Đã lâu lắm rồi, châu Âu mới có một mùa hè nắng và nóng đến vậy. Trời đã vào đêm, vậy mà dường như, hơi nước bốc lên từ con đường Beton vẫn còn những vệt mờ mờ xuyên qua khung cửa kính trước mặt. Cửa ra của sân bay Leipzig đã vắng người. Nguyễn Bình An có vẻ sốt ruột, kiễng chân, nhoài người, nhòm vào phía trong, văng tục:
-Thằng bỏ mẹ này, có lẽ mang hàng lậu, tiền bẩn bị Hải quan, Công an tóm cổ lại thật rồi.
Từ phía sau, tôi nói vọng lên trấn an:
-Nếu quả vậy, thì nó đã bị tóm ở phi trường Paris, London, chứ đâu đến lượt cái sân bay tỉnh lẻ này. Cái loại quái thai, quyền lực nghiêng ngả, lắm của, nhiều tiền như nó, thiếu gì kẻ đóng thay chết thế. Tội gì, nó phải làm như vậy.
An quay lại, ngồi xuống cạnh tôi lẩm bẩm:
-Thằng này, đâu chỉ có mấy cái tội đó. Những mưu mô, cạm bẫy, bè phái tranh giành quyền lực, bòn rút ngân khố, dẫn đến kẻ thù của nó ở khắp mọi nơi. Nhiều khi biển khơi sóng lớn vô can, nhưng lại chết ngay ở cái ao tù nhỏ bé đấy. Và sự quả báo cũng muôn hình vạn trạng, sớm muộn khác nhau mà thôi.
Gã bạn này của An chức tước không lớn lắm, tên tuổi cứ khuất lẫn ở đâu đó, nhưng ở vị trí đắc địa, có quyền sinh sát. Do vậy, uy thế vây cánh chìm nổi rải khắp nước, dẫn đến bổng lộc, múc máy được nhiều. Nếu An không bị thu giấy phép lái xe mấy tháng, vì can tội bia rượu, thì có lẽ hắn không nhờ tôi lái xe ra sân bay. Bởi, hắn biết, tôi rất kỵ những thành phần này.
Ngước mắt nhìn, thấy An tần ngần định nói tiếp, tôi bảo:
-Thành phần này, ông nghĩ làm quái gì cho nhức đầu. Thằng nào bị bắt, bị làm thịt thì sạch sẽ xã hội chừng đó.
An trừng mắt nhìn tôi, rồi đột nhiên giọng chùng xuống:
-Dù nó đã trở thành kẻ nào đi chăng nữa, thì tình bạn của tôi vẫn vậy. Tuổi thơ của chúng tôi cùng trải qua những ngày đánh bi, đánh đáo. Rồi lớn lên với những tháng năm đói khát ở Trường An Ninh. Có lẽ, tình bạn của tôi ở lại với nó bởi những hoài niệm ấy…
***
Nguyễn Bình An sống tình cảm, có tính hòa đồng cảm thông, do vậy dường như ngành an ninh, cảnh sát không hợp với hắn. Vào năm 1983, An được làm tổ trưởng liên ngành đi tịch thu tài sản của người dân ở Hà Nội, theo cái chỉ thị quái đản Z30. Lúc đầu hắn rất hăm hở. Mấy ngày sau, thấy sự chán chường hiện trên khuôn mặt, và hắn còn cho đó là sự sỉ nhục. Buổi tối cuối tuần, An đã ngắc ngư ở đâu đó, rồi thất thểu đi bộ tìm tôi. Thấy lạ, tôi hỏi: Xe pháo đâu, mà rũ rượi như thế này? Hắn không trả lời, ngoắc tay, rủ đi uống tiếp.
An không phải là đệ tử lưu linh, song chẳng hiểu thế quái nào, hôm nay rượu gạo hắn cứ liên tục nhát một. Sợ hắn đổ kềnh kếnh cang, tôi liền úp cốc, hỏi:
-Việc chó gì, mà tâm trạng bất ổn thế này?
