BẪY NỢ: NAM THÁI BÌNH DƯƠNG SẬP BẪY NỢ TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Vùng Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nằm trong tuyến “Vành Đai Con Dường” rơi vào bẫy nợ của Trung Cộng

Trung Cộng từ lâu không giấu giếm tham vọng thống trị các khu vực chiến lược quan trọng. Do đó, Bắc Kinh dùng tiền và tạo áp lực để “bẫy” một loạt các nước nghèo, hiện thực hóa tham vọng của mình. Và phương tiện chính của chiến thuật này là sáng kiến “Vành đai, Con đường – BRI (Belt and Road)” mà Trung Cộng tạo ra để mở rộng ảnh hưởng thông qua một loạt các khoản đầu tư ở nước ngoài.

Với BRI, Trung Cộng muốn đổ tiền vào những nước nghèo, sau đó kiểm soát các cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng khi các “con nợ” không trả nổi. Ðến nay, chiến thuật này đã gặt hái thành công khi Sri Lanka phải cho Trung Cộng thuê hải cảng nước sâu Hambantota trong 99 năm để “khất” khoản nợ 1.1 tỉ USD, trong khi Djibouti cho phép Trung Cộng nắm quyền kiểm soát một hải cảng và một căn cứ quân sự.

Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang áp dụng chiến lược tương tự ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo đó, Tonga, quốc gia nhỏ bé với dân số 106,000 người, đang nợ Trung Cộng khoảng 125 triệu USD, gần bằng ¼ GDP của nước này. Năm 2006, cuộc nổi loạn chống chính phủ gần như phá hủy thủ đô Nukualofa. Sau khi bất ổn tạm lắng, Bắc Kinh đã nhảy vào “giúp đỡ”.  Năm 2018, trước yêu cầu tái cấp vốn, Tonga cần tăng gần gấp đôi khoản vay ban đầu trị giá 65 triệu USD từ Trung Cộng khi Thủ tướng Akilisi Pohiva cùng với lãnh đạo một số quốc gia Nam Thái Bình Dương khác tìm cách xin Bắc Kinh xóa nợ. Khi đó, 8 nước Nam Thái Bình Dương nợ Trung Cộng tổng cộng hơn 1 tỉ USD. Dù vậy, ông Pohiva khi đó bày tỏ lo ngại rằng để được xóa nợ, Tonga phải “cấn” cho Trung Cộng nhiều tài sản chiến lược, giống như trường hợp của Sri Lanka và một số nước khác. Cuối cùng Tonga chấp nhận gia nhập BRI để khoản nợ được hoãn trả trong 5 năm (chỉ hoãn trả nợ chứ không hủy nợ!)

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Kiribati, một chuỗi đảo xa xôi khác ở Nam Thái Bình Dương. Ðộ cao trung bình của Kiribati chỉ cao hơn mực nước biển chừng 2 mét, khiến quốc gia này có thể chìm vào đại dương do hậu quả của biến đổi khí hậu. Do đó, Kiribati đã tìm cách vay nợ từ Ðài Loan để mua máy bay thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa các đảo san hô và phát triển du lịch. Song, sau khi bị Ðài Bắc từ chối, Tarawa hồi tháng 9/2019 đã “ngã vào tay” Bắc Kinh, chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan. Và vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Taneti Maamau đã đồng ký tham gia BRI trong một thỏa thuận cho phép Trung Cộng tiếp cận các hải cảng nước sâu quan trọng ngoài khơi đảo Kiribati.

“Nối gót” Kiribati, Quần đảo Solomon, một nước nhỏ ở phía Ðông Bắc Úc, cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan và ngã về Trung Cộng. Ngay sau đó, giới đầu tư Trung Cộng đã mua quyền khai thác vĩnh viễn cơ sở khai thác vàng Gold Ridge của Solomon với giá 865 triệu USD. Vài tháng sau đó, Reuters tiết lộ Solomon tìm cách vay Bắc Kinh 100 tỉ USD, gấp 66 lần GDP của nước này.

Một trường hợp đáng lo ngại khác là Vanuatu, chuỗi đảo nằm ở phía Ðông Nam Quần đảo Solomon. Trong khi Vanuatu có quan hệ kinh tế, văn hóa mạnh mẽ với Úc, New Zealand và Liên minh châu Âu (EU), tương lai của nước này ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Cộng. Ðược biết, hơn một nửa trong số 440 triệu USD nợ công của Vanuatu là đến từ Trung Cộng. Không những vậy, Bắc Kinh còn tài trợ xây dựng hải cảng lớn nhất ở Nam Thái Bình Dương tại Luganville, thành phố lớn thứ hai ở Vanuatu. Hải cảng này có quy mô lớn, có thể neo đậu Hàng Không Mẫu Hạm, khiến Chính phủ Úc lo ngại về khả năng Trung Cộng xây dựng một căn cứ hải quân trong tương lai tại đây.

Giới phân tích cho rằng, mục đích “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Cộng tại khu vực một là nhằm cho phép Bắc Kinh tạo áp lực, ép các nước láng giềng nhỏ bé cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan; và hai là cho phép Trung Cộng xây dựng sức mạnh hải quân, nâng cao năng lực trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Mỹ.

Theo National Review