĩa là phải đúng ý Trời và không sai những gì thuộc về luân lý, đạo đức của con người; chứ không thể nghe lời cha giống như câu vè, “Con ơi học lấy nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.”
Những ý tưởng xem thường, hay thái độ khinh khi cha mẹ, lợi dụng cha mẹ, lèo lái cha mẹ cho quyền lợi của mình, hay áp lực cha mẹ phải chia cắt tình nghĩa với anh chị em mình cho thoả dạ ganh ghét, đố kỵ, đó là hành động xem thường, khinh khi, rủa sả cha mẹ một cách gián tiếp chứ không phải là có hiếu với cha mẹ. Đây là điều Thánh Kinh cũng có đề cập trong sách Châm-Ngôn 20:20, “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình, sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt.“ Hoặc “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” (Lê-vi Ký 20: 9)
Cho dù con cái có bị cha mẹ bạc đãi một cách vô cớ, và nếu vì lý do nào đó mình không thể tiếp tục im lặng, mình cần bày tỏ một lần cho cha mẹ biết và giao phó cho Thiên Chúa. Phải tuyệt đối tiếp tục giữ lòng hiếu thảo, vâng phục cha mẹ, cho dù mình phải đón nhận những điều phũ phàng cay đắng. Trời sẽ không phụ lòng những người con hiếu thảo, vì, “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Cô-lô-se 3: 20)
Có một bà cụ Việt Nam nói với Mục Sư Phan Thanh Bình, tác giả quyển “Tình Già” được ghi lại trong trang 137: “Mục Sư ạ, lúc tôi còn mạnh, tụi con tôi coi tôi như trái banh cà na. Tụi nó chơi Football, banh tới ai là ôm riết, giữ kỹ. Đã có lúc tôi là trái banh đó. Đứa nào cũng muốn tranh nhau giữ tôi để tôi trông con chúng nó. Bây giờ con chúng nó lớn cả rồi. Tôi trở thành trái banh tròn, và tuị nó chơi soccer. Banh tới chân đừa nào là đứa đó đá qua đứa khác. Bây giờ tôi là trái banh bị đá ra khỏi sân…”
Khoảng năm 2003, tôi có đọc một bài báo mà tôi quên tên tác giả, tôi chỉ nhớ tiêu đề ngộ nghĩnh “sống nhà lá chết nhà lầu” và nó đã thu hút tôi đọc trọn bài và nhớ đến ngày nay. Nội dung bài viết tác giả mô tả cảnh con cái bất hiếu với cha mẹ, lúc cha mẹ còn sống, không lo lắng, chăm sóc.
Có người còn nhẫn tâm ruồng bỏ cha mẹ một cách không thương xót. Vì muốn làm vui lòng người phối ngẫu nên họ đã để cho cha mẹ sống ở một xó nào đó, cả tháng nếu không muốn nói là cả năm, chưa đến thăm được một lần. Họ xem cha mẹ như thể là “cục nợ” vứt đi không tiện, mà để lại cũng không xong. Vậy mà khi cha mẹ qua đời, họ xây mồ lớn lắm.
Tranh nhau xây “nhà lầu” cho cha mẹ
Có người sau khi xây xong, nhưng vì thấy người cùng quê về Việt Nam xây mồ cho cha mẹ to lớn hơn nên họ cố “báo hiếu” bằng cách đập bỏ và xây lại cho trội hơn người khác.
Hình minh họa
Không phải chỉ có bài báo ấy nói về điều nghịch lý đó, nhưng ngày nay người ta có nhiều hình ảnh về việc những người con “hiếu thảo” đã không ngại tốn kém bạc tiền, để bằng mọi cách phải cho cha mẹ ở nhà lầu sau khi chết, mặc dù lúc còn sinh tiền, các đấng sinh thành của họ phải ở “nhà lá” và chịu cảnh “ăn mắm húp giòi” giống như câu ca dao, “Mẹ già hết gạo treo niêu, mà anh khăn đỏ khăn điều vắt vai.”
