BỨC ẢNH HƠN 60 NĂM LƯU GIỮ TUỔI 19 (Phạm Công Luận)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Gần đây, trên mạng xã hội, có nhiều người chia sẻ bức ảnh màu chụp hai cô gái trên đường phố Sài Gòn cách nay hơn nửa thế kỷ, căn cứ vào kiểu áo dài chít eo mà hai cô đang bận…

Tấm ảnh thu hút mọi người vì vẻ đẹp trong sáng của hai cô, với tà áo dài kín đáo và tha thướt. Có người phát hiện tấm ảnh có thể là ảnh gốc là ảnh đen trắng, có gắn chữ LIFE, tức là do phóng viên tờ báo này chụp và đăng trên báo. Một phiên bản khác của tấm ảnh được lưu hành song song, cho thấy bức ảnh có thể đã được chỉnh sửa hoặc được chụp ở khoảnh khắc khác khiến hai cô gái trong ảnh đang nghiêm nghị bỗng nở nụ cười rất đẹp. Dù sao, tấm ảnh hơn 60 năm trước rất thu hút người xem nhờ vào hình ảnh hai thiếu nữ dễ thương ngày xưa.

Bức ảnh nổi tiếng trên mạng xã hội – Bà Trần Thị Như Ngoạn (trái) và bà Tôn Nữ Như Ngân

Rất tình cờ, tôi phát hiện hai cô gái là mẹ và cô ruột của anh bạn cũ học cùng trường trung học Nguyễn Thượng Hiền cách nay hơn 40 năm. Qua mail, anh đã kể về câu chuyện bức ảnh về hai thiếu nữ ngày xưa nay đang ở tuổi 80.

Tấm ảnh tại Bạch Hạc trà quán, Hà Nội

Năm 1961, cô cựu nữ sinh trường Đồng Khánh Trần Thị Như Ngoạn vừa lập gia đình. Chồng cô là cựu học sinh trường Quốc Học. Đôi vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở Huế. Trong năm đó, Như Ngoạn đang sống ở Sài Gòn và cô em chồng, Tôn Nữ Như Ngân, cũng là bạn học từ năm lớp đệ Tam vừa từ Huế vào Sài Gòn.

Tuy không nhớ rõ, nhưng có thể đó là mùa hè năm 1961, đang trong đợt nghỉ hè nên Như Ngân mới có thể vào chơi. Cả hai bận áo dài màu tím nền nã sải bước trên vỉa hè khu trung tâm Sài Gòn. Đang đi trên đường phố, cả hai không cảm thấy có ai đó đưa ống kính máy ảnh vào mình, nhưng nếu có thì đó là chuyện bình thường, khi khách du lịch đã đến đất nước này đông dần sau chiến tranh.

Chuyến đi chơi cách nay hơn sáu mươi năm đó chìm dần vào quên lãng, cho đến 56 năm sau, vào một ngày giữa năm 2017, cô con dâu của bà Như Ngoạn vốn thích xem hình ảnh Việt Nam xưa đã tình cờ tìm thấy tấm hình chụp Mẹ và Cô chồng trên Internet. Bà Như Ngoạn lúc này đã cùng chồng sang Mỹ sống sau nhiều năm định cư ở Sài Gòn.

Tấm ảnh tại Quán Le Bon, California

Trong tấm hình này, bà Như Ngoạn mặc áo dài màu tím nhạt trơn và bà Như Ngân mặc áo dài chấm bông. Khi được nhìn thấy tấm hình được đăng trên tạp chí LIFE, mọi người trong gia đình ai cũng thấy bất ngờ, rất vui và vô cùng yêu thích tấm hình này. Hai nhân vật trong ảnh càng bất ngờ hơn nữa khi nhìn thấy tấm ảnh. Cả hai nhớ lại, lúc đó không ai biết mình được chụp hình và cũng không nhớ rõ con đường đang dạo bước. Ai đó đã giữ dùm tuổi trẻ của hai bà trong một bức ảnh, trong đó, Như Ngoạn hơi nghiêm nghị trong khi Như Ngân có vẻ ngây thơ hơn một chút dù cả hai đều đang ở tuổi mười chín.

