Thành ngữ ta có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người” nhưng cái tóc thường ám chỉ với nữ giới vì “người đẹp nhờ tóc”. Về nhân tướng học, có nhiều khuôn mặt thích ứng cùng với mắt, mũi, miệng… và kèm theo đó với răng và tóc. Trong Hồi Ức Một Đời Người của Nguyễn Ngọc Chính có chương đề cập đến mái tóc, và tùy theo nhãn quan của mỗi người với phái nữ về tóc ngắn, tóc dài.
Theo Nguyễn Ngọc Chính: “Tôi rất dễ bị ‘hớp hồn’ vì những mái tóc dài của phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với việc tôi không thể dành cảm tình cho những mái tóc ngắn kiểu ‘demi-garcon’ như trong bài hát Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của Phạm Duy, phổ nhạc theo thơ Nguyễn Tất Nhiên:
“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc demi garçon”…
Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ thì được. Nhưng cô em tóc demi-garçon lại không phải là ‘gout’ của tôi. Một mái tóc ngắn làm sao tạo cảm giác hấp dẫn mỗi khi vuốt ve. Đó là chưa nói đến hình ảnh gợi cảm của một mái tóc dài, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy quyến rũ hơn một cái đầu ngổ ngáo kiểu con trai. Biết đâu chừng, trong suốt cuộc đời chưa bị một người phụ nữ tóc ngắn kiểu ‘demi garçon’ nào ‘hớp hồn’ cho nên tới giờ này chuẩn bị ‘xuống lỗ’ mà vẫn còn… chung thủy với cái ‘gout’ tóc dài từ thời niên thiếu.
Có một dạo, khoảng thập niên 1960s, các cô gái Sài Gòn chuộng ‘mốt’ buộc thêm cái bandau lên mái tóc. Dẫu rằng bandau có những tác dụng thiết thực như giữ cho tóc khỏi lòa xòa trước trán nhưng tôi không cho như thế là đẹp. Bandau, nếu là màu trắng trên trán, khiến cho người đối diện liên tưởng đến vành khăn tang và như thế đâu còn nét quyến rũ của người phụ nữ trước cánh đàn ông nữa. Thay vào đó là ý nghĩ tang tóc đáng sợ!
Tóc cột theo kiểu ‘đuôi gà’ (queu de cheval – người phương Tây gọi là kiểu tóc đuôi ngựa) cũng là một ‘mốt’ của các cô thời đó, nhưng có điều chỉ thích hợp với những người còn trẻ…
… Thật không ngờ, mấy chục năm sau mái tóc đuôi gà lại xuất hiện trong đời tôi qua hình ảnh người tình. Dù chỉ là sự xuất hiện thoáng qua nhưng cũng để lại một kỷ niệm khó quên. Hôm đó là một buổi trưa móng bức giữa Sài Gòn, nàng sửa soạn đi dạy học và bước ra đường với một mái tóc kẹp lệch sang một bên cho đỡ nóng. Một thoáng rùng mình. Tôi ngây ngất đứng nhìn nàng bước ra khỏi nhà với mái tóc đuôi gà…
Mái tóc vén cao cũng là một hình ảnh quyến rũ của người phụ nữ, nhất là những người có vóc dáng quý phái, sang trọng. Tóc vén cao thường hợp với những làn da trắng nuốt trên gáy, nổi bật với vài sợi tóc lòa xòa trên cổ…
Vào thời đại hiện tại, văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp các bà các cô ‘duỗi tóc’ thật thẳng hay nhuộm tóc đủ màu và thậm chí còn ‘hilight’ pha màu từng cụm tóc trông như một ‘palette technicolor’ của người họa sĩ chuẩn bị vẽ một bức tranh. Tôi quan niệm, cái đẹp phải xuất phát từ tự nhiên. Đẹp tức là những gì tự bản thân mình có chứ không thể nào vay mượn từ những cái mình không có (?)…
… Tôi kỵ nhất khi phải đối diện với phụ nữ trên đầu chỉ toàn… ống cuốn tóc. Thường thì các ông chồng phải cam chịu ‘ngậm đắng nuốt cay’ với cảnh này. Các bà vợ muốn ra đường với một mái tóc đẹp nên rất chịu khó cuốn tóc khi còn ở trong nhà và các ông chồng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất: phần xấu xí mình phải gánh chịu còn phần tốt đẹp thì thiên hạ được chiêm ngưỡng…”