Hắn hất tay tôi, rồi ngửa cốc định rót tiếp:
-Có nói, ông cũng đếch hiểu tâm trạng lúc đó của tôi đâu.
Tôi úp tay vào miệng cốc:
-Khoan rót. Chưa nói, làm sao ông biết, tôi không hiểu. Và dù hiểu, hay không hiểu, thì ông cứ tuôn mẹ nó hết ra, có phải nhẹ nhõm, thanh thản hơn không.
An đặt chai rượu xuống, nhìn tôi với đôi mắt ngân ngấn như có nước, rồi rỉ rả kể:
Sáng hôm qua, tổ tôi nhận lệnh sục vào một quán cà phê ở Quan Thánh. Như có linh cảm, tôi lùi lại đứng vòng ngoài, để thằng tổ phó dẫn quân sục sạo. Lúc sau, nghe có tiếng phụ nữ vật vã van xin: Các anh thông cảm, bao cà phê này là tài sản, vốn liếng cuộc sống của cả gia đình. Các anh lấy đi, chắc chắn mẹ em sẽ chết, bởi không còn tiền thuốc thang…
Lúc đầu, tôi không định vào. Nhưng tiếp đó, nghe tiếng rên rỉ, van xin trong tiếng nấc, tiếng ho của bà cụ, tôi (bị xúc động) chịu không nổi, nên đi vào.
Thật ra, quán cà phê là hiên nhà, thông với phòng khách của gia đình. Trông (bô nhếch) không khác gì quán chè chén của mấy bà bán vỉa hè. Ngách phòng khách có một căn phòng nhỏ tạm bợ, dường như mới được cơi nới. Nơi đó, có một chiếc giường duy nhất dành cho bà cụ đang cơn thập tử nhất sinh. Và bao cà phê hạt chừng bốn chục cân được kéo ra từ gầm giường ấy. Không hiểu sức lực từ đâu, khi tôi vào, thấy bà cụ đang xoay người giơ tay quờ quạng, như muốn túm, níu lại, dù khoảng cách với bao cà phê còn rất xa. Dưới đất, người phụ nữ run rẩy, ngồi chặn trước cửa, mặt cúi gằm xuống. Thằng tổ phó, thấy tôi, hắn lắp bắp gì đó, làm người phụ nữ ngẩng đầu lên, và quay lại. Tôi giật mình, quyển sổ trên tay rơi tuột xuống đất. Lùi lại mấy bước, tôi kêu: Cô Ngọc, cô Ngọc…Rồi như vô thức, tôi quay đầu, định bỏ chạy. Cô Ngọc sững lại một giây, rồi hỏi: An… An đúng không? Em làm gì ở đây? Lúc này, tôi đang muốn tìm cái lỗ nào đó để chui xuống, nên không còn tâm trạng trả lời. Từ xám ngắt, khuôn mặt Cô Ngọc chuyển sang đỏ ửng, và một chút bối rối, rồi đứng phắt dậy: Em đang làm nhiệm vụ phải không? Tôi ấp úng, đứng trước cô vẫn như đứa học trò mắc lỗi bị phạt năm nào.
Cô Ngọc là giáo viên chủ nhiệm mấy năm học cấp 3 ở trường dân tộc nội trú của tôi. Khi chúng tôi sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, cô được chuyển về Hà Nội, dạy ở một trường trung học, thuộc ngoại ô thành phố. Tuy là người Hà Nội, song cô rất yêu thương, tận tình dạy bảo và bao dung những thằng học sinh miền núi, tỉnh lẻ như chúng tôi. Khi về Hà Nội học, tôi đã mấy lần đi tìm cô, nhưng do nhầm lẫn địa chỉ, nên không tìm được. Rồi không ngờ bảy năm sau, không tìm mà gặp, trong cái hoàn cảnh cô và trò đều muốn độn thổ này.
