BA MƯƠI NĂM NHÌN LẠI – NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

BA MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

Cuốn nhật ký ngày đã viết xong vào ngày sinh nhật thứ 30 của tôi. Nhưng đã bị bỏ nằm im lìm suốt 30 năm. Nay do nhiều cơ duyên hợp lại nên tôi quyết định xuất bản để mọi người cùng đọc. Mới đây, vào ngày 24 tháng bốn năm 2002, tôi được một người không quen biết tới thăm. Một bà chính gốc An Lộc, hiện định cư tại Minnesota. Nhân một chuyến về California, nghe người nhà nói tôi đang cho in cuốn Nhật ký An Lộc nên không ngại tới thăm tôi tại văn phòng và ngỏ ý muốn được đọc cuốn này. Thế là sách chưa in ra tôi chắc chắn sẽ có một độc giả rồi.

Sau vài phút ngắn ngủi trao đổi những kỷ niệm xưa, tôi cho bà coi mấy tấm hình sẽ in trong tập nhật ký của tôi. Bà rất thích thú và ngạc nhiên sao tôi còn có thể giữ được những tấm hình độc đáo như thế. Bà cho biết là có hai người em mất trong trận đánh này vì trúng đạn pháo kích của địch. Trước khi ra về, bà nói với tôi:

– Với một trận chiến như vậy mình còn đánh thắng, An Lộc còn đứng vững, để rốt cuộc mình bị thua năm 1975 thì đau quá.

Tôi cũng có nỗi đau như bà. Quân đội của mình đâu có yếu.

Thời gian 30 năm khá dài cho một đời người nhưng chỉ là một nháy mắt trên chiều dài của lịch sử. Đặc biệt là trong khoảng thời gian đó nhiều biến cố đã xảy ra làm thay đổi tận gốc rễ của cả một dân tộc. Cả triệu người đã phải ra đi tìm tự do, trong đó có tôi, một trong những người may mắn được sống sót trong bước đường vượt biển đầy cam go nguy hiểm. (Chiếc thuyền tôi đi đã bị hải tặc Thái Lan cướp tới 14 lần.)

Có một điều tôi rất lấy làm hài lòng khi nhìn lại cuộc đời mình 30 năm sau trận An Lộc. Tôi đã giữ đúng lời tự hứa là ráng ăn ở cho trong sạch, dù vì miếng cơm manh áo thì cũng phải là đồng tiền tốt, không tham lam bán rẻ lương tâm mình để đi lạc đường. Đừng làm những gì để tự mình khinh mình là được. Tôi đã trải qua những kinh nghiệm sống chết rồi thì những phù hoa tạm bợ ở đời này còn có ý nghĩa gì đối với tôi nữa.

Điều làm tôi suy nghĩ kể từ ngày thoát chết sau trận An Lộc, nếu phải làm lại thì mình có thể làm được gì khác hơn để số phận của thương binh được tốt hơn không?

Tôi có cảm tưởng rằng với một trận đánh lớn như vậy, về phần yểm trợ y tế cho chiến trường quả thực có phần thiếu sót. Đáng lẽ ra sau khi phòng mổ bị pháo hư, bệnh viện phải được di chuyển ngay tới một chỗ khác an toàn hơn để toán Giải Phẫu Cấp Cứu có thể tiếp tục làm việc. Tuy nhiên chậm còn hơn không. Quyết định của Đại tá Tỉnh Trưởng nhường cho bệnh viện một căn hầm để làm việc trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu rất là sáng suốt.

Mặc dù tổng số các bác sĩ Quân Y tham dự trận này là 16 người. Một con số mới nhìn vào tưởng là đủ nhưng trên thực tế, cả chiến trường chỉ trông vào một Bệnh Viện Tiểu Khu thì quá thiếu. Có thể các cấp chỉ huy đã nghĩ rằng, phương tiện tải thương mới là chính. Điều đó chỉ đúng trong một thời gian rất ngắn ở giai đoạn đầu, khi trực thăng còn có thể đáp xuống An Lộc. Tới hồi cao điểm của cuộc chiến, Bệnh Viện Tiểu Khu trở thành vai trò chủ yếu vì đường bộ và đường hàng không đều bị cắt cả.