Ca dao ta có câu “Tóc mai sợi ngắn (vắn) sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”. Tác phẩm Tóc Mai Sợi Ngắn Sợi Dài của Phạm Tú Uyên gồm 13 chương. Tác giả viết về cố đô Huế của thuở học trò với chân dung người tình qua mái tóc “Tôi mơ màng về lại ngày xưa, em hiện ra xinh xắn với mái tóc dài đen mượt, đang ngồi bàn trên lớp học. Mái tóc đong đưa, nhảy múa trước mặt và cả mùi hương từ tóc em đã cột chặt hồn tôi lại, đã đưa tôi bồng bềnh trong nỗi nhớ mênh mang” (Chương 6). Tác giả viết về cố đô Huế với những kỷ niệm bên cạnh người tình cho đến thời điểm tang thương vào tháng Ba năm 1975, chàng bị cụt chân, người tình ghé thăm với mái tóc ngày nào còn phảng phất mùi mùi hương…
Tác giả nầy yêu quá sớm, thuở đó thời học sinh ở trung học Đệ Nhất Cấp (Đệ Thất đến Đệ Tứ) nam nữ học chung, ngồi sau nữ sinh, chúng tôi thuộc loại “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chưa yêu nên quậy tới bến, cột tóc dài của mấy cô ngồi trước… nên vài lần bị thầy/cô cho ra khỏi lớp. Khi lên Đệ Nhị Cấp ban C mới “Mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây” (Thơ Xuân Diệu).
Nhạc sĩ Phạm Duy lấy từ ca dao nầy soạn thành ca khúc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài “Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc. Thuở ấy anh vừa thôi học xong”.
Tóc mai là phần tóc ở phía trước vành tai, và kéo dài đến cuối lỗ tai. Nam thì cắt tóc, chấn ngang giữ vành tai, nữ thì để tự nhiên, tăng thêm sự hài hòa, thanh thoát trên khuôn mặt.
Tròng bài thơ Màu Thời Gian của thi sĩ Đoàn Phú Tứ ca ngợi hình ảnh:
“Tóc mai một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương”.
Hai chữ dao vàng trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:
“Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi”.
(Trong Truyện Kiều chú giải: Dao vàng, vàng đây là dịch chữ kim trỏ kim loại, kim thuộc như đồng, sắt… Vậy dao vàng không nên hiểu kim loại bằng vàng, chỉ là con dao thường bằng sắt. Nói thế cho đẹp lời văn mà thôi. Kiều lấy dao cắt một ngụm tóc để thề).
Với phái nữ, tóc dài, tóc ngắn tùy theo khuôn mặt để có sự hài hòa, thanh thoát và tùy theo sở thích của mỗi người (nam, nữ) được diễn tả trong thi ca, âm nhạc…
Chuyện vãn lần nầy nói về tóc dài của thuở xa xưa ở quê nhà với nữ giới vì với Âu Mỹ thường là tóc ngắn nên không có sự phân biệt gì cả.
Nhân Ngày Hiền Mẫu, trước đây tôi viết bài về hình ảnh mẹ tôi của thời ấu thơ, mẹ tôi bán sạp vải ở chợ, buổi trưa giao cho con gái về nhà gội đầu chùm kết (bồ kết) và vỏ bưởi, khi hong tóc mùi thơm loan tỏa khắp nhà, tôi quạt cho tóc mẹ mau khô. Tóc mẹ rất dài và búi tóc (từ mái tóc đen cho đến khi bạc trắng) và từ đó hình ảnh tóc dài đã in sâu trong tâm hồn… Vì vậy (với cá nhân) thiện cảm với tóc dài. (Người Bắc thì quấn khăn vành dây bằng nhung).
Trong bài Những Sợi Tóc của Nguyễn Ngọc Chính: Xứ Huế có câu ca dao “Bớ cô tóc xõa kề bề. Cô mặc áo trắng, tóc thề ngang vai”… Nhiều người tự hỏi, tại sao gọi là “tóc thề”? Một giải thích cho rằng những cô gái miền Sông Hương, Núi Ngự để “tóc thề” để nói lên sự ngây thơ, khép kín. Rồi mái tóc thề xuông đuột xõa kín bờ vai đó sẽ có ngày biến mất khi nàng thơ sang ngang để lại một nỗi buồn man mác trong lòng kẻ tình si!”.
Tóc thề là những sợi tóc ngắn phất phơ hai bên trán và vành tai, tạo vẻ duyên dáng, thơ ngây. Tóc thề ngoài ý nghĩa thề hẹn, biểu tượng sự thủy chung, sắc son… Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du:
“Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son”.
