BA LẠNG VÀNG VÀ BA TRIỆU ĐÔLA ! (Kiều Thị An Giang)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Đây là câu chuyện có thực, vừa được nhà thơ Kiều Thị An Giang (hiện ở Đức) thuật lại. Chuyện cũ nhưng giờ mới kể…
Berlin, mùa Thu 2014. Một người bạn rủ tôi đi theo một phái đoàn tôn giáo, để thỉnh đạo, học hỏi và viết, bạn ấy bảo thế. Sau này, tôi biết, họ đi khảo sát tình hình bà con Việt kiều bên này để xây thêm một ngôi chùa. Thời điểm đó, tại Berlin, đã có ít nhất hai ngôi chùa của người Việt. Riêng chuyện xây chùa ở Đức là một câu chuyện khác. Câu chuyện mà tôi kể đây chỉ liên quan đến ba lạng vàng.
Trong phái đoàn tôn giáo có rất nhiều đại đức, hòa thượng trị vì những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt . Trong phái đoàn tôn giáo có rất nhiều đại đức, hòa thượng trị vì những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam. Có một vị nhìn như La Hán, thâm u và phiêu diêu, không biết đường tu đã đến cửa nào. Còn lại, đại loại cũng như ta cả, từ ăn nói đến sinh hoạt, tham sân si đủ cả. Đó là điều khiến tôi ngỡ ngàng. Nhưng thôi, Mô Phật. Chuyện đâu biết đó. Ngày cuối cùng, các vị ấy đã làm một việc ngoài dự kiến là sang thăm chùa Linh Thứu, ngôi chùa nổi tiếng nhất Berlin về quy mô, lịch sử và số người thăm viếng. Chùa Linh Thứu vốn của bà con thuyền nhân, sau này xây dựng lại khang trang và là nơi hành lễ của bà con Phật tử khắp nơi, không phân biệt là thuyền nhân hay người ra từ miền Bắc. Một vị tùy viên báo chí (Hội “Phật giáo nhà nước”) hỏi tôi, có phải ngôi chùa ấy nổi tiếng chống… Cộng không? Ý ông ta là chống bà con “phía bên này”, và dĩ nhiên, chống phá “Đảng”. Câu trả lời là: Không.
Cả phái đoàn cùng mục sở thị chùa Linh Thứu. Lúc ở trong ngôi chùa ấy, tôi mới biết đoàn không chỉ có các tăng ni mà còn rất nhiều bằng tiền túi hay có ai bao thì không rõ. Bậu xậu khá đông. Rồi một người bạn chỉ vào một người đàn bà cao lớn đẫy đà, dáng quê kểnh nhưng lộ vẻ quan cách, Bạn ấy bảo rằng, bà kia là vợ ông ấy, ông nọ, to lắm, giá mà làm quen được thì hay. Tha hồ mà nhờ vả. Cứ tưởng sang đến đất nước tự do, chỉ cần sống đúng luật, làm công dân tốt của nước họ đã là hạnh phúc. Nhưng không, không ít người vẫn thích tìm đến những cây đa cây đề xin tí bóng râm.
Người bạn ấy vừa thách vừa năn nỉ tôi, làm thế nào xin được của bà phu nhân nọ cái… “card visit”. Thế là máu tò mò và yên hùng nổi lên. Tôi đồng ý.
Quan sát tình hình, tôi nhận ra bà ta đi cùng một nhóm người, trong đó có một cô gái trẻ, dáng như người giúp việc hay thư ký gì đó. Tôi tỉa ngay cô nàng. Sau năm phút nói chuyện, cô đưa cả hai tay cho tôi phán. Tình duyên, gia đạo, công danh. Chỉ ba câu, cô đã rối rít bám chặt lấy. Tôi lờ đi. Thính rải thế là đủ. Chỉ đợi cá lớn cắn câu.
Đoàn ra đến sân bay, tôi làm như vô tình đứng gần vị phu nhân nọ. Quan chức Việt Nam có ai không mê tín? Càng lên cao càng cần đến thần linh. Chồng làm càng to, bổng lộc càng nhiều, vợ con càng lê la đình chùa miếu mạo. Có bà còn hầu đồng theo bóng quanh năm. Tôi cứ theo cái quy luật ấy mà triển khai và hợp đồng tác chiến, chả phải thiên nhãn thiên thủ gì cả. Còn xem tay, xem tướng, cũng cần có chút kiến thức, nhưng chủ yếu dựa vào thần giao cách cảm, linh cảm, trực giác… (cái này đã giúp tôi tránh được vô số tai ương trong cuộc sống), cộng với kinh nghiệm sống, và một phần không nhỏ của tài…. bắt nọn, đoán mò.
Cô gái đang say đòn xán ngay đến. Một hai rằng chị xem nốt cho em đi, chị nói trúng quá như nằm gầm giường ý. Lần này thì bà phu nhân giỏng cả hai tai lên nghe, sấn ngay vào. Rồi! Coi như cá đã cắn câu. Khi bà ta rút cái “card visit” ra đưa cho tôi, cô bạn đi cùng há hốc miệng vì thán phục. Chính mắt cô thấy bà ta tự làm quen chứ không phải tôi, nhé. Tôi đưa cho vợ chồng cô cái “card”, coi như hoàn thành lời thách đấu. Với tôi, tất cả những thứ ghi trong đó kèm chức vụ lằng nhằng đều vô nghĩa. Có điều, không ai biết tại sao bà phu nhân lại đưa cho tôi cái “card”.
Bàn tay bà ấy có hình cái quan tài nằm giữa cung phu. Tôi bảo. Bà cuống lên, thì thào với tôi, rằng bà đang cúng ba lạng vàng để đúc một cái chuông cho nhà chùa. Chùa nào thì bà không nói nhưng bà nói chùa ấy linh lắm cơ. Bao lâu nay, bà đi van vái, đút vàng để đúc chuông khắp nơi. Bà sang Đức không ngoài mục đích ấy. Cái tâm của bà hẳn động lòng Trời Phật, vì mỗi khi thỉnh chuông, vàng của bà sẽ lay động đủ mười phương. Có một điều tôi không nói với bà, rằng bà có cúng cả ngàn cây vàng cũng không xóa được cái quan tài nằm chình ình giữa cung phu. Phật chả độ vàng, Phật độ tâm, bà ạ. Bởi bà ấy là phu nhân ông Nguyễn Bắc Son.
Sau này tôi mới biết, đó là ông bộ trưởng hét ra lửa, xịt ra khói, ộc ra tiền những năm ấy. Ông là sĩ quan quân đội to vật vã, là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, là đại biểu Quốc hội… Ông Son dính vào vụ án tham nhũng ồn ào mà cuối năm ngoái bị xử tử hình nhưng gia đình kêu khóc vật vã xin tha và nộp lại ba triệu USD tiền nhận hối lộ. Không biết, nếu khi ấy, vợ ông Bắc Son cúng đủ ba triệu USD thì cái quan tài liệu có mờ đi không? Liệu có kết cục như hôm nay không?
Nói thêm tí ạ. Vụ chùa chiền hồi đó, tôi có lần tiếp xúc với một nữ Phật tử tại Berlin thuộc loại “hét ra oai, khạc ra tham vọng”, bàn tay thì ngắn mà muốn che cả trời. Hiện chị ấy đang ung thư máu giai đoạn cuối. Mô Phật.
Hình như Phật tại tâm. Không phải tại nơi cửa chùa.
 
image.png