Sau chuyến đi chơi này, Như Ngân tốt nghiệp Văn khoa Huế, đi dạy tại Quốc Học Huế từ 1968 và cũng lập gia đình. Sau khi về hưu ở thập niên 1990, bà Như Ngân dạy cho người nước ngoài, làm các loại bánh và vẽ tranh phong cảnh, tĩnh vật theo yêu cầu. Hiện tại, bà vẫn sống ở Huế với gia đình con trai út tại khu đất năm xưa của gia đình sau khi chồng mất.

Bà Như Ngân năm 65 tuổi tại tư gia – Huế
Bà Như Ngân năm 1995 tại Đà Lạt

Riêng bà Như Ngoạn, sau khi tốt nghiệp trường Cán Sự Điều Dưỡng Huế, ra làm y tá tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau trận đánh Tết Mậu Thân, vợ chồng bà quyết định vào Sài Gòn từ tháng 3 năm 1968, lúc bà đang mang thai đứa con thứ 5. Sau 1975, cả nhà sống ở hẻm 337 Lê Văn Sỹ (phở Quỳnh Tín) cho đến năm 2016. Vợ chồng bà đã nuôi sáu người con đều tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM trong khoảng thời gian vô cùng khó khăn thời bao cấp.

Sau 1990, bà trồng nhiều loại hoa lan tại nhà, với hơn 300 cây lan đủ loại và mấy lần đoạt giải của CLB Hoa Lan Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM. Đến năm 2011, ông bà sang Mỹ sống cùng với con cái cho đến năm 2019 mới trở lại Sài Gòn với mong muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn để sống những năm tháng cuối đời lại tại quê hương mình.

Vợ chồng ông bà Như Ngoạn
Gia đình bà Như Ngọan với sáu người con đều thành đạt

Trở lại với tấm hình chúng ta đang nói tới. Đến đầu năm 2018, cô con dâu của bà Như Ngoạn lại tìm thấy tấm hình này được treo ở Bạch Hạc Trà Quán ở Cầu Giấy, Hà Nội và sau đó được chủ quán gửi qua facebook messenger. Chủ quán nhắn mời cô và bà Như Ngoạn có dịp ghé quán thưởng thức trà và kể chuyện thời ấy. Theo họ, rất là “‘hữu duyên khi tìm thấy được chủ nhân của bức ảnh nổi tiếng này”.

Bà Như Ngoạn (trái) và bà Như Ngân năm 2021

Cũng trong khoảng thời gian đó, sau khi Facebook của bà Như Ngoạn đăng tấm hình này vào 2017, một người bạn của con gái của bà, khi vào quán ăn Việt Nam Le Bon ở Sunnyvale, California, Mỹ, đã ngồi ngay bàn ăn sát bức tường có treo tấm hình này. Anh ta đã chụp và gửi qua Facebook cho bà Như Ngoạn.

Câu chuyện này, đối với mọi người có thể là bình thường, nhưng đối với gia đình bà Như Ngoạn và bà Như Ngân, là một kỷ niệm đẹp hiếm có thời thanh xuân mà dư âm vang tận bây giờ. Không chỉ như vậy, tấm ảnh và câu chuyện hai thiếu nữ ngày xưa cũng mang đến cộng đồng mạng một cảm xúc đẹp nhẹ nhàng, gợi lại một thời tuổi nhỏ, tuổi trẻ của bao người gắn bó với thành phố này.

(Cám ơn bạn Tôn Thất Tân về sự giúp đỡ của bạn).

Nguồn: báo Người Đô Thị số tháng 5-2022

_____________

Sau khi anh Phạm Công Luận post bài viết này trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Cù Mai Công bổ sung:

Nhà bà Như Ngoạn trong cư xá Thoại Ngọc Hầu – khu Ông Tạ. Hồi đó tôi đi học, đi làm qua nhà bà thấy nhà trồng rất nhiều cây trên sân thượng – nay hình như là Trạm y tế phường 1, gần chỗ bán đậu hủ của chị dâu tôi.

Từ hẻm vô, nhà bà bên tay trái. Đầu hẻm 337 Lê Văn Sỹ (xưa gọi là hẻm Quỳnh Tín do một bên xưa là phở Quỳnh Tín, một bên xưa là nhà của ông Thứ trưởng Bộ Y tế VNCH, nay là Phở Phú Vương (chủ phở Phú Vương tên Cử, nhà trong xứ Tân Chí Linh của tôi, con gái lấy con trai tiệm tạp hóa đối diện nhà tôi hiện nay. Bố của chủ Phú Vương tên Tú, xưa hay đóng vai Chúa vác Thánh giá mùa Phục sinh; có tiệm hớt tóc nhỏ gần nhà thờ Tân Chí Linh, tôi hồi nhỏ hớt hoài – hiện nay gia đình vẫn ở).