Với Huế, ca khúc Huế Ngọc của nhạc sĩ Võ Tá Hân:
“Huế có gì để tôi phải thương
Bên ni bên nớ mấy độ đường…
Mái tóc thề xõa trên bờ vai
Cho tôi nhung nhớ tháng năm dài
Nón lá nghiêng che đôi mắt ngọc
Cho tôi thờ thẫn mộng thiên thu”
Trong ca dao với hình ảnh:
“Một thương tóc xõa đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương đôi mắt như sao hiền mùa thu…”
Nhạc sĩ Châu Kỳ, người con xứ Huế với ca khúc Mái Tóc Thề:
“Tôi thương mái tóc thề dịu men tình trong nhân thế
Tôi thương mái tóc thề con đường màu thắm hương quê
Hình dáng đó còn mơ em tôi ơi đẹp thơ
Mái tóc thề tình xưa”.
Nhà thơ Kiên Giang với bài thơ Tóc Thề Xứ Huế
“Cuối tháng, thầy vô trường võ bị
Xa trời Đồng Khánh, học trò yêu.
Xa rời Bến Ngự sông An Cựu
Nắng đục, mưa trong lắng tiếng chiều…
Đêm nay em viết trong lưu bút
Xin gọi thầy bằng một tiếng anh.
Đuôi tóc thề kèm thư mới viết
Gởi về Gia Định, mộng ngày xanh”.
Ca khúc Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương:
“Em buông lơi tóc thề
Tình mình theo cơn lốc về
Em như mưa nắng hạ
Hôn bờ biển xanh sỏi đá…”
Với mái tóc thề khi thắt bím của tuổi nữ sinh với nhà thơ Kim Tuấn, người con xứ Huế trong bài thơ Ngày Em Còn Thắt Bím:
“Tóc bím nghĩa là tóc dễ thương
Tóc bâng khuâng lá rụng bên đường
Tóc chia đường gió, chia thương nhớ
Chia nỗi buồn cho ai vấn vương.
Tóc bím nghĩa là tóc mộng mơ
Để ai thương nhớ, để ai chờ
Để ai ngơ ngẩn giờ tan học
Em vẫn vô tình, em lửng lơ”.
Với mái tóc dài được mô tả như suối tóc. Ngày đó, nhà thơ Quang Dũng với hình ảnh Suối Tóc:
“Thuở ấy em ngồi trên cửa gác,
Tóc buông hong với gió đầu thu
Em mải mơ gì dưới nắng êm?
Tóc như suối mực chảy êm đềm”
Nhạc sĩ Văn Phụng qua ca khúc Suối Tóc:
Tìm cho thấy liễu xanh, xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai
Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai
Anh với em một đêm thu êm ái…
Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau
Như chúng ta đôi lần hàng gắn thương yêu”.
Ca khúc Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ:
“Chiều tím, chiều nhớ thương ai
Người em tóc dài
Sầu lên phím đàn
Tình vương không gian
Mây bay quan san có hay?…
… Tóc bay dài, gió viễn khơi”
Trong bài viết Người Đẹp & Suối Tóc của ca sĩ Quỳnh Giao ghi nhận:
“… Ngẫm lại thì nhạc ngoại quốc có lời từ ca tụng nhiều nhất là đôi mắt, ngay sau đó tới… thân hình. Còn các nhà thơ và giới sáng tác của chúng ta chỉ cần mê đôi mắt và… ca tụng mái tóc thì “cũng đủ lãng quên đời”. Hèn chi mà Đinh Hùng viết “một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc….”
Vì vậy, xin nói về mái tóc trong các nhạc khúc xa xưa.
Từ thuở phôi thai của nền tân nhạc, Thẩm Oánh có bài Suối Huyền nhịp Slow, viết theo giai điệu Hạ Uy Di, nghe lả lướt óng chuốt, tiếc là đã lâu không còn ai hát lại nữa. Người viết thì còn nhớ hình bìa in ảnh cô Tâm Vấn với mái tóc dài, dợn sóng và khóe mắt hồ thu. Cũng theo lời thân mẫu kể lại thì ông viết để tặng mái tóc nổi tiếng ấy.
Suối huyền, lả buông làn tóc
Thướt tha, óng chuốt uốn lưng ong…
Nhớ lại thì cả Thẩm Oánh và Văn Phụng đều cùng thấy mái tóc óng mượt chảy xuôi như môt dòng suối.