Thấy tôi đứng như trời trồng, cô bảo: An cứ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình đi. Tôi càng bối rối. Chưa biết xử trí thế nào, thì thằng tổ phó kéo thốc tôi ra ngoài, rỉ tai:
-Hoàn cảnh cô giáo của ông quả thực khó khăn, do vậy, tịch thu (không nỡ), không được, không tịch thu thì càng không được. Bởi, ở đây không chỉ có ông và tôi. Và ngoài kia nữa, còn rất nhiều tai mắt đang rình mò chúng ta. Bây giờ, có lẽ ông không nghĩ được gì đâu. Theo tôi, chỉ còn cách duy nhất, tạm tịch thu nửa bao, gọi là có tang vật. Về gặp sếp, hoặc bằng cách nào đó, ông xin lại, trả cho cô giáo.
Không còn cách nào khác, tôi trở vào nhà, nói với cô Ngọc hướng giải quyết như vậy. Cô cười. Tiếng cười mềm nhũn, như xát muối vào lòng tôi, khi cô cứ xuýt xoa: Làm vậy, có ảnh hưởng gì đến em không…ảnh hưởng gì đến em không… Tôi trả lời: Không, một cách vô thức. Có lẽ, câu trả lời này, cho tôi và cô đỡ ngượng ngùng thôi. Chứ quả thật, tôi chưa biết sự việc sẽ diễn ra như thế nào.
Đầu giờ chiều, dường như sếp vừa ăn nhậu ở đâu đó về, mặt mũi có vẻ tưng bừng lắm. Biết lúc này, tính nết của sếp dễ dãi, mát mẻ nhất, tôi lựa lời trình bày sự việc. Lúc đầu, sếp cứ tưởng chuyện trăng hoa ong bướm, nên cứ gật đầu lia lịa. Khi đến đoạn xin lại tang vật, trả cho khổ chủ sếp giật mình, tỉnh rượu ngay, mắt nhìn tôi trừng trừng: Không được. Việc này, đâu chỉ có ngành an ninh cảnh sát quyết định được. Cái chỉ thị Z 30, nó không chỉ cắt đầu mày, mà nó còn thiến cả đầu của tao nữa đấy. Đừng đùa với lửa trong lúc này.
Rất ngán ngẩm, tôi rời phòng sếp. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh cô giáo Ngọc, và giữ lời hứa của mình, chiều nay, tôi mang chiếc xe đạp (tài sản đáng giá nhất) cắm ở ngoài chợ giời. Cảnh giác, quan sát chắc chắn không có kẻ rình mò, tôi mới dám vào nhà cô Ngọc. Đưa cho cô, tôi bảo đó là tiền bán cà phê.
Tôi ngắt lời An:
-Ông hơi bị nhanh nhẩu đoảng. Bởi, cô Ngọc khó có thể tin đó là tiền bán cà phê.
-Tất nhiên, cô Ngọc không tin. Bởi, cô biết tài sản, tiền bạc đã bị nuốt rồi, thì làm sao mà nhả ra được. Nếu có xin xỏ được, thì làm chó gì nhanh như vậy. Nên cô trả lại tiền. Tuy nhiên, tôi vẫn để lại, rồi chuồn đi uống rượu cho đến bây giờ. Qủa thực, nếu tôi không mang tiền đến thì bà cụ nhà cô Ngọc chỉ có con đường chết. Bởi, sau khi khám nhà, tịch thu tài sản, quán cà phê không thể hoạt động. Và nếu có hoạt động, thì khách nào dám đến…
Một tuần sau bữa nhậu chán chường ấy, An không đến tìm tôi. Thấy lạ, tôi đến đơn vị hắn hỏi. Đồng đội của hắn bảo: An bị bệnh đau đầu, chóng mặt cả tuần nay, nhưng bác sĩ chưa tìm ra căn nguyên, hiện đang nằm ở Bệnh viện 198. Nghe xong, bất chợt, tôi bật cười, suýt nữa phát ra thành tiếng: Thằng cha này đóng kịch giỏi. Tiếng cười vô duyên làm gã đồng đội của hắn ngớ cả người, tưởng tôi lên cơn điên. Có lẽ, chẳng phải riêng tôi mong cho hắn nằm viện đâu, mà còn rất nhiều thằng mong như vậy, nhưng với mục đích, chủ ý khác nhau mà thôi. Bởi, cái chức tổ trưởng liên ngành, quyền hành ngang ngửa với những ông đội cải cách ruộng đất ngày xưa. Oai phong béo bở, thơm như mít như vậy, thằng nào chẳng khoái, chẳng nhòm ngó, đang xếp hàng chờ đến lượt…
Thấy tôi thiu thiu gà gật, miệng còn tủm tỉm cười, An huých cùi chỏ vào mạng sườn:
-Ngủ rồi, còn cười cái chó gì nữa.
