BIỂN ĐÔNG: ÚC, EU TĂNG CƯỜNG HỌP TÁC CHỐNG CÁC HÀNH ĐỘNG “GÂY BẤT ỔN”

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel chủ trì cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Úc-UE ngày 26/11/2020, Bruxelles, Bỉ. REUTERS – JOHANNA GERON

Ngày 26/11/2020, thủ tướng Úc và các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để bàn về quan hệ song phương. Trong bản thông cáo chung đúc kết hội nghị, được công bố cùng ngày, ngoài các vấn đề y tế, kinh tế, thương mại…, hai bên còn đặc biệt nêu bật quyết tâm tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh tại vùng châu Á Thái Bình Dương, trong đó có việc chống các “hành động gây bất ổn” tại Biển Đông.

 

Riêng về Biển Đông, các lãnh đạo Úc và Liên Âu đã bày tỏ nỗi “quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương và gây bất ổn” trong vùng biển này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.

Dù bản thông cáo không nêu đích danh nước nào gây bất ổn định, nhưng theo giới quan sát, rõ ràng là Úc và Liên Âu ám chỉ đến Trung Cộng, nước càng lúc càng có thêm nhiều động thái hung hăng trên Biển Đông nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền rộng khắp của họ.

Trung Cộng đánh thuế cao lên rượu vang Úc

Thượng đỉnh Úc-Liên Hiệp Châu Âu mở ra trong bối cảnh quan hệ Canberra-Bắc Kinh đang rất căng thẳng, với việc Trung Cộng ngày càng lớn tiếng hù dọa và ban hành một số biện pháp trừng phạt thương mại nhắm vào Úc, mà quyết định mới nhất được loan báo hôm nay, 27/11.

Theo bộ Thương Mại Trung Cộng, ngay từ cuối tuần này, rượu vang nhập khẩu từ Úc vào Trung Cộng sẽ bị áp thuế chống bán phá giá lên đến hơn 100%.

Trước rượu vang, Bắc Kinh đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt thương mại khác nhắm vào hàng nhập từ Úc, từ than, đồng, cho đến lúa mạch, thịt bò.

Theo các nhà phân tích, Trung Cộng đã dùng biện pháp trừng phạt kinh tế để trả đũa việc Canberra cấm tập đoàn viễn thông Trung Cộng Hoa Vi phát triển mạng 5G ở nước Úc, cũng như việc thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 xuất xứ từ Vũ Hán.

Tin RFI