Khi kết duyên cùng Châu Hà, nhạc sĩ Văn Phụng viết bài Suối Tóc, với lời của Thy Vân. Ca khúc có nét tân kỳ quý phái với điệu Boston dìu dặt như nhịp bước của đôi tình nhân. Không biết tác giả có lời yêu cầu với ông Thy Vân không, mà lời ca thì rõ là để tả mái tóc thời ấy của cô Châu Hà. Buông dài đến tận lưng, mầu nâu nhạt óng ả. Cho đến nay, ca khúc này vẫn còn được hát, đơn ca hay song ca, tam ca đều hay. Và dĩ nhiên người hát bài này tình tứ nhất là Châu Hà. Chứ còn ai nữa!… (sau nầy ca sĩ Châu Hà cắt tóc ngắn)
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền có nét nhạc bay bướm mềm mại và viết bài Mái Tóc Dạ Hương phổ thơ Đinh Hùng rất đạt. Nhịp Boston êm đềm và cung Trưởng trong sáng làm cho ca khúc dễ hát dễ nghe. Ngày xưa Thanh Lan hát bài này trong cassette của Phạm Mạnh Cương rất dễ thương.
Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình hương tóc quen…
Hồi còn làm nhân viên cho phòng kỹ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Hoài Linh có sáng tác bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương, thường được Thanh Thúy trình bầy và thính giả rất thích vì tưởng tượng ngay ra mái tóc rất đặc biệt của người nữ ca sĩ có nét đẹp rất Liêu Trai…
Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xoã tóc ngồi bên rèm…
Cũng ở hải ngoại, nhạc sĩ Thanh Trang của Duyên Thề sáng tác thêm nhiều ca khúc trữ tình đẹp cả từ lẫn nhạc. Bài anh viết về mái tóc phổ thơ Hà Nguyên Dũng có tựa đề rất nên thơ là Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ. Nét nhạc mang âm hưởng cổ kính của đất Thần Kinh.
Trời đang nắng bỗng mưa nào ai biết
Mưa ướt rồi mái tóc sẽ phai hương
Anh yêu lắm mùi hương trên làn tóc
Em đi qua thơm ngát cả con đường…
Cho ai lời hẹn xưa…
Chắc là còn nhiều lắm mà khuôn khổ một bài tạp ghi không cho người viết kể lể nhiều hơn. Người Tây phương ít khi rưng rưng chỉ vì một sợi tóc, chứ người Việt chúng ta lãng mạn mà kín đáo. Thương mái tóc là nhớ cả dáng người. Phải chăng vì mái tóc là biểu tượng của sự dịu dàng thơm tho, và cả nét đẹp của tâm hồn người yêu mái tóc nữa?
Nghĩ lại thì lối ca tụng cái đẹp tinh khiết và thánh thiện đó là một phong cách văn minh mà mình nên gìn giữ” (Quỳnh Dao)
Theo lời kể Văn Phụng không biết đặt tên cho bản nhạc ấy là gì. Rồi bỗng nhìn mái tóc Châu Hà dài chấm đất của cô gái và nói: “Mái tóc cô đẹp quá, thật là suối tóc. Đặt tên bản nhạc là Suối tóc nhé!”. Ca khúc Suối Tóc ra đời từ buổi đó. Ban tam ca với các ca sĩ Châu Hà, Mộc Lan, Kim Tước trong ban Tiếng Tơ Đồng một thời nổi tiếng ở Sài Gòn, nay chỉ còn ca sĩ Kim Tước ở Quận Cam (Tôi rất thích ca khúc Cát Biển của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ban tam ca nầy, sau nầy có ban tam ca Kim Tước, Quỳnh Dao, Mai Hương ở Little Saigon, ngoài ra không thể nào có ban tam ca nữ nào như vậy).
Nhà thơ Đinh Hùng trong bài Mái Tóc Viễn Phương:
“Xa trời, lưu lạc hồn quê
Có phai, xin để ngày về hãy phai
Viễn phương mái tóc bay dài
Nghiêng vai sương lạnh, thương hoài vầng trăng”.
Và cuối cùng “Tóc em xõa xuống đôi bờ vai nhỏ. Dòng thác nào cuộn chảy giữa lòng tôi” (Cây Điệp Vàng, nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, thơ: Nguyễn Thái Dương). Rồi “Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu” (Bản Tình Cuối của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên). Đến khi đó thì “Tình cờ đất khách gặp nhau. Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được?” (Tình Già của nhà thơ Phan Khôi). “Thôi em xanh mắt bồ câu. Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau” (Kiếp Sau của nhà thơ Cung Trầm Tưởng).
Little Saigon, Valentine’s Day
Vương Trùng Dương