-Chẳng hiểu thế quái nào, cái thời ông cầm đầu bọn liên ngành đi cướp bóc người dân, trở về luồn vào quấy phá giấc ngủ bù của tôi.
-Tôi cũng đang muốn quên cái thời bi thương và khốn nạn ấy. Tuy nhiên, cũng cần phải cảm ơn nó đã giúp tôi đủ can đảm từ bỏ tất cả, để chuồn sang Đức cày thuê cuốc mướn. Mà này, thằng bỏ mẹ ấy, hình như bây giờ mới bò ra kia…
Nhìn theo hướng tay An chỉ, sau cửa kính thấy một gã thấp đậm, bụng to như đàn bà chửa, làm cho đôi chân ngắn tũn lại, Từ xa nhìn đôi chân khuỳnh khuỳnh chữ bát của hắn đang vạt đi, vạt lại, tôi cứ ngỡ một con cua đang bò.
Tay bắt mặt mừng, vẫn chất giọng sếp từ Việt Nam sang, cứ oang oang như chốn không người. An cười cười bảo tôi: Đây là Trần Văn Tân tức Tân Cháy, nguyên Phó cục trưởng thanh tra thuộc…Tân Cháy xua tay, không để An nói hết: Thôi ông cắt mẹ cái chương trình ấy đi. Rồi Tân Cháy quay sang tôi: Trường, Đỗ Trường phải không? Đã nghe, đã đọc ông. Trông cũng còn ngon ra phết nhỉ.
An hỏi làm gì, mà bây giờ mới mò ra. Tân Cháy bảo, Vali bị thất lạc. Phải trình báo, họ đã tìm thấy. Ngày mai mới đến nơi, họ sẽ chở thẳng đến nhà ông. Mấy thằng Hàng không Đức quả là nhanh và nhiệt tình. Trong lúc làm việc, chúng cứ xin lỗi, cảm ơn liên mồm. Ở Việt Nam ít được nghe, sang đây nghe nhiều những cảm từ này thấy lạ, đôi khi, thấy rách việc ông ạ.
Vừa bước chân lên xe, Tân Cháy đã hỏi:
-Dạo này làm cái quái gì cũng nhọ. Các ông xem có chỗ nào giải đen không?
Tưởng gã hỏi về vấn đề ăn uống kiêng kỵ, đen đỏ, nên tôi trả lời:
-Ở đây làm quái gì có thịt chó mà giải đen.
Gã cười:
-Chó mèo gì, ông nỡm, cái khoản kia kìa!
An bảo:
-Ông không bao giờ bỏ được cái tật ấy. Bây giờ đưa ông đến Nhà Đỏ nhé!
-Nhà Đỏ thì nói làm gì. Phải là những bạch kim, mắt xanh, da trắng ở độ trăng tròn mới đỉnh. Đạn dược không thành vấn đề.
-Thế thì ông về Việt Nam nhé! Ở đây không có. Nếu có, trước sau cảnh sát nó xích cổ ông lại.
-Chả lẽ, ở đây không có hoa tiêu, dẫn mối và bảo kê?
-Tôi không biết, và cũng chưa nghe.
Tân Cháy thở dài:
-Thế thì cuộc sống buồn chết đi được. Cả triệu Euro trong tài khoản của tôi mang sang đây định mua bất động sản, thành lập công ty, để hợp thức hóa việc ở lại Đức, theo sự hướng dẫn của văn phòng luật ở Berlin, có lẽ phải suy nghĩ lại. Nếu ở Đức buồn tẻ như vậy.
Tôi hơi bị khó chịu, dù câu nói của Tân Cháy có thể là thật tình:
-Nhiều tiền như vậy, ông tìm đường sang Đức làm chó gì?