Kết luận
Bất cứ ai có cha mẹ ở cùng nhà, có dịp săn sóc cha mẹ, dù là cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, đó là đại phước cho các bạn, chứ không phải là cục nợ mà các bạn phải gánh. Chúng ta cần sống làm sao, đừng để người đời mỉa mai qua câu vè, “Còn sống thì không cho ăn, thác xuống âm phủ, làm văn tế ruồi.”
Hiếu kính cha mẹ, biết quý trọng “công cha nghĩa mẹ” là điều bắt buộc phải có, chứ không chỉ là nghĩa cử cao đẹp của người này đối với người kia. Thiên Chúa có một lời phán với con người như sau, “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20: 12)
Tôi không còn cha mẹ ruột hay cha mẹ vợ. Hồi cha mẹ vợ tôi còn sinh tiền tôi dặn lòng là cho dù cuộc đời có nhiều thay đổi, lòng người dễ dàng có những đổi thay nhưng tôi sẽ gắng nhớ là không bao giờ xem cha mẹ vợ khác hơn cha mẹ ruột của tôi, giống như Ba tôi từng cư xử tử tế với Ông Bà Ngoại của tôi và cả nhà vợ của Người hơn nửa Thế Kỷ trước. Và tôi cũng hy vọng những gì tôi viết ra hôm nay, không để “dạy đời” người khác, mà để nhắc nhau ý thức rằng, người tử tế cần phải biết cư xử hiếu thảo với cha mẹ mình, hay cha mẹ của người phối ngẫu.
Những ai có vợ có chồng, nên giúp nhau cư xử hiếu thảo và làm tròn bổn phận người con với các đấng sinh thành, bởi vì lòng hiêú thảo là đẹp lòng Trời, thuận lòng người. Các bạn, hay quý vị cần ôm trong vòng tay những con người có lòng hiếu thảo với cha mẹ thay vì “đê mê” với người phối ngẫu vì thấy họ chỉ tốt với mình. Họ mà bạc bẽo với cha mẹ của họ được, thái độ đó sẽ đến với mình không còn xa lắm đâu. Riêng bậc cha mẹ nào đang sung sướng với người con “hiếu thảo” này, cũng đừng cay đắng với người con “bất hiếu” kia, bởi vì người xưa đã nói, “Nhà nghèo, mới hay con thảo, nước loạn mới rõ tôi trung.”
Huỳnh Quốc Bình
email: huynhquocbinh@yahoo.com
Tác giả viết bài này bên cạnh quyển Thánh Kinh và trước di ảnh của hai Đấng Sinh Thành.
**********
Ghi chú quan trọng dành cho những ai có lòng giúp tác giả quảng bá bài viết này:
1. Bài viết này tác giả viết vào năm 2012, nay hiệu đính cho gọn để các tờ báo giấy giúp đăng tải sẽ dễ dàng hơn.
2. Nếu cơ quan truyền thông nào chọn sử dụng bài viết này, tác giả rất biết ơn, nhưng xin đừng sửa đổi nội dung của nó, vì sẽ làm cho ý của tác giả bị hiểu sai lạc.
3. Khi bài viết này gởi ra lần đầu và những năm kế tiếp, có một tờ báo của Tin Lành tại San Diego, California đã tùy tiện chỉnh sửa nội dung bài viết mà không có sự đồng ý của tôi, khiến nhiều người hiểu sai ý của tác giả và của Mục Sư Phan Thanh Bình. Xin khẳng định ngắn gọn, tác giả bài viết này và MS Phan Thanh Bình không hề công kích hay lên án những ai gởi cha mẹ già vào viện dưỡng lão, bởi các hoàn cảnh đều không giống nhau. Ai nghĩ rằng mình có thể viết về lãnh vực này hay hơn, xin tự viết riêng cho chính mình và cho tôi được hân hạnh học hỏi thêm. Xin đa tạ!