Thay vì phải có ít nhất ba toán Giải Phẫu Dã Chiến thay phiên nhau làm việc, trong cuộc chiến chỉ có một toán giải phẫu bao giàn tất cả. Sự phối hợp giữa Tiểu Đoàn 5 Quân Y và Bệnh Viện Tiểu Khu rất tốt và có kế hoạch đàng hoàng. Nhưng khi thương binh tràn ngập bệnh viện với số người như vậy vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu.

Bây giờ kiểm điểm về những bạn bè đã cùng tôi đi qua đoạn thời gian ấy nay sau 30 năm ai còn ai mất.

Trước hết về phía Quân Y những người đã sống cùng tôi trong Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long: bác sĩ Nguyễn Phúc, Nguyên Y Sĩ Trưởng bệnh viện, vì một tình cờ nào đó anh vượt biên cùng một thời gian với tôi và chúng tôi gặp nhau tại sở xã hội ở Los Angeles vào đầu năm 1980. Anh cười cười nói đùa với tôi:

– Lại gặp nhau nữa, chán quá!

Chúng tôi cùng đi học lớp Kaplan luyện thi cho ECFMG và FLEX. Kỳ thi tháng 7 và tháng 12 năm ấy, chúng tôi may mắn đều đỗ ngay lần thi đầu tiên. Sau đó chúng tôi lại chia tay nhau, nhưng đều đi lên miền Bắc Mỹ để kiếm bệnh viện học về chuyên khoa. Chúng tôi mất liên lạc từ đó. Cho tới năm 1999 tôi mới biết anh hiện giờ đang làm việc ở Veteran Hospital, tiểu bang Minnesota. Anh cho biết bây giờ chỉ tà tà vui thú điền viên thôi, vì hai đứa con trai anh bây giờ đã lớn. Hai cháu đều học rất giỏi, cháu lớn đang học ở Mayo Clinic chương trình MD, PhD. chắc nay cũng xong rồi.

Bác sĩ Lê Hữu Chí sau năm 1975 cùng ở trong trại cải tạo với tôi ở mật khu Bù Gia Mập, đã ở lại Sài Gòn tiếp tục hành nghề, làm tại Bệnh Viện Nguyễn Văn Học gần nhà anh. Tôi không được tin tức gì chính xác, nhưng nghe nói anh khá thành công.

Thượng sĩ Lỹ sau lên Chuẩn úy. Tôi có gặp một lần ở Sài Gòn trước 1975.

Trung sĩ Sáu Xòm lên Thượng sĩ đổi về Bệnh Viện Tiểu Khu Sa Đéc, quê của anh.

Binh nhất Thiện và những người trong toán giải phẫu sau này, tôi hoàn toàn mất liên lạc không biết hiện giờ ở đâu.

Cô Bích, sau khi tôi đổi về làm tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, có đến thăm tôi một lần nhưng không gặp. Cô có để lại một chục trứng gà cô mang từ Long An lên để biếu tôi. Có một lần tôi với bác sĩ Lê Quang Tín ngồi uống bia ở đường Lê Lợi gặp cô đi cùng với người hùng của cô là Trung úy Dù. Chúng tôi chỉ chào hỏi rồi mạnh ai đi đường nấy. Sau năm 1975, tôi có nghe cô lại về Bình Long và được phong làm y sĩ làm việc ở Bệnh Viện Quản Lợi. Tôi không tin điều này vì ai dại gì trở về nơi có nhiều kỷ niệm kinh hoàng đó mà sống.

Thiếu úy Phạm Quang Thu sau năm 1975, làm ăn rất khá ở Sài Gòn. Nhưng rốt cuộc cũng sang Mỹ mấy năm trước. Nghe nói làm chủ một tiệm furniture nào đó ở Anaheim. Tôi cứ nghĩ là Thu ở gần mình, đến thăm lúc nào cũng được, ai ngờ tôi được tin Thu mới mất vào đầu tháng tư năm nay, 2002.