-Nếu ở Việt Nam mà bình yên, dù có phải mai danh, ẩn tích thì tôi cũng chẳng lọ mọ sang đây làm quái gì. Ông không biết chúng đang xây lò đốt nhau hừng hực đấy sao. Chẳng biết khi nào mình phải chui vào cái lò bát quái đó. Thôi cứ chuồn trước là thượng sách.
An quay sang gã:
-Già rồi, ông bỏ bớt cái thú tính ấy đi. Cái bả hồi ở Trường An Ninh vẫn chưa tởn sao?
Tân Cháy im lặng. Nhìn sang, tôi thấy mắt gã mở trừng trừng dội ngược lên trần xe. Vỗ vai, tôi đùa hỏi gã:
-Tên Trần Văn Tân đang ngon lành, làm thế quái nào ông có cái Spitzname Tân Cháy. Nghe có vẻ bà con, họ hàng với ông Hỏa, bà Hỏa thế nhỉ?
Tân Cháy chớp chớp mắt, rồi co người ngồi thẳng lại:
-Cái tên cúng cơm này, chẳng hề liên quan gì đến ông bà Hỏa cả. Nhưng nó cũng là một giai thoại đấy, và có ngay từ thuở tôi và Nguyễn Bình An đang là sinh viên Trường An Ninh. Này, ông An hãy kể lại thật vô tư, và chính xác, có khi cho Đỗ Trường hứng thú viết được cả cái truyện ngắn chứ chẳng đùa.
An cười:
– Tên Tân Cháy, nó gắn liền với cái bẫy tình, sau này là bẫy người của các ông. Những mưu mô quái quỷ, dẫm đạp lên nhau ấy, đã kể thì phải nói toạc ra hết. Ông có đủ can đảm nghe lại không?
Chẳng biết, trên máy bay, hay lúc chờ làm thủ tục vali thất lạc Tân Cháy đã khật khừ bia, rượu hay chưa, nhưng giọng có vẻ cứng cỏi, khí thế lắm:
-Chuyện thường xảy ra ở huyện nhé! Tôi đã hạ cánh an toàn, chẳng ngại bố con thằng nào cả. Cái xã hội từ trên xuống dưới lọc lừa nhau, chứ chẳng riêng thằng chó nào. Thằng nào nhiều mưu, đủ mạnh thì thắng vậy thôi. Ông cứ việc kể tuốt tuồn tuột ra…
***
Cái đói cứ xoắn lấy Tân. Có lẽ, chưa bao giờ gã phải chịu những cơn đói triền miên, đói hoa mày chóng mặt, đói quên cả học hành. Khi còn ở trên quê, hay ở trường nội trú tỉnh cũng đói, song gã còn có thể vào rừng kiếm một thứ gì đó ấn vô bụng. Chứ ở Trường An Ninh, giữa phố phường Thủ Đô, làm chó gì có rừng để gã vào tìm rau, tìm củ. Do vậy, gã buộc phải chui vào chuồng lợn, chuồng heo để tìm cơm cháy, của nhà bếp vừa thải xuống đó. Và cũng từ cái chuồng heo này, kết cho gã một mối tình, có thể nói đi vào “giai thoại“ truyền miệng trong giới sinh viên.
Thật ra, Cao Hồng Hạnh không xấu đến nỗi… như các sinh viên đàn anh thường lấy ra gán ghép, trêu đùa. Nhưng Hạnh mắc phải chứng bệnh hở van dạ dày, dẫn đến mồm miệng và hơi thở có mùi rất khó chịu. Do vậy, dù làm công việc quản lý dạ dày của sinh viên, và là cháu ruột của một sĩ quan cấp cao, quyền uy ngoài Bộ, song chàng sinh viên nào đến với Hạnh chỉ được một thời gian ngắn, rồi không đủ can đảm quay trở lại. Tuy chưa đến cái tuổi các cụ cho là quá lứa lỡ thì, nhưng nhìn Hạnh ngày càng khô cằn. Tân quen Hạnh đang ở hoàn cảnh như vậy, và trong một lần xuống nhà bếp sinh viên rình lấy cơm cháy.
