Từ chuyện quốc tang…
Bản tin BBC cho hay: “Để tỏ lòng thương tiếc” Fidel Castro, lãnh đạo Việt Nam “quyết định để tang đồng chí Fidel Castro với nghi thức Quốc tang ngày 04/12/2016”.
Vẫn theo BBC, thông báo nhà nước cho hay: “Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rũ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.”
Trên các mạng xã hội ở trong cũng như ngoài nước đã bàn tán sôi nổi về sự kiện này. Có người nói: tưởng chỉ có ông Bắc Hàn mới làm thế. Ai dè!
Những lời bàn tán, mai mỉa, chê khen này được thiên hạ dai dẳng viết thành những bài dài lê thê. Nhưng với diễn viên hài Dưa Leo, trong một clip video “bàn loạn” về chuyện này, anh chỉ mất vỏn vẹn 1 phút 55 giây, bao gồm những đoạn ngừng lại để diễn tả thái độ ngạc nhiên hoặc post chữ và hình lên màn ảnh để minh họa. Nhưng theo nhận định của khán thính giả thì nội dung những lời “bàn loạn” cô đọng, súc tích, ngắn gọn của anh đã cực tả được tất cả cái ngu dốt, hãnh tiến, cái mà theo nhà báo Hà Sỹ Phu Nguyễn Xuân Tụ gọi là thói “kiêu ngạo, hoang tưởng cộng sản”.
Mở đầu, với kỹ thuật hài, anh cho hay, đọc báo anh biết tin Việt Nam sẽ tổ chức quốc tang cho ông Castro ngày 04-12. Ngừng lại một giây, rồi với nét mặt ngẩn ngơ anh tự hỏi “mà cái ông Cartro này là ai vậy? Phải thử check coi”. Màn ảnh nổi lên hàng chữ Cuban, Birán, Cuba cạnh tấm hình lãnh tụ có bộ râu xồm, sau đó là thông báo của nhà nước về chuyện “Quốc Tang”.
Với nét mặt thảng thốt, anh la lên, “À mà lạ thiệt! Tại sao người Việt Nam mình mà lại tố chức Quốc Tang cho ông Castro trong khi dân Cuba lại ăn mừng khi hay tin ông ta chết!? –à quên, tôi lộn Cuba Tân-“ (người viết chú thích: Leo muốn nói Cuba tân thời ở Miami, Florida nơi có đông đảo người Cuba tị nạn Cộng sản). Màn ảnh hiện ra hàng chữ “Crowds flood streets of Miami Little Havana of cheers Castro’s death!”, bên dưới là clip video có hình cô gái trẻ Cuba vỗ tay reo hò mừng rỡ!
Dưa Leo nhăn mặt kêu lên: “Ah! Something wrong! Có một cái gì sai, một cái gì lạ lắm! kỳ cục lắm mà nghĩ mãi không ra!” Anh ôm đầu suy nghĩ tỏ vẻ khổ sở không hiểu được. Anh nói:
“Có thể trong riêng tư các bạn đã nghĩ ra rồi. Nhưng mà nghĩ thôi nhé, chớ vội kết luận. Ở cái xứ của mình nó lạ lắm! Tôi cũng không dám kết luận. Ở cái xứ của mình mà kết luận tùm lum, nghĩ tà la là chết cha cả đám, mà tôi cũng chết luôn!”
Lấy lại vẻ mặt nghiêm trang, anh nói.
“Nhưng mà tôi cũng phải nói ra một điều. Tại sao ở cái nước Việt Nam mình người chết một đống, dân chết một đống. Bao nhiêu người chết trong lũ lụt. Sau vụ Formosa cũng có bao nhiêu người chết theo!?… mà sao không thấy có quốc tang gì vậy cà!?”
Dưa Leo nhăn nhó kêu đau đầu quá rồi than, “thôi cái đầu của tôi bé nhỏ quá, không dám nghĩ gì thêm nữa, xin nhường cho những bộ óc vĩ đại nghĩ giùm!”
Và anh chào khán thính giả kết thúc clip hài.
…tới chuyện mặc cảm tự ti (Inferiority Complex)
Sáng sớm hôm Thứ Ba 29-11 một người bạn lại chuyển cho coi clip hài khác của Dưa Leo. Nhân chuyện “El Nino – Rau đay” trong một cuộc thi “Ai là triệu phú”. Tìm vào google, được biết người tham dự là cô Phạm Thị Quyên, kỹ sư cơ khí hiện làm việc cho một công ty xe hơi ở Nhật Bản, bị giới trẻ trong nước vùi dập, mỉa mai, khinh bỉ chỉ vì cô không trả lời được câu hỏi về El Nino và Rau đay. Clip dài 9 phút 20 giây.