Các bác sĩ Tích, Nam Hùng đều đã tới Mỹ và hiện giờ đang ở Nam California. Tôi chỉ gặp anh Nam Hùng, còn anh Tích chỉ được nói chuyện điện thoại, chưa có dịp gặp tận mặt.

Ông bạn vong niên của tôi là Trung tá Diệm sang Mỹ từ năm 1975. Ông đi được cả gia đình. Chúng tôi thật có duyên với nhau. Trường hợp ông Diệm tìm ra được tôi rất ly kỳ. Tôi vượt biên năm 1979 với cô em gái. Hai anh em tôi tới Mỹ từ năm 80, chẳng có bà con thân thuộc gì cả. Vào ngày mùng 2 tết âm lịch năm 1980, tôi không nhớ là Tết con gì. Trong lúc chúng tôi đang nằm buồn nhớ nhà, nhớ Sài Gòn thì có tiếng đập cửa khá mạnh. Tôi chạy ra mở thì thấy cả gia đình ông Diệm đứng đầy cửa. Ông bạn tôi không có gì thay đổi lắm nhưng những cậu con của ông đều to lớn dềnh dàng không thể nhận ra được. Trước vẻ mặt sững sờ ngạc nhiên của tôi, ông Diệm cười toe nói:

– Ông Quý thấy tôi tài chưa! Nước Mỹ rộng lớn thế này mà tôi tìm được ông trúng phóc, mà chỉ trong có một ngày thôi đấy nhé.

Tôi mỉm cười trả lời ông:

– Dĩ nhiên là tôi phục ông rồi. Sao ông lại biết tôi ở đây mà kiếm?

– Cũng chỉ là tình cờ thôi. Hôm qua, tôi đến nhà một người quen chúc Tết, gặp mấy người mới từ bên đảo qua. Tôi nghe nói họ là bác sĩ. Tôi vội hỏi: ở bên nhà ông có nghe nói có bác sĩ nào tên Quý không? Ông bác sĩ đó vội nói: có, tôi ở chung phòng với một bác sĩ tên Quý cùng đi với một con em gái tên là Tuệ. Tôi liền la lên: đúng rồi đó là bạn tôi đó. Rồi tôi hỏi tới và biết rằng ông đã sang Mỹ được một tháng và được chùa Việt Nam ở Los Angeles bảo trợ. Thế là tôi phôn tới chùa và có địa chỉ của ông nên hôm nay mới mang cả nhà tới thăm ông đây.

Nhà ông Diệm ở tận San Bernardino. Trước khi về ông hẹn hôm sau sẽ trở lại đón hai anh em tôi tới thăm gia đình ông. Thế là chúng tôi bắt được liên lạc với nhau từ đấy. Sau đó gia đình ông Diệm dọn ra Huntington Beach. Còn tôi thì đi New York tiếp tục con đường Y Khoa. Mỗi lần về Cali tôi lại ghé thăm nhà ông, thưởng thức những món nhậu hấp dẫn do bà Diệm nấu, ôn lại chuyện ngày xưa rất là thoải mái. Không ngờ ông bạn tôi lại bị bệnh mất cách đây mấy năm.

Ở gần tôi hiện nay, chỉ còn lại một sếp lớn của tôi là Tướng Trần Văn Nhựt, sang Mỹ từ năm 1975, vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn hăng say làm việc cộng đồng như thuở nào. Tôi biết ông từ năm 1968 tức là 34 năm. Tôi phục ông có tinh thần lạc quan, sáng suốt và nhiều nghị lực. Ông hơn tôi sáu tuổi. Giờ này tôi chỉ muốn vui thú điền viên thì ông lại bay đi Úc, đi Pháp, Canada hay các tiểu bang trong nước Mỹ để nói chuyện với đồng bào, với hoài bão nối nối vòng tay lớn. Lâu lâu gặp ông, nhâm nhi một ly Cognac thì cũng vui lắm.

Viết lại xong ngày 30 tháng 4 năm 2002
Nguyễn văn Quý