Chỉ có vài lần, Hạnh dành riêng phần cơm và những rá cơm cháy cuối ngày cho Tân cùng bạn bè, vậy mà không rõ bọn thối mồm, độc miệng nào đã đồn thổi, gã khoái cỡi máy bay bà già. Ban đầu có một chút mặc cảm, mấy ngày gã không dám gặp Hạnh. Dù nàng cứ kè kè cái cặp lồng cơm thịt thơm phưng phức đi tìm gã khắp nơi. Có vài ngày như vậy, mà cái dạ dày cứ réo lên ùng ục, dường như gã không còn sức lực, tinh thần để theo kịp giáo trình học hành và luyện tập. Có thể nói, cũng là kẻ chịu khó đọc Marx, đôi lúc gã cũng nhận ra sự mâu thuẫn, và cảm thấy phân vân, dao động. Nhưng có câu này của Marx, gã khoái: “Vật chất quyết định ý thức“. Nó điểm đúng vào tâm lý, thực tế làm cho gã thức tỉnh, đảo lại ý nghĩ, nhận thức của mình trước những quan niệm cũ rích. Do vậy, với gã lúc này, cái dạ dày quan trọng hơn, tiếng tăm, và sự đồn thổi của bọn rách việc. Từ đó, quan hệ có tính hai chiều giữa gã và Hạnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng. Vậy là, cái tên cúng cơm Tân Cháy, vận vào gã từ đó.
Buổi tối cuối tuần, sân trường vắng vẻ. Sau bát mì khuya, Hạnh kéo Tân Cháy ra góc tối đằng sau nhà ăn đứng chuyện trò, tâm sự. Trời oi nồng, cũng như mọi khi, Tân Cháy vô tư cởi phanh cúc áo. Hạnh ngả đầu vào vai gã, tay cầm tờ báo quạt phành phạch: Trời có lẽ sắp mưa anh ạ. Gã chưa kịp trả lời, không hiểu từ đâu ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt. Dường như, Hạnh bị giật mình, làm rớt tờ báo xuống đất, hai tay ôm chặt lấy gã. Tân Cháy chưa kịp định thần, đã thấy mấy tay bảo vệ vây xung quanh, và quát:
-Hai người đứng yên, giữ nguyên hiện trường. Học viên an ninh gì mà có lối sống buông thả thế này.
Tân Cháy lùi lại, đẩy Hạnh ra xa:
-Chúng tôi đứng chơi, có làm gì đâu.
Đèn pin rọi sang Hạnh, áo quần xộc xệch. Nút áo tuột đâu mấy chiếc, dưới quần khóa chưa kịp cài:
-Quần áo thế này, bảo chưa làm gì hử? Về văn phòng lập biên bản.
Mặc cho Hạnh và gã giải thích, xin xỏ, song cái biên bản quan hệ trai gái buông thả, ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh người học viên an ninh nhân dân vẫn được lập ra.
Tân Cháy chưa kịp hoàn hồn, mấy ngày sau Phòng tổ chức và Phòng giáo vụ gọi lên. Sau khi đe nẹt, rồi xoa nắn, gã có hai con đường để chọn lựa. Nếu là sự chơi bời, buông thả, có thể bị đình chỉ học, trả về địa phương. Song nếu là quan hệ yêu đương nghiêm túc, đi đến hôn nhân, sẽ chỉ nhận mức độ kiểm điểm, cảnh cáo trước phòng, khoa mà thôi.
Dù biết đó là cái bả, một kịch bản tồi, song con đường thứ hai, buộc Tân Cháy phải chọn. Và đám cưới của gã với Cao Hồng Hạnh diễn ra một cách chóng vánh, làm cho bạn bè, đồng đội của gã không khỏi ngạc nhiên. Thôi thì cũng mừng cho gã. Từ nay, gã cứ việc cơm no bò cỡi. Bạn bè gã bảo vậy. Mà chẳng mừng sao được, khi ra trường bạn bè cùng khóa, người lên rừng, kẻ phải xuống biển, gã được bắn một phát về Bộ. Tuy nhiên, không có ai có thể hiểu được nỗi hận trong lòng gã.
