BÁC SĨ PHẠM GIA CỔN VÀ “GIA ĐÌNH HOÀNG HẠC”_ 13 NĂM CỐNG HIẾN GIÚP ÍCH CHO ĐỜI (Tâm An/NguoiViet)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Thứ Bảy, 24 Tháng Tám, hàng trăm môn sinh và khách mời của Gia Đình Khí Công Hoàng Hạc đã hội tụ về đông đủ tại Trung Tâm Huấn Luyện Vô Vi Nam, Việt Võ Đạo – Nguyễn Bá Học, ở thành phố Westminster, để kỷ niệm 13 năm thành lập.

Nói chuyện với phóng viên Nhật Báo Người Việt, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, người sáng lập ra môn thể dục Khí Công Hoàng Hạc giải thích: “Tôi sáng lập ra môn Khí Công Hoàng Hạc từ năm 2006. Từ đó tới nay, có hàng trăm môn sinh theo học và chúng tôi thân mật như một gia đình. Tuổi cao niên thường hay gọi là ‘tuổi hạc’. Môn khí công này vừa ‘nhẹ nhàng, vừa khoan thai, hơi thở tự nhiên’ rất thích hợp với người tuổi hạc (cao tuổi). Cho nên tôi đặt tên là Hoàng Hạc.”

“Đây là một môn thể dục được sáng tạo ra dựa trên những kiến thức y khoa của cá nhân tôi và đúc kết kinh nghiệm từ các môn võ như Thiếu Lâm, Taekwondo, Hapkido (của Đại Hàn) và Aikido (của Nhật) mà tôi đã tập luyện,” Bác Sĩ Phạm Gia Cổn giải thích thêm.

Các môn sinh của lớp thể dục khí công Hoàng Hạc trình diễn một số bài khí công tiêu biểu. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Bác Sĩ Phạm Gia Cổn xuất thân là bác sĩ quân y thuộc binh chủng Nhảy Dù. Ông từng là giáo sư giảng dạy 28 năm tại đại học UCLA, chuyên ngành gây mê và trị đau nhức. Ông đồng thời cũng từng là chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California. Mặc dù nghỉ hưu từ năm 2010, nhưng thay vì dành thời để mở phòng mạch như nhiều bác sĩ khác, ông lại dành thời gian vào việc phát triển và nuôi dưỡng môn khí công Hoàng Hạc. Ông trực tiếp chỉ dẫn miễn phí cho mọi đồng hương, với mục đích “giữ gìn sức khỏe, thoải mái về tinh thần, chậm tiến trình lão hóa”. Bác sĩ Cổn cũng nói rõ: “Môn khí công này không chữa bệnh mà chỉ giúp cho bệnh ở tình trạng ổn định mà thôi.”

“Đây là môn khí công giản dị, là sự phối hợp của môn võ nhạc, với bốn thế chính là ‘bấm, vòng, vươn, buông’. Môn thể dục này chú ý vào hô hấp, cử động và tâm ý. Dựa trên quan niệm ‘Thanh Tâm, Quả Dục, Tinh Nghiên, Chuyên Luyện’ tức là các môn sinh khi tập thì tinh thần phải thật trong sáng, có nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hành chăm chỉ, kiên nhẫn, tâm không quá mong muốn có kết quả nhanh,” Bác sĩ Phạm Gia Cổn trình bày tóm tắt về môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc.

Môn sinh Vũ Thị Phước Lý, tặng bác sĩ Phạm Gia Cổn một tấm bích chương do bà tự tay làm. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Tham dự buổi lễ kỷ niệm, ngoài các môn sinh ở Little Saigon còn có khách mời là “các anh em  từ Nam California và từ Washington cũng tới dự,” Bác sĩ Phạm Gia Cổn giới thiệu.

Gia chưởng Trần Lục, hiện đã 83 tuổi, là một trong những người đầu tiên học khí công Hoàng Hạc, chia sẻ: “Nhờ tập môn khí công Hoàng Hạc mà đến nay  tôi vẫn giữ được sức khỏe, dù ở tuổi 83. Trong gia đình tôi, có những người trẻ tuổi hơn tôi cũng đã qua đời.”