Người con của bà Như Ngoạn học chung khối lớp 8, 9 với chúng tôi ở trường Ngô Sĩ Liên, rồi chung cấp ba ở trường Nguyễn Thượng Hiền, tên Tôn Thất Tân.

Chồng bà Như Ngân là cậu ruột của nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy. Cô Như Ngân nấu ăn, làm bánh khéo, vẽ tranh đẹp…

Chồng cô là thầy Lê Gia Phàm, bạn học thời niên thiếu ở trường Nam Giao, Huế với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nói thêm xíu nữa: Trước 1954, khu Ông Tạ đã có khá nhiều gia đình người Huế ở, chuyên trồng nhài từ đất của nhà thờ. Hồi 1954, bà con Huế ở đó đã chia sẻ, cưu mang, sang nhượng lại nhiều khoảnh đất với giá rất rẻ cho bà con Bắc 54 khu Nghĩa Hòa, Nam Hòa… Sau đó, nhất là sau Mậu Thân 1968, nhiều gia đình người Huế tìm đến Ông Tạ ở, có lẽ nơi này khá nền nếp, thuận hòa, sống được.

Nhiều người Huế ở Ông Tạ rất nổi tiếng như gia đình đại tá Lê Quang Tung (tư lệnh Lực lượng Đặc biệt VNCH, kiêm chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống), nhà trên đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân); đại tá Bùi Dzinh (tư lệnh Sư đoàn 9; gốc Lệ Thủy, Quảng Bình nhưng lớn lên, học nhiều năm ở Huế) nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa; gia đình cô Ánh Hồng, gốc Huế, vợ thiếu tá chỉ huy trưởng Trung tâm Yểm trợ và và tiếp liệu Huế trước 1975 Nguyễn Trọng Thìn, Bắc 54 Thái Bình…

Một công trình của bà con Huế giờ vẫn còn ở Ông Tạ, đó là đài Đức Mẹ trên đường Bắc Hải (nay vẫn còn) của thiếu tá Lý Trọng Song. Ông Song là em đại tá Lý Trọng Mỹ (ba của Mỹ Ly, bạn học lớp 4-5 trường Mai Khôi – nay là Bành Văn Trân với tôi) ở đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) nhìn sang trường Mai Khôi; trung tá Lý Trọng Lễ nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa… Nhà này là thông gia với bên nhà đại tá Bùi Dzinh.

Hẻm 20 Bùi Thị Xuân xưa rất nhiều người Huế, dòng Nguyễn Phước Tộc nổi tiếng với nhiều thi sĩ, nữ sĩ, có ông bác sĩ Ngân là dân biểu Quốc hội trước 1975. Hẻm này còn gọi là xóm Hẻm Len vì có cô Út là chủ hãng len (dòng dõi Tuy Lý Vương), có chung cư bên trong cho công nhân ở. Có cả con gái ông đổng lý văn phòng Phủ Thủ hiến ở Nha Trang, chủ bút một tòa báo và nữ sĩ Trinh Tiên – cùng thời với mấy ông bạn Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Quách Tấn…

Gần đó, đối diện trường Ngô Sĩ Liên tôi học có cư xá Việt Nam Thương Tín (nay là cư xá 2/9) có ông Nguyễn Phước Vĩnh Đào cũng dòng dõi hoàng tộc. Cạnh nhà tôi là nhà một nhạc sĩ Huế nổi tiếng: Thông Đạt/Văn Giảng của “Ai về sông Tương”, “Hoa cài mái tóc”… Xóm gọi là bác Giảng; tôi chơi đánh cù, dích hình, đá dế… và vật lộn với hai đứa con trai bác hoài… Ông Tạ đúng là vùng đất từ 1954 trở thành nơi tụ hội đa số người Bắc 54. Nhưng đến nay, vẫn còn đó rất nhiều bà con Nam bộ cố cựu, bà con miền Trung… Tất cả một nhà, không xa lạ, không kỳ thị, lây tính nhau, lai giọng nhau và học hỏi nhau…