Mười mấy năm trong ngành dù sau lưng có ông chú vợ, gã cũng không làm nên công trạng gì. Tước thì có chức thì không, nên gã đâm chán nản. Nhân ông chú vợ được chuyển ra Văn phòng chính phủ, gã cũng xin chuyển ngành, làm Trưởng phòng ở Cục thanh tra thuộc một Bộ gã đã từng theo dõi mảng an ninh. Từ đây, gã có quan hệ chặt chẽ với các Giám đốc, Tổng giám đốc trên khắp cả nước, nhất là từ khi Mỹ bỏ cấm vận. Tiền bạc, đất cát từ đâu rót về cứ đều đều làm cho gã đổi tính, đổi nết. Mưu mô, cạm bẫy của gã giăng ra đố con mồi nào chạy thoát. Những kịch bản gã đã dựng không thể ai bắt bẻ, hoặc chọc khe. Khi gã thành công nhử Tổng giám đốc ở phía Bắc sập bẫy, đi nghỉ mát dài hạn, để đồng bọn một Tổng giám đốc ở phương Nam có cơ hội trèo lên chiếc ghế Thứ trưởng, thì ngay sau đó gã có quyết định lên Phó cục trưởng thanh tra. Một chức vụ có thể nói, không lớn cũng không hề nhỏ, song ở vị trí đắc địa, ngứa mắt chọc thằng nào, thằng ấy đi điếu. Chẳng vậy, trong một lần khật khừ với mấy thằng bạn thời trẻ trâu, gã rỉ tai: Tao thừa tài lực để ngồi vào cái ghế cục trưởng, thứ trưởng, nếu muốn. Nhưng những thứ đó ở cái Bộ này chỉ là hư danh, chết thế mà thôi. Cái tao cần là quyền lực, bởi ở đất nước đang lộn tùng phèo, không biết thằng bé sợ thằng to, hay thằng ngồi trên sợ thằng ngồi dưới. Thằng nào cũng có cái Thóp để bóp cả. Nên, tao chỉ làm cục phó cho đến khi giải nghệ…
Xe đã về tới trước cửa nhà, câu chuyện Nguyễn Bình An kể về Tân Cháy phải dừng lại, dù chưa đến hồi kết. Tuy vậy, Tân Cháy vẫn cười ha hả, khen An có trí nhớ tuyệt vời.
Lê Thu Đông vợ An là bạn học thời trẻ trâu, và cũng là đồng nghiệp của An và Tân Cháy sau này, vẫn còn chờ cơm. Trời đã về sáng bữa nhậu vẫn chưa tàn. Song tôi đành phải tạm biệt vợ chồng An- Đông và Tân Cháy quay về Leipzig cho kịp giờ làm việc. Xe sắp chuyển bánh, thấy Tân Cháy chân trần chạy ra giựt cửa xe, ghé tai thì thầm:
-Nếu có hứng thú viết lách gì đó, đề nghị Đỗ Trường nhớ đổi cho cái tên nhé.
– Tỉnh rượu rồi hay sao, mà lại co rúm người vào như vậy.
-Một phần như vậy, nhưng cái chính canh bạc chưa đến hồi kết.
Tôi đùa:
-Ông cẩn thận, không lại bị xích cổ về như Trịnh Xuân Thanh, thì đi mò tôm đấy.
Gã cười:
-Vụ thằng Thanh cũng là một kịch bản. An ninh, mật vụ Đức, họ thừa biết, nhưng mắt nhắm mắt mở để các bố diễn xuất thôi. Do vậy, vụ án này không bao giờ có hồi kết, rồi sẽ đi vào quên lãng.
Nhận định này của Tân Cháy dường như cho tôi một sự đồng cảm. Tôi gật đầu, và cũng chúc gã công việc xuôi chèo mát mái cùng với Công ty luật ở Berlin vào tuần tới.
Leipzig ngày 8-8-2019
Đỗ Trường