Sau khi gián tiếp nhắc khán thính giả theo dõi clip hài của anh mở google để biết về cô gái bị đánh tới tấp trên mạng, Dưa Leo vạch rõ cái căn nguyên cỗi rễ dẫn tới phản ứng như thế. Anh cho haym anh không ngạc nhiên về cái hiện tượng cô bé bị ném đá tơi bời trên mạng. Đây là một hiện tượng quá quen thuộc ở Việt Nam,
Theo anh, nó là phản ứng mang tính quốc gia xuất phát từ căn bệnh “tự ti mặc cảm – inferiority complex” của Việt Nam ngày nay. Cứ thấy một người nào tỏ ra yếu kém hơn mình ở một điểm nào đó để có cơ hội đưa mình lên là tha hồ “ném đá”.
Phạm Thị Quyên lúng túng trong câu hỏi của show “Ai là triệu phú?”. Ảnh: VTV3
Leo nói: “Người Việt mình bây giờ lúc nào cũng tự ti mặc cảm. Các bạn thấy đấy, chính vì mặc cảm tự ti mà dân mình lúc nào cũng thấy dường như cái gì mình cũng yếu kém hơn Thái Lan, Tân Gia Ba, Đại Hàn, Mỹ… thậm chí cả Campuchia và Lào cũng bị bỏ xa! Và cũng vì thế lúc nào cũng gồng mình cố gắng để chứng tỏ mình không thua kém gì thế giới. Nhưng càng gồng mình thì lại càng chứng tỏ rằng mình chẳng có cái gì để so sánh với thế giới hết. Các bạn ngó mà coi càng gồng mình khoe mình giỏi thì đ. có gì cả. Thằng nào khoe giàu đều nghèo chết mẹ! Đứa mà khoe giỏi, khoe thông minh thì đứa đó ngu hơn quỷ!”
Leo cho rằng để che đậy cái yếu kém của mình, người Việt thường chạy theo những cái phù phiếm như thi sắc đẹp, tham dự các cuộc thi hoa hậu thế giới để có cái tự hào là mình có nhiều con gái đẹp. Anh tự hỏi con gái đẹp để làm gì trong khi con gái Nhật Bản không mấy đẹp nhưng đất nước họ hùng mạnh, phố phường nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp. Vi clip được quay khi Leo đang ở Kyoto Nhật Bản nên anh cho khán thính giả nhìn thấy tận mắt những khu nhà tuy ở trong hẻm vẫn đầy đủ tiện nghị, có garage, có xe hơi nhất là đường phố luôn thẳng tắp, sạch sẽ và trật tự, khác hẳn với quang cảnh phố phường ở Sàigòn, Hànội cũng như các đô thị xô bồ ở Việt Nam.
Leo nói: Thế giới văn minh ngày nay người ta đ. coi chuyện thi sắc đẹp, thi họa hậu là cái quái gì! Chỉ có Việt Nam mình là quan tâm, chỉ để chứng tỏ cho thế giới thấy mình cũng có cái gì hơn!”
Anh cũng đề cập những chuyện thi đua về Văn/Toán/Lý/Hóa (như lỡ lời, với giọng hài anh chữa lại “Toàn/Lý/Hóa thôi!… còn văn mà đòi dự thi quốc tế thì chỉ có chết thôi!”
Leo cho rằng cả đến chuyện thi đua về Toán/Lý/Hóa để lấy về những huy chương này nọ cũng chẳng ích gì vì lẽ chỉ cần nhìn kỹ vào hiện trạng lạc hậu của Việt Nam, cả đến cái điện thoại và mọi phát minh khoa học mà đất nước ta đang dùng, tất cả đều đến từ các nước phương Tây, còn mình chẳng có gì hết! Vẫn theo Dưa Leo thì chỉ vì tự ti mặc cảm mình chỉ chuộng cái bề ngoài còn kiến thức bên trong thì rỗng tuyếch. Cũng vì thế những lễ hội thì cố rình rang làm như đất nước mình cũng giầu có lắm, có huy chương cao quý lắm! Những chiếc bánh chưng to đùng những tô hủ tiếu vĩ đại chỉ để đạt danh hiệu nhất thế giới, cuối cùng vứt bỏ vì thiu chẳng ai ăn được
Anh nhấn mạnh: “Huy chương cao quý để làm cái mẹ gì?”
Trở về với chuyện cô gái bị ném đá trong cuộc thi “Ai là triệu phú” diễn viên hài Dưa Leo cho biết, theo anh, cô là một thiếu nữ xuất sắc về nhiều phương diện. Để có thể ngồi trên chiếc ghế nóng trong cuộc thi cô đã đáp ứng những đòi hỏi không dễ dàng về những điều kiện được đặt ra. Hơn thế cô là một kỹ sư có hạng để một công ty xe hơi của một đất nước như Nhật Bản mướn vào làm với tư cách chuyên viên cơ khí, với lương tháng hàng trăm triệu đồng. Theo nhận định của anh, để được như vậy cô phải là một chuyên viên cực giỏi. Ấy thế mà khi cô không trả lời được câu hỏi liên quan tới tên gọi một hiện tượng thời tiết và một loại rau dùng để nấu canh cua là rau đay, cả lũ đã hùa nhau lên mạng để ném đá cô không nương tay.
Theo Dưa Leo rõ ràng chỉ vì tự ti mặc cảm. Khi thấy một người tỏ ra không biết về một điều tầm thường, thông dụng, người ta không thèm đếm xỉa tới tài năng ít ai có của đương sự, tự cho mình giỏi hơn qua kiến thức phổ thông ấy rồi lên mặt bôi bác nạn nhân không tiếc lời. Trước khi kết thúc, diễn viên hài Dưa Leo tâm sự.
“Nói thực với các bạn. Hãy nhìn cho kỹ đi, đất nước chúng ta có cái mặc cảm tự ti quá lớn. Các bạn thừa biết rõ thực sự so với thế giới chúng ta chẳng bằng ai hết trơn á. Cho nên chúng ta làm mọi cách, tham gia mọi cuộc thi để chứng tỏ rằng chúng ta không thua sút gì. Nhưng xin làm ơn mở mắt ra các bạn ạ… Đất nước chúng ta giống như một con người chỉ còn có da bọc…bọc gì?… bọc xương không tủy nhá… tại vì nó đã bị hút máu, hút thịt, hút tùm lum hết trơn rồi, chỉ còn da với lại xương mà tủy cũng bị hút luôn rồi!
Đất nước chúng ta không còn gì hết trơn á… Nó trống trống như bức tường này này (Chú thích của người viết: Leo muốn nói tới bức tường sau lưng anh, một bức tường trống trơn)…
Ngừng lại giây lâu với nét mặt đầy xúc động như muốn khóc anh lập lại: “Vậy à. Nó trống như bức tường này thôi!.. Đừng có cố gắng chứng tỏ mình không phải, mình không thể, mình không làm được nữa các bạn ạ…
Leo lắc đầu nói tiếp: “Mà tôi biết cái này không phải lỗi ở dân tộc chúng ta. Lỗi sâu xa hơn! Nhưng… cái lỗi này tôi không thể nói ra được. Cái lỗi ấy nó xuất phát từ đâu ra? Nó làm mệt các bạn ạ! Nói ra mệt lắm. Mệt tay! mệt chân! mệt tim! mệt đủ kiểu hết! Các bạn chỉ cần biết mặc cảm tự ti của dân tộc chúng ta là một điểu hiển hiện rõ nét. Các bạn hãy nhìn cho kỹ đi. Nhìn cho kỹ chung quanh mình đi để làm sao đánh giá một người nào đó hãy để ý kỹ. Đánh giá người ta ở cái người ta biết chứ không phải cái người ta không biết. Ok!”
Suy nghĩ của người nghe và nhìn Leo “bình loạn”
Đây là lần thứ hai tôi viết sau khi nghe tiếng nói và quan sát diễn biến trên khuôn mặt trẻ thơ của diễn viên hài Dưa Leo trong khi anh “bình loạn” (ngôn ngữ của anh). Lần thứ nhất khi anh bàn về cuộc bầu cử Tổng Thống của cử tri Hoa Kỳ hôm 08-11 vừa qua. Và lần này khi xúc động ngồi nghe, nhìn anh nói về chuyện Hànội để tang nhà độc tài Fidel Castro và chuyện trên các trang mạng trong nước nhiều người trẻ đua nhau ném đá cô gái tham dự show “Ai là tỉ phú?” chỉ vì cô không biết El Nino và Rau đay là gì.
Tôi từng nghe các bạn tôi cho hay Leo là một diễn viên hài danh tiếng và kiếm rất nhiều tiền qua dịch vụ quảng cáo. Trong một số clip video anh công khai xác nhận như thế. Chính điều này khiến tôi suy nghĩ và thầm cảm phục anh, như đã từng cảm phục MC Phan Anh, nhạc sĩ Tuấn Khanh, cô Hân Phan, cô Giáo Trần Thị Lam…, những người không nề hà có thể mất trắng, bao gồm tiền tài, danh vọng, công việc làm ăn kể cả gia đình và sinh mạng. Bởi vì họ có danh vị, tiền tài, có tất cả mọi thứ cần phải bảo vệ giữa một đất nước tuy không có chiến tranh, nhưng đang bị nhận chìm trong không khí nghi kỵ, bất an, bạo lực. Chỉ một lời nói, một cử chỉ không vừa lòng kẻ có quyền là có thể bị hành hung, bị bắt bớ, bị giam cầm, tiêu ma sự nghiệp, kể cả mất mạng.
Nhưng, cũng như MC Phan Anh, nhạc sĩ Tuấn Khanh, cô Hân Phan, cô giáo Trần Thị Lam, do sự thôi thúc của lòng yêu nước, thương dân và tiếng gọi của lương tâm con người, diễn viên hài Dưa Leo đã vượt lên trên tất cả, bao gồm chính mình, để chỉ biết nghe theo nhịp đập của trái tim yêu thương, nói lên những lời chân thât.
Những ngày đầu tháng 12-2016
Trần Phong Vũ