Các môn sinh tỏ lòng tri ân và cảm phục người sáng lập ra môn khí công Hoàng Hạc, giúp ích cho đời sống họ bằng các bài hát, quà tặng và những lời cảm ơn. Bà Vũ Thị Phước Lý, môn sinh mới gia nhập gia đình Hoàng Hạc được mấy tháng, đã tự tay làm một tấm bích chương màu xanh khổ lớn, có biểu tượng hình con hạc để treo lên tường làm kỷ niệm. Bà Nguyễn Mộng Tâm, 74 tuổi, sống tại Westminster, bày tỏ niềm cảm kích bằng một giỏ hoa tặng Bác Sĩ Phạm Gia Cổn. Bà nói: “Ông xã tôi, nhờ tập môn khí công Hoàng Hạc mà giữ được sức khỏe, tinh thần vui vẻ lạc quan, nên tôi vô cùng cám ơn bác sĩ và gia đình Hoàng Hạc.”

Hàng trăm môn sinh và khách mời tham dự lễ kỷ niệm 13 năm thành lập gia đình Hoàng Hạc (Hình: Tâm An/Người Việt)

Ông Đỗ Kim Thiện, chồng bà Tâm,  vui vẻ cho biết thêm: “Trong một lần gặp lại bạn bè cũ thời học trường Chu Văn An, tôi được giới thiệu môn khí công này, nên mới tới để tìm hiểu. Tôi học rất chăm chỉ, về nhà tập đều đặn, học từ 7 thế, rồi từ từ lên đến 64 thế.  Vì thế chỉ mấy tháng sau tôi được làm giảng viên, phụ cho thầy Phạm Gia Cổn tập cho các môn sinh.”

Sau phần giảng giải của Bác Sĩ Phạm Gia Cổn về môn khí công Hoàng Hạc, các môn sinh đã trình diễn một số bài khí công tiêu biểu.

Đáng ngưỡng mộ nhất là hình ảnh bà Nguyễn Ngọc Cam, 88 tuổi, ở Santa Ana, lên biểu diễn một màn khí công ‘đánh ván’. Một miếng ván bằng gỗ, hình chữ nhật kích thước chừng 25cm x 40cm dày chừng 2cm, vậy mà chỉ cần tung một chưởng bằng bàn tay phải, miếng gỗ đã gãy làm đôi. Bà được phong là “chuyên viên đánh ván,” được đi cùng Bác Sĩ Phạm Gia Cổn “biểu diễn” ở nhiều nơi.

Môn sinh Hoàng Hạc Nguyễn Ngọc Nga, 88 tuổi, cư dân Santa Ana, biểu diễn màn khí công “đánh ván”, tấm ván gỗ gãy đôi sau một cú đánh của bà. (Hình: Tâm An/ Người Việt)

Bà Cam, dù đã gần tuổi “cửu thập cổ lai hy” nhưng dáng đi vẫn thẳng lưng, nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, nụ cười tươi tắn, tai thính, mắt tinh. Bà cho biết: “Trước kia tôi hay nhức mỏi chân tay lắm, rồi bạn bè giới thiệu tôi tới đây học. Tôi tự đi xe bus, tính cả thời gian đi bộ chờ và đi xe bus là hơn một giờ đồng hồ mới tới được nơi học. Nên học được mấy tháng đầu tôi tính nghỉ. Nhưng tôi nhận ra bệnh đau nhức của mình giảm hẳn. Thế là tôi đi học lại. Từ đó tới nay đã được 5 năm.”

Đến nay, theo Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, có khoảng trên 300 môn sinh đã tập luyện môn khí công này bởi vì những lợi lạc mà họ nhận được là không hề nhỏ. Chẳng thế mà một số môn sinh mới là những người nổi tiếng cũng thu xếp tới tập luyện. Chẳng hạn như ca sĩ Ngọc Hà từ thành phố Orange cũng không quản ngại đường xa, hay xướng ngôn viên Như Hảo, giám đốc đài phát thanh Mẹ Việt Nam, dù rất bận rộn cũng vẫn dành thời gian cho khí công Hoàng Hạc.

